Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015



Bài này của Bạn Bùi Khương Bội Hoàn mà trang Vân Đài loại ngữ đăng hồi năm 2007. Tuy cũ nhưng vẫn mới đối với chúng ta, tôi nhớ bài báo mà bạn Bội Hoàn nêu hình như báo Trắng Đen thì phải vì báo này thờI đó không ưa Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Trang Vân Đài loại ngữ do bạn Trần Nguyên Hùng biên tập nhưng đã trãi qua 6 năm không có bài viết nào nữa, tôi có điện cho Bội Hoàn hỏi thì được biết bạn Nguyên Hùng giờ rất bận công việc nên không còn thời giờ lo cho trang web.

Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn trong thời hoàng kim của nó không ít có kẻ không ưa vì sự ganh tị nhưng nó vẫn chứng minh giá trị của nó và vẫn tiếp tục chứng minh nếu không có cái ngày định mệnh 30/4/1975.


Posted on October 3, 2007by vdln21
"Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn, đống rác giữa đô thành"

Thưa các bạn hữu,

Trên đây là tựa một bài báo mà cách nay gần bốn mươi năm về trước, ba mẹ tôi đã cho tôi đọc sau khi đã xem xong. Gần bốn mươi năm sau, tôi vẫn còn nhớ như in hàng tựa cùng nội dung bài báo thì các bạn đủ biết lúc đó nó đã gây sốc cho trí óc non nớt của tôi như thế nào!

Tác giả bài viết tôi không nhớ, tên tạp chí tôi cũng không rõ, nhưng sau này trưởng thành, tôi nghĩ chắc hẳn đây là một ký giả tả khuynh trong vô vàn những nhân vật tương tự từng cộng tác với những tờ báo khuynh tả tại miền Nam Việt Nam trước đây. Tác giả bài viết đã miệt thị trường tôi không tiếc lời. Nào là: trong ngôi trường này toàn là con ông cháu cha, nào là phải có tiền đút lót chạy chọt mới hòng vào được v.v… Thậm tệ hơn, người viết còn quy tội cho trường tôi gây nên cảnh kẹt xe giữa đô thành vì vào giờ tan học hai buổi luôn luôn có cả hàng xe hơi nối đuôi nhau trước cổng trường chờ rước đám "cậu ấm cô chiêu" (từ ngữ trong nguyên văn).

Thiết nghĩ chắc hẳn trước năm 1975, chưa có ngôi trườg nào bị công khai miệt thị như Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn. Tôi còn nhớ rất rõ là lúc đó tôi khoảng mười tuổi, tôi đã bực tức như thế nào trước những lời lẽ thô thiển trên vì một lý do đơn giản: cả ba chị em tôi vào học Lê Quý Đôn mà không hề phải luồn lách, đút lót. Tôi đến từ trường Colette năm 1967, còn hai cô em gái tôi thì đậu vào Lê Quý Đôn trong kỳ thi tuyển vô lớp Một.

Lớn khôn một chút, tôi nghiệm ra rằng: sự miệt thị trên chẳng qua xuất phát từ một thứ tình cảm tầm thường là thói ganh tỵ. Và biết đâu con cái ông ký giả này bị thi rớt vào lớp Một Lê quý Đôn nên ông ta ấm ức!

Nếu những sự việc trên đây chỉ là tấn trò đời thì một điều không thể chối cãi là Lê Quý Đôn chúng ta có rất nhiều cái khác so với các trường. Thời còn đi học, tôi rất hãnh diện vì những cái khác này. Từ đó, tôi cũng cho rằng: ba chị em tôi rất may mắn khi vào học nơi đây để được hưởng những cái khác đó.

Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên thế mạnh của Lê Quý Đôn là sinh ngữ. Ngay từ Tiểu Học, chúng mình đã học tám tiếng Pháp văn với các Thầy Cô giáo người Pháp. Lên Trung Học, lại có thêm bốn giờ Anh văn. Tổng cộng sinh ngữ là mười hai tiếng, chiếm một phần ba chương trình học. Vì ba mẹ tôi trước năm 1975 đều là giáo sư trung học nên tôi mới biết: số giờ chúng mình phải học trong một tuần là khá nhiều. Đã vậy, chương trình đào tạo rất hoàn chỉnh vì ngoài các môn chính còn phải học năm môn phụ khác là Thể Dục, Nhạc, Kỹ Nghệ Họa, Hội Họa và Nữ Công. Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn còn rèn luyện cho học sinh nhiều lãnh vực qua những chương trình thi đua thể thao, văn nghệ, báo chí hàng năm giữa các lớp.

Một điểm nổi bật khác là việc khen thưởng của trường cũng khác so với các nơi. Ngoài bảng danh dự hàng tháng còn có tưởng lệ chứng cho kỳ thi tam cá nguyệt. Cuối năm là đủ loại phần thưởng: cao nhất là danh dự toàn trường, kế đến là ưu hạng, hạng nhất, nhì, ba và phần thưởng cho từng môn học. Sau này ra đời, đi theo nghề giáo, tôi đã nhận ra rằng việc khen thưởng đa dạng này chính là một khích lệ lớn, thúc dục chúng tôi luôn cố gắng và ham học hơn. 

Trường chúng ta cũng khá nề nếp vì kỷ luật rất nghiêm ngặt. Tôi còn nhớ rõ là có một anh học trên chúng ta một lớp chỉ vi dám mang pháo vào trường đốt mà bị truất phần thưởng cao cuối năm…

Điều lạ lùng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn tuy bị so sánh với một đống rác nhưng đa só các phụ huynh cứ đua nhau ghi danh cho con mình dự kỳ thi tuyển vào lớp Một mặc dù số học sinh đủ điểm đậu rất hạn chế do sĩ số mỗi lớp chỉ là bốn mươi lăm (so với sáu mươi, bảy mươi ở những trường khác). Đến đây, tôi xin mở ngoặc: trong một cuốn tiểu thuyết hình như là của nữ văn sĩ Tuý Hồng thì phải, tôi nhớ có đoạn bà mẹ trong truyện thốt lên câu nói đại ý như sau: mai mốt mày mà vào học trường Lê Quý Đôn thì mẹ mày phổng mũi!!!

Sau năm 1975, chúng tôi sống kiếp chim lìa đàn. Ba mươi hai năm nhìn lại, có lẽ tôi không lộng ngôn khi nhận xét là đa số học sinh Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn đều công thành danh toại; thậm chí có cô học trò ngoan ngày xưa đã trở thành một nữ khoa học gia nức tiếng. Mà nếu như chẳng may không thành danh làm ông này bà nọ thì cũng thành nhân. Nói đâu cho xa, ngay trong trường Đại Học của tôi ở Việt Nam, một số sinh viên học giỏi hoặc nổi bật được các giáo sư đặc biệt yêu mến, hỏi ra là học trò Lê Quý Đôn trước 1975. Ở đây, tôi xin mạn phép được nhắc đến hai người tôi biết. Đó là chị Minh Yên (học lớp 10 ban C trước 1975), nổi tiếng một thời tại khoa Pháp trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn vì tài diễn xuất trên sân khấu kịch Pháp thoại. Kế đến là anh Lê Minh Dũng, cũng học lớp 10 trước năm 1975, là người đã chuyển thể và dàn dựng xuất sắc một số vở kịch Pháp thoại cũng tại khoa Pháp này. Nhắc đến anh, tôi không khỏi ngậm ngùi vì anh đã bỏ mình cách đây hơn hai mươi năm trong một lần vượt biển.

Những năm sau này, trở về nước, qua lời chứng, lời kể của bạn bè cũ, tôi lại biết thêm rằng: trường Lê Quý Đôn bây giờ vẫn tiếp tục có tiếng và bạn bè Lê  Quý Đôn của tôi giờ đây lại… tiếp tục làm mọi cách để đưa con mình vào học nơi này.

Thế đó, cái chân giá trị là vĩnh cửu mà.

Lại nữa, chân lý khác là theo quy luật biến đổi của Tạo Hóa, một đống rác không bao giờ tồn tại vĩnh viễn bởi lẽ nó sẽ biến thành phân bón. Ông nhà báo năm xưa nếu còn sống thì hẳn phải biết rằng: cũng nhờ đống rác dơ bẩn mà thế gian mới có được phân bón và phân bón tuy hôi hám nhưng lạ thay lại cho ra đời vô số cây trái, hoa thơm cùng cỏ lạ. Chính vì lẽ đó mà từ bao năm qua, tôi vẫn ngẩng mặt, tôi vẫn tự hào, tôi vẫn hãnh diện, tôi vẫn lớn tiếng tự nhận mình là cựu học sinh Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn vì tôi đã được rèn luyện toàn diện về văn, thể, mỹ để trưởng thành và nên người từ MỘT ĐỐNG RÁC GIỮA ĐÔ THÀNH năm xưa.


Ngoại ô Paris,
Bùi Khương Bội Hoàn, 20070831

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...