SÀI GÒN CẢNH CŨ ĐƯỜNG XƯA
Mỹ Phước Nguyễn Thanh
Đại lộ Lê Lợi
Ngày nay đi trên những đại lộ phồn hoa
giữa trung tâm đô thị Sài Gòn như Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, mấy ai tưởng tượng đến
cảnh cũ hơn trăm năm trước, thuyền bè đang lướt nhẹ trên kinh rạch vào tận các
phố chợ rải rác quanh hào lũy của Thành Qui hay Thành Phụng.
Vào thời quân Pháp đổ bộ đánh chiếm
Thành Gia Định, trên vùng đất thấp bên ngoài tường thành có ít
nhất ba dòng sông nhỏ đổ ra sông Bến Nghé: rạch Cầu Sấu, kinh Chợ Vải, kinh Cây
Cám. Chỉ vài năm sau khi chiếm xong Sài Gòn, vào khoảng thời gian ký kết Hòa
ước Nhâm Tuất (1862) với triều đình Huế, quân Pháp đã khởi sự xây dựng một đô thị
kiểu Âu Tây. Cũng vào năm ấy, đô đốc Bonard ủy thác đại tá Công binh Coffyn
thiết lập đề án và bản đồ xây dựng một thành phố có thể chứa được 500.000 dân.
Kế hoạch lớn lao này khó thực hiện được vì mang tầm nhìn quá xa, trong lúc Sài
Gòn còn nhiều đất hoang bỏ trống và nhiều đường sá mới vừa vạch xong nhưng chưa
trải đá. Thật vậy, mục tiêu của kế hoạch đầy tham vọng này là khuếch trương một
thành phố chi chít đường sá bao trùm cả Sài Gòn - Chợ Lớn và giới hạn về phía
Bắc bởi kinh Bao Ngạn, tức con kinh vành đai nối liền hai ngọn rạch Bến Nghé và
Thị Nghè. Tuy nhiên cũng có một số dự án mang tính thực dụng, ta có thể nêu ra
vài thí dụ như: sự quy định về phân lô đất đai và diện tích nhà ở, chiều rộng
đường phố và vỉa hè, việc trồng cây dọc bên đường, địa điểm đặt máy nước công
cộng, đường thoát nước mưa và nước thải…
Buổi
ban đầu, giới cầm quyền nhận thấy các kinh rạch cũ vẫn ích lợi cho sự giao
thông của thuyền bè nên họ cho trùng tu lại như đào thêm sâu dưới đáy bùn, vun
đắp hai bên bờ cho thuyền bè dễ neo đậu.
Khoảng năm 1863, một dòng kinh mới được đại tá Coffyn chỉ huy thực hiện,
nối liền phần ngọn của rạch Cầu Sấu, kinh Chợ Vải, kinh Cây Cám. Kinh mới này
gồm hai đoạn: 1 - Đoạn thứ nhất nằm giữa vùng tiếp giáp của vùng đất thấp và
đất gò, chạy song song với đường Isabelle II (nay là Lê Thánh Tôn). Thiếu tá Bovet
thuộc cục Công Binh vào thời ấy gọi đoạn này là "Kinh Gallimard", đặt
theo tên của viên đại úy đã tham gia trận đánh chiếm thành Gia Định. Đây là
đoạn kinh có liên quan đến đại lộ Lê Lợi. 2 - Đoạn thứ nhì chảy vào rạch Bến
Nghé, đi song song với đường Impératrice (nay là đường Công Lý). Sau khi bị
lấp, đoạn này trở thành một phần của đường Pasteur hiện nay.
Kinh
Gallimard, không gian nguyên thủy của đại lộ Lê Lợi
Vì
kinh Gallimard được đại tá Coffyn chỉ huy thực hiện nên nó còn được cụ Trương
Vĩnh Ký gọi là "Kinh Coffine". Con kinh thẳng tắp này được đào bằng
đôi tay của những người phu thợ vì vào thời ấy máy móc hãy còn thiếu thốn.
Những khối đất đào lên dùng đắp nền cho các dinh thự tương lai. Lúc đầu đường
đi hai bên bờ kinh đều cùng mang tên tạm là "Số 13", đến năm 1865 mới
đổi là "Bonard". Đầu kinh phía Tây (ở khoảng ngã năm Lê Lợi - Công Lý
- Nguyễn Trung Trực) quay ngoặt nối vào đoạn kinh thứ nhì đã nói trên đây. Đầu kinh phía Đông nối với kinh Cây Cám hợp
thành một ngã ba, một nhánh đi xuyên qua khu xưởng đóng tàu Ba Son, nhánh kia
chảy ra Sông Sài Gòn (gần ngã ba bến Bạch Đằng và đường Đồn Đất).
Nếu ta sống vào thời ấy, ngồi thuyền
đi dạo trên kinh Gallimard, nhìn lên hai bờ có lẽ ta chỉ thấy phong cảnh hoang
vu của một thị trấn mới khai sinh, vì nhà cửa còn thưa thớt, phần lớn đất đai
còn dành cho các cơ quan quân sự hay hành chánh: Trại lính Pháo binh bên cạnh
sở Quân lương (khu vực bộ Tư lệnh Hải quân VNCH), trại lính và kho hàng của Sở
Công binh (hai bên đường Hai Bà Trưng, từ Phòng thí nghiệm Quan thuế qua khách
sạn Brink), dinh thất dành cho các quan viên người Việt dừng chân tại Sài Gòn
(chỗ khách sạn Continental), bót cảnh sát (chỗ quán Givral)… Các nhà buôn đến
đây lập nghiệp còn thưa thớt, có thể đối với họ vùng này ở khá xa Thương cảng.
Phần lớn họ tập trung bên bờ sông Sài Gòn hay rạch Bến Nghé, hoặc dọc theo
đường Catinat và hai bên bờ kinh Chợ Vải. Theo niên giám 1865, trong số khoảng
60 thương gia người Âu tại Sài Gòn, ta chỉ thấy một cơ sở duy nhất là trại cưa
gỗ của ông Larien nằm bên kinh Gallimard. Có ít nhất năm chiếc cầu gỗ bắt ngang
qua kinh Gallimard, chưa kể thêm hai cầu nối liền đoạn bờ bị đứt đoạn tại giao
điểm với kinh Chợ Vải (Ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Huệ ngày nay).
Dân
cư ngày càng đông, đường phố càng chật hẹp, sông ngòi trong nội thành không kịp
bảo trì trở nên ô nhiễm. Chỉ vài năm sau khi đào kinh Gallimard, 1867, Bovet
với tư cách ủy viên hội đồng thành phố đã tường trình rằng các kinh rạch giữa
thành phố trở thành nơi ứ đọng nước bẩn và rác rưởi, ổ chứa mầm bệnh. Ông ta
yêu cầu nên tu sửa kinh lại hoặc lấp hẳn đi. Không rõ kinh Gallimard bị lấp năm
nào, nhưng đã biến mất trên bản đồ năm 1878, như thế kinh này không tồn tại quá
15 năm.
Đại lộ
Bonard
Sau
khi kinh bị lấp, một dải đất bằng phẳng dài khoảng 800 mét bắt đầu từ đường
Hôpital (Đồn Đất) đến đường Cap Saint Jacques (Nguyễn Trung Trực) biến thành
đại lộ Bonard. Con đường mới lập bao gồm cả hai bờ kinh cũ nên bề ngang khá
rộng, gần 60 mét. Suốt chiều dài đại lộ được trồng lớp thảm cỏ xanh ở chính
giữa, chỉ cách khoảng nhau tại các ngã tư, hai bên dành làm đường cho xe cộ lưu
thông. Cây trồng dọc hai bìa thảm cỏ và dọc theo lề đường xếp thành bốn hàng
dài tít tắp, cho ta cảm tưởng nhìn vào
một công viên tươi mát. Cảnh sắc ấy được giảm bớt đi phần nào vẻ đơn điệu kể từ
lúc đài kỷ niệm Doudard de Lagrée hình trụ tháp được đặt tại nơi gần ngã tư đường Catinat - Bonard
(Đài kỷ niệm này sau được dời về công trường Một Hình). Đến năm 1887, vào ngày
Quốc khánh Pháp, tại trung điểm của đại lộ Bonard, trên bãi cỏ nằm giữa đại lộ
Charner và đường Catinat, đã diễn ra buỗi lễ khánh thành dựng tượng của Francis
Garnier, viên sĩ quan tử trận gần Cầu Giấy vào năm 1873, bởi thế về sau đoạn
đường này được đổi thành "công trường Francis Garnier" (nay là công
trường Lam Sơn). Đài kỷ niệm này bị phá hủy vào năm 1945, và hơn 20 năm sau,
vào năm 1967, bức tượng hai chiến sĩ Thủy quân Lục chiến cũng được dựng lên tại
đây.
Đại lộ Bonard ngày xưa tuy rộng lớn nhưng ít
người đi lại mua bán vì gần phân nửa số kiến trúc phía mặt tiền thuộc về các cơ
quan công quyền, còn lại chỉ có rải rác vài ba tiệm buôn, quán nước, tiệm may,
tiệm giặt ủi… Hai tòa nhà đáng lưu ý nằm tại góc đường Catinat là Tòa Thị chính
(chỗ Khách sạn Continental hiện nay) và phía đối diện là một rạp hát do công
trình tạo tác của kiến trúc sư Bergé (chỗ khách sạn Caravelle).
Diện mạo đường Bonard gần như không thay đổi
cho đến cuối thế kỷ XIX, khi khu vực bên phía Đông của đường Nationale (Hai Bà
Trưng) được sửa sang lại, khiến đại lộ Bonard bị thu ngắn gần hết phân nửa.
Khoảng 1897, một nhà máy điện được xây lên trên trục giữa của đoạn đường Bonard
này (Về sau là tòa nhà của Công ty Điện lực Việt Nam, nhìn ra đường Hai Bà
Trưng), hai đường phụ hai bên trở thành đường Colonel Fryatt (Cao Bá Quát) và
đường Rudyard Kipling (Nguyễn Siêu).
Vào năm 1900, một nhà hát mới được xây lên giữa đại lộ Bonard, mặt tiền
hướng về đường Catinat, đối diện với tượng đài Francis Garnier. Mặt đường tại
đây được mở rộng làm công trường, hai đường bên hông uốn cong vây hai bên Nhà
hát.
Đầu bên phía Tây của đại lộ Bonard giáp với
đầu đường Cap Saint Jacques (Sau đổi tên là Filippini, nay là đường Nguyễn
Trung Trực), suốt nhiều thập niên bị chắn ngang bởi tường rào ngăn cách với khu
phố nằm phía sau kho vật liệu của Thành phố (vị trí của kho này ở khoảng trước
chợ Bến Thành, từ đầu đường Phan Bội Châu đến cửa Nam nhìn ra tượng Quách Thị
Trang). Vào những năm 1910, khi khu vực này được chỉnh trang để xây chợ Bến
Thành thì đại lộ Bonard được khai thông tới công trường Cuniac vừa hoàn tất
(Nay là công trường Diên Hồng còn gọi là công trường Quách Thị Trang). Ngay sau
đó đại lộ Bonard trở thành một đường huyết mạch. Trong suốt mấy thập niên, hằng ngày nhiều
chuyến xe điện theo đường sắt từ khu chợ Bến Thành, đi cặp lề đường phía bên Bộ
Công chánh, băng qua đường Catinat tới sau lưng Nhà hát Tây quẹo trái qua đường
Paul Blanchy chạy về hướng Đa Kao. Đây là phương tiện giao thông nhanh chóng,
nối liền trung tâm Sài Gòn với các chợ ngoại ô như Bà Chiểu, Hóc Môn, Gò Vấp
hoặc xa hơn như Thủ Dầu Một.
Vào năm 1955, đại lộ Bonard đổi tên là Lê
Lợi, một trong những đường phố sầm uất và phồn thịnh nhất của thủ đô Sài Gòn.
Nhàn
du trên đại lộ Lê Lợi xưa
Khởi
hành từ công trường Lam Sơn, chúng ta cùng đi thăm lại đại lộ Lê Lợi vào những
năm 1970. Sau ngày độc lập dưới chính thể Cộng hòa, Nhà hát Tây cũ đã được
trùng tu làm Trụ sở Quốc hội, sau đổi thành Nhà Văn hóa rồi đến Hạ Nghị viện.
Đứng trước cửa trên bậc thềm cao ta nhìn thấy tất cả sinh hoạt nhộn nhịp và
dòng xe cộ dập dìu quanh công viên Lam Sơn, với hàng cây dầu cao chót vót, bồn
cỏ, ghế đá bên bệ tượng hai chiến sĩ TQLC đang xung phong. Bãi giữ xe đạp, xe
gắn máy xếp chật kín bên lề đường đủ cho ta thấy số lượng người tấp nập đến đây
mua sắm, giải trí hoặc lo chuyện sinh nhai. Rời thềm trụ sở Hạ Nghị viện, chúng
ta chọn lề đường phía bên trái (bên dãy nhà số lẻ) để bắt đầu chuyến dạo phố Lê
Lợi.
Nơi
góc đường Tự Do có tòa nhà hai tầng trước kia thuộc Sở Thông tin Đô thành, nơi
tổ chức nhiều cuộc triển lãm, khách nhàn du thường ghé qua xem các cuộc triển
lãm hội họa, hình ảnh thời sự… Sau đó cũng tại đây Bộ Thông tin đã thành lập
Trung tâm Liên lạc Báo chí và bên cạnh là Câu lạc bộ Văn hóa, dành cho các ký
giả, văn nghệ sĩ đến gặp gỡ đàm luận. Dưới thời Pháp thuộc, vào đầu thế kỷ XX
nơi này là hãng buôn Compagnie Générale d’Exportation chuyên về hàng may mặc,
hành trang du lịch, chuyên cả may cắt y phục và bán các loại rượu, tủ sắt… Sau
đổi chủ trở thành tiệm buôn Aux Nouveautés Catinat, một loại "bách hóa
tổng hợp", bán thực phẩm cao cấp, rượu ngon, rau cải, trái cây tươi, có cả
nước hoa, y phục, dụng cụ thể thao…
Bên
cạnh Phòng Báo chí là một building cao năm tầng và nối dài đến góc đại lộ
Nguyễn Huệ. Tòa nhà này được xây vào đầu những năm 1950, tại tầng trệt có hãng
buôn Nam Hoa, chuyên bán đủ loại hàng hóa hợp thời trang. Kế bên cạnh đó và
giáp với đại lộ Nguyễn Huệ là các văn phòng chi nhánh của Sài gòn Ngân hàng, chiếm
vị trí cũ của hãng SEIC (Société d’Exploitation Industrielle et Commerciale)
còn có tên là Saigon Garage, hiện diện tại đây từ những năm 1950. Vào đầu thế
kỷ XX, tại
góc phố này có quán Café Moderne do bà Bonnyfay làm chủ, sau đó là tiệm buôn y
phục thời trang của bà Grammont. Đến 1920 là năm khai trương công ty bán và sửa
xe hơi Auto-Hall do ông Bainier quản lý, nằm trong khu nhà trệt rộng lớn chiếm
hết hai mặt góc đường. Tiếp theo đó, vào năm 1927, hãng xe hơi này dọn qua góc
chéo đối diện bên kia ngã tư (chỗ building Rex sau này). Chính giữa ngã tư có
bồn tròn phun nước, vị trí cũ của một bệ bát giác dành cho lính Pháp trình diễn
âm nhạc, cho nên dân chúng còn gọi khu vực này là "Bồn kèn".
Băng
qua đại lộ Nguyễn Huệ, ta đến thương xá Tax, tòa nhà sơn trắng chi chít những
biển và chữ quảng cáo đủ màu, ven tầng trệt có mái rộng nhô ra che mát vĩa hè.
Trung tâm thương mại này lúc nào cũng nườm nượp người ra vào mua sắm hoặc chỉ
đến ngắm nghía hàng hóa trưng bày trong các gian hàng lộng lẫy, đèn chiếu sáng
choang.
Ta
có thể vào thương xá bằng cửa bên phía Nguyễn Huệ hoặc bên phía Lê Lợi. Ngay
tại góc đường là quán giải khát Pôle Nord. Hồi đầu thế kỷ XX, nơi đây có Sở Canh
nông và Thương mại, sau nhường chỗ cho quán ăn kiêm quán rượu Pavillon Bleu.
Tiếp theo đó, ông Perrin đã mở một garage sửa và bán xe hơi trong khoảng mười
năm. Năm 1921, hãng này khai thác việc chuyên chở bằng xe bus lần đầu tiên, lộ
trình là chợ Bến Thành - Ba Son - Tân Định.
Tiền
thân của thương xá Tax là "Hãng Sạc-ne" tức là tòa nhà Grands
Magasins
Charner
(GMC) chi nhánh của tập đoàn Société
Coloniale des Grands Magasins. Ba năm sau ngày đặt viên đá đầu tiên, hãng này
được chánh tham biện Eutrope thay mặt toàn quyền Đông Dương đến khánh thành vào
buổi chiều ngày 26 tháng 11 năm 1924. Đây là một kiến trúc cao ba tầng mang
phong cách nửa Âu nửa Á. Trên đỉnh nóc vòm tròn nơi góc tòa nhà có tháp đồng
hồ, trang trí bằng mái cong kiểu chùa chiền. Vào thời ấy các nhà buôn nhỏ quanh
khu vực Bồn Kèn rất lo lắng, họ e sợ rằng không cạnh tranh nổi một trung tâm
thương mại có tầm vóc như GMC và họ buộc lòng phải đóng cửa vì ế khách. Để trấn
an các thương gia này, trong bài diễn văn khai trương, vị đại diện của GMC là
Ribupe đã lập luận thuyết phục họ rằng việc thiết lập trung tâm thương mại tân
thời này sẽ thu hút đám đông qua lại trong khu phố, tức nhiên việc buôn bán sẽ
thuận tiện hơn cho tất cả mọi người, hơn nữa giá cả địa ốc tại đây sẽ tăng cao.
Vào khoảng năm 1949, Hãng Sạc-ne được tân trang, tháp đồng hồ bị phá bỏ để xây
thêm một tầng lầu, bên trên góc tòa nhà mang ba chữ to "GMC". Đến
khoảng năm 1960, cơ sở thương mại này được hiện đại hóa, mang tên mới là Thương
xá Tax.
Từ
thương xá Tax tiếp tục rảo bước về hướng chợ Bến Thành, ta đi ngang qua cổng
lớn của Công ty Xe hơi Kim Long, mang cùng địa chỉ với hãng SCAMA
(Société
Commerciale d'Automobiles et de Matériel Agricole) được thành lập tại đây từ
năm 1928, chuyên bán xe hơi và máy móc nông nghiệp. Tiếp đến là một dãy tiệm, trong đó có Phương
Lan (giải khát), Việt Anh (chụp ảnh, hớt tóc), Étienne (uốn tóc), Thanh Tòng
(vô tuyến điện), Lys (bar, nhà hàng)… Ngay tại góc đường Pasteur có hãng xuất
nhập cảng Viễn Đông, bán nhiều mặt hàng ngoại quốc như nước hoa, đồ dùng điện
khí… Nhưng nhắc tới Viễn Đông ta thường nhớ ngay các thức ẩm thực bình dân
nhưng khoái khẩu bán tại góc đường này. Ngoại trừ hàng nước mía nằm hẳn trong
tiệm không bảng hiệu phía bên đường Pasteur, các xe bò bía, xe gỏi đu đủ bò
khô, quầy thịt phá lấu đều bán trên lề đường, thực khách dù đứng ăn cũng không
thấy gì bất tiện xem ra còn ngon miệng nữa là khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét