SÀI
GÒN CẢNH CŨ ĐƯỜNG XƯA
Từ đầm lầy Boresse đến chợ
Bến Thành
Mỹ Phước Nguyễn Thanh
Vào cuối thế kỷ 19, Sài Gòn đã trở thành
một đô thị duyên dáng gồm những dinh thự tráng lệ, những đường phố đẹp mắt giữa
hai hàng cây xanh che bóng mát, những khu buôn bán tấp nập muôn màu muôn vẻ… Đấy
chỉ là vài nét ngoạn mục của thành phố được tặng danh hiệu «Hòn ngọc Viễn
Đông». Tuy nhiên,
ngay bên cạnh những khu phố khang trang vẫn còn sót lại một vùng đất thấp lầy lội.
Đời sống người dân tại đây thật khó khăn, điều kiện vệ sinh rất kém, lại phát
sinh nhiều tệ đoan xã hội. Người Pháp gọi khu phố ấy là «đầm lầy Boresse». Sang
đầu thế kỷ 20, vùng bùn lầy nước đọng này lại là chiếc nôi ra đời của chợ Bến
Thành, ngôi chợ to nhất Đông Dương thời ấy. Ngày nay ta có thể phỏng định vị
trí của đầm lầy Boresse là khu vực giới hạn bởi các đường: Gia Long, Nguyễn
Trung Trực, Công Lý, Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Thái Học. Chúng ta cùng nhìn lại sự chuyển mình của đầm
lầy Boresse từ thuở hãy còn là một làng quê tĩnh mịch cho đến ngày ra đời của
khu phố nhộn nhịp chung quanh
Vài
dòng lịch sử
Đầm
lầy Boresse là một phần đất của làng Long Hưng. Theo địa bạ triều Nguyễn, làng
Long Hưng ở xứ Cầu Quan. Còn theo Trương
Vĩnh Ký (Souvenirs
historiques sur Saigon et ses environs, 1885), dưới thời vua Minh Mạng, từ đường
Công Lý ngày nay đến chợ Cầu Ông Lãnh là địa phận của làng Long Hưng, nhà cửa
chen chúc dọc theo đường ven rạch Bến Nghé. Đường Yersin hiện nay là con đường
đất gập ghềnh vào thời đó, dân nô lệ người Lào đã được phóng thích đến vùng này
sinh sống trong những túp lều xây dọc hai bên đường, họ sản xuất những chiếc
gàu làm bằng lá dừa nước.
Trên bản đồ Thành phố Sài Gòn năm 1867, ta thấy
một đầm lầy chiếm hết vùng đất nằm giữa rạch Bến Nghé và đường Gouvernement (Đường
Gia Long ngày nay), hướng Tây giáp Cầu Kho, hướng
Đông giáp đường Impératrice (Công Lý). Một
con đường nằm song song với rạch Cầu Ông Lãnh, từ bờ rạch Bến Nghé lên tới đường
Gouvernement, trước người Pháp gọi là «route de Cau-ong-lanh» sau cho đổi tên
là «Boresse», và có lẽ từ tên đường này người Pháp gọi cả vùng đầm lầy bên cạnh
là «marais Boresse». Người dân Sài Gòn thời ấy cũng theo đó gọi vùng ao lầy này
là Bồ-rệt. Tại đây có rạch Cầu Quan, ăn thông với các rạch Cầu Kho và Cầu Ông
Lãnh. Trong quyển Gia Định Phong Cảnh Vịnh (1882), Trương Vĩnh Ký chú thích: «Cầu
Quan là xóm ở Cầu Kho giáp ra Chợ Đũi, có rạch có cầu, chỗ nhà quan ở nhiều nên
kêu là Cầu Quan». Cũng theo ông (Souvenirs historiques… 1885) trên đầu đường
Boresse có chiếc Cầu Quan. Căn cứ vào hai chi tiết này và xem lại bản đồ Sài
Gòn 1880, nếu so sánh với bản đồ ngày nay, ta có thể nhận ra: 1) Đầu đường
Boresse lên tới tận đường La Grandière (Gia Long). 2) Một rạch nước nối tiếp với
rạch Cầu Kho, băng ngang đường Boresse, chảy qua giữa hai đường La Grandière
(Gia Long) và Espagne (Lê Thánh Tôn). Ta phỏng đoán vị trí chiếc Cầu Quan có lẽ
ở khoảng đường Nguyễn Phi, đoạn nằm giữa đường Gia Long và Lê Thánh Tôn. Rạch Cầu
Quan đã bị lấp bằng, vùng Cầu Quan thu hẹp lại trong khu vực đường Yersin vì tên vùng Cầu Quan cũ
bị thay thế bởi tên Chợ Đũi, để chỉ khu vực quanh nhà thờ Huyện Sĩ qua đến đường
Phạm Ngũ Lão và đại lộ Trần Hưng Đạo (Trường tiểu học Phan Văn Trị trên đại lộ
Trần Hưng Đạo trước kia là École des jeunes filles de Chợ Đũi).
Việc sửa sang đầm lầy Boresse được bắt đầu từ
khu vực gần rạch Bến Nghé. Năm 1877, hai con đường chạy song song với bờ rạch
được hoàn tất là đường số 1 (Nguyễn Công Trứ) dẫn đến lò heo và đường số 3
(Nguyễn Văn Sâm) dẫn đến kho dầu. Vào khoảng năm 1880, phần còn lại của đầm lầy
Boresse được vây quanh bởi hào nước dọc theo các đường: La Grandière (Gia
Long), Némésis (Phó Đức Chính, Thủ khoa Huân), Dayot (Nguyễn Văn Sâm) và
Boresse (Yersin). Từ trong đầm lầy, hào nước theo một ngả cạnh kho dầu chảy
thông ra rạch Cầu Ông Lãnh. Vào khoảng
năm 1890, trong khu Boresse vẫn còn nhiều đường đất đắp cao, cắt nhau khá đều đặn,
chạy ngang dọc, chia khu đầm lầy ra thành từng xóm nhỏ. Những chỗ trũng ngập nước chỉ sâu một vài mét. Mỗi
xóm là một khu nhà sàn mái lá xây trên cọc gỗ. Từ trong xóm, mỗi căn chòi có cầu
ván đi thông ra ngoài đường, có khi hai hay ba tấm ván nối nhau nếu vũng sình
quá rộng. Người qua cầu nếu lỡ bước hụt chân sẽ rơi xuống vũng sình bùn lẫn với
rong rêu, ếch nhái… Ban ngày các khu xóm tồi tàn ấy vắng ngắt như một ngôi làng
bỏ hoang, nhưng khi đêm về cảnh vật tưng bừng như hội chợ. Hằng ngàn đèn lồng bằng
giấy đủ màu treo khắp mọi nhà, ánh đèn phản chiếu trên mặt nước thật ngoạn mục
làm ta quên đi nơi đây là một khu xóm nghèo bẩn thỉu. Dọc theo lề các đường đất
hằng trăm lò lửa được nhóm lên. Đấy là những cái bếp lộ thiên, nơi chiên, xào,
nấu, nướng đủ loại thức ăn, món nhậu. Khách hàng gắp ăn hoặc chỉ cần bóc tay
lùa vào miệng khi món ăn còn nóng. Trên đường người đi đông vô kể, trong đám
đông đó có những thủy thủ đã từng đi khắp năm châu bốn biển, có cả lính tráng đủ
các binh chủng, và người thường dân thuộc đủ các nghề nghiệp. Họ chen nhau đi
giữa những hàng cháo, hủ tiếu, bánh mứt, rượu trà, thuốc lá… Lẫn trong đám người
qua lại, có cả những cô gái buôn hương bán phấn thuộc đủ mọi quốc tịch. Không
khí càng thêm ồn ào vì tiếng rao mời khách mua hàng, tiếng người gọi nhau, các chú lính thủy say
sưa vừa đi vừa hát. Bên ngoài xóm nhà sàn, dọc theo hành lang một dãy nhà, những
cô gái mặt hoa da phấn đang ngồi gảy đàn đợi khách dưới chuỗi đèn lồng xếp bằng
giấy hồng.
Công cuộc chỉnh trang đầm lầy Boresse
Sau
khi Pháp chiếm Sài Gòn, nhiều người dân bỏ nhà cửa lánh sang vùng khác lập nghiệp.
Năm 1862, đô đốc Bonard ra nghị định cho bán đấu giá các đất đai bỏ trống. Sở Địa
chánh lập bản đồ và chia đất thành từng lô. Ngoại trừ dải đất cao ráo nằm ven rạch
Bến Nghé, khu Boresse là vùng đất ẩm thấp nên ít hấp dẫn người mua, mà người
mua phần nhiều là bọn đầu cơ muốn làm giàu nhanh chóng. Tuy vậy vùng sình lầy
nước đọng hôi thối này lại là nơi nương náu của những người cùng khổ. Họ cất
căn chòi sống tạm đến đâu hay đó, chỉ dọn nhà đi khi người chủ đất xuất hiện
đòi đất lại. Phần nhiều người mua đất chẳng
muốn nhọc công sửa sang đất đai cho tốn kém, vì họ hy vọng chính quyền sẽ mở
mang khu vực, họ đợi lúc giá đất tăng cao để bán lại. Phía chính quyền lại tin
tưởng rằng các tư nhân mua đất để làm nơi kinh doanh, sẽ biến đầm lầy Boresse
thành một khu phố thương mại, nhưng không ngờ bị bọn đầu cơ lợi dụng. Cứ thế
sau nhiều năm tình trạng khu Boresse không có thay đổi nào đáng kể.
Để giải quyết bế tắc, chính quyền thành phố
ban hành một số giải pháp, trong đó có cách mua bán thỏa thuận giữa đôi bên, tức
là đất được bán rẻ nhưng người mua phải
tuân theo một số điều khoản như: trong thời hạn nhất định (một hoặc hai năm)
người mua phải đắp nền cao cho đất được khô ráo, phải xây loại nhà gạch lợp
ngói, phải chấp thuận cho dân nghèo đang chiếm đất bất hợp pháp có thời gian
sáu tháng để dọn đi, và khi xây cất xong sở Kiều lộ sẽ đến kiểm soát công
trình. Trường hợp cụ thể là việc mua đất của ông Hui Bon Hoa (Chú Hỏa). Vào năm
1896, ông mua 12 lô đất. Ít lâu sau ông yêu cầu chính quyền gia hạn thời gian lấp
đất là 3 năm thay vì chỉ 2 năm như đã quy định, vì theo ông lượng đất cần thiết
lên tới 70.000 mét khối nên ông cần thêm thời gian để lấp hết những thửa đất ấy.
Một giải pháp khác nữa là chính quyền thành phố
nhượng đất miễn phí cho các công chức có thâm niên hoặc những người có công trạng
với nhà nước thuộc địa, người được nhượng đất phải chấp nhận các điều kiện
tương tự như người mua đất nói trên.
Việc sửa sang đầm lầy Boresse bị trì trệ vì địa
hình tại đây khá phức tạp, việc lấp bằng những vũng lầy đòi hỏi nhiều thời
gian, phương tiện và tài chính. Trong lúc đó thành phố Sài Gòn còn nhiều công
trình xây dựng ưu tiên khác cần phải được hoàn tất. Năm
1894, toàn quyền De Lanessan ký sắc lệnh yêu cầu thành phố Sài Gòn thực hiện
nhiều dự án. Trước tiên là lập sở Cấp thủy, lo việc thu dẫn nước về Sài gòn. Thứ
nhì là xây một nhà hát. Thứ ba là xây tòa thị chính. Thứ tư là xây ngôi chợ
trung tâm. Thứ năm là làm cho đầm lầy Boresse được hợp vệ sinh, v. v. Như vậy
ta thấy việc chỉnh trang đầm lầy Boresse được nhắc đến nhưng không là ưu tiên
hàng đầu và cũng vì thế khu Boresse phát triển rất chậm, mất nửa thế kỷ mới
theo kịp các khu phố lân cận. Năm 1900, dược sư Holbé, trong Hội đồng quản hạt
(Hội đồng thuộc địa Nam kỳ), đã thốt lên: «Thật ngao ngán khi thấy vấn đề đầm lầy
Boresse được nhắc lại mỗi năm và chẳng bao giờ đạt được kết quả. Tại trung tâm
thành phố có một ổ hôi thối, là một mối nguy thường trực. Chính quyền chẳng muốn
làm gì để cứu chữa tình trạng tệ hại này». Năm 1901, trong một cuộc họp của Hội
đồng quản hạt, bác sĩ Dejean de la Bâtie đã phát biểu: «Khu Boresse được chỉnh
trang chậm chạp vì thiếu ngân sách, và khi có đủ ngân sách thì Sở Công chánh
dùng làm chi phí cho việc tu bổ các đường phố khác, không chăm lo gì tới đường
sá trong khu Boresse».
Một trong những công trình lớn thực hiện đầu
tiên trong khu Boresse là các đường xe lửa Sài Gòn - Chợ Lớn (1880) và Sài Gòn
- Mỹ Tho (1881). Tại những nơi đặt đường sắt hoặc xây cơ xưởng hỏa xa, đất được
nện chắc chắn để tránh bị sụt lún.
Việc lấp bằng đầm lầy trải qua nhiều giai đoạn.
Biện pháp cấp bách lúc đầu là khai thông các ao nước còn tù đọng, đào mương dẫn
nước chảy ra rạch Bến Nghé. Tiếp theo là việc đắp đất bằng phẳng, một mặt các
chủ đất bị bắt buộc phải đắp nền và xây cống rãnh, mặt khác chính quyền thi
hành việc san bằng toàn khu Boresse. Những hồ ao, lạch nước còn lại được lấp bởi
đất cát chở về từ một đồng cát gần làng Bình Hưng Đông (Nay là Bình Hưng Hòa
thuộc huyện Bình Chánh), cách xa khoảng 20 cây số, phương tiện chuyên chở cát
là xe lửa chạy trên một nhánh của đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho. Công trình này tiến
triển rất chậm (gần 30 năm) vì bị gián đoạn nhiều lần, nên gần đến ngày hoàn tất
chợ Bến Thành, khu Boresse vẫn còn rải rác ao tù nước đọng.
Về phương diện giao thông, đường sá trong
khu Boresse rất tồi. Đường đã được vạch từ lâu, chiều dài tổng cộng khoảng 6
cây số, mang tên những «danh nhân» hẳn hoi nhưng chỉ là những lối đi tạm bợ
dùng trong suốt mấy thập niên. Mới đầu chỉ là loại đường đất, lề đường và cống
rãnh còn sơ sài, sau mỗi cơn mưa lớn nước tràn ngập, mặt đường sụp lún thành nhiều ổ gà nguy hiểm. Về sau Sở
Công chánh lát đường bằng đá dăm, trước tiên là loại đá ong (đá đỏ Biên Hòa)
nhưng tình trạng không mấy cải tiến nên thay thế bằng đá granit (đá xanh) bền bỉ
hơn. Tuy nhiên, về mùa nắng không khí càng ngột ngạt khi bụi đường bốc lên, nên
người ta cần đến xe nước, loại xe bò chở chiếc thùng tô-nô to tướng đi tưới ướt
mặt đường. Đến khoảng 1920, khi đường phố được tráng nhựa và xây cống rãnh thì
những phiền toái lúc xưa mới chấm dứt.
Sài Gòn bước sang thế kỷ 20. Những túp lều lụp
xụp ngày càng hiếm dần, được thay thế bằng những ngôi nhà tường gạch mái ngói.
Nhiều người nôn nao muốn được chứng kiến viễn ảnh một góc đô thị trù phú phát
sinh từ chốn bùn lầy. Từ lâu người ta đã nghe nói tới kế hoạch tái thiết, dời đổi
khu chợ và nhà ga xe lửa, đồng thời với việc mở một đại lộ làm cửa ngõ đi thẳng
vào Chợ Lớn. Nhưng không biết khi nào các công trình xây dựng ấy mới bắt đầu.
Dư luận càng xôn xao khi giá nhà đất tăng vọt. Nhiều người mua miếng đất lầy lội
chưa được bao lâu nay đem bán lại với giá gấp mười. Những người hài lòng không
kém là các chủ thợ hồ, thợ đắp đất, nhà thầu cung cấp vật liệu rải đường, các
ông chưởng khế… Trái lại cũng có người bồn chồn lo lắng, e sợ việc xây dựng bị
trì hoản, họ là các nhà đầu tư chứng khoán hoặc một số nhà thầu khác.
1901: Đường còn nhiều ổ gà nên hầu như xe cộ
không lưu thông được. Phân nửa số đường chưa rải đá. Nhiều đường thiếu cống
thoát nước.
1904:
Dự án xây cống ngầm dọc đường phố và lấp bằng đầm lầy Boresse.
1905: Chương trình cung cấp nước uống.
1907: Nghị định của thống đốc Rodier và dự án
của Hội đồng thành phố: 1) Xây nền nhà ga xe lửa Xuyên Đông Dương trên diện
tích bằng 10 hec-ta. 2) Mở đại lộ Sài
Gòn - Chợ Lớn rộng 40 mét, theo đường thẳng nối liền Sài Gòn với vùng Chợ Quán.
3) Lấp bằng đầm lầy Boresse, xây dựng cống ngầm cho nước mưa và nước đã sử dụng
đổ ra rạch Bến Nghé. 4) Phát triển đường xe tramway và xây ngôi chợ trung tâm
(Halles centrales).
1910: Việc chỉnh trang khu Boresse cũng là một
dịp phá bỏ nhiều nhà ổ chuột. 1911: Sửa
sang khu vực đường Bourdais (Calmette), xây nền nhà ga. Nhà thầu xây dựng là
Công ty xáng đào kênh (Société des dragages)
1912: Phần nền nhà ga đã hoàn tất. Công trình
này gắn liền với việc chấn chỉnh hệ thống hỏa xa Sài Gòn – Khánh Hòa.
1913: Sửa sang khu vực đường Némésis (Phó Đức
Chính), xây nền chợ mới. Nhà thầu Champestève.
1915: Sửa sang khu vực các đường Boresse (Yersin) và Marchaisse (Ký
Con). Nhà thầu Mayeur.
1916: Xây đại lộ Sài Gòn-Chợ Lớn (nay là đại lộ
Trần Hưng Đạo). Nhà thầu Phạm Thị Vân.
1917: Sửa sang đại lộ Abattoir (Nguyễn Thái Học).
Nhà thầu Phạm Thị Vân.
Các
nẻo đường trong khu Boresse
Xin kể sơ qua
các đường trong khu
Boresse trước ngày xây chợ Bến Thành, theo thứ tự từ Đông sang Tây và từ rạch Bến
Nghé đi lên phía Bắc.
Đường
Némésis (Phó Đức Chính)
Xưa là đường số 30. Némésis là tên của chiếc
soái hạm do Đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy đến đánh chiếm Sài Gòn vào năm
1859. Đường Némésis chạy từ bờ rạch Bến Nghé tới đường La Grandière (Gia Long).
Đường này được xem là ngõ ra vào trực tiếp từ
rạch Bến Nghé tới chợ mới Bến Thành. Ngày xưa bề ngang đường được mở rộng tới
60 mét vì chính quyền Pháp dự định đào một con kinh giữa trục đường, rộng 20
mét, liên lạc với rạch Bến Nghé cho thuyền bè chuyên chở hàng hóa. Đó là lý do
khiến nhiều người đầu tư đất đai tại đây. Nhưng kế hoạch đào kinh không được thực
hiện, nhiều chủ đất trông đợi mãi vẫn chưa thấy đầm lầy Boresse thay đổi gì,
như trường hợp ông Dussutour mua 2 lô đất tại góc Némésis – Dayot (Phó Đức
Chính - Nguyễn Văn Sâm) vào năm 1869. Sau khi ông mất (1886) các con ông thừa kế
mảnh đất chẳng giá trị bao nhiêu.
Vào những năm 1884-1887 nhiều lô đất được
chính quyền nhượng cho các công chức (Hoa tiêu, nhân viên sở thuế, giám thị trại
giam…) hoặc bán cho tư nhân. Chú Hỏa làm chủ nhiều lô đất nằm giữa các ngã tư
Dayot (Nguyễn Văn Sâm) và Hamelin (Hồ Văn Ngà). Khoảng 1912, trên lô đất ngày
nay còn thấy ngôi biệt thự của Chú Hỏa (đã trở thành Bảo tàng Mỹ thuật) có một
Sở cầm đồ. Thời ấy tiền cho vay tại đây ít nhất bằng một phần ba giá trị của đồ
cầm cố. Tiền lời là 2 phần trăm mỗi tháng. Nếu quá 10 tháng không được chuộc lại,
đồ cầm cố sẽ bị đem bán đấu giá.
Trong hơn 30 năm (1881-1912), đường Némésis bị
cắt ngang bởi khu đất dài khoảng 400 mét, rộng khoảng 150 mét dùng làm bãi đậu,
nhà kho và cơ xưởng của xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Từ trên cao nhìn xuống khu đất
ấy hơi giống hình con thoi, dọc theo bìa phía Bắc và phía Nam là hai đường bên
dành riêng cho sở hỏa xa. Trục đường xe lửa Mỹ Tho năm xưa chính là đại lộ Hàm
Nghi ngày nay, kéo dài qua tới đường Phạm Hồng Thái, còn dấu vết của đường bên
phía Nam là đường Lê Công Kiều, đường bên phía Bắc là khúc đường Huỳnh Thúc
Kháng nằm sau bệnh viện Đô thành.
Qua khỏi kho bãi của sở hỏa xa là đến khu đất
giáp với đường Espagne (Lê Thánh Tôn), đất một nửa của tư nhân, một nửa của nhà
nước, sau này đất ấy dùng làm nền xây chợ Bến Thành. Năm 1889, tại khu vực này đất còn ẩm thấp,
đường sá chưa hoàn bị. Các đại diện chủ nhà đất người Pháp gửi thư thỉnh nguyện
đến thị trưởng Sài Gòn xin mở đường Némésis cho xe cộ lưu thông, xin nối dài đường
Espagne, đồng thời xin xây cống rãnh vì họ nhận thấy nền và nhà ở của họ bị de
dọa hư hại do nước chảy tràn xuống từ khu «đường trên đi Chợ Lớn» (nay là đường
Võ Tánh). Vì nước đọng thường xuyên thành vũng lầy bẩn thỉu nên các chủ đất lo
ngại phải để cho đất trở thành hoang phế nếu chính quyền không lo việc chỉnh
trang như đã dự định từ lâu. Khoảng năm
1896, gần bên ngã tư Némésis - La Grandière (Thủ Khoa Huân – Gia Long) có xưởng
sản xuất xà-bông của ông Devise, trước làm chủ một tiệm hớt tóc trên đường
Rigault de Genouilly (đại lộ Nguyễn Huệ) vào những năm 1880. Đường Némésis chấm dứt tại đường La
Grandière, nơi ngã tư bắt đầu đường Poulo Condore. Năm 1919, một đoạn của đường
Némésis hợp với đường Poulo Condore trở thành đường Aviateur Garros (nay là đường
Thủ khoa Huân).
Đường
Bourdais (Bác sĩ Calmette)
Xưa là đường số 32. Bourdais là tên của Đại tá Hải quân bị tử trận lúc
tiến đánh Mỹ Tho vào năm 1861. Đường Bourdais đi từ bờ rạch Bến Nghé đến đường
La Grandière. Theo bản đồ năm 1867, tại vị trí của đường Bourdais có một rạch
nước đổ ra rạch Bến Nghé, rạch ấy phân nhánh chảy vào khu đầm lầy lên đến tận
đường Nguyễn Văn Sâm ngày nay.
Từ
ngã tư đường Hamelin đến đường Batavia là dãy phố cho thuê của Chú Hỏa. Năm
1887, đốc phủ sứ Huỳnh Tịnh Của được chính quyền nhượng mảnh đất tại góc đường
Bourdais và Batavia (đầu đường Calmette phía Trần Hưng Đạo) để xây nhà ở. Ít
lâu sau đất ấy về tay Chú Hỏa, biến thành dãy phố cho thuê, nhưng cuối cùng đất
bị trưng dụng khi Sở Công chánh mở đại lộ Sài Gòn - Chợ Lớn. Miếng đất này nằm
tại đầu đại lộ Trần Hưng Đạo ngày nay, ngay phía trước vũ trường Văn Cảnh và
nhà buôn máy may Sinco dạo trước. Năm
1899, tại góc đường BourdaisEspagne có miếng đất của luật sư Crémazy. Cũng vào
năm đó, gần đấy, ông Na Manica, người Ấn, nộp đơn xin giấy phép xây lại chùa Bà
Đen (chùa Bà Mariamman), đến nay chùa này vẫn còn trên đường Trương Định.
Năm 1912, đường này có một rạp hát bội (ngày
nay là đoạn nằm giữa hai đường Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Văn Sâm).
Đường Marchaisse (Ký Con)
Xưa là đường số 34. Marchaisse là trung tá bị
tử trận gần Tây Ninh vào năm 1866. Trong nhiều năm tên đưòng này bị viết sai là
Marchaise. Đường này bắt đầu từ rạch Bến Nghé tới đường Boresse. Theo
bản đồ 1896, đường tramway đi Chợ Lớn theo ngã «đường trên» (Võ Tánh-Nguyễn
Trãi), khởi hành từ ga gần Cột cờ Thủ Ngữ, chạy dọc theo rạch Bến Nghé, qua ga
tại đầu đường Némésis, rồi tiếp tục theo đường Marchaisse, vượt qua đường
Boresse đến ga Chợ Đũi. Năm 1912, trên đường này cũng có một rạp hát bội.
Đường
Boresse (Bác sĩ Yersin)
Xưa là đường số 4, được xem là đường xưa nhất trong khu vực, xây dựng nhằm
mục đích xúc tiến việc tháo nước tù đọng trong đầm lầy. Boresse là tên của một
đại úy hải quân, từng giữ chức thanh tra bản xứ sự vụ tại Nam Kỳ, giám đốc Sở Cảnh
sát và Sở Nội an (Service civil) vào các năm 1863-1865. Đường Boresse bắt đầu từ
bờ rạch Bến Nghé tới đường La Grandière (Gia Long). Một trong những kiến trúc lâu đời nhất trên
đường Boresse là chợ Cầu Ông Lãnh nằm tại đầu đường bên bờ rạch Bến Nghé. Gần
bên ngã tư đường
Lefebvre có bót cảnh sát, thành lập vào
năm 1865. Xa hơn một chút, tại ngã ba đường Dayot là cổng vào kho dầu lửa. Thời
ấy kho này chứa trữ lượng dầu đủ dùng
trong 2 năm cho toàn cõi Nam Kỳ (Vị trí của kho dầu là Ty Cảnh sát Quốc gia Quận
2, trước 1975). Vào năm 1886, sau hai trận hỏa hoạn trong khu vực, kho dầu bị
đe dọa bốc cháy bất cứ lúc nào. Nhận thấy các nhà kho không còn đủ chỗ chứa
nhiên liệu như trước và trở nên kém an toàn vì khu đất chung quanh thấm đầy dầu
do sự chảy rỉ lâu ngày, tháng 11 năm 1894, thống đốc Fourès chỉ thị dời kho dầu
về Đồn Nam (khu cầu Tân Thuận ngày nay).
Tuy thuộc khu vực bình dân, nhưng đường
Boresse khá nhộn nhịp vì là chốn ăn chơi, có rạp hát, nhà hàng, quán rượu, đặc
biệt là có nhiều nhà chứa mà gái mại dâm thuộc đủ các quốc tịch. Đây là nơi tập
trung những thanh lâu lúc trước ở rải rác trên các đường Lefebvre, Dayot,
Batavia bên phía đường Mac Mahon. Nguyên vào năm 1891, nhiều người Pháp cư ngụ
tại các đường vừa nói trên đã nhiều lần nộp đơn khiếu nại lên chính quyền, phản
kháng việc mở các nhà chứa tại các đường phố nơi họ cư ngụ. Vì thế thị trưởng
Cuniac ra sắc lệnh, kể từ ngày 15-8-1891, các nhà chứa trên đường Lefebvre,
Dayot và Batavia sẽ được dời về đường Boresse, trên đoạn phố giữa các đường
Lefebvre và Batavia. Các tú bà không thi hành đúng sắc luật này sẽ bị rút môn
bài và các gái mại dâm sẽ được đưa đến các nhà chứa khác. Những hoạt động nghề nghiệp khác trên đường
Boresse: Năm 1890, nhiều người làm nghề bán rong, xay lúa, cho thuê xe tay chở
hàng, vài nhà thuốc đông y, vài tiệm nước. Năm 1910, vài nhà hàng, tiệm giải
khát trong có mấy tiệm của người Nhật.
Trong quyển Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca,
Nguyễn Liên Phong đã phác họa đường Boresse vào đầu thế kỷ 20 như sau: Khỏi bót
lên ngay Cầu Quan,
Bên phía tay hữu luôn hàng thanh lâu
Nhựt Bổn điếm đều ở lầu
Trướng phòng sạch sẻ rước hầu khách sang
An Nam phố thấp ở tràn
Tối ra kéo níu dọc ngang cùng đường
…
Phía đường trước cửa kho dầu
Có hai rạp hát hai đầu la vang
…
Tốt thay một xóm Cầu Quan Ăn
chơi đờn địch lịch sang nhiều nhà.
Đại lộ Abattoir (Nguyễn Thái Học)
Nguyên đại lộ này xây bên trên kinh Lò heo,
đào đắp lại từ rạch Cầu Ông Lãnh xa xưa. Bản đồ năm 1893 cho ta thấy một con
kinh ngắn từ rạch Bến Nghé chảy giữa trục đại lộ Abattoir, vào tận bến dành
cho ghe thuyền chở súc vật đến cung cấp cho lò sát sinh tức lò heo (Người dân
còn gọi là Công ty heo). Lò heo được xây dựng vào năm 1866, thuở ấy chỉ là một
tòa nhà thô sơ, nền lát gạch, mái lợp ngói. Theo sắc luật của Toàn quyền De
Lanessan tháng 11-1894, đại lộ Abattoir, kể cả Công ty heo, là một phần ranh giới
phía Tây Nam của Thành phố Sài Gòn.
Theo niên giám 1910, đại lộ Abattoir chỉ dài
180 mét, bắt đầu từ bờ rạch Bến Nghé tới đường Lefebvre. Trên phần đường còn lại
xe cộ chưa lưu thông được. Vào năm này, các đường Amiral Courbet, Hamelin và
Dayot đều dừng lại tại đường Boresse, điều này chứng tỏ rằng đường lộ trong khu
vực nằm giữa Boresse và Abattoir chưa được sửa sang.
Đường
Lefebvre (Nguyễn Công Trứ)
Xưa là đường số 1. Lefebvre là tên của vị giám mục thuộc Hội Truyền giáo
Paris, hoạt động truyền giáo từ miền Trung
vào miền Nam trong giai đoạn 1835-1864. Đường Lefebvre được xây dựng
hoàn tất vào năm 1877, đi từ đường Adran (Võ Di Nguy tại Chợ cũ) tới đại lộ
Abattoir. Ta có thể xem đường này là ranh giới phía Nam của khu Boresse trước
khi xuống tới bờ rạch Bến Nghé.
Hoạt động nghề nghiệp tiêu biểu trên đường
Lefebvre những năm 19001912: Nhiều hãng thầu xây dựng, quán cơm rẻ tiền, tiệm tạp
hóa nhỏ và khá nhiều đại lý bán lẻ thuốc phiện.
Đường
Dayot (Nguyễn Văn Sâm)
Xưa là đường số 3. Dayot, thường bị viết sai là d’Ayot, là tên của viên
đại úy hải quân đã theo phò vua Gia Long vào những năm 1789-1795. Đường Dayot
được xây dựng hoàn tất vào năm 1877, đi từ đường Mac-Mahon tới trước cửa kho dầu
trên đường Boresse. Vào những năm 1885-1887, dọc bên đường này có nhiều lô đất
được chính quyền nhượng lại cho những người Pháp (nhân viên sở thuế, kho bạc,
kiểm lâm, thầu khoán, hoặc công chức đã về hưu nhưng có ý định lập nghiệp vĩnh
viễn tại Nam Kỳ). Là đất nhượng miễn phí thật, nhưng người thừa hưởng phải đối
phó nhiều khó khăn khi bắt đầu khai thác vì mặt đất nằm ở mực rất thấp so với mặt
đường, việc đắp đất được xem là tốn kém và mất nhiều thời gian. Vào thập niên
1910, gần đầu đường phía MacMahon có dãy cư xá dành cho nhân viên cảnh sát người
Pháp.
Sinh hoạt nghề nghiệp trên đường này: Năm
1890, nhiều quán nước, nhà xay lúa, và khá nhiều nhà cho thuê xe ngựa, xe kéo,
xe tay chở hàng. Năm 1900-1910, nhiều tiệm tạp hóa, vài tiệm nữ trang hạng bình
dân, lò rèn, tiệm đóng móng ngựa…
Đường
Hamelin (Hồ Văn Ngà)
Xưa là đường số 7. Hamelin là tên của một viên
đô đốc, giữ chức bộ trưởng bộ Hải quân Pháp dưới thời hoàng đế Napoléon III. Đường
này bắt đầu từ đại lộ Charner tới đường Abattoir, bị kho xưởng hỏa xa cắt làm hai
đoạn. Đoạn bên phía đại lộ Charner thường được gọi là Hamelin số 1 nằm trong
khu vực buôn bán trù phú (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng). Đoạn bên phía đường
Boresse là Hamelin số 2 (còn được gọi là đường Hamelin nối dài, nay là đường Hồ
Văn Ngà), nơi hoạt động thương mại hãy còn yếu kém, dọc bên đường phần nhiều là
nhà ở.
Vào năm 1897-1898, Chú Hỏa được giấy phép xây
cất các dãy phố nằm dọc theo đường Hamelin, giáp với đường Bourdais và Batavia,
bên cạnh bãi đất kho xưởng xe lửa.
Theo một báo cáo của bác sĩ Dumas, trường hợp
bệnh dịch hạch được khai báo lần đầu tiên tại Sài Gòn vào tháng 1-1906, phát xuất
từ trong khu Boresse, chính xác là tại đường Hamelin. Bệnh nhân là một người Ấn,
từ nơi đây truyền nhiễm bệnh sang thành phố Chợ Lớn.
Đường Batavia (sau 1900 là Amiral Courbet)
Batavia là thủ đô của Đông Ấn thuộc Hòa
Lan, nay là thủ đô Jakarta của nước Indonesia. Xưa đường Batavia nằm thẳng hàng
với đại lộ Bonard, đi từ đường MacMahon (Công Lý) đến đường Némésis (Phó Đức
Chính), sau được nối dài tới đại lộ Abattoir. Sau năm 1900 đổi tên là Amiral
Courbet.
Bãi đất của cơ xưởng hỏa xa cắt đường Batavia
làm hai đoạn. Khoảng năm 1900, bên cạnh phía Bắc của xưởng hỏa xa có kho tang vật
(phú-de), nơi nhà cầm quyền tạm giữ xe cộ đậu trái phép và đồ vật bị tịch thu
(nay ở khoảng đầu đường Huỳnh Thúc Kháng phía sau bót cảnh sát Lê Văn Ken cũ).
Gần đấy, tại góc đường Némésis là kho hàng và xưởng của Sở Lục lộ (Vị trí tại đầu
đại lộ Lê Lợi, cạnh cửa Nam của chợ Bến Thành).
Sau khi xây chợ Bến Thành và nhà ga, đường
Batavia/Amiral Courbet mất hút giữa phố xá và nhà cửa mới xây. Ngày nay tuy đường
này đã biến mất nhưng chúng ta có thể hình dung không gian cũ của nó, chỉ cần vạch
một đường thẳng bắt đầu từ đường Công Lý đi xuyên qua rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi
hoặc bệnh viện Đô thành và kéo dài đến giữa sân trường tiểu học Phan Văn Trị
trên đại lộ Trần Hưng Đạo.
Tương tự như đường Hamelin, phần nằm trong khu
Boresse của đường Batavia/Amiral Courbet chưa có hoạt động thương mại nào đáng
kể.
Đường
Espagne (Lê Thánh Tôn)
Xưa là đường Isabelle II, danh hiệu của nữ
hoàng nước Tây Ban Nha vào thời kỳ Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Sau đường đổi tên
là Espagne để kỷ niệm liên quân Pháp-Tây Ban Nha đã tham dự các trận đánh tại
Đà Nẵng và Sài Gòn trong hai năm 1858-1859. Một phần của đường này nằm trong
vùng phía Bắc của đầm lầy Boresse. Vì là vùng chuyển tiếp đi lên khu phố cao
ráo, nên khá đông dân cư sinh sống, trong đó có nhiều tiểu công chức. Tuy thế
vào năm 1900, khúc đường từ Némésis đến Boresse còn rất tồi tệ. Xưa rạch Cầu
Quan chảy tới khu vực này nối dài qua đến đoạn ở giữa các đường Thủ Khoa Huân
và Nguyễn Trung Trực ngày nay.
Ngày
chào đời của chợ Bến Thành
Ngôi chợ trên đường Charner được xây vào khoảng
năm 1870 bằng sườn gỗ mái ngói đã quá cũ
kỹ và trở nên xấu xí giữa một thành phố ngày càng mỹ miều tráng lệ. Vào năm
1894, Ủy ban Quản trị thành phố Sài
Gòn (Commission municipale) đã hội họp bầu cử chấp thuận việc tái thiết ngôi chợ
này.
Năm 1901, Hội đồng thành phố biểu quyết chấp
thuận việc xây lại một ngôi chợ khác hiện đại hơn, xứng đáng với thành phố Sài
Gòn của thế kỷ 20. Địa điểm xây chợ mới đang trong vòng bàn cải. Có người đưa
ra đề nghị là nên chọn khu vực quanh các
đường Lefebvre, Bourdais và Marchaisse (Nguyễn Công Trứ, Calmette, Ký Con, tức
là gần khu Dân Sinh ngày nay).
Năm 1908, thống đốc Nam Kỳ Gourbeil tuyên bố rằng
vấn đề tái thiết ngôi chợ đang được giải quyết. Hội đồng Thành phố ước lượng
ngân khoản cần có để xây chợ là 450.000 đồng bạc Đông Dương. Ngôi chợ sẽ tọa lạc
trong đầm lầy Boresse, trên trục đường Némésis (Phó Đức Chính), phần đất nằm giữa
đường Espagne và kho xưởng hỏa xa Sài Gòn - Mỹ Tho.
Việc lựa chọn vị trí xây chợ cạnh ngả tư
Némésis-Espagne có nhiều điểm thuận lợi vì nơi đây chính quyền còn nhiều lô đất
trống chưa nhượng hoặc bán cho tư nhân, hơn nữa gần bên còn mấy thửa đất rộng
thuộc tài sản của thành phố như kho bãi hỏa xa, kho xưởng vật liệu thành phố…
Ngoài ra nhiều tư nhân còn hiến tặng đất đai cho chính quyền, như trường hợp
ông Ippolito, giám đốc một hãng xe vận tải trên đại lộ Charner, đã tặng miếng đất
để xây lên cánh phía Tây chợ Bến Thành. Nhưng nếu cần, chính quyền vẫn phải
trưng dụng đất hay nhà cửa của dân chúng sống quanh đó. Địa điểm đã được lựa chọn, nhưng phải mất
thêm 3 năm nữa (1911), đợi đến khi ngôi chợ cũ đã quá bệ rạc, có cơ sụp đổ, một
phần chợ đành bị phá bỏ, nhiều người bán hàng không có mái che mưa nắng, thì
lúc ấy công cuộc xây dựng chợ mới bắt đầu thật sự.
Ngày 29 tháng 1 năm 1913, lúc 8 giờ sáng, toàn
quyền Albert Sarraut đã chủ tọa lễ đặt viên đá đầu tiên xây chợ mới. (Trước đó
một ngày, ông cắt băng khánh thành đường tramway Sài GònLái Thiêu). Buổi lễ diễn
ra khá long trọng. Sau diễn văn của thị trưởng Cuniac là đáp từ của toàn quyền.
Kết thúc buổi lễ, ông Sarraut nâng cốc champagne chúc mừng, xong lên xe đưa ông
về hướng bến Francis Garnier (bến Bạch Đằng), quẹo qua đường Catinat rồi trở về
dinh Norodom.
Ngôi chợ do hãng Brossard & Mopin xây dựng.
Kinh phí xây dựng lên tới một triệu đồng quan Pháp (ước chừng 350 triệu Mỹ kim
vào đầu năm 2017). Diện tích chợ khoảng 11.000 mét vuông, bên trong có 4 lối đi
chính cắt nhau tại trung tâm. Bên trên cửa chính phía Nam có tháp vuông, 3 mặt
tháp có đồng hồ, tiện lợi cho người đi ngang chợ xem giờ và cho cả hành khách
đáp xe lửa vì nhà ga ở cách chợ khoảng một trăm mét.
Chợ nằm giữa một vùng rộng thênh thang, phía
trước có công trường Eugène Cuniac, ba mặt còn lại có đường rộng liên lạc khắp
các khu phố lân cận, đó là các đường: Schroeder (Phan Châu Trinh), Espagne (Lê
Thánh Tôn), Viénot (Phan Bội Châu). Cùng lúc ấy, đại lộ Bonard được nối dài từ
đường MacMahon đến công trường phía trước chợ. Nhiều cống thoát nước được xây
bên dưới các con đường mới. Khu phố liền sau đó được cung cấp điện và nước. Ban đầu ngôi chợ được người dân gọi là «Chợ
mới» hoặc «Chợ mới Bến Thành», về sau thường gọi theo tên cũ của ngôi chợ xây
bên bờ sông lúc xưa: «Chợ Bến Thành».
Lễ
khánh thành chợ mới được ăn mừng liên tiếp trong ba ngày vào cuối tháng 3 năm
1914. Dịp này là một biến cố hi hữu nên đông đảo người dân dù ở tỉnh xa cũng
không bỏ lỡ cơ hội về Sài Gòn tham dự. Bên trong và cả bên ngoài chợ đều có những
gian hàng trưng bày hàng hóa, thực phẩm đủ loại, có cả hội chợ từ thiện với các
trò chơi trúng thưởng. Cuộc vui tổ chức lúc ban ngày có múa lân, biễu diễn võ
thuật, diễn hành xe hoa, hòa tấu cổ nhạc, trình diễn quân nhạc Pháp. Buổi tối
có rước đèn, bắn pháo bông, trình diễn hát bội ngoài trời…
Ngày chào đời của chợ Bến Thành là giai đoạn kết
thúc công cuộc khai khẩn đầm lầy Boresse. Một khu phố khang trang vừa thành
hình không chỉ mở đường phát triển cho các ngành thương mại và kỹ nghệ mà còn
là đầu cầu nối liền Sài Gòn với Chợ Lớn bằng con đường ngắn nhất và hiện đại nhất:
đại lộ Sài Gòn-Chợ Lớn, tiền thân của đại lộ Trần Hưng Đạo ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét