Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

ĐƯỜNG SỐ 46
ĐƯỜNG MONCEAUX
ĐƯỜNG HUỲNH TỊNH CỦA


Khi mới thành lập, con đường này chạy tới sát bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bây giờ nhưng đến thời chính phủ quốc gia Việt Nam thì đoạn từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến đường Champagne (Yên Đổ/Lý Chính Thắng) không còn dính với con đường Huỳnh Tịnh Của nữa và trở thành một hẽm lớn.
Đường này nằm ở trục Tây Bắc – Đông Nam nối đường Arfeuille (Nguyễn Đình Chiểu/Trần Quốc Toản) với đường Champaghe (Yên Đổ/Lý Chính Thắng). Đầu tiên tên là đường số 46. Năm 1906, hội đồng thành phố đặt lại tên Monceaux.


Bản đồ 1920


Bản đồ 1958 là đường Huỳnh Tịnh Của


Eugène HÜE-MONCEAUX là bác sĩ, sinh ở Paris tháng 12 năm 1852 và mất ở Vũng Tàu 22 tháng 1 năm 1903. Ông đến Nam kỳ năm 1881 là bác sĩ phục vụ cho hội đồng thành phố.
Ngày 22 tháng 3 năm 1955, chính phủ quốc gia Việt Nam quyết định đổi tên là Huỳnh Tịnh Của. Cũng thiết nghĩ, công trạng của ông Huỳnh Tịnh Của đối với chữ Quốc Ngữ cũng quan trọng không kém gì với ông Trường Vĩnh Ký nhưng người ta chỉ dành cho ông một con đường nhỏ trong khi ông Petrus Ký lại là con đường lớn. Nhưng giờ đây chỉ còn mỗi ông Huỳnh Tịnh Của.

Là một con đường nhỏ và ngắn, không có gì đặc biệt; từ đầu đường đến cuối đường là những dãy nhà nối dài liền kề với nhau. Chỉ có mấy điểm được ghi nhận:
Con đường khi xưa  hai bên đường trồng toàn là cây mặc nưa nhưng trước năm 1975 thì chỉ còn sót lại một số ít ở khu vực trường nữ tiểu học Tân Định.
Ở góc giáp với đường Yên Đổ có một biệt thự của ông Hoàng Đức Ninh, là anh của cố vấn  đặc trách an ninh Hoàng Đức Nhã. Bên phía đối diện có một tiệm  may tên là Nguyễn Hà số 73 B đường Huỳnh Tịnh Của.
Tới vài mét là một hẽm rất rộng nhưng vào hơn chục mét thì tóp nhỏ lại ăn thông với hẽm giáp với đường Nguyễn Văn Mai và ăn thông ra đường Công Lý cạnh một building. Nơi đây ngày xưa có một điểm sửa chửa xe hơi, cạnh đó là trường mẫu giáo Minh Tâm. Trường này đến khoảng giữa thập niên 1960 thì đóng cửa.



Trường mẫu giáo Minh Tâm. Tôi đứng ở hàng thứ 2 từ trái sang.

Đi tới gần trăm mét là ngả ba với  đường Nguyễn Văn Mai. Bên phía này như đã nói là một hẽm tương đối lớn, tại đây có một phông tên nước công cộng. Phía sau là căn nhà nhỏ của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân thời đó.
Đối diện xéo là một dãy nhà liền kề, mỗi nhà đều có che kín bởi lưới rào. Nơi đây có căn nhà của diễn viên Lê Công Tuấn Anh nổi tiếng một thời sau năm 1975. Cũng tại nơi đây anh đã tự tử.
Tiếp bước tới cuối đường là trường nữ tiểu học Tân Định với hàng mặc nưa phía trước. Khoảng năm 1965 – 1966 gì đó, có một con trâu đã húc một học sinh lòi ruột vì học sinh này mặc bộ đồng phục ba ba trắng (trâu rất kỵ màu trắng). Về phía đối diện có một con hẽm nhỏ ăn thông ra trường tư thục Khải Minh bên đường Nguyễn Đình Chiểu/Trần Quốc Toản.

Trường nữ tiểu học Tân Định thời Pháp thuộc.

Ngày nay khi trở về con đường này thì đối với những người đi xa sẽ không còn nhận ra; còn chăng chỉ còn dãy lớp trường nữ tiểu học Tân Định khi xưa giờ là trường Nguyễn Thái Sơn.



Đường Huỳnh Tịnh Của ngày nay. Hình chụp từ hướng ngả ba với
 đường Trần Quốc Toản tức là đường Nguyễn Đình Chiểu khi xưa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...