Những
rạp tuồng của hồi ức truyền thanh
Trưa Chủ nhựt đứng trong bếp làm cơm, mở cửa sổ
bếp ngó ra khu vườn chung của cả xóm, chợt nghe tiếng guitar phím lõm mổ óng ả
như nắng trưa rây lá một điệu dạo quen thuộc: “tằng tắng tăng...”
Có tiếng đàn ông đàn bà, giọng Sài Gòn rặt,
léo nhéo tranh cãi mà lên bổng xuống trầm, tạt ngược chiều khói bếp, len vô tận
nơi tôi đang đứng.
Người
đàn bà giọng thổ, phát âm rõ rệt phụ âm “s” và “tr” một cách sang trọng. Nàng
đang ra ý bất bình nhưng không chút cao giọng. Tiếng người đàn ông giọng kim
van vỉ trấn an nhưng cũng có vẻ quyết liệt.
Tôi
có biết hai người này, lâu rồi thì phải.
Và
tôi không hề là thị dân Sài Gòn duy nhất biết tới họ - cặp sóng thần vang danh
của đoàn Dạ Lý Hương một thuở.
Tới
lớp này, kép Hùng Cường đang toan tính cưới vợ giàu để trả nợ cho đoàn hát...
Từ huyền thoại Dạ Lý Hương
đến sóng FM lúc 11 giờ Chủ nhựt
Cuối
thập niên 1960, sự phát triển của kỹ nghệ ciné chớp bóng cùng nỗi hỗn loạn
trong bài bản giựt gân ăn khách khiến sân khấu cải lương đã chớp nháng thấy hồi
suy kiệt. Tuồng Nữ hoàng về đêm khi này đã thực tả tài
tình cái dự cảm bi đát đó.
Hẳn
nhiên, cô tình nhân, vốn là đào hát sáng giá kiêu kỳ cự dữ dội. Len lỏi qua
vườn cây đứng bóng nắng trưa, cái giọng đài các vừa dỗi hờn vừa khinh miệt, mà
câu cú chát chúa miễn chê: Anh đã viện dẫn những lý do quá lớn lao
mà cũng quá xa vời, trong khi tình yêu của chúng ta chỉ là một hiện hữu quá bé
mọn đến không còn quyền tồn tại...
Kiên
nhẫn mặc dù có phần đuối lý, anh kép lính đổi bài gallant xoa dịu trấn an người
tình đang hồi giận dữ bằng thứ giọng kép mùi không đàn bà có lương tri nào chịu
thấu: Không,
tình chúng ta là tình thiên thu của trường giang sóng biển, âm thầm trôi giữa
những bến bờ xa cách để làm thấp xuống và thâu ngắn lại... chơn... trời...
Nghe
bài bản cũ mê đắm bần thần, ca từ, tuyến tâm lý, vận ngữ tài tình, hẳn nhiên,
cả thuật ca diễn, chủ thuyết kịch bản... Chỉ tiếc là thời xưa không ai lưu hình
vở tuồng một thời đình đám các rạp hát Sài Gòn của đoàn hát đã thành cái tên
bảo chứng lừng danh Dạ Lý Hương.
Cặp sóng thần Hùng Cường - Bạch
Tuyết. Ảnh: TL
Tới
thời suy thoái, kép Hùng Cường bỏ ca diễn, bước vô tân nhạc và trở thành kép
chớp bóng ciné, sánh vai cùng đào Kim Vui đẹp như Sophia Loren. Đoàn Dạ Lý
Hương còn cầm cự được ít lâu, đào Bạch Tuyết lẻ bạn không tìm đâu ra kép tuồng
ca diễn hạp ý. Ngoài kia, cải lương cũng dần tàn lụi, náu thân vào những hãng
băng đĩa, màn ảnh truyền hình cũng chuộng thoại kịch và tân nhạc hơn nên tới
những năm 1980, tàn dư di chỉ còn lại chỉ là vài khung giờ phát thanh trên
radio trưa Chủ nhật.
Đó
là chuyện hồi nẳm nảo nào xa xưa...
Ba
tôi đứng dò đài radio những Chủ nhựt xưa lắc xưa lơ đó.
Hồi
đó, thú vui tiêu khiển thập niên 80 chẳng có chi nhiều. Ngoài vài rạp tuồng còn
rớt lại của Sài Gòn, thì đời sống tinh thần gói gọn trong nhựt trình, sách
giấy, tivi đen trắng, và radio.
Hồi
này, các rạp còn xập xình hoạt động nhưng các đoàn còn tồn tại được cũng quốc
hữu hóa. Tuồng không có bài bản chi mới, các thầy tuồng vang danh ẩn dật đâu không
rõ, và cũng chẳng còn viết lách dựng vở mới bởi có lẽ không viết được tuồng “tư
tưởng”.
Rạp
xập xệ dần...
Người
ta chờ coi vài vở kinh điển phát trên truyền hình đen trắng vào mỗi tối Thứ
bảy, xen kẽ với tuồng chuyển thể từ thoại kịch Nga Xô, coi cô đào bận đầm, sắm
vai cô xã viên Xô viết tóc thắt hai bím kiểu văn công miền Bắc nhuộm vàng, lấy
đà hà hơi một câu vọng cổ kiểu “Anh I-van Ả-lịch-xăng-rờ-lốp
Xề-lô-ha-mì-lô-xê-mô-vích ôi…” coi mắc cười sút quần.
Sáng
Chủ nhựt cả nhà dậy sớm, tôi lon ton cầm bạc cắc ra trước cửa kem Bạch Đằng mua
mấy ổ bánh mì nóng giòn, ba đập trứng làm ốp-la, pha cà phê sữa, trong khi chị
tôi, tay lăm lăm mấy tập tờ nhạc quay roneo, canh giờ dò radio nghe chương
trình nhạc ngoại quốc theo yêu cầu.
Cứ
như đã thành lệ, cả nhà mỗi người có một chương trình ưa chuộng riêng trên
radio vào Chủ nhựt. Chị tôi khoái nghe nhạc ngoại quốc đã đành, tôi cũng xúm
vào rình canh trong suốt mấy lời đề tặng của thính giả gửi về coi có ai tặng
mình cái gì không. Đương nhiên là không anh chàng nào gửi tặng bản tình ca Pháp
cho một cô gái 6 tuổi hết, chúng tôi cùng ngồi rình nghe, tưởng tượng ra những
cánh thư tay...
Xong
giờ điểm tâm, ba giở tờ nhựt trình số cuối tuần ra đọc, mẹ đi chợ, bà chị tôi
vẫn dí tai vô sát loa nghe Nana Mouskouri ca White Rose Of Athens thì
tôi lôi đồ chơi ra nghịch một mình, chờ mẹ đi chợ về.
Tôi
không đợi quà chợ, nhưng mẹ sẽ luôn về trước 11 giờ một chút để kịp sửa soạn
bữa trưa - đó là cách để tôi biết sắp tới chương trình “của tôi” trên sóng
radio Chủ nhựt: giờ cải lương và kịch nói truyền thanh.
Chiếc ba-toong của ông hội
đồng, đứa con riêng của ông cò, và dĩa bánh ướt Minh Châu
Từ
hồi mấy đoàn hát ngày càng đuối về bài bản, các rạp hầu như không được bảo trì
mà cứ tự trở nên nhếch nhác một cách bệ rạc. Lần mẹ nhìn thấy một thanh niên
dặt dẹo cong queo không biết đang ngủ hay đã chết, chỉ cách chúng tôi vài chiếc
ghế là lần cuối bà dắt tôi đi theo coi hát.
Nghệ sĩ Út Trà Ôn và Bạch Tuyết. Ảnh: TL
Con
nhỏ út trong nhà, tay vu vơ nghịch mấy món đồ chơi bán quán, nhưng tai cứ hút
về tuồng tích vô hình đang phát ra óng ả, như một trò chơi giả đò thảm hại của
cơn thèm rạp hát. Con nhỏ vẫn thao láo mở mắt nghịch nghịch mớ đồ hàng xanh đỏ,
trong óc hiển hiện rõ ràng từng nét ra bộ, từng nét cau mày, từng môi cười thoa
sáp… thậm chí có thể nhìn thấy, trong trí tưởng tượng và ký ức vớt vát mong
manh của mình đôi cặp rèm nhung nặng trĩu màu rượu chát rình rang trịnh trọng
khi vén lên thành những dợn sóng vỏ sò trong tiếng thoại dẫn từ máy vi âm giới
thiệu danh tánh đào kép, hoạ sĩ cảnh trí cho tới thầy tuồng. Dàn hàng phía
trước sân khấu, quây lại sau bức vách bằng gỗ nâu, vừa tầm ngồi là dàn nhạc có
cả cổ cầm lẫn ban đờn Tây, trên sân khấu, tòn teng những chiếc máy vi âm thả
dây từ tuốt trên trần xuống, tính toán theo raccord của từng lớp diễn...
Tuồng
phát trên radio thời này vẫn vòng vo Vực thẳm chiều cao với Ngao
Sò Ốc Hến, Đời cô Lựu... tôi nghe tới thuộc tuồng thuộc thoại, rành
tới từng tiếng những món nữ trang mỹ kí lạch xạch khi Kim Anh mướn thợ bạc làm
đánh tráo để đưa tiền cho cô Lựu nuôi con riêng, hay cái tiếng cây ba-toong
bằng mây của ông hội đồng dộng cái rầm xuống sân khấu...
Nhà
hàng xóm đã chuyển qua tuồng khác, bởi nghe có tiếng anh kép trẻ tới bắt ghen
cô nhân tình bán thân làm vợ bé tay tài phiệt. Vài câu buông hờn của người tình
trẻ ca xong, giọng nữ trầm châu báu đượm sầu đương kể lể chuyện bà thân sinh
lâm trọng bệnh được người ta chở giúp vô nhà thương Đồn Đất...
Châm
thêm chút nước vô tộ khổ qua kho xì dầu, miên man thả mình theo lời phân bua
của người tình tội lỗi:
Em tưởng người ta tốt nên không ngần ngại
nhận sự thi ân bố đức của người ta. Nào ngờ, một buổi tối đi thăm mẹ vừa ra
khỏi nhà thương thì gió cuối thu dậy cơn thịnh nộ, xô những cành sao bên vệ
đường nghiêng ngửa cho lá vàng rơi trong gió bay khuất giữa màn đêm, và trận
mưa cuối mùa ào ạt trùm lên thành phố làm cho con chim nhỏ gãy cánh đoan trinh
phải rơi vào vũng lầy tội lỗi của một ông chủ giàu sang thừa của... ử ư...
dư... ơ... tiền.
Đêm ấy người ta đem tôi lên lầu cao đòi hỏi
một cuộc... ử ư... sang thuyền...
Như
một phản xạ đã cài đặt trong ký ức của cô nhỏ mê coi hát hồi nào, đôi bàn tay
còn ướt nước rửa rau dợm đưa lên vỗ một tràng tưởng thưởng cho nốt xề mùi mẫn
của đào Phượng Liên.
Ắt
đây là tuồng Tuyệt tình ca, bản video đời đầu.
Nói
tới chuyện cặp sóng thần Hùng Cường - Bạch Tuyết bị chia loan rẽ thúy kéo theo
sự sa sút của đoàn hát Dạ Lý Hương, thì Tuyệt tình ca, còn có cái
tên phổ cập hơn là tuồng Ông Cò quận 9 đã là vở
tuồng ăn khách nhất nhì của gánh này thời còn vinh hiển. Có tên Ông
Cò quận 9 là bởi kép Út Trà Ôn vô vai ông cò quá mượt, giàu tự
sự với làn hơi sang cả nhứt nhì lịch sử cổ nhạc cải lương Nam bộ, vượt bứt cả
nhan sắc đào chính.
Nghệ sị Út Trà Ôn, Bạch Tuyết, Hồng Nga và
Thanh Sang trong Tuyệt Tình Ca. Ảnh: TL
Đây
cũng còn là một kịch bản đánh dấu cuộc “chia uyên rẽ thúy” của cặp Bá Nha - Tử
Kỳ huyền thoại của sân khấu cải lương là Hà Triều - Hoa Phượng. Hoa Phượng về
với đoàn Dạ Lý Hương, kết hợp cùng văn lực của soạn giả Ngọc Điệp viết nên Tuyệt
tình ca, với tên gọi thoạt tiên trên bài bản là Người
đối diện lương tâm, về sau đổi thành Tuyệt tình ca có lẽ bởi
màu sắc diễm tình dễ ăn khách hơn, nhưng cuối cùng, chính cái tên Ông
Cò quận 9 mới đi vào lòng khán giả. Lại thêm tiểu tiết ngồ
ngộ: ông cò là cảnh sát trưởng quận 9 bởi khi này Sài Gòn chỉ có 8 quận, lỡ
trúng ông trưởng ty cảnh sát nào cũng khó sống.
Hẳn
nhiên, vở tuồng thoạt tiên thủ diễn vẫn là cặp sóng thần kép đẹp đào thương
Hùng Cường - Bạch Tuyết, những bản thu âm băng đĩa thời này còn có kép hài Văn
Chung vào vai ông chú tài phiệt dê xồm, về sau được phát thanh rần rộ và mến
yêu rộng khắp trên sóng radio Sài Gòn.
Thuở
này khi diễn tấu trên sân khấu rạp tuồng, vai người mẹ của đào chính được giao
cho đào Hồng Nga bởi bà giỏi diễn xuất, nhưng quả tình khi lên sóng radio, phải
cái làn hơi ẩn nhẫn ngậm ngùi của Sầu nữ Út Bạch Lan mới thấm thấu tâm can
thính giả hình ảnh bà giáo già nửa thanh quý trong cảnh cơ hàn cô lẻ: Đây,
bộ bà ba lụa lèo mà chồng tôi bận hai mươi năm về trước. Lượt sau cùng ảnh bận
là buổi tối mà sáng ra ảnh ra bến Mỹ Thuận để về tỉnh Mỹ Tho...
Nhưng
đó lại là chuyện của hồi nẳm nằm năm, tức là thời còn nhà tuồng rạp hát, chứ
tới thời của tôi, dù kép lão Út Trà Ôn vẫn sắm vai ngon lành ngọt xớt, nhưng
những phiên bản quay video để đáp ứng món phương tiện tiêu khiển mới của thị
dân đã khiến đào kép trân mình ca nhép để dí kịp tốc độ thoại từ của bản thâu
âm, nên nét diễn lơi lạt lọng cọng ít nhiều.
Những
cuốn băng video thời cả xóm coi chung một đầu máy VCR, thị dân tập tành xoay xở
giữa những khái niệm hệ PAL, SECAM với NTSC, tưởng như kịp thời thỏa đáp cái
cơn thèm được quanh năm suốt tháng vừa nghe tiếng vừa coi hình đào kép phục
trang phấn sáp tân thời, cảnh trí thật chớ không còn là phông nền tuồng hát,
nửa như ciné, nửa như kịch truyền hình. Nhưng dường như cũng chính sự xuất hiện
của băng hình cải lương là cú kết liễu giáng lên những rạp hát cải lương heo
hút cuối cùng của thủ phủ văn nghệ ca diễn Sài Gòn.
Và
đó cũng là thời kỳ tôi, khi này đã là một nữ sinh trung học, đứng bần thần nhắm
mắt tưởng tượng ra khung cảnh rạp tuồng khi nghe chương trình cải lương trên
radio Chủ nhật.
Về
sau tuồng Tuyệt tình ca còn được dựng lại nhiều lần
trên phiên bản video, cả trong nước lẫn hải ngoại, với đào Phượng Liên thủ diễn
cả vai bà mẹ và cô con gái.
Về sau phiên bản video nội địa được phục
dựng, với Phương Hồng Thủy, Thanh Vi, Hoàng Tuấn, Thanh Hằng, Phương Quang, hay
phiên bản DVD với Thanh Thanh Tâm, Tuấn Châu, Văn Chung, Ngọc Đáng...
Khi
này, chuyện đi coi hát đã thành cổ tích, và radio chỉ còn thịnh ở những khu
công nghiệp mua vui cho mấy cô cậu công nhân xa xứ hoặc mấy bác tài xế đường
trường nổi cơn hoài cổ...
Bữa
nọ kể lại chuyện này cho anh bạn đạo diễn trẻ Leon Quang, anh bạn Việt kiều bao
năm vẫn vấn vương ám ảnh hồi ức rạp hát Minh Châu gần khu giáo xứ Bùi Phát. Đây
là một trong những rạp hát sau cuối được “chuyển hệ” thành rạp ciné, sau này
cũng đập bỏ không còn dấu tích. Có lẽ tàn dư cuối cùng là tiệm cơm bình dân ở
lề hè đối diện còn giữ tên gọi Minh Châu như tuyệt vọng nhắc nhở di tích nền
văn minh ca diễn một thời.
Đến
giờ, tiệm nọ dời qua vài căn, “chuyển hệ” sang bán... bánh ướt, tên gọi Minh
Châu vẫn còn, nhưng có lẽ đã trở nên tối nghĩa với những thị dân trẻ của Sài
Gòn.
Nghệ sĩ Út Trà Ôn trong một vai diễn.Ảnh: TL
Cuộc
hấp hối sau cùng được hoàn tất bằng một vật thể mới toanh xây bằng đá ốp lạnh
lẽo, cửa sắt đóng kín ngày đêm như một nhà mồ vô cảm gọi là Nhà hát Trần Hữu
Trang.
Cái
nhà mồ nọ từ khi khởi dựng cho tới nay vẫn không nhiều lần mở cửa.
Bữa
hát sau cuối ở rạp tuồng ọp ẹp đường Nguyễn Thái Bình đã phải mỏi mòn chờ đợi
đủ khách đặt vé mới dám quy tụ đào kép dựng tuồng.
Họ
đã không đợi chờ được.
Số
vé vĩnh viễn không đủ cho suất hát sau cùng.
Nay
nơi nọ đã thành hội sở tập tành cho đoàn ca múa nhạc Bông Sen, vài tấm poster
cải lương tuồng cổ còn dựng chỏng chơ trên lối bãi xe ra vào.
...
Nhà
hàng xóm đã tắt mấy link cải lương chắc tìm coi trên internet để mở tivi. Tiếng
nhạc hiệu quen thuộc rộn ràng của mấy TV show ăn khách ùa vào căn vườn trưa
đứng gió. Tôi tắt bếp, khép cửa sổ gian bếp chận lại tiếng ồn ào giật gân thời
thượng nọ, rồi thở dài, như người gác-dan cuối cùng nào đó đã từng thở dài khi
kéo đôi tấm rèm nhung của vở tuồng sau cuối, tôi tiễn chính mình khỏi rạp hát
riêng tư của trí tưởng tượng ngày thơ.
Trác Thúy Miêu
Nguồn: http://nguoidothi.net.vn/nhung-rap-tuong-cua-hoi-uc-truyen-thanh-10286.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét