Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Làm rõ địa danh “Lan Si Bê” trong tác phẩm
Sài Gòn 50 năm trước của Bình Nguyên Lộc


Trong tác phẩm của mình, ông Bình Nguyên Lộc có nói tới đường Blansubé chạy qua chợ Thái Bình mà người dân Sài Gòn đọc trại lại là “Lan Si Bê” và đặt cái tên này cho cái chợ ở đó.

“Đường Blansubé, tức đoạn Phạm-Ngũ-Lão ngay chợ Thái-Bình được đọc là đường Lan-Si-Bê (*).  Chợ Thái-Bình, cho tới năm 1925, còn được dân-chúng gọi là chợ Lan-Si-Bê.”

Khi đọc tới đoạn này, nhiều người thường lầm tưởng tới đường Blansubé giao với đường Norodom tức là đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch) với Thống Nhất (Lê Duẫn). Thật ra tại thời điểm đó tức hai thập niên đầu thế kỷ 20, ở Sài Gòn tồn tại hai đường mang tên Blansubé: Một ở địa điểm như vừa kể và một ở khu vực chợ Thái Bình và để phân biệt người Pháp đã thêm vào chữ de Cầu Kho (Blansubé de Cầu Kho).
Do thông tin về con đường Blansubé de Cầu Kho quá ít, kể cả trong bản đồ Sài Gòn thời đó cũng hiếm thấy vẽ con đường này. Trong chuyên đề GUIDE HISTORIQUE DES RUES DE SAIGON của ANDRÉ BAUDRIT cũng không thấy đề cập tới con đường này.  Vì vậy có những ý kiến cho rằng ông Bình Nguyên Lộc viết sai mà phải viết là đường Colonel Grimaud (Phạm Ngũ Lão) mới đúng. Như phần chú thích dưới đây:

Chú-thích của BBT:
(*) Theo tài-liệu chúng tôi tìm được thì đường Blansubé được đổi ra đường Duy-Tân, hiện nay là đường Phạm Ngọc Thạch.  Còn đường Phạm-Ngũ-Lão có tên cũ là Colonel Grimaud.  Rất tiếc chúng tôi không tìm được dấu-vết của đường nầy ở đoạn có tên là Blansubé = Lan-Si-Bê và chợ Thái-Bình với tên chợ Lan-Si-Bê như BNL đã kể.

Tình cờ khi tham khảo những bản đồ Sài Gòn thời Pháp thuộc, tôi phát hiện trong bản đồ năm 1920 có vẽ con đường đó.






Nhưng con đường đó lại không phải là đường Colonel Grimaud (Phạm Ngũ Lão) mà là đường ARRAS tên về sau của đường Blansubé de Cầu Kho (đoạn đầu còn đoạn sau là tên Huỳnh Quang Tiên). Như vậy ông Bình Nguyên Lộc đã lộn tên đường Colonel Grimaud với đường Blansubé de Cầu Kho vì hai con đường đó giao nhau tại vị trí chợ Thái Bình rất sát với nhau. Chỉ vậy thôi chứ ông Bình Nguyên Lộc không lẫn lộn giữa hai con đường Blansubé.

Đường Arras hình gãy khúc theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Nối đường Chasseloup – Laubat tới đại lộ Galliéni (Cầu Kho). Chạy qua thành lính Testard (Camp des Mares).

Con đường này trước đó gọi là đường Blancsubé, đường Cầu Kho. Đường rất dài: phần đầu bắt đầu từ đường Chasseloup – Laubat, phần kia kéo dài tới kênh Bến Nghé ở phía Tây Nam. Trong cuộc họp ngày 26 tháng 4 năm 1920, hội đồng thành phố quyết định đổi tên.


Bản đồ năm 1923


Bản dồ năm 1937


Bản đồ năm 1942 cho thấy đoạn dưới đổi tên là Huỳnh Quang Tiên


Bản đồ năm 1958 cho thấy đoạn đầu đổi tên là Cống Quỳnh


Như vậy kết luận, ông Bình Nguyên Lộc đã đúng về địa danh “Lan Si Bê” nhưng chỉ lẫn lộn tên hai con đường mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...