Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Sài Gòn trăm năm “nỗi lòng cư xá”

Đừng để cuốn vào những cơn lốc mê muội, theo đuổi những lợi ích nhóm nhỏ nhoi và thiển cận để tiếp tục lạc lối trong những đô thị “mê cung”, quái gở, đi ngược trào lưu sinh thái và nhân văn của nhân loại và chính Sài Gòn xưa.


Catinat ngày nay - Nơi lưu dấu ký ức của nhiều thị dân Sài Gòn.
Mỗi khi bạn dạo bước từ Nhà thờ Đức Bà đến Công viên Chi Lăng, thấp thoáng ở giao lộ Lý Tự Trọng - Đồng Khởi là cái góc cong cong duyên dáng của một tòa nhà năm tầng quý phái. Cái góc đó, ở tầng trệt đã và đang nổi tiếng với quán Chu mấy thập niên rồi.
Còn giờ đây, các tầng lầu cứ như các cô công chúa xinh đẹp vừa thức dậy, khoe mình với những quán cà phê, lounge, gallery tranh, tiệm quần áo thời trang nho nhỏ... Tòa nhà với kiểu dáng giản dị art deco, từng một thời mang tên Catinat, hiện giờ mang số 26 Lý Tự Trọng, vốn là một cao ốc căn hộ và văn phòng, xây dựng từ cuối những năm 1920.
Tòa nhà đang “sống nhanh, sống gấp” với những công năng “fantasy” chưa từng có - trước khi bị cuốn đi bởi những công trình mới như công viên kề bên, hay đột ngột chia tay như những cao ốc căn hộ Eden, La Pagode, 213 Catinat “vang bóng một thời”.

Thời vàng son
“Société Urbaine Foncière d’Indochine” - nếu may mắn, bạn sẽ tìm thấy đâu đó ở mặt ngoài ban công tầng một cao ốc 26 Lý Tự Trọng, một bảng kim loại đã phai mờ ghi dòng chữ trên. Đó là tên tiếng Pháp của Công ty đầu tư địa ốc đô thị Đông Dương (viết tắt là SUFI). Đây cũng là công ty chủ đầu tư xây dựng tòa nhà 5 tầng đồ sộ ở số 213 Catinat.
Cả hai tòa nhà đều là những cao ốc đúng kiểu art deco thịnh hành ở New York, Paris và nhiều thành phố lớn khác của thế giới hai thập niên 1920-1940. Hai thập niên này cũng là thời kỳ vàng son, thời kỳ Đông Dương cất cánh giữa hai cuộc thế chiến, trong đó đầu máy kinh tế số một là Sài Gòn.


Cao ốc Catinat xưa (hình tư liệu Mỹ)

Bước vào thế kỷ XX, sau bốn thập niên xây dựng bởi người Pháp, Sài Gòn là một thành phố lớn, khá hoàn chỉnh. Cho đến trước 1940, lúc quân Nhật đổ bộ vào Sài Gòn, thành phố tiếp tục được chỉnh trang bởi những nhà quy hoạch, các kiến trúc sư có tầm nhìn và kinh nghiệm trải rộng Âu Á. Các hoạt động xây sửa mới đều bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nghị viên Thành phố và giới báo chí - vốn không bị áp lực lớn bởi kiểm duyệt.
Thị trường địa ốc không chỉ có sự tham gia của các nhà đầu tư tại chỗ mà còn có các nhà đầu tư từ chính quốc và nước ngoài. Giới tài phiệt này có trình độ thẩm mỹ và học vấn cao chứ không phải loại “giàu xổi” hay “trọc phú”. Đáng chú ý, Sài Gòn lúc ấy làm đẹp không chỉ vì nhu cầu nội địa mà còn để thu hút du khách.
Chính trong bối cảnh trên, những dãy nhà phố và những khối nhà “thế hệ mới” đã ra đời với mật độ lớn dọc theo đường Catinat (nay là Đồng Khởi), Charner (Nguyễn Huệ), Lê Lợi (Bonard), La Grandière (Lý Tự Trọng), Pellerin (Pasteur), Galliéni (Trần Hưng Đạo quận 1), Marins (Trần Hưng Đạo - Chợ Lớn)... Đó là các nhà phố đa chức năng (cửa hàng-showroom - văn phòng - quán xá - khách sạn...), những cao ốc chuyên biệt (thương xá, autohall, ngân hàng...).
Và đặc biệt, lần đầu tiên xuất hiện các loại cao ốc văn phòng và căn hộ, hoặc cao ốc chuyên làm cư xá, đều là những “thể loại” nhà cửa chưa phổ biến trên bản đồ Sài Gòn trước đây. Các cao ốc mới được thiết kế đều không vượt quá chiều cao 50m của nhà thờ Đức Bà - rất phù hợp để không những hài hòa với các nhà phố và dinh thự đã có mà còn tiếp tục làm đẹp cho một “thành phố sân vườn” nhiệt đới.
Cả hai cao ốc 26 La Grandière và 213 Catinat, có các tầng lầu dành làm căn hộ rộng rãi và sang trọng, còn tầng dưới dành cho các cửa hàng boutique, quán cà phê, nhà hàng, văn phòng công ty.


Hành lang bên trong một tầng lầu của cao ốc Catinat,
 nay trở thành lối vào các shop quần áo thời trang.

Ngoài thang bộ, các cao ốc này đã được trang bị thang máy - giờ đây đã trở thành một loại đồ cổ quý hiếm. Một trong những “khách hàng sộp” của cao ốc 26 La Grandière là cơ quan Lãnh sự Mỹ, người thuê luôn một lúc bảy căn hộ ở tầng hai để làm trụ sở liên tục 18 năm (1932-1950). Ngoài ra, Lãnh sự Mỹ còn thuê một căn hộ lớn trên tầng thượng, trông ra mặt đường Catinat. Giá thuê căn hộ lớn với đầy đủ nội thất như vậy, ở thời điểm 1930 là 3.000 USD/năm.
Trong khi ấy, tòa nhà 213 Catinat, cũng từng là nơi đặt văn phòng các lãnh sự Áo, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nhiều doanh nhân nước ngoài, công chức cao cấp của Pháp đã ở tại đây, kể cả nhà báo nước ngoài, trong đó có nguyên mẫu nhân vật Thomas Fowler trong tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng của Graham Green. Chính Sở Du lịch Đông Dương trước đấy đặt tại khách sạn Continental nhưng sau đó đã chuyển sang 213 Catinat, càng làm tăng giá trị tòa nhà.
Rất tiếc, năm 2014, cao ốc 213 (với hơn 100 hộ) đã ra đi “không kèn không trống”, nhường chỗ để xây phần mở rộng trung tâm hành chính thành phố. Mong sao nay mai tại những tòa nhà đầy dấu ấn lịch sử như vậy, sẽ có những bảng lưu niệm nhắc nhớ kỷ niệm vàng son.


Gạch bông xưa vẫn còn hiện diện trong cao ốc Catinat hiện tại.

Bùng nổ rồi tàn phai
Tại Sài Gòn, trong hai thập niên huy hoàng nói trên và cho đến 1955 - khi người Pháp chia tay Đông Dương, đã xuất hiện khá nhiều tòa nhà và khối phố là cao ốc thương mại và căn hộ, mang dấu ấn kiến trúc và văn hóa Pháp ở các khu trung tâm hành chính và thương mại.
Cũng từ những năm này, bắt đầu xuất hiện các cité (cư xá) theo dạng nhà liên kế hay khu phố thấp tầng có hàng rào ngăn cách riêng biệt. Phần lớn ở các khu dân cư công chức và binh lính Pháp như Đa Kao, Thị Nghè, Bonard (Lê Lợi), Nancy (giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo). Hiện giờ, dấu tích các cité này vẫn còn ở các khu nhà “cổ điển” hiếm hoi như số 2 Lê Duẩn, 151 Đồng Khởi, 70 Lê Lợi, 40 Lý Tự trọng, 95 Pasteur, 40 Nguyễn Huệ, 73 Cao Thắng hoặc các đường Đặng Dung, Đặng Tất...


Cửa sổ nhìn ra Nhà thờ Đức Bà trong một căn hộ tầng ba,
 nay la shop quần áo trong cao ốc Catinat.

Gần đây, một số cité có kiến trúc đẹp ở các góc đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu - Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh đã “bay lên trời“. Chúng được thay bằng những kiến trúc mới hay vẫn còn “trùm chăn”, sau khi bị đập bỏ.
Riêng tại Chợ Lớn, nhiều chung cư Hoa có nét kiến trúc Á - Âu độc đáo vẫn còn tồn tại khá nhiều dọc các đường Trần Hưng Đạo, Châu Văn Liêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương... Đây là các con đường mới phồn thịnh đầu thế kỷ XX theo sau sự ra đời của chợ Bình Tây, xây dựng năm 1928.
Sau năm 1955, phần lớn các cao ốc căn hộ và cité thời Pháp ở khu trung tâm chuyển qua tay người Việt. Trong khi đó, các cao ốc căn hộ và cư xá mới cho giới trung lưu nảy nở nhanh chóng. Từ “cư xá” được khai sanh, thay cho cité, có lẽ bắt đầu bằng “Cư xá Đô thành” ở khu Vườn Chuối - Bàn Cờ.
Nơi đây một loạt dãy nhà liên kế bao gồm sân trước, được xây theo quy hoạch, tạo thành khu vực riêng, dành cho công chức và những nhà trung lưu. Đầu 1960, thành phố có thêm khu vực “Làng Đại học” ở Thủ Đức là một “thí nghiệm” cư xá mới, rất hiện đại, bao gồm các biệt thự liên kế (mỗi căn 300m2), chỉ dành cho các giáo sư. Thí nghiệm này được tiếp nối bằng việc ra đời Cư xá sĩ quan Chí Hòa ở quận 10 (sau tháng 4.1975 gọi là Cư xá Bắc Hải).
Cuối 1960 đầu 1970, Tổng cục Gia cư được thành lập, đánh dấu sự xuất hiện của một loạt “chung cư”- tên gọi mới của các cư xá cao tầng dành cho giới bình dân. Sau Tết Mậu Thân 1968, Tổng cục Gia cư cho xây một loạt chung cư “tái thiết” ở các xóm lao động bị đốt cháy trong chiến cuộc, từ đó ra đời các chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), Sư Vạn Hạnh và Nguyễn Kim (quận 10).


Ban công một quán cà phê nhìn ra công viên Chi Lăng trên tầng ba cao ốc Catinat.

Cùng thời gian này, các chung cư Phú Lâm (quận 6), Phạm Thế Hiển (quận 8) lần lượt được xây dựng, thể hiện một nỗ lực đáng kể về xóa nhà lụp sụp, chỉnh trang đô thị trong chiến tranh.
Vào thập niên 1970, ở Chợ Lớn, ra đời một loạt chung cư cao tầng mới theo kiểu cao ốc Hồng Kông đơn giản, tiện dụng cho buôn bán và sinh hoạt các khu đông dân. Vào năm 1974-1975, chung cư Thanh Đa được hoàn thành ở khu vực tân lập, dành cho công chức và quân nhân, là mô hình một loại chung cư mới khang trang hơn.
Trong khi ấy, từ 1965-1973, một loạt cư xá, chung cư, căn hộ cao tầng cho thuê do tư nhân xây dựng đủ loại lớn nhỏ được xây dựng gấp gáp ở Sài Gòn. Phần lớn các cao ốc này ra đời để đáp ứng nhu cầu nhà cửa của quân đội Mỹ và đồng minh. Nhiều cao ốc kiểu dáng hoa mỹ, còn nhiều khiếm khuyết, là kết quả của một đô thị phát triển xộc xệch trong chiến tranh.
Sau tháng 4.1975, trong khung cảnh cả một đô thị lớn bị xáo trộn, tất cả các căn hộ cao cấp hay trung lưu, các chung cư sang trọng hay bình dân, đều lần lượt biến dạng và xuống cấp. Nhiều tòa nhà trở thành “nhà tập thể”, dân cư và lối sống đảo lộn. Nhan sắc nhiều “nàng tiên” nhanh chóng tàn phai. Một số cư xá, nhà tập thể cao tầng mới được xây dựng vào cuối những năm 1980, trong điều kiện kinh tế duy ý chí, chỉ để lại hình ảnh những kiến trúc xấu xí và lạc hậu.

Hồi phục và khởi sắc
May mắn, cuộc bươn chải đổi mới và mở cửa đã cứu Sài Gòn và cả nước.
Từ đầu thập niên 1990 và 2000, thị trường địa ốc sống lại và trở nên sôi động khi nhu cầu làm ăn và hội nhập quốc tế gia tăng. Thành phố bắt đầu có các loại nhà căn hộ cao tầng, chung cư mới mẻ, phù hợp với kiểu dáng và tiêu chuẩn quốc tế. Những cái tên services apartment, condominium, penthouse, khu đô thị sinh thái hay nghỉ dưỡng dần dần phổ biến...
Theo quy hoạch, đến năm 2020, TP.HCM sẽ có hơn 550.000 căn hộ cao tầng, chiếm khoảng 1/3 số hộ toàn thành. Những năm gần đây, thành phố đã có hơn 880 dự án xây dựng cao ốc căn hộ.
Mới nhất, theo khảo sát của JLL (một tập đoàn quản lý đầu tư và dịch vụ bất động sản), dự kiến có đến 15.000-18.000 căn hộ được tung ra vào hai quý cuối năm 2016, trong đó 30-40% là căn hộ sang trọng. Không nhìn những số liệu này, hàng ngày hàng giờ chúng ta cũng đã thấy diện mạo Sài Gòn sau 2015 đang thay đổi vùn vụt.
Một “rừng” cao ốc văn phòng và căn hộ đang mọc lên như nấm, tranh nhau từng ô “đất vàng” ở các quận trung tâm hoặc khu mới phát triển tại các quận ven. Ngay cả khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã mọc lên không ít cao ốc dân cư và thương mại, làm gia tăng nỗi lo về an toàn hàng không.


Cửa sổ nhìn ra Nhà thờ Đức Bà trong một căn hộ tầng ba,
 nay là shop quần áo cao ốc Catinat

Ngày nay, cư dân ở các cao ốc căn hộ cao cấp tại quận 1, 3, Nam Sài Gòn hay Thủ Thiêm thích thú thưởng ngoạn những tiện nghi và lợi ích mới. Trong khi đó, dân cư của 474 chung cư được đánh giá đã xuống cấp trầm trọng lại đang căng thẳng với nhiều lo toan.
Cứu các chung cư này là việc khẩn thiết trong định hướng chỉnh trang đô thị từ nay đến 2020. Tuy nhiên trong số này có không ít “nàng tiên” vang bóng một thời không nên phá bỏ mà cần tôn tạo, bổ sung và thay đổi công năng để làm các nhà phố thương mại và văn hóa gia tăng giá trị.
Mong sao Sài Gòn và các đô thị lâu đời của Việt Nam trong những năm tới, sẽ hạn chế được cảnh tượng những “rừng” nhà chung cư cao tầng chen chúc và xấu xí, những khu căn hộ cao cấp hào nhoáng không linh hồn, những cao ốc “khu phố ma” do xây dựng vô tội vạ. Nghĩ đến viễn cảnh của những đô thị và đại đô thị siêu hiện đại nay mai, chắc chúng ta không thể quên, không thể cảm ơn những ý tưởng về đô thị xanh và những di sản cảnh quan và kiến trúc đầy giá trị do người Pháp để lại.
Trong đó, căn hộ cũng như cư xá, vừa là tiện nghi tân kỳ, vừa là lối sống và trình độ sinh hoạt của thị dân hiện đại, chỉ mới có trong lịch sử Việt Nam chưa đầy 100 năm.
Trên cái nền di sản ấy, rất kỳ vọng thị dân Việt Nam thế kỷ XXI, từ các nhà lập chính sách đến người dân, từ những nhà đầu tư đến những nhà chuyên môn hãy tiếp tục hành xử văn minh với chính mình và các thế hệ đi trước. Đừng để cuốn vào những cơn lốc mê muội, theo đuổi những lợi ích nhóm nhỏ nhoi và thiển cận để tiếp tục lạc lối trong những đô thị “mê cung”, quái gở, đi ngược trào lưu sinh thái và nhân văn của nhân loại và chính Sài Gòn xưa.
                                                                             Bài và ảnh Phúc Tiến

Nguồn:  http://nguoidothi.net.vn/vn/news/hon-pho/ky-uc-do-thi/7187/sai-gon-tram-nam-noi-long-cu-xa-.ndt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...