BOULEVARD
DES DEUX PONTS
BOULEVARD
PAUL BERT
ĐƯỜNG
TRẦN QUANG KHẢI
Tìm trên bản đồ của Sài Gòn xưa thì
chúng ta có nhận xét là con đường này là một trong những con đường rất xưa của
thành phố, nó có trước khi người Pháp có kế hoạch mở rộng Sài Gòn theo nghị định
ký ngày 17.12.1894. Thật vậy trong bản đồ năm 1867 và 1878 chúng ta đã thấy nó
xuất hiện mặc dù chưa có đặt tên chạy qua khu vực làng Nam Chơn và làng Phú Hòa.
Cho đến tận năm 1898 trong bản đồ thời bấy giờ nó mới có tên là Boulevard des
deux ponts có nghĩa là con đường này chạy dài nối hai cây cầu là cầu Bông và cầu
Kiệu. Trong đó cầu thứ nhất là cầu Thị Nghè, cầu thứ hai là cầu Bông và cầu thứ
ba là cầu Kiệu.
Đường vẫn chưa đăt tên trong bản đồ năm 1867
Đường vẫn chưa đăt tên trong bản đồ năm 1878
Trong bản đồ năm 1898 thì đã có tên là Boulevard des deux ponts
Đến năm 1910 ta mới thấy xuất hiện tên
đường Boulevard Paul Bert thế chổ Boulevard des deux ponts. Paul Bert (17/11/1833 – 11/11/1886, là một nhà động vật học, sinh lý học và chính trị gia người Pháp. Nếu tính từ giao lộ giáp với
cầu Bông thì dọc theo con đường này về phía tay phải là vùng trũng thấp hơn bên
tay phải vì nó giáp với phần kinh Nhiêu Lộc. Ngày xưa khi mới hình thành thì
nơi này là vùng đầm lầy với những bãi rau muống, về sau khi mở rộng hoàn chỉnh
thì dân cư tập trung về đây đông đúc đã làm thay đổi diện mạo một vùng ngoại ô
của sài Gòn thời bấy giờ.
Paul Bert (17/11/1833 – 11/11/1886
Trên con đường này là
nơi tập trung nhiều ngôi đình nhất của thành phố như đình Nam Chơn, đình Nghĩa
Hòa, Đình Phú Hòa, đình Sơn Trà, Đình Công Thành Ban. Có lẽ sự xuất hiện quá
nhiều đình, miếu và chùa là nguyên nhân khu vực này là của dân tứ xứ tụ tập về
sinh sống và mỗi cộng đồng đều cần có nơi thờ cúng tâm linh của riêng mình.
Còn việc đổi tên đường Paul Bert sang tên Trần Quang Khải có lẽ sau năm 1954 vì trong bản đồ Sài Gòn năm 1954 vẫn còn tên Paul Bert trong khi các con đường khác của Sài Gòn đã đổi sang tên Việt Nam.
Còn việc đổi tên đường Paul Bert sang tên Trần Quang Khải có lẽ sau năm 1954 vì trong bản đồ Sài Gòn năm 1954 vẫn còn tên Paul Bert trong khi các con đường khác của Sài Gòn đã đổi sang tên Việt Nam.
Chưa thấy xuất hiện tên đường Trần Quang Khải trong bản đồ năm 1954
Những năm sau đó mấy thấy tên đường Trần Quang Khải
Giờ chúng ta nghe một
người nhiều năm sống ở vùng này kể lại những ký ức của tác giả về con đường
này:
Quẹo trái ở ngả
ba (Hai Bà Trưng - Trần Quang
Khải)
là đường Trần Quang Khải. Phía tay trái là con đường nhỏ dẫn vô hẻm có tiệm
bánh cuốn Thanh Trì ngay đầu ngỏ, đối diện là Hảng Sáo Công Ty, rồi tới trường
Việt Nam Học Đường và trường Văn Lang số 51 Trần Quí Khoách do thầy Ngô Duy Cầu
làm Hiệu Trưởng. Thầy mất đúng ngày 30 tháng 04, năm 1975. Đối diện trường Văn
Lang là Cư Xá Kiến Ốc Cục Tân Định, dành cho công chức. Đi vào phía trong là
chùa Vạn Thọ và một số chùa nhỏ khác. Phía tay phải là quán cơm cây Điệp, kế
bên là hảng gạch bông Vân Sơn. Nhìn sang bên đường là trường Trung Học Tân Thạnh
của Thầy Phan Út. Trước khi vào cổng trường, phải đi ngang bảo sanh viện Ngô
Liêng. Bảo sanh viện này mang luôn tên bà.
Giao lộ Hai Bà Trưng - Trần Quang Khải
Đi
tiếp khoảng hai trăm thước sẽ gặp một ngả tư. Đường Bà Lê Chân bên tay phải.
Ngay góc đường bà Lê Chân là quán cơm tấm của vợ chồng con trai nghệ sĩ Bảy
Nhiêu. Đối diện là đình Phú Hoà, nơi các đoàn hát bộ và cải lương tập dượt. Nằm
trên đường Bà Lê Chân phía bên trái có nhà in Bùi Văn Tạ, bảo sanh viện Hà Đông
Hà. Trước mặt có con đường mang tên Mã Lộ. Con đường này chạy ngang phía sau chợ
Tân Định. Phía đầu đường Bà Lê Chân là ngả ba Hai Bà Trưng và Bà Lê Chân. Nằm
ngay góc là Y Viện Tân Định. (Tôi nhớ hồi xưa mỗi lần đi qua có một khoảng không gian của một thời hình thành con đường này nơi đó còn có những ngôi nhà mái ngói âm dương nằm chung quanh ngôi đình này dưới tán những cây dầu).
Đình Phú Hoà ngày nay
Từ
đình Phú Hoà nhìn sang bên kia đường là đường Trần Nhật Duật. Xe chè Huỳnh Thị
Ngà nổi tiếng một thời, nằm ngay góc ngả tư đường Trần Quang Khải và Trần Nhật
Duật. Đường này chạy dài tới khu nông cơ cũ. Trên đường Trần Nhật Duật có bốn
con đường nhỏ đâm ngang qua. Thứ tự như sau: Đặng Dung, Đặng Tất, Trần Quí
Khoách và Trần Khánh Dư. Riêng, hai đường Đặng Dung và Trần Khánh Dư thì chạy
dài được đến đường Trần Khắc Chân, còn gọi là xóm Cầu Mới. Trên đường Trần Nhật
Duật, hẻm số 21 có tiệm ảnh Nguyễn Kỳ nổi tiếng một thời trong giớí học sinh,
thích chụp hình chân dung, nhà số 10 là trường Huỳnh Thị Ngà.
Ngã tư - Tần Quang Khải / Trần Nhật Duật / Bà Lê Chân ngày nay
Bây
giờ trở ngược ra đường Trần Quang Khải đi về phía Đa Kao. Trước khi đến một ngả
năm. Phía bên phải là phòng nha khoa của một đôi vợ chồng. Vợ là Nha Sĩ tên Hạnh.
Chồng là Không Quân Thiếu Tá Nha Sĩ Dương Quảng Định (Trung Tâm Giám Định Y
Khoa Không Quân). Đi thêm khoảng ba mươi thước gặp một depot rác nhỏ. Đối diện
là chỗ cho thuê sách, tiểu thuyết và truyện hiếm hiệp Đức Hưng, kế bên là tiệm
hàn gió đá Sáu An. Cách đó vài căn là nơi chuyên sản xuất xích lô đạp và xe ba
bánh có tên Ngọc Quế.
Khi
đến ngả năm, bên tay trái là đường Trần Khắc Chân, nhìn xéo về phia tay phải là
đường Nguyễn Phi Khanh. Căn nhà nằm ngay góc đường của ông Bùi Ngọc Phương. Ông
tự phong cho mình là vua dầu hỏa Việt Nam và dự định ứng cử Tổng Thống VNCH. Nếu
đi ngược chiều trên đường Nguyễn Phi Khanh, ngả ba đầu tiên là đường Huyền
Quang, có đình Sơn Trà. Đường Huyền Quang mang tên một vị sư. Con đường dài khoảng
hai mươi thước, đi hết đường Huyền Quang, quẹo trái lá Chả cá Lã Vọng. Ngả ba kế
tiếp là Lý Văn Phức, có một depot rác rất lớn, nơi mà các công nhân vệ sinh đưa
rác về đây, trước khi các xe lớn đến chở đi tái chế và phế thải. Cuối đường là
quán cà phê bà Chi, mà các bài viết về cà phê Sài gòn đều nhắc đến. Quẹo trái gặp
rạp hát Casino Đa Kao, tiệm may Cao Minh và tiệm thạch chè Hiển Khánh. Đối diên
là nhà hàng Pháp tên Casino, tiệm bán quân trang Quế Anh và kế bên là tiệm Phúc
chuyên làm con dấu, thêu cờ và huy hiệu. Nếu quẹo phải sẽ gặp Đền Thờ Đức Thánh
Trần Hưng Đạo.
Ngã năm - Trần Quang Khải / Nguyễn Phi Khanh / Trần Khát Chân / Nguyễn Hữu Cầu (Trần Văn Thạch)
Đoạn
đường Trần Quang Khải từ đây ra đến đường Đinh Tiên Hoàng tuy không dài lắm,
nhưng có rất nhiều cửa hiệu buôn bán. Phía bên phải, ta thấy có Pharmacy Duyệt,
rồi đến bảo sanh viện Chung Nam Quế. Nơi đây các bà bầu khu Đakao và Gia Dịnh
thường đến để khai hoa nở nhụy. Nhà kế bên là nhà của bà thầy bói mâp, chuyên
môn coi bói bài, tiếp đó có hai tiệm bán phụ tùng và sửa xe Honda, rồi cà phê
Ngọc Dung số 77 Trần Quang Khải, của hai chị em tên Ngọc và tên Dung. Đi thêm một
chút nửa sẽ gặp Đình Nam Chơn. Trước đình có thờ hình ông Cọp. Bên trái cổng
vào trong sân đình có cây Đa to, có lẽ đã trên trăm uổi. Thêm vài bước nửa cũng
có một Phật đường nhỏ, thuộc Giáo Hội Phật Đường Nam Tông. Được gọi tên la Minh
Sư Đạo Quang Nam Phật Đường. Kế bên là tiệm vàng Bảo Thành, cũng nổi tiếng về
Bánh Trung Thu, giò lụa, giò thủ và bánh mứt.
Đình Nam Chơn
Tiếp
tục phía bên trái. Đầu tiên là chi cuôc cảnh sát Tân Định. Kế bên là đình Công
Thành Ban, chuyên trình diễn hát bộ. Trước đình cũng có thờ một ông cọp, kế bên
là một ngỏ hẻm, đi ra được đường Trần Khắc Chân. Sau đó sẽ đến một dảy phố, có
tiệm quay Ronéo Lửa Hồng, nơi đây quay ronéo và photocopy bài vở cho các học
trò và thầy cô giáo. Ngoài ra cũng bán nhạc quay roneo sẳn, giá rất bình dân.
Cách đó vài căn là một tiệm hòm. Có tiệm may Của, rồi đến nhà bà con với ông chủ
rạp hát Văn Hoa. Nổi tiếng ở đoạn này là tiệm cầm đồ bình dân có tên là Kim
Ngân. Bà chủ lúc nào cũng trang điểm lộng lẫy như các cô đào cải lương Thanh
Nga hay Bạch Tuyết sắp lên sân khấu trình diễn. Nơi đây lúc nào cũng đông khách
vì tiệm cho cầm và chuộc đồ với giá tương đối dễ thở và thủ tục thì đơn giản
hơn so các nơi khác. Cách khoảng mười căn nhà, bên trái có một con hẻm lớn, nổi
tiếng nhất vùng Tân Định – Đa Kao. Đó là hẻm xóm Vạn Chài. Đây là địa điểm quy
tụ anh hùng hào kiệt tứ xứ. Mỗi lần có hành quân cảnh sát để bắt thanh niên trốn
quân dịch thì xe cộ, súng ống rầm rộ, ca nô, thuyền nhỏ chạy dài dọc theo sông
cầu Bông, đèn pin chiếu pha sáng cả một vùng. Cuối cùng kết quả chẳng đi đến
đâu, vì thanh niên trốn quân dịch đã nhảy xuống sông, lặn qua bên phía Gia Định,
hoặc trốn trong các con hẻm sâu, tối tăm, chằng chịt. Lực lượng kiểm soát cũng
không muốn vào chỗ này, vì không an toàn cho lắm. Đặc biệt, trong hẻm có một
trường trung tiểu học tư thục mang tên Văn Hiến do Thầy Phan Ngô làm Hiệu Trưởng.
Thầy cũng từng ra ứng cử và đắc cử Nghị viên thành phố Sài gòn.
Đường Trần Quang Khải trước con hẽm lớn đi vào xóm Vạn Chài còn gọi là xóm Chùa. Nơi này trước 1975 ban nhạc trẻ CBC cư ngụ ở đây.
Ra
khỏi hẻm, quẹo trái là ngay rạp hát Văn Hoa. Rạp hát này đã từng một thời là một
rạp hát sang trọng của Saigon vì có trang bị máy lạnh, màn ảnh rộng và giá vé
vào cửa cũng tương đối bình dân. Rạp Văn Hoa chiếu đủ các loại phim. Những lúc
chiếu phim mới và hấp dẫn, bà con sắp hàng rồng rắn, kéo dài tới ngỏ xóm Vạn
Chài. Khán giả nào không muốn sắp hàng, không muốn chen lấn đổ mồ hôi, để bị
rách quần, rách áo hoặc bị rạch bóp, thì có thể mua chợ đen, đôi khi phải trả gấp
đôi. Cũng nên nói thêm ở đây. Cạnh bên rạp hát Văn Hoa là một quán cà phê cũng
đã đi vào lịch sử của cà phê Saigon. Đó là cà phê Văn Hoa (*). Quán được trang bị
dàn âm thanh tối tân, nhạc ngoại quốc hấp dẫn luôn luôn mới nhất, chỗ ngồi
thanh lịch, vị trí thuận lợi và do hai chị em ruột là bà con với ông bà chủ rạp
Văn Hoa đứng bán.
(*) Thật ra quán cà phê Văn Hoa nằm xéo đối diện rạp Văn Hoa.
Rạp Văn Hoa.
Đoạn
đường còn lại, phải nhắc đến một quán cơm xã hội, chuyên phục vụ cho giới bà
con lao động, xe ba gác, xe xích lô, công tư chức và học sinh, sinh viên nghèo.
Giá rất bình dân, chỉ duy nhất năm đồng. Thức ăn gồm ba món, thay đổi mỗi ngày.
Cơm ăn thoải mái, ăn cho đến khi nào no thì thôi. Ngoài ra, còn được tặng thêm
một trái chuối tráng miệng và ly trà thơm, nóng bốc khói. Sau đó phải kể thêm
hai tiệm bán xi măng, gạch, cát và đá cha truyền con nối là Tấn Phát và Tâm
Long. Nay chỉ còn tiệm Tâm Long tiếp tục, địa chỉ số 8 Trần Quang Khải, có lẽ cửa
hàng đã hơn nửa thế kỹ. Một chút nửa thì bỏ sót tiệm may áo dài tương đối nổi
tiếng là Phương Luân và hiệu ảnh Ngọc Chương ở kế bên. Hết đường Trần Quang Khải
thì gặp đường Đinh Tiên Hoàng.
Con nít vui chơi gần hẽm lớn đi vào xóm Vạn Chài
Đường Trần Quang Khải giáp với đường Đinh Tiên Hoàng
Nguồn: Trần Đình Phuớc
(San José – California 2010)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét