Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Những quán cà phê vợt trứ danh ở Sài Gòn

27/12/2015 - 00:41 AM
Gu cà phê rất riêng, gắn với ký ức bao người Sài Gòn


Quán cà phê vợt 60 năm tuổi đời

Tồn tại hơn 60 năm qua, quán cà phê trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng trở thành nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của những ai từng đặt chân đến đây.

Với xe cà phê cùng những chiếc ghế nhựa, gian nhà nhỏ ở đầu hẻm 330, đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), luôn đông đúc dù sớm nắng hay chiều muộn. Chủ quán - ông Đặng Ngọc Côn (80 tuổi) và bà Phạm Ngọc Tuyết (75 tuổi) được khách quen gọi với cái tên thân thương là ông Ba và bà Ba.

quan-ca-phe-vot-60-nam-o-sai-gon
Nép mình ở đầu con hẻm 330, nơi đây vẫn “tĩnh lặng” giữa những âm thanh nhộn nhịp của con đường Phan Đình Phùng. Ảnh: Hoài Anh


Theo lời kể của ông Ba, xe cà phê này trước đây là của ba ông và nó có từ thời Pháp thuộc. Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ nhưng hương vị cà phê độc đáo này vẫn được gìn giữ nhờ cách pha chế do người cha của ông truyền lại.

Ông Ba chia sẻ, cà phê ở đây được lấy từ những chỗ quen lâu năm, đem về tự rang rồi xay theo công thức riêng. Dù khách có đông nhưng ông bà luôn tỉ mỉ pha từng ly không bỏ sót một công đoạn nào. Chiếc vợt được nhúng vào nước sôi để vệ sinh, sau đó cho vào một lượng vừa đủ bột cà phê đã xay, kế đến đổ nước sôi vào chờ cho nở rồi nhúng thêm vài lần nữa mới bỏ vào chiếc ca bằng nhôm để sẵn. Cà phê nhờ đó mà có màu đen đậm, tỏa mùi thơm nức.

Đối với cà phê vợt, lửa là yếu tố rất quan trọng để giữ được hương vị đặc trưng. Chính vì vậy, cứ 10 - 15 phút ông Ba lại cúi xuống canh lại bếp than phía dưới. Dù tuổi đã lớn, nhưng “đứng lên ngồi xuống thế này mới thấy khỏe”, ông vui cười nói.

Tùy theo sở thích của mỗi người mà ông bà sẽ pha theo. Có người thích uống nhiều đường vì không chịu được vị đắng của cà phê. Có người thích ít đường để cảm nhận vị cà phê đúng điệu, người khác lại thích cho thêm chút sữa. Giá một ly cà phê chỉ 15.000 đồng đổ lại mà không kém kỳ công.

quan-ca-phe-vot-60-nam-o-sai-gon-1

Ly cà phê vợt thường không có độ sánh đặc như pha phin, nhưng có mùi thơm lâu. Điều đặc biệt là vị đăng đắng đậm đà và mùi thơm của từng giọt cà phê ấy vẫn để lại hương vị sau khi uống. Ảnh: Phong Vinh


Đã nhiều năm trôi qua và dù tuổi đã bước sang tuổi xế chiều, ông bà vẫn tâm huyết duy trì “nếp cà phê” bên cạnh chiếc xe cũ kỹ lúc nào cũng nghi ngút khói. Quán chỉ có vài chiếc bàn gỗ cũ đặt gần xe, còn lại là ghế nhựa để khách ngồi dựa sát tường trải dọc theo con hẻm. Ngoài ông bà ra, quán còn có vài người con cháu phụ giúp, thậm chí bác giữ xe cũng tranh thủ phụ bưng bê mỗi khi đông khách. Mỗi người một việc, cứ thế xoay vòng phục vụ hết lớp khách này đến lớp khách khác.

Khách ghé quán đến từ đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Có người làm văn phòng dừng xe mua mang đi, khách trẻ ngồi tại quán để tìm hình ảnh hoài cổ của những người cao tuổi, đôi khi còn có cả người lao động bình thường như anh công nhân quét rác hay bác xe ôm,... Ấy vậy mà không khí ở quán lúc nào cũng rôm rả và thân quen.

quan-ca-phe-vot-60-nam-o-sai-gon-2

Ông Ba luôn cẩn thận và tỉ mỉ cho từng ly cà phê mang đến cho khách. Ảnh: Phong Vinh


Ngồi thưởng thức cà phê, bạn sẽ thấy một bên tường được ông bà treo các bài báo từng viết về quán cùng những tấm ảnh kỷ niệm. Bên chiếc xe đẩy chất đầy các món đồ nghề pha cà phê như: ly tách, ấm trà,..., những vạt khói toả ra từ thùng nước sôi đặt trên bếp than và không thể thiếu chiếc vợt – nơi bắt nguồn cho những hoài niệm của ly cà phê này.

Quán cà phê vợt lâu đời nhất Sài Gòn

Quán cà phê 76 tuổi trong hẻm 109, đường Nguyễn Thiện Thuật từng một thời là nơi tụ họp của học sinh trường Petrus Ký, Chu Văn An.

Len lỏi qua những con hẻm bàn cờ của đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, cà phê vợt Cheo Leo không khó để bắt gặp dù nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà ống cao vút. Quán thoạt nhìn có vẻ khiêm nhường với những bộ bàn ghế đơn giản. Tuy nhiên, chính không gian có chút xưa cũ cùng âm thanh trữ tình của những bản nhạc phát ra khiến quán trở nên nổi bật trong con hẻm dài.

Anh-1-JPG-2340-1442377211.jpg
Không gian mang đậm dấu ấn xưa của Sài Gòn tại cà phê vợt Cheo Leo.

Theo lời kể của cô Hoa (người con thứ 6 trong gia đình), quán được mở từ năm 1938 do ba má cô đứng bán. Ngày đó, quán là điểm tụ họp của những cô cậu học trò trường Petrus Ký, Chu Văn An. Đây cũng là nơi lui tới của các nghệ sĩ nổi tiếng một thời ở Sài Gòn.
“Những ngày đầu nhà tui về đây xung quanh đồng không trống trải, nhà cửa thưa thớt với vài ngọn đèn leo lét, nên cha tui đặt tên quán là Cheo Leo”, cô Hoa kể.
Trong suốt hơn 75 năm, hương vị cà phê với cách pha độc đáo từ chiếc vợt vẫn được mọi thành viên trong gia đình giữ nguyên. Mỗi khi khách yêu cầu, cô Hoa lại nhanh tay chắt cà phê từ siêu đất nóng hổi rồi kết hợp với đường sữa để đem ra những ly cà phê thơm ngon. Công việc pha chế nghe tưởng đơn giản nhưng các công đoạn cần nhiều kinh nghiệm mà không phải quán nào cũng có được.
Cô Hoa chia sẻ: “Lửa rất quan trọng khi luộc cà phê. Nếu để lửa lớn quá cà phê sẽ bị kho ra vị chua, còn nhỏ, cà phê sẽ bị nguội, uống vô không còn mùi vị.” Kỹ lưỡng trong từng khâu thực hiện, gia đình cô Hoa còn lựa chọn mua cà phê hạt nguyên chất để xay bán tại nhà. Lò gạch và siêu đất vẫn chưa từng vắng mặt trong không gian pha chế để ủ nóng và giữ độ ẩm cho những mẻ cà phê suốt bao năm qua.

Anh-2-1-JPG-2830-1442377211.jpg
Từng giọt cà phê được chắt chiu kỹ càng qua nhiều công đoạn cùng chiếc vợt, siêu đất. Lửa luôn phải được canh cẩn thận để cà phê đảm bảo giữ đúng hương vị cuối cùng.

Một ly được pha chế bằng vợt thường không có độ sánh đặc như pha phin, nhưng mùi thơm ngào ngạt. Đặc biệt hơn, khi những ngụm cà phê và vị ngọt của đường sữa qua đi, vị đăng đắng đậm đà và mùi thơm thoảng của từng giọt cà phê vẫn để lại dư vị rất đáng nhớ.
Khách đến quán luôn được cô Sương (người con thứ 2 trong gia đình) niềm nở đón chào. Từng vị khách với những yêu cầu quen thuộc, người thích nhiều sữa, ít cà phê, người thích ít đá, ít đường,...đều được cô ghi nhớ rõ.
Nhớ về kỷ niệm của các vị khách từng ngồi uống cà phê tại đây, cô Sương kể: “Có người uống cà phê nhiều năm chỉ ngồi đúng một chỗ quen thuộc. Nhiều khách hôm nào có chuyện buồn là ra quán ngồi cả ngày".
Anh-3-JPG-4583-1442377211.jpg
Những người trẻ và người lớn tuổi ngồi cùng nhau trong không gian của quán cà phê Cheo Leo.

Trong không gian của những bản nhạc nước ngoài cách đây vài thập kỷ, ông Phúc (55 tuổi, ở quận Bình Thạnh) ngồi lẩm nhẩm theo lời bài hát và nói về những tình cảm gắn bó với nơi này. “Quán như là ngôi nhà quen thuộc của tôi và bạn bè. Bây giờ dù họ không còn ngồi ở đây vì đa phần sang Mỹ định cư, nhưng cảm xúc và không khí gần gũi của quán tôi cảm nhận vẫn luôn như vậy.”
Quán giờ đây có sự chuyển tiếp ký ức giữa những thế hệ xưa và lớp trẻ. Ngày cuối tuần, nhiều thanh niên tìm đến cà phê vợt với mong muốn được nhìn thấy một nét văn hóa sống động của Sài Gòn xưa cũ.
Anh Nam (29 tuổi, quận 8) mỗi sáng đều đến quán thưởng thức cà phê như một thói quen. Anh vui vẻ: “Tới quán có ngày gặp khách quen, có ngày gặp khách lạ, nhưng chỉ cần ngồi vào bàn là mọi người đều dễ dàng bắt chuyện”.
Giữa thanh âm náo nhiệt của cuộc sống Sài Gòn ngày mới, quán dường như vẫn tách biệt với bản nhạc xưa, những người ngồi trầm ngâm bên ly cà phê vợt nhả khói thuốc phì phèo, và tiếng nói cười bên các câu chuyện thường nhật.
                                                                            Phong Vinh - Đức Thành
                                                                                (nguồn Vnexpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...