Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015



 Đường Trần Hưng Đạo (Tiếp Theo)



                       
Qua khu chợ Nancy chúng ta thấy rạp Lux bên tay trái, Sau  đổi là rạp Lao Động B rồi trở thành vũ trường Monaco. Nằm trên đường Trần Hưng Đạo, cạnh chợ Nancy và đường Nguyễn Biểu (cầu Chữ Y). Sau  đổi là rạp Lao Động B rồi trở thành vũ trường Monaco. Đây cũng là nơi nữ nghệ sĩ lừng danh Thanh Nga bị ám sát hụt vào ngày 16 tháng 03 năm 1977, trong lúc đoàn Thanh Minh diễn tuồng Tiếng trống Mê Linh. Nữ nghệ sĩ Thanh Nga bị thương nhẹ, hai nhạc sĩ tân nhạc chết tên là Trần Văn Mùi và Lê Hiếu Đức. 
Ở đoạn đường này còn có một rạp nữa tên là Văn Cầm. Ở Sài Gòn trước 1975 tồn tại ba rạp mang tên Văn Cầm:
 – Văn Cầm, Phú Nhuận: ngay ngã ba đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng) & Nguyễn Huỳnh Đức (Huỳnh Văn Bánh)
– Văn Cầm, Chợ Quán: Đường Trần Hưng Đạo, gần chợ Nancy.
– Văn Cầm, Thị Nghè: đường Pham Viết Chánh, Thị Nghè, gần trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây.
Cả ba rạp này đều cùng một chủ.
Đi tới là ngả tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu dẫn vào cầu chữ Y.



                       
Xe lam bên phải đang rẽ vào đường Nguyễn Biểu để tới cầu Chữ Y. Xa phía trước là ngã tư Trần Hưng Đạo - Cộng Hòa (nay là ngã tư THĐ - Nguyễn Văn Cừ), nơi đường THĐ hơi bị gãy góc về phía bên trái trên đường


Ngả tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu


Cây xăng góc ngã tư Trần Hưng Đạo-Nguyễn Biểu.


                          
Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu. Bên trái là cây xăng Shell,bên phải là rạp Văn Cầm ngày xưa và gần nhất là Trạm y tế dự phòng. Từ cây xăng,băng qua dường Nguyễn Biểu là trạm điện CEE với 2 cửa sắt màu xanh (hiện nay vẫn còn),cạnh đó hiện nay là Công Ty Cho Thuê Tài Chính Agribank (422 Trần Hưng Đạo)

Hai chiếc taxi này đang dừng lại khi gặp đèn đỏ tại 
ngả tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu, chờ đi về Nancy

                     
Qua ngả tư này chúng ta gặp một Building cao và lớn mà sau này gọi là chung cư 727 Trần Hưng Đạo. Trước năm 1975 đây là một trong những công trình cao nhất Sài Gòn. Chung cư 727 còn có tên gọi khác là Building President nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, cách chợ Bến Thành khoảng 1 km, được xây dựng theo kiểu kiến trúc khá đơn giản gồm 13 tầng, chia làm 6 tòa với tổng số 530 phòng.chung cư này được xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ trước ,định giải tỏa cách đây đã 28 năm, tuy chỉ cao hơn chục tầng nhưng đã được xếp vào loại “chọc trời” ở Sài thành lúc bấy giờ. Để xây dựng được tòa chung cư này, chủ đầu tư phải phá bỏ, san ủi nguyên một dãy nhà trên đường Trần Hưng Đạo mới có đủ diện tích thi công. Và ông Nguyễn Tấn Đời, một tỷ phú ở Sài Gòn trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, cho thuê mướn nhà, và tài chính ngân hàng chính lúc bấy giờ đã phải bỏ ra hàng chục triệu đô la mới có thể xây dựng khu chung cư đồ sộ này.
Ngưỡng mộ trước sự thành công của ông Đời, người dân Sài Gòn thường gọi ông bằng biệt danh: “Vua Building”. Sau khi bỏ tiền xây dựng xong tòa chung cư, ông Đời cho quân Mỹ thuê lại toàn bộ tòa nhà. Sài Gòn giải phóng, ông Đời cho nhiều đơn vị trên địa bàn thành phố thuê làm nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Về sau, chung cư được sung công quỹ và chia cho các cán bộ công nhân viên, còn ông Đời thì sang Canada làm kinh doanh.
 Mời các bạn đọc bài dưới đây của tác giả Thượng Hồng viết về Nguyễn Tấn Đời trong http://thegioivohinh.com/diendan/.

NGUYỄN TẤN ĐỜI VÀ SỰ SỤP ĐỔ
 TÍN NGHĨA NGÂN HÀNG

Những năm đầu của thập niên 70, khi cường độ cuộc chiến tranh đã đến hồi khốc liệt thì cũng là thời điểm cực thịnh của hệ thống ngân hàng tư nhân ở Saigon, trong đó đứng đầu là Tín Nghĩa Ngân Hàng (TNNH), hay còn gọi một cách binh dân là ngân hàng Ông Thần Tài, của ông Nguyễn Tấn Đời. Với hàng trăm chi nhánh trên toàn miền Nam, hầu như TNNH đã chiếm lĩnh toàn bộ các dịch vụ tiền gửi và cho vay. Cùng lúc đó, những công trình lớn được đầu tư bởi ông nguyễn Tấn Đời cũng mọc lên như khách sạn Président (đường Trần Hưng Đạo,Q.5), bệnh viện tư loại lớn nhất nhì thành phố (Trần Hưng Đạo,Q.5), một hãng gạch bông có uy tín, một ngôi nhà thủy tạ (gần cầu Bình Lợi) thường được gọi là nhà mát của Nguyễn Tấn Đời và một số công trình khác nữa.

Từ giữa thập niên 60 về trước, ở Saigon chỉ những người trong giới ngân hàng là biết đến tên ông, còn người dân thì hoàn toàn xa lạ. Tuy nhiên, kể từ năm 1967 hầu như ai cũng nghe nhắc đến tên con người có gốc gác từ Rạch Giá và Long Xuyên này. Ông Nguyễn Tấn Đời vốn là một nhân viên ngân hàng Việt Nam Thương Tín (NH của nhà nước) trong nhiều năm, leo lên được chức trưởng phòng. Sự nghiệp công danh đang hồi hanh thông, bởi ban lãnh đạo ngân hàng đang có ý tin dùng và cất nhắc ông lên cao nữa... Bỗng một hôm, vào giữa năm 1966, ông Đời đột ngột xin nghỉ việc. Tại sao? Đó là câu hỏi đầy ngạc nhiên của nhiều người, và chỉ được trả lời sau đó 6 tháng, khi có tin chính thức về việc ông Đời thành lập Ngân Hàng Tín Nghĩa. Thì ra, con người có chí lớn đó không chịu an phận làm một chuyên viên có thế lực ở ngân hàng nhà nước.
Chỉ bốn năm sau, vào năm 1971, TNNH hầu như trùm thiên hạ, lấn lướt hẳn các ngân hàng khác, kể cả ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Biểu tượng ông Thần Tài đưa cao tay với xâu tiền điếu trong tay, hầu như quen thuộc với mọi người. Ở tận các hang cùng ngõ hẻm, dân nghèo sở hữu một món tiền nho nhỏ đều có thể có cuốn sổ tiết kiệm "Thần Tài". Nhưng đùng một cái, tỷ phú Nguyễn Tấn Đời bị bắt! TNNH bị sụp đổ!
Chuyện gì đã xảy ra cho nhà tỷ phú tiếng tăm này? Nếu theo tin tức đăng tải công khai trên các báo xuất bản tại Saigon vào thời điểm đó, thì Nguyễn Tấn Đời đã phạm vào các tội làm TNNH mất cân đối thu chi và không còn khả năng chi trã cho khách hàng, cá nhân ông Đời đã vi phạm việc huy động vốn và đầu tư kinh doanh... Nhưng theo dư luận bên ngoài, kể cả của những người am tường nghiệp vụ ngân hàng, thì ông Đời đã bị các đối thủ "chơi" một vố thẳng tay, hết đường chống đỡ. Đó là các tập đoàn tài phiệt đang cạnh tranh với ông, họ thấy cái thế của ông trong hệ thống ngân hàng quá lớn (theo con số được báo chí công bố lúc đó thì tổng số tiền của TNNH lên đến 22 tỷ đồng, số tiền này vào lúc đó rất lớn gần bằng số tiền của tất cả các ngân hàng tư nhân gộp lại) và có khả năng ông ta sẽ bỏ vòi sang địa hạt chính trị. Một câu hỏi khác đã từng được dư luận nêu lên : phải chăng ông Nguyễn Tấn Đời đã bị thế lực của các tướng lĩnh trong quân đội ra tay triệt hạ? Bởi cạnh tranh với TNNH còn có Kỹ Thương Ngân Hàng - một ngân hàng quân đội - mà đa số vốn là của các tướng lĩnh chóp bu trong quân đội thời đó.
48 giờ đồng hồ sau, khi chính quyền ra lệnh phong tỏa tất cả TNNH, ông Nguyễn Tấn Đời đã bị bắt tại nhà một người cháu ở đường Phan Liêm. Cuộc thẩm vấn ông Đời diễn ra chóng vánh, gần như đã được sắp xếp sẵn, để rồi tội danh được công bố như đã nói ở trên. Ông Nguyễn Tấn Đời bị tống giam vào khám Chí Hòa, như một tù nhân đặc biệt.
Nguyễn Tấn Đời ở tù cho đến ngày 30/4/75, nghe nói nhân lúc tình hình còn lộn xộn, ông Đời đã thoát ra khỏi khám Chí Hòa, sau đó về Rạch Giá để rồi lên tàu (do người nhà đóng sẵn) rời khỏi Việt Nam.

                                                                                                      Tác Giả Thượng Hồng








 Khách sạn President ngày nay trông rất thãm hại

                            Từ khách sạn President ngó sang bên kia đường ta thấy một nhà mộ của họ đạo Chợ Quán.



                        
Qua khu mộ này chúng ta đến tu viện Mến thánh giá và khu lăng mộ Petrus Trương Vĩnh Ký. Mời các bạn đọc bài Lăng mộ Petrus Trương Vĩnh Ký:

        http://thaolqd.blogspot.com/2015/04/theo-dong-thoi-gian-lang-mo-truong-vinh.html




                      
Đến đây là ngả tư Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng, phía xa bên góc phải hình là nhà thờ Chợ Quán.
                                                                               (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...