So với tuổi thọ của Sài Gòn thì con đường Phạm Viết Chánh là con
đường mới, vì sao?. Vì những con đường khác đã có những tên Tây trước khi trở về
với tên Việt thì con đường Phạm Viết Chánh là tên mới được đặt sau này khi chánh
phủ quốc gia Việt Nam ra đời. Ngày xưa nó chỉ là con đường dành cho xe lửa, cụ
thể là đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho nổi tiếng một thời và hai bên không có nhà
dân. Về sau, dân số Sài Gòn tăng lên, các nhà dân mọc lên hình thành ra con đường
mới. Con đường này chạy qua khu vực Thành Ô Ma (Au Mares) một thời của người Pháp,
đâm ra giáp vời Đường Hồng Thập Tự (NTMK) và hòa vào công trường Cộng Hòa.
ĐƯỜNG HOÀNG THỤY
NĂM
ĐƯỜNG PHẠM VIẾT CHÁNH
Con đường Phạm-Viết-Chánh
trong Saigon thật tình nói ra, cũng chẳng có gì gọi là khá đặc-biệt cả, mà cũng
như đa số các con đường bình-thường khác đấy thôi, nhưng hơi lạ một điều là cứ
mỗi lần nhắc đến, lại được anh chị bàn-tán rôm-rả nghe thật xôn-xao. Có lẽ là,
vì có khá nhiều người thân quen với khu-vực này đấy chăng cơ? Chẳng hạn như, có
anh ở cư-xá Nguyễn-Thiện-Thuật gần đó. Có chị ở sát bên hông công-viên Đại-Hàn
(trước có tên là Âu-Lạc thì phải?) gần đường này. Có anh chị ngày xưa nhà trong
cư-xá sĩ-quan cảnh-sát cận kề. Có cô trưa nào cũng đạp chiếc xe đạp cọc-cạch
hay bị xút sên ngang qua đây. Có tiệm bán và sửa xe hiệu Minh-Đạo ngay
bùng-binh Ngã Sáu Cộng-Hòa của "cô bé" nữ-sinh Nguyễn-Bá-Tòng mà mỗi
sáng đi học thường liếc mắt đưa tình cười mím chi với nhau (mà bữa nào Bà
Đại-Úy nhà không để ý là em phải rón-rén viết một bài về mấy cô hoa-khôi
Nguyễn-Bá-Tòng này mới được!). Và nhất là, có những cô cậu học-sinh của các
trường như Petrus Ký, Collège Fraternité, Trung-Thu, Đại-Học Sư-Phạm, Đại-Học
Khoa-Học nằm sát kề bên cạnh. Cũng như, nay được biết là có chị ngày xưa có nhà
nằm ngay trên con đường này. Thêm nữa, đây cũng gần nhà bảo-sanh Từ-Dũ có tiếng
tăm (mà em sợ bỏ xừ đâu dàm sớ-rớ đến vì nếu bị hiểu lầm là khốn-đốn thân trai
tơ 12 bến nước đục), với lại quán cà-phê Năm Dưỡng hầu như mọi học-sinh Petrus
Ký và những người tình của "Nhảy Dù Cố-Gắng!" đều biết đến, và cuối
cùng là, tiệm bánh mì gà Michaud ngon bá chấy mà em vẫn hỏi hoài là có ai còn
nhớ đến chăng chuyện ngày xưa.
Trong bản đồ 1942 chỉ là đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho
Bản đồ 1943
Bản đồ 1959 con đường Phạm Viết Chánh đã hình thành
Và em cứ hứa mãi rằng sẽ
viết một bài ngăn ngắn về con đường Phạm-Viết-Chánh này xin hầu anh chị, mà dạo
sau này cứ lu-xu-bu vài chuyện ruồi bu quá nên cứ lần lữa mãi cho đến ngày hôm
nay, Với lại, đây là được viết lại theo trí nhớ mỏi mòn, thì rất có thể em có
nhiều điều sai be bét nhè, những mong anh chị mao xếnh-xáng mà oánh giùm ba chữ
ổi xá lỵ cho em nhờ nhở.
Con đường Phạm-Viết-Chánh
ngày xưa rất ngắn và hẹp lắm kìa. Đầu đường giáp với Cống Quỳnh, và cuối đường
thì trổ ra bùng-binh Ngã Sáu Cộng-Hòa. Có thể xem như là chạy song song với
đường Hồng-Thập-Tự (nay là Nguyễn thị Minh-Khai) cũng được, dù rằng con đường
nói đây chạy không thẳng, mà hơi xeo xéo một chút.
Giao lộ Hồng Thập Tự - Phạm Viết Chánh
Ngã Sáu Cộng-Hòa là
bùng-binh giáp sáu con đường lớn nhỏ vời nhau là Hồng-Thập-Tự, Lý-Thái-Tổ,
Hùng-Vuơng, Nguyễn-Hoàng, Cộng-Hòa, và Phạm-Viết-Chánh. (Càc con đường
Hồng-Thập-Tự, Nguyễn-Hoàng, và Cộng-Hòa nay bị đổi tên là Nguyễn Thị Minh-Khai,
Trần-Phú, và Nguyễn Văn Cừ).
Đường Phạm-Viết-Chánh này
là chạy bên hông Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm Soát Đình Chiến (UHQT) ngày xưa. UHQT đã
được thành lập chiếu theo hiệp-định Geneve 1954 tạm chia cắt đất nước, và
nhiệm-vụ chính là góp tay phụ giúp những người dân ngoài Bắc di-cư vào Nam.
Hình như UHQT bao gồm bốn nước là Gia-Nã-Đại, Ba-Lan, Ấn-Độ, và Việt-Nam. Đầu
đường giáp với Cống Quỳnh là cổng chính vào trụ-sờ của UHQT, và cuối đường sát
với đại-lộ Cộng-Hòa là khu gia-binh riêng của UHQT này. (Một dạo em có quen với
một Ông Đại-Tá Ấn-Độ học chung ở Centre Culturel nên có được vào khu gia-binh
này chơi một vài lần).
Thoạt tiên là con đường
này được mang tên là Hoàng-Thụy-Năm. Ông là một vị Đại-Tá trường phái-đoàn
Việt-Nam Cộng-Hòa trong UHQT, và khi về thăm nhà dưới Thủ-Đức thì xui thay Ông
bị Việt-Cộng bắt cóc giam giữ trong ba ngày trời mà đưa ra những yêu sách này
nọ, nhưng vì không được chính-phủ đáp ứng thỏa đáng, nên cuối cùng Ông bị họ
sát hại dã-man. Chuyện này đã gây khá xôn-xao trên chính-trường thế-giới, vì
theo luật quốc-tế là những người trong UHQT này đúng ra được quyền "đặc
miễn", không chính-trị.
Con đường mang tên Ông
được thành-lập từ đó. Gọi là "đường" cho sang-trọng tí thế thôi, chứ
thực ra lúc đầu nó cũng chỉ hơi to và rộng hơn một cái ngõ hẻm một tẹo ấy mà.
Một bên - như nói trên - là trụ-sở UHQT và trại gia binh, còn bên kia là đường
rầy xe lửa. Chỉ có một góc hình tam giác nhỏ tí xíu khi cuối đường đụng
bùng-binh Ngã Sáu Cộng-Hòa là có một khu đất bé tẹo được trồng ít đám cỏ may
lưa-thưa, thế mà cũng bày đặt gọi là công-viên, nhưng lại là công-viên quá bé
nên chẳng buồn cho nó cái tên đã đành, mà ngay cà một băng ghế đá để ngổi nghỉ
chân cũng chẳng có nốt!
Vườn Bông (Công Viên) gần Bùng Binh Cộng Hòa cuối thập niên 60.
Đường rầy xe lửa này nhớ
là lúc đó em mới được mon-men vào học lớp Đệ Thất (tức lớp 6 bây giờ) ở trường
Petrus Ký, nên vẫn còn nhỏ téo. Hàng ngày xe lửa này chạy tuyến đường từ Saigon
xuống Mỹ-Tho, và buổi chiều là từ Mỹ-Tho trở về Saigon. Em còn nhớ như in là
ngày xưa tuy còn con nít mặt búng ra sữa nhưng đã "ác ôn" lắm rồi, là
hay khệ-nệ vác một cục đá xanh to tổ nái - càng to càng tốt! - len lén đặt trên
đường rày sắt, rồi chiều nào ngồi trong lớp nghe tiếng còi xe lửa tút tút là
tim đập thình-thịch lắng nghe xem xe có bị lật cài rầm hay chăng!? Nhưng hẳn
nhiên, xe bị lật đâu chẳng thấy, nhưng chiều đó đi học về ngang qua đường rầy
săm-soi, là y như rằng, thấy tảng đá mình đặt ban trưa nay bị nghiền nát như
cám vụn, thì lấy đó ra điều thích chí lắm!
Khi con đường này được
thành-lập thì đồng thời bên hông trụ-sở UHQT có một miếng đất trống khá rộng
lớn, thế là một trường tiểu-học được nhanh-nhẹn xây lên nơi đây. Thoạt tiên,
trường là chỉ có một dãy nhà hai tầng lầu. Và trường này cũng được mang tên
đường, là trường Hoàng-Thụy-Năm. Nghe nói hình như sau này, theo định-hướng của
Bộ Giáo-Dục, trường được xây-dựng lớn hơn, nâng cấp lên thành trung-học đệ nhất
cấp (tức là trung-học phổ-thông bây giờ). Rồi kế đến, sau khi em đi du học (đầu
năm 1971) thì trường lại được mở rộng thêm nữa để trở thành một trường
trung-học học đủ bảy năm (cũng như trường Trung-Thu của con em cảnh-sát gẩn nơi
đó), không biết có đúng hay chăng?
Tiếp đến là vào giữa thập
niên '60 có phong-trào thuơng-phế-binh nổi dậy mở ra chiến-dịch "cắm
dùi" mà đi chiếm đất lấn nhà. Đến lúc này thì ngành hỏa-xa đã tạm ngưng
hoạt-động vì hay bị Việt-Cộng phá hoại, thế là mấy anh thuơng-phế-binh ra đây
tháo gỡ những đường rầy sắt vứt bỏ thùng rác và bắt đầu hè nhau cùng xây nhà ở.
Thoạt tiên chỉ là những căn nhà lụp-xụp lợp tôn vách ván để tạm trú một cách
bất hợp-pháp, nhưng rồi sau đó chính-quyền nhân-nhượng cho những sự "cắm
dùi" này thành hợp-thức hóa thì nhà cửa theo đó mới được xây lên với gạch
vữa và quét vôi khang-trang. Tuy nhiên, vì đất đai khá hạn hẹp nên những nhà ở
đây diện-tích khuôn-viên cũng chẳng được là bao, có chăng là xây lên cao vài
tầng lầu thì một gia-đình mới có thể chung sồng khá thoải-mái được.
Và cũng từ đó, đường này
được chính-thức đổi tên là Phạm-Viết-Chánh cho đến ngày nay.
Ông Phạm-Viết-Chánh (1824
- 1886) người huyện Giồng Trôm, tình Bến-Tre, là một cị quan văn dưới triều
Nguyễn. Ông được triều-đình bổ làm Án-Sát tỉnh An-Giang (vì thế, dân chúng vùng
miền này quen gọi ông là "Cụ Án Doanh Điền"). Cùng với
Phan-Thanh-Giản và Nguyễn-Thông, Ông và một số sĩ-phu yêu nước nổi dậy chống
Pháp nên bị cầm tù. (Phỏng theo:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Phạm_Viết_Chánh
Bây giờ thì con đường
Phạm-Viết-Chánh này được mở ra khá lớn lắm rồi, không kém chi các con đường
khác là mấy. Thỉnh thoảng vẫn ghé đây luôn vì trong bộ sưu-tập xe cồ, em có
chiếc Minsk (mà thiên-hạ hay gọi là Minh Khờ). Minh Khờ của Nga ngố hẳn cò
khác, chẳng là cái oách gì nếu đem so-sánh với xe Nhật, cứ hỏng hóc lặt-vặt
suốt tùm-lum tá là nên phải mang xuống đây hoài, vì nơi đây có một tiệm sửa xe
máy 2-thì hàng hiệu này rất thần sầu.
Cái xe Minh Khờ này uống
xăng như người uống bia, thế nhưng cái dàn máy tuy chỉ là 125cc lại khòe như
trâu mà dân Tây dân u thích lắm, thường dùng để chạy phượt từ Bắc chí Nam, rồi
từ Nam ra Bắc. Để bữa nào rảnh em hứa sẽ viết một bài về Minh Khờ này cho anh
chị đọc chơi cho vui nhé.
Con đường Phạm-Viết-Chánh
nay có đủ cả các món ăn chơi. Khuôn-viên của UHQT xưa, úy chù chòa, nay thì đầy
rẫy những tiệm tạp-hóa bán đủ thứ, quán ăn, quán nhậu, nhà nghỉ, khách-sạn 3
sao, nhà massage "mát da mát thịt" tắm hơi, karaoke "em ca, anh
ôkê"... bát nháo lùng-tùng-xòe. Ngay tại cuối đường (tức bùng-binh Ngã Sáu
Cộng-Hòa) có nhà hàng của Tiệp hay Đức gì ấy bán bia hơi và sausage ăn khá
ngon, nhưng hơi ồn ào (cũng như là những chỗ khác vậy thôi mà).
Pham Gia Bội Hào: Thập
niên 80 con đường này nổi tiếng với những quán thịt rừng được treo bán ven
đường, nhiều nhất là ở đoạn Ngã Sáu Cộng-Hòa.
Thế đấy nhá, em cứ hứa hẹn
mãi thôi mà nay đã cong đít vịt viết xong cái stt này về con đường
Phạm-Viết-Chánh cho anh chị rồi nghen, đọc cho bằng thích nhở!
Già Chun-Choăn
Bài viết đầy đủ những hình ảnh thời một thời xa xưa còn trong trí nhớ, hồi đó mình cũng học ở trường tiểu học Hoàng Thụy Năm từ năm 1970 trên con đường Phạm Viết Chánh này.
Trả lờiXóa