Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018



Ngôi nhà số 606 Trần Hưng Đạo Sài Gòn cuối cùng cũng bị dỡ bỏ. Nhân đây tôi giới thiệu bài viết về ngôi nhà này từ thuở mới thành lập.

HỘI TRÍ ĐỨC THỂ DỤC NAM KỲ SAMIPIC
Dương Thanh-Bình
Lời mở đầu
 Có thể coi đầu thế kỷ 20 là lúc xã hội Việt Nam bắt đầu tiếp nhận tri thức khoa học và xã hội phương tây. Ý thức hệ phong kiến về chính trị và tư tưởng sĩ-nông-công-thương bị lung lay và được dần dần thay thế bằng tư tưởng cấp tiến, khoa học. Các nhà báo, nhà văn, và nhất là thành phần trí thức đầu tiên được đào tạo từ Pháp lần lượt trở về Việt Nam nghĩ đến việc canh tân đất nước. Người Việt cả nước, đặc biệt là ở Nam Kỳ cũng bắt đầu tham gia vào các hoạt động thương mại, kỹ nghệ, và nhiều người đã thành công. Chữ quốc ngữ đã được phổ biến rộng rãi ở lục tỉnh và đã có những tờ báo do người Việt làm chủ bút như Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn ….
Để đáp ứng với trào lưu và nhu cầu học hỏi, các nhân sĩ, trí thức đã thành lập nhiều hội đoàn trên cả nước như
·                     Hội Khai Trí Tiến Đức AFIMA (L’Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites) do cụ Phạm Quỳnh làm tổng thư ký, được thành lập năm 1919, với chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào lưu Tây học và học thuật truyền thống Việt Nam[1];
·                     Hội Trí Tri (La Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin, 1892 – 1945) do người Việt phối hợp cùng người Pháp thành lập, với chủ trương quảng bá khoa học. Các cụ Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh cũng là hội viên của Hội Trí Tri[2];
·                     Hội Khuyến Học Nam Kỳ (Société d’Enseignement Mutuel de la Cochinchine, SEMC) do ông Bùi Quang Chiêu thành lập vào cuối thập niên 1900,[3] tọa lạc ở số 34 đường Aviateur Roland Garros, Sài Gòn (nay là đường Thủ Khoa Huân);
·                     Hội Nam Kỳ Trí Đức Thể Dục (Société d’Amélioration Morale Intellectuelle et Physique des Indigènes Cochinchine, SAMIPIC) do Kỹ Sư Lưu Văn Lang thành lập;
·                     Hội Ái Hữu các Nhà Báo Nam Kỳ (Amicale des Journalistes Annamites de Cochinchine, AJAC) do Ông Nguyễn Văn Sâm, chủ nhiệm báo Ðuốc nhà Nam, làm Hội trưởng.
Trong bài lược khảo này chúng tôi xin được trình bày về Hội SAMIPIC và người sáng lập, Kỹ Sư Lưu Văn Lang[4].
Bác Vật Lưu Văn Lang
Sơ lược về tiểu sử
Theo Niên Giám Hành Chánh của Đông Dương (Annuaire Administratif de l’Indochine) năm 1928, ông Lưu Văn Lang sinh ngày 5 tháng 8 năm 1880, người làng Tân Phú Đông, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Thân phụ ông là cụ Lưu Văn Củng, làm nghề thợ mộc. Ông được học bổng lên Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat. Năm 17 tuổi ông đậu tú tài toàn phần với số điểm xuất sắc nên được học bổng qua Pháp học tại trường École Centrale de Paris, một trường đào tạo kỹ sư vào bậc nhất của Pháp.
Năm 1908 Ông tốt nghiệp hạng ưu, xếp thứ 8 trong số 259 thí sinh và trở thành kỹ sư bá nghệ (Ingénieur des Arts et Manufactures) đầu tiên ở Đông Dương được đào tạo tại Pháp. Khi về nước Kỹ Sư Lưu Văn Lang được cử sang Trung Hoa xây dựng đường xe lửa Vân Nam, một tuyến đường sắt quan trọng thời bấy giờ. Ông được bổ dụng làm kỹ sư bậc 4 tại Sở Công Chính Sài Gòn ngày 28 tháng 6 năm 1909, [5]thăng cấp lên kỹ sư trưởng bậc 1 ngày 1 tháng 1 năm 1936 [6] và về nghỉ hưu năm 1940.

Đồng hồ mặt trời
Ông rất giỏi chuyên môn, có đạo đức, thường về lục tỉnh, nhất là Bạc Liêu để theo dõi các công trình xây dựng cầu đường. Dân ta và người Pháp đều rất quý trọng kính phục ông, gọi ông là Bác Vật Lưu Văn Lang. Một di tích còn giữ được cho thấy tài năng của ông là chiếc đồng hồ mặt trời do chính ông nghiên cứu và thiết kế. Đồng hồ được xây bằng gạch và đá nên còn được gọi là đồng hồ đá. Bóng của một cây kim dưới ánh sáng mặt trời chỉ vào các con số La Mã khắc quanh mặt đồng hồ để chỉ giờ[7].
Về mặt văn hóa, xã hội vì xuất thân từ học trò nghèo, hiếu học, nên khi thành đạt, ông tích cực hoạt động để thành lập Hội Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội và Hội SAMIPIC ở Sài Gòn.
Ông mất ngày 03/8/1969. Tên của Ông đã được đặt cho một con đường tại Sài Gòn và một trường trung học tại Sa Đéc.
Truyền thuyết về Bác Vật Lưu Văn Lang [8]
Tài năng của Bác Vật Lưu Văn Lang, kỹ sư bá nghệ đầu tiên của Nam Kỳ, được người dân lục tỉnh vô cùng ngưỡng mộ. Trong dân gian miền Nam còn lưu truyền nhiều câu chuyện về Ông:
·                     Ông đã tìm ra nguyên nhân khiến cầu Hàm Rồng bị lung lay sau vài năm sử dụng chỉ vì không xiết chặc các đinh ốc khi xây dựng cầu;
·                     Ngay khi cầu Long Thạnh ở Bạc Liêu vừa được kỹ sư Pháp xây dựng xong, Ông quan sát và đã tiên đoán đúng rằng cầu sẽ xập;
·                     Ông cũng đã quả quyết rằng chợ Tân Châu (tỉnh Châu Đốc), nằm trên hữu ngạn sồng Tiền, sẽ bị sạt lở. Quả nhiên, một phần rất lớn của chợ Tân Châu đã bị sụp vào khoảng năm 1973;
·                     Chỉ quan sát trên mặt đường mà ông có thể đoán đúng rằng có thân cây dầu to dưới lòng đất và có thể làm sụp đường lộ;
·                     Huyền bí nhất là câu chuyện Bác Vật Lang thám hiểm một hang sâu trên núi Cấm. Câu chuyện này đã được lưu truyền như một bí mật linh thiêng đối với người dân Châu Đốc, An Giang. Cho đến bây giờ người ta vẫn gọi hang sâu này là hang Bác Vật Lang.
Hội SAMIPIC
Sơ lược về SAMIPIC
SAMIPIC (Sociétéd’Amélioration Morale Intellectuelle et Physique des Indigènes Cochinchine) tức Hội Trí Đức Thể Dục Nam Kỳ) được thành lập bởi những nhà trí thức có tinh thần dân tộc như Nghị Viên Nguyễn Khắc Nương[9], Phó Giám Đốc Pháp-Hoa Ngân Hàng Nguyễn Văn Vĩ, Dược Sĩ Trần Kim Quan. Người chủ xướng là Bác Vật Lưu Văn Lang. Hội hoạt động với tôn chỉ phụng sự xã hội, phát triển văn hóa, nghệ thuật, thể thao và giúp đỡ các học sinh nghèo hiếu học.
Theo tác giả Nguyễn Đức Hiệp trong bài “Sài Gòn Đầu Thế Kỷ 20 đến 1945: Việt Nam thức tỉnh”, SAMIPIC được thành lập năm 1926. Theo David Marr trong quyển “Vietnamese Tradition on Trial, 1920 – 1945”, Hội chính thức nộp điều lệ lập hội (Statuts) vào năm 1927.
Trụ sở của Hội Quán SAMIPIC
Lúc đầu hội tọa lạc tại số 76, đường La Grandière (tức đường Gia Long, nay là Lý Tự Trọng)[10]. Năm 1932 dời về trụ sở mới, còn gọi là Hội Quán hay Công Quán SAMIPIC ở đường Galliéni, tức đại lộ Trần Hưng Đạo. Tờ Phụ Nữ Tân Văn số 176, ngày 10/11/1932[11] đăng tin và ảnh chụp với đầu đề thật lớn, nguyên văn như sau
Đây là nhà “Công Quán” của người Việt Nam. Mặt tiền của tòa nhà số 98 đường Galliéni, nằm vào giữa Cholon-Saigon, mà hội Nam Kỳ Đức Trí Thể Dục SAMIPIC mới đấu giá mua xong để nữa làm nhà “công quán” cho đồng bào ta ở đây, như kiểu nhà Cercle của Tây ở vườn ông Thượng, hay nhà hội Khai Trí Tiến Đức ở Bắc”
Trong mục “Thời Sự Đoản Bình” của tờ Phụ Nữ Tân Văn số 176 cho biết trước đó người Việt chưa từng có nơi nào đủ tầm vóc để làm một công quán lý tưởng, kể cả nhà hội quán của Hội Nam Kỳ Khuyến Học hay của Hội Thương Mãi Kỹ Nghệ. Bài thời sự đã  ca ngợi sự khang trang rộng rãi của tòa nhà, cho rằng rất xứng đáng trở thành Công Quán để người Việt có thể hội họp thuyết trình và tranh luận những vấn đề về chính trị, văn hóa, nghệ thuật và thể thao[12].
Sau đó tờ Phụ Nữ Tân Văn số 178,  ngày 24 Tháng Mười Một 1932 mục Tin Trong Nước cho biết ngôi nhà trị giá hơn 300 ngàn này là villa Nhân Giang của ông Lê Văn Trước, SAMIPIC mua đấu giá chỉ có 38 ngàn đồng[13]. Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển ngôi nhà này đã được dựng trên nền cũ của một ngôi chùa Miên cổ.
Năm 1941 quân đội Nhật chiếm ở, rồi chuyển qua quân Pháp vào cuối 1945. Sau 1954 trở thành trụ sở cơ quan cố vấn quân sự Mỹ. Cuối thập niên 1960 tòa nhà lại trở thành bản doanh của quân đội Nam Hàn và cho đến ngày nay nó vẫn còn giữ nguyên kiến trúc cũ.
Từ 1945  Hội SAMIPIC dời trụ sở về một căn phố ở ngã tư Nguyễn Trãi – Phát Diệm (nay là đường Tôn Thất Tùng). Tuy cơ sở thay đổi nhưng SAMIPIC vẫn tiếp tục hoạt động theo đúng đường lối mà lúc đầu các sáng lập viên đã đề ra. Tài liệu mà chúng tôi tìm được cho thấy đến năm 1968 SAMIPIC vẫn còn hoạt động[14].

Hình trụ sở SAMIPIC đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn số176


Ngôi Nhà Hội Quán SAMIPIC trong thập niên 1960


Nhà Hội Quán SAMIPIC ngày nay vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ
Các hoạt động gây quỹ
Đầu tiên các nhà sáng lập SAMIPIC kêu gọi các nhà hảo tâm góp công, góp của sáng lập một công quán cho người Việt. Khi hội quán đã hình thành, ngoài việc tiếp tục vận động các vị mạnh thường quân, SAMIPIC còn tạo nguồn tài chánh bằng những hoạt động rất tích cực và hiệu quả như sau
·                     Năm 1928 tổ chức bán vé xổ số gây quỹ. Một trong những cách quảng cáo của SAMIPIC là xin nhà nước cho đóng dấu lên các phong bì thư gửi bưu điện dòng chữ bằng tiếng Pháp, dịch ra như sau “Hãy mua vé số của S.A.M.I.P.I.C, Giúp Hội Quán dựng một ngôi nhà cho sinh viên Đông Dương”. (Xem ảnh đính kèm)
·                     Năm sau. 1929 lại xin tổ chức xổ số gây quỹ lần thứ hai và cũng đã dùng cách quảng cáo như lần đầu.
Các bì thư có đóng dấu này được gửi đi trên toàn cõi Đông Dương. Nhờ biết quảng cáo mục đích tốt đẹp bằng những cách rất hiệu quả và rộng rãi nên SAMIPIC đã được ủng hộ nồng nhiệt. Theo Ông Vương Hồng Sển thì tiền lời qua hai lần xổ số lên đến 60 ngàn đồng. Những bì thư có đóng dấu quảng cáo còn giữ được đến ngày nay và đã được phổ biến trên trang mạng
với tiêu đề “Slogan Postal Markings of French Indochina” (xem ảnh đăng kèm).


SAMIPIC nơi tổ chức các buổi diễn thuyết, bàn luận về văn học, triết học.
Các buổi diễn thuyết nổi tiếng
Một trong những hoạt động thu hút nhân sĩ thời đó là những buổi diễn thuyết của các học giả, các chính trị gia và các văn nghệ sĩ đương đại. Họ thuyết trình về các đề tài văn hóa, chính trị, triết học hoặc trình bày, báo cáo và thảo luận các vấn đề liên quan giữa chính phủ bảo hộ và quan chức Việt Nam thời đó. Có thể lược kể các buổi trình bày, hội thảo quan trọng và các diễn giả nổi tiếng trong thập niên 1930 như sau
·                     Ông Phan Văn Hùm, bút danh Phù Giao, chủ bút tờ Đồng Nai, từ năm 1933 đã thuyết trình nhiều lần tại hội quán SAMIPIC với nhiều đề tài về văn hóa, cách mạng. Đặc biệt là các bài về Triết Học Biện Chứng đã thu hút rất nhiều khán giả. Những tác phẩm của ông được xuất bản năm 1937 như Nỗi lòng Đồ Chiểuvà Biện Chứng Pháp Phổ Thông là tập hợp lại các bài thuyết trình này[15].
·                     Ông Tạ Thu Thâu, một nhà ái quốc chống thực dân, một nghị viên Hội đồng Thành phố Sài Gòn, trở thành nhân vật lãnh đạo các cuộc đình công và biểu tình lớn trong hai năm 1936 và 1937. Đến năm 1939 lại đắc cử Hội Đồng Thuộc Địa Nam Kỳ. Đầu thập niên 1930 Ông cũng đã diễn thuyết ở SAMIPIC về các đề tài phổ thông đầu phiếu, ủng hộ một chánh phủ dân chủ, tự trị. Ông cũng từng nói về một đề tài mới lạ: “Phép Biện Chứng” . Tạ Thu Thâu có tài hùng biện nên các buổi diễn thuyết của Ông được hoan nghênh nhiệt liệt[16].
·                     Năm 1938 SAMIPIC tổ chức một buổi họp giữa các quan lại người Việt và người Pháp để nghe ba ông hội đồng Trần Văn Khả, Thượng Công Thuận và Võ Hà Trị trình bày về chuyến Bắc du của họ. Theo tin đăng trên Tờ Tràng An Báo số 383, ra ngày 23 tháng 11 năm 1938, vì chính phủ bảo hộ Pháp ban hành nghị định ngày 10 tháng 11 năm 1938 có tính cách chèn ép làm cho các quan lại người Việt bị thiệt thòi rất nhiều, ba ông hội đồng nói trên đã thực hiện một chuyến Bắc du để khiếu nại với quan Toàn Quyền Pháp, đề nghị thu hồi nghị định trên. Sau khi các ông trở về Nam, vào ngày 24/11/1938 SAMIPIC tổ chức buổi hội họp giữa các quan lại Pháp và Việt để ba vị hội đồng trình bày kết qua thu được. Bài báo có đoạn sau
Hội Quán SAMIPIC sẽ là nơi ba ông tỏ bày cho dân chúng Nam Kỳ hiểu rõ những công cuộc của ba ông đã làm để bênh vực cho quan lại An Nam trong những ngày ở đất Bắc. Hội quán SAMIPIC là nơi mà quan lại bổn xứ sẽ được biết rõ số phận của họ, trong lúc họ đang trong mong kỳ vọng ở ba ông trong cuộc Bắc du này”[17].
Cao Vọng Thanh Niên An Nam, bài thuyết trình của Nguyễn An Ninh tại SAMIPIC hay Hội Khuyến Học Nam Kỳ (SEMC)?
Nhà ái quốc Nguyễn An Ninh từng có những buổi diễn thuyết bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp tại Sài Gòn. Các buổi nói chuyện của ông đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, sinh viên học sinh Nam Kỳ.
Nổi tiếng nhất là bài “Cao Vọng Thanh Niên An Nam” thuyết trình đêm 15 tháng 10 năm 1923, mở đầu cho những hoạt động chính trị của Nguyễn An Ninh ở trong nước sau khi từ Pháp về. Bài này được coi là lời tuyên ngôn tranh đấu, mở đầu cho phong trào “Thanh Niên Cao Vọng ”; và đến năm 1924 được nhà xuất bản Xưa Nay in và bản dịch tiếng Pháp được đăng trong báo La Cloche Fêlée số 5 và số 6.
Có nhiều tác giả cho rằng Nguyễn An Ninh thuyết trình “Cao Vọng Thanh Niên An Nam” tại trụ sở SAMIPIC. Tuy nhiên nếu chú ý đến năm thành lập của SAMIPIC (1927) thì bài thuyết trình năm 1923 của Nguyễn An Ninh không thể diễn ra tại hội này được. Trong quyển “The Birth of Modern Vietnamese Polical Journalism: Saigon, 1916 – 1930” của Philippe Peycam, ở trang 122 có trích báo La Cloche Fêlée cho biết bài thuyết trình diễn ra ở Hội Khuyến Học Nam Kỳ SEMC (Société d’Enseignement Mutuel de la Cochinchine), đã được thành lập từ năm 1908 (xem cước chú 3). Các tác giả Nguyễn Đức Hiệp trong bài “Sài Gòn Đầu Thế Kỷ 20 Đến 1945” và Hứa Hoành trong “Bối Cảnh Nam Kỳ Vào Mấy Thập Niên Đầu Thế Kỷ 20[18] có cùng ý kiến.
Cần nói thêm, một số tài liệu ở Việt Nam hiện nay gọi Hội Khuyến Học Nam Kỳ là SAMPIC. Theo chúng tôi đây là một sự nhầm lẫn, vì tên tiếng Pháp của Hội này là Société d’Enseignement Mutuel de la Cochinchine, không thể nào viết tắt thành SAMPIC. Có lẽ đây là một sự nhầm lẫn giữa Hội Khuyến Học Nam Kỳ và SAMIPIC.
Cuộc tranh luận nổi tiếng về thơ cũ-thơ mói.
Đầu thập niên 1930, tuần báo Phong Hóa ở Hà Nội gây phong trào thơ mới ảnh hưởng của phương tây và đã gây tranh cãi không ít trong giới văn nghệ sĩ. Phe ủng hộ thơ cũ gồm các tờ báo An Nam Tạp Chí, Văn Học Tạp Chí, Văn Học Tuần San, Công Luận, Tiếng Dân, Tin Văn …. Phe ủng hộ thơ mới gồm Phong Hóa, Ngày Nay, Phụ Nữ Tân Văn, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Loa, Hà Nội Báo …. Nhóm Tự Lực Văn Đoàn nhiệt liệt ủng hộ phong trào thơ mới. Đặc biệt là nữ sĩ Manh Manh, tên thật là Nguyễn Thị Kiêm (1914-2005) quê ở Gò Công, đã viết nhiều bài cổ vũ cho phong trào thơ mới và đã diễn thuyết nhiều nơi, đáng kể nhất là tối 26 tháng 7 năm 1933 tại Hội Khuyến Học Nam Kỳ khi Bà mới 19 tuổi[19].
Tháng 11 năm 1935 tại SAMIPIC một cuộc tranh luận rất gay cấn giữa Bà và ông giáo Nguyễn Văn Hanh đã diễn ra sôi động, thu hút một số lượng khán giả rất đông và đã để lại sự thích thú mà dư âm vẫn còn đến nhiều năm sau.
Trong bài “Suýt Oánh Nhau Vì Thơ” Ông Bình Nguyên Lộc cho biết “Ông Giáo Hanh là một nhà hùng biện, một nhà ngụy biện đại tài thì cây ăn nói Nguyễn Thị Kiêm phải lép về, càng phải lép vế vì đa số ủng hộ ông Hanh”.
Ông Bình Nguyên Lộc cũng viết thêm
“Ông ấy lại đùa cợt có duyên, một cái duyên tục tỉu, chẳng hạn nói xong một đoạn, ông hỏi cô Kiêm: ‘Cô chịu xìu chưa? Nếu cô không xìu thì tôi xìu trước vậy’. Khán giả rộ lên cười, rất lấy làm thưởng thức lối cợt nhã ấy, và quả cô Kiêm đã phải xìu.”[20]
Mặc dù Tự Lực Văn Đoàn phái kịch sĩ Đoàn Phú Tứ và họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vào ủng hộ Nữ sĩ Manh Manh, phe ủng hộ thơ mới đã kém thế trong lần tranh luận này. Tuy vậy như chúng ta đã biết, Manh Manh thua, nhưng rồi thơ mới lại thắng thế và phát triển mạnh mẽ cho đến bây giờ. Và khi nói đến cuộc tranh luận thơ cũ thơ mới ở SAMIPIC thì người ta lại nhắc tới nữ sĩ Manh Manh nhiều hơn là nhắc đến ông giáo Hanh.
SAMIPIC và việc khuyến học
Học bổng SAMIPIC
SAMIPIC đã rất chú trọng đến việc góp phần đào tạo nhân tài và nâng cao dân trí cho Việt Nam. Hội đã có những hoạt động rất thiết thực và hữu hiệu như cấp học bổng cho học sinh hiếu học, khoản đãi mừng các học sinh thành tài từ Pháp trở về nước.
Tháng 2 năm 1929 tờ báo Phụ Nữ Tân Văn đề xuất việc tặng học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học sang Pháp du học và kêu gọi các hội đoàn và các nhà hảo tâm cùng chung sức. SAMIPIC đã hưởng ứng tích cực bằng việc tặng học bổng cho học sinh thời ấy. Một số người đã thành công và trở nên rường cột của một số ngành như
·                     Họa sư Lê Văn Đệ[21] là một trong những học sinh được học bổng SAMIPIC đầu tiên sang Pháp năm 1931. Ông học trường Mỹ Thuật Paris. Nhiều tác phẩm của ông đã gây chú trong giới nghệ thuật và đã đoạt giải thưởng hội họa do Hội Nghệ Sĩ Quốc Gia Pháp tổ chức. Sau đó ông được nhận thêm một học bổng đi tu nghiệp tại Ý và Hy Lạp. Năm 1936 Ông lại đoạt giải nhất tại một cuộc triển lãm tranh do tổ chức báo chí công giáo bảo trợ tại Roma, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của 30 quốc gia trên thế giới, trong số đó có nhà danh họa Bouleau (Pháp). Sau đó ông và 20 họa sĩ khác trên thế giới được mời vẽ, chạm trổ, trang hoàng trong điện Vatican. Tranh của ông cũng được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Luxembourg. Về nước ông trở thành giám đốc đầu tiên của trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, sau khi trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương đóng cửa năm 1945.
·                     Giáo Sư Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam. Ông cũng được học bổng đặc biệt của SAMIPIC ra Hà Nội học ngành Y Khoa ở Đại Học Đông Dương và sau đó sang Pháp học. Năm 1958 ông được Đại học Sorbonne cấp bằng Tiến Sĩ Văn Khoa (môn nhạc học) và trở thành nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam và Châu Á. Hiện Ông đã nghỉ hưu và là hội viên danh dự Hội Đồng Quốc Tế Âm Nhạc thuộc UNESCO.
·                     Cô Nguyễn Thị Châu, con gái lớn của ông bà Nguyễn Đình Trị, một nữ sinh xuất sắc của trường Áo Tím École des Jeunes Filles Indigènes. Trong gia đình cô Châu được gọi là Cô Nhất, là chị cả của nữ sĩ Manh Manh, được gọi là Cô Nhì. Cô Châu được học bổng SAMIPIC sang Pháp và đạt hai bằng Cử Nhân: Sử Địa và Văn Chương. Cô về nước năm 1936, giảng dạy trường Collège Gia Long. Đến năm 1950 được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng trường Nữ Trung Học Gia Long. Năm 1951 Cô giữ chức vụ tổng thư ký đầu tiên của UNESCO Việt Nam.
·                     Ông Nguyễn Hữu Bôn. Theo tờ Phụ Nữ Tân Văn số 146, ra ngày 18 tháng 8 năm 1932, Nguyễn Hữu Bôn và Lê Văn Đệ là những học sinh đầu tiên nhận học bổng SAMIPIC. Bài báo viết “Hai người rất thông minh, có tài lỗi lạc đến nỗi ông giáo sư P.Laurens, là một nhà mỹ thuật rất có danh tiếng bên Pháp đã đem hai cậu học sanh da vàng ta về xưởng riêng của ông mà dạy bảo một cách ân cần lắm[22].”
Khoản đãi các nữ lưu thành đạt
Tháng sáu năm 1941 Hội SAMIPIC đã mở một tiệc trà long trọng để mừng 11 nữ lưu Việt Nam tốt nghiệp Y Khoa, Dược Khoa, Luật Khoa, Văn Khoa, Kỷ Sư và Âm Nhạc trở về từ Pháp. Trong số đó có Bà Henriette Bùi Quang Chiêu, vị nữ bác sĩ đầu tiên của  Việt Nam, Cô Nguyễn Thị Châu đã kể trên. Bửa tiệc do Bà Thống Đốc Nam Kỳ Rivoal chủ tọa với sự tham dự của ông chánh văn phòng Haelawyn thay mặt cho quan Thủ Hiến Nam Kỳ[23].
Thành lập trường tư thục cho nữ sinh
Khoảng cuối năm 1953, SAMIPIC xây dựng trường nữ trung học tư thục Đức Trí tại số 273 đường Nguyễn Trãi, gần cổng chính của Tổng Nha Cảnh Sát cũ và được coi là trường nữ tư thục đầu tiên tại Sài Gòn. Khóa học đầu tiên được khai giảng vào tháng 9 năm 1954.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể dục khác.
Văn hóa
Nhằm mục tiêu phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam, SAMIPIC đã phối hợp với các hội Khuyến Học Nam Kỳ và Trí Tri tài trợ xuất bản tập thơ Vịnh Kim Vân Kiều của cụ Hà Tôn Quyền để mừng lễ kỷ niệm Nguyễn Du vào ngày mồng 10 tháng 9 năm 1942. Đây là một tài liệu quý giá từ hình thức đến nội dung và đã được học giả Đào Duy Anh biên tập, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung trình bày  bằng nhiều tác phẩm minh họa của các họa sĩ nổi tiếng như Lê Văn Đệ,  Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Phạm Hầu, Lê Văn Đệ, TônThất Đào, Nguyễn Văn Tỵ, Lưu Văn Sìn[24]. Đây là một tập ghi lại 30 bài thơ, mỗi bài có 4 câu, do Cụ Hà ứng khẩu khi được vua Minh Mạng vấn  hỏi. Nguyên tác do hội Quảng Trị xuất bản và được tờ Tràng An Báo in lại toàn bộ trong số 65 ra ngày 24 tháng 9 năm 1942[25].
Âm nhạc
·                     SAMIPIC cũng là nơi góp phần làm thay đổi cục diện âm nhạc, hổ trợ nền nhạc mới, tức nhạc tiền chiến sau này. Nhạc sĩ Lê Thương đã viết
Quả thật lúc đó, Tân nhạc chưa gây được mảy may ảnh hưởng trong quần chúng miền Nam đang say mê Cải lương vào thời đại thịnh và trong rất nhiều gia đình quý‎‎ phái, nhạc Âu Tây là món tiêu khiển thường nhật nhưng âm nhạc mới là cái gì, họ chưa thèm lưu ý‎ nếu không là khinh miệt.
Năm 1943, một năm trổi dậy của nhạc mới, tình thế bổng đổi hẳn.
Hội Nam Kỳ Đức Trí Thể Dục (SAMIPIC) mà hoạt động thường xuyên của tiểu ban mỹ thuật là âm nhạc, ca kịch mời bà Thái Thị Lang (được gọi hồi đó là bà Nguyễn Văn Tỵ) diễn tấu những nhạc khúc của bà về dương cầm như bài Lý Ngựa Ô, Bình Bán. Cố nhạc sĩ Võ Đức Thu trình bày dương cầm, một nhạc phẩm mới nhan đề Việt Nam tân âm điệu”[26].
Nhạc Sĩ Thẩm Oánh, tác giả các bài hát nổi tiếng như Thiếu Phụ Nam Xương, Nhà Việt Nam, Trưng Nữ Vương … cũng đã từng được mời diễn thuyết tại hội quán SAMIPIC về nền nhạc mới. Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền đã viết về Nhạc Sĩ Thẩm Oánh như sau:
“Uy tín ông vang dội khắp nước và các nhân sĩ Nam Kỳ thời ấy đã mời ông vào Saigon diễn thuyết về đề tài “Âm Nhạc Việt Nam” bằng tiếng Pháp tại hội quán Samipic đường Galliéni”[27]
·                     Nhiều nhạc sĩ lão thành của nền âm nhạc Việt Nam đã từng là thành viên của câu lạc bộ Scola Club thuộc SAMIPIC như Trần Văn Khê, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Tiểng, Võ Văn Quan .… Các bài hát Xếp Bút Nghiên (nhạc Lưu Hữu Phước, lời Huỳnh Văn Tiểng), Tiếng Gọi Thanh Niên , Lên Đàng.. và những vở kịch Thầy Pháp Gạt Dân, Những Người Đau Khổ, Lương Kha … đã được sáng tác, dàn dựng và trình bày ở đây.
Kinh tế
Ngoài những vấn đề chính trị, văn hóa, SAMIPIC còn có những diễn giả trình bày các vấn đề về kinh tế như ông Trần Văn An, nói về Hợp tác xã tiêu thụ của Charles Gide, ông Văn Vĩ nói về kim bản vị và ngân bản vị, Ông Commis Vàng nói về thuế gián thu mà người tiêu dùng phải chịu… Nơi đây cũng đã được dùng tổ chức những tiệc trà long trọng, giao lưu giữa các quan chức Việt và Pháp như tiệc tiễn quan Thống Sứ Bắc Kỳ Yves Châtel về Pháp. Buổi tiệc rất sang trọng, có mặt hầu hết các quan chức Pháp và Việt ở cả Bắc, Trung và Nam kỳ và đã được tờ Tràng An Báo, số 407, ra ngày 28 tháng 3 năm 1939 tường thuật rất chi tiết[28].
Võ Thuật
Một câu lạc bộ về võ thuật cũng đã được thành lập ở Hội Quán SAMIPIC. Những thành quả và sự hổ trợ của SAMIPIC về võ thuật có thể kể tiêu biểu như sau
·                     Võ sư Đặng Thông Phong là một võ sư Aikido nổi tiếng, người thành lập Westminster Aikikai, Tenshinkai năm 1988, có trụ sở chính ở số 8536 Westminster Boulevard, Thành Phố WestminsterQuận CamCalifornia. Võ sư Đặng Thông Phong đã từng “theo Hàn Bái Đường từ võ đường tại khu SAMIPIC của Hội Đức Trí Thể Dục”[29] . Ông là người Việt Nam duy nhất được phong Đệ Thất Đẳng Đai Đen võ phái Aikido[30].
·                     Nhạc Võ Tây Sơn[31]: còn gọi là “Song Thủ Đả Thập Nhị Cổ”. Đây là một môn võ thuật ở Bình Định, Quy Nhơn. Tương truyền môn võ này do anh em nhà Tây Sơn khởi xướng, dùng cách “đánh” trống theo một âm giai nào đó để luyện võ nên được gọi là Nhạc Võ. Thi sĩ Quách Tấn cho biết: Ngày xưa, môn võ thuật Bình Ðịnh chia làm 4 bộ môn: côn, quyền, kiếm, cổ (trống) chứ không phải kích.Về môn Cổ thì võ sinh thường treo từ năm đến mười hai cái trống chầu thành hàng để tập võ. Võ sinh sẽ đánh, đá vào các cái trống ấy. Trống bị sức mạnh đánh, đá sẽ văng ra xa và nhờ dây treo văng ngược lại, để tập những cú đánh, đấm, đá mạnh; đồng thời để rèn sự nhanh nhẹn chống đỡ, tránh né khi hàng loạt trống thối lui.
Trong bài “Tìm Hiểu về Nhạc Võ Tây Sơn”, ông Phi Long Hồ cho biết trước năm 1975 võ sư Tân Phong đã từng được SAMIPIC giúp đỡ để trình diễn Nhạc Võ Tây Sơn. Có thể kể những lần biểu diễn quan trọng nhất của võ sư Tân Phong như sau:
·                     Ngày 8 tháng 11 năm 1967, Ông Phi Long Hồ trình diễn Nhạc Võ Tây Sơn ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon trong một buổi lễ của cơ quan UNESCO.
·                     Hai ngày 11 và 12 tháng Giêng năm 1968, trình diễn tại rạp Thống Nhất Saigon và sân Tinh Võ Môn, Chợ Lớn.
Cũng theo bài viết này ta có thể thấy đến năm 1968 SAMIPIC vẫn còn hoạt động.
Kết Luận
Hơn nửa thế kỷ hoạt động trên nhiều lãnh vực SAMIPIC đã góp phần xây dựng một nên văn hóa, nghệ thuật cho Miền Nam Việt Nam. Mặc dù được thành lập trong một xã hội thuộc địa nhưng SAMIPIC đã có những sinh hoạt chính trị sôi nổi nâng cao ý thức tranh đấu cho sự độc lập của Việt Nam. Tác giả Nguyễn Văn Trấn trong Viết Cho Mẹ và Quốc Hội đã kể rằng “Tôi hồi tưởng buổi chiều chủ nhật gian đầu trời nắng từ một giờ trưa coi trận banh Thủ Dầu Một đá với Étoile Gia Định, vào Louvain tắm nhà tắm công cộng hai xu, ra đường làm tô mì, rồi cuốc vào Samipic nghe diễn thuyết thì đầu óc sẽ tươi tắn và sáng suốt”. Đoạn văn đó cho thấy SAMIPIC đã giúp thể hệ trẻ tìm đến những sinh hoạt lành mạnh, vun đấp một nền văn hóa mới mẽ và một thể lực dồi giàu trong tinh thần cầu tiến và tương trợ.
Trên tất cả những điều đó, chúng tôi nghĩ rằng công lao lớn nhất của SAMIPIC là góp phần đào tạo một thành phần trí thức, những nhân tài cho Miền Nam mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn hãnh diện.


Tài liệu tham khảo:
·                     Nhân Vật Lịch sử Con Người Đồng Tháp
·                     Các Niên Giám Hành Chánh Hàng Năm Của Đông Dương (Annuaire Administratif de l’Indochine) năm 1928, 1929, 1936.
·                     Các Niên Giám Tổng Quát của Đông Dương (Annuaire General de l’Indochine) năm 1910, 1914, 1925.
·                     Văn Sử Việt Nam
·                     Viết Cho Mẹ và Quốc Hội, Nguyễn Văn Trấn
·                     Sàigon đầu thế kỷ 20 đên 1945 Việt Nam Thức Tỉnh (tác giả Nguyễn Đức Hiệp)
·                     Trần Văn Khê, Hồi Ký Trần Văn Khê, 2010, NxB Trẻ
·                     Tiểu sử Trần Văn Khê
·                     Vương Hồng Sển, Saigon Năm Xưa, 1992, NXB Trẻ
·                     Vương Hồng Sển, Hơn Nửa Đời Hư, 2003, NXB Trẻ
·                     Philippe M. F. Peycam , The Birth of Modern Vietnamese Political Journalism : Saigon, 1916-1930, New York, Columbia University Press, 2012.
·                     B. Smith, “The Vietnamese Elite of French Cochinchina, 1943”, Modern Asian Studies, Vol. 6, No. 4, (1972), pp 459 – 482.

[3] Theo R.B. Smith, “The Vietnamese Elite of French Cochinchina, 1943”, Hội SEMC được thành lập khoảng năm 1908.
[4] Tác giả xin được cám ơn anh Lý Hồng Giang, cựu học sinh Petrus Ký khóa 1963-1970 đã cung cấp nhiều tài liệu quý giá được sử dụng trong bài viết này.
[5] Theo Niên Giám Tổng Quát Hàng Năm của Đông Dương năm 1910
[7] Bài Chiếc Đồng Hồ Đá Độc Nhất Vô Nhị ở Việt Nam
[8] Đọc giả có thể xem các truyền thuyết về Bác Vật Lang trong các bài viết sau
Thất Sơn Truyền Kỳ
Thực Hư Chưa Có Lời Giải Trong Hang Bác Vật
[9] Ông Nguyễn Khắc Nương cũng là người viết vở tuồng hát bội cải cách (tiền thân của cải lương) “Ngô Công Nhược mắc lừa” năm 1920 trên báo Nông Cổ Mín Đàm.
[10] Những Cơ Sở Lịch Sử
[12] Phụ Nữ Tân Văn, Số 176, 10 Tháng Mười Một 1932 — Thời sự đoản bình
[13] Phụ Nữ Tân Văn, Số 178, 24 Tháng Mười Một 1932
[14] Tìm Hiểu Nhạc Võ Tây Sơn (đăng bởi Phi Long Hồ)
[15] Phan Văn Hùm_Bách Khoa Toàn Thư
[16]Tạ Thu Thâu:Từ Quốc Gia Đến Quốc Tế. Tác giả Nguyễn Văn Đính
[17] Tràng An Báo, số 383 ngày 23 tháng mười hai năm1938
[24]Nhớ Về Một Kỷ Niệm, Đinh Cường
[26] Nhạc Tiền Chiến
[27] Tưởng Nhớ Nhạc Sĩ Thẩm Oánh
[29] Trích Đặng Thông Phong-Một Đời Miệt Mài với Võ Thuật
[31]  Để hiểu thêm về môn nhạc võ này đọc giả có thể đọc bài “Tìm Hiểu Nhạc Võ Tây Sơn” của tác giả Phi Long Hồ: https://sites.google.com/site/thuvienvohoc/am-nhac-vo-hoc/timhieunhacvotayson



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...