Bài về Thảo cầm
viên tôi đã có viết rồi trên trang blog này, nhân đây tôi cũng xin giới thiệu bài
viết của G. de Germiny về nơi này. Trong thời thuộc địa, người Pháp đã thiết lập
tại Sài Gòn 2 khu vườn: 1 là khu vườn Maurice Long còn gọi là Jardin de ville
(Tao Đàn) và 1 ở Thảo Cầm Viên để cho người Pháp và dân bản địa đến đó thư giãn.
Thảo Cầm Viên lúc đầu gọi là Khu vườn Sài Gòn như trong bài này đã ghi, không có
hàng rào và con đường nối tiếp với đại lộ Norodom đi vào Thảo Cầm Viên là đường
Pasquier. Về sau, người Pháp mới xây dựng hàng rào và con đường đó không còn
mang tên nữa và trở thành đường nội bộ.
KHU VƯỜN SÀI GÒN
G. de Germiny
Dàn cây leo và bể nước lớn
So với công viên thực vật và động vật của Sri Lanka, Singapore và Java
thì công viên của Sài Gòn có vẻ như tầm quan trọng không bằng, nhưng nếu so với
vai trò xã hội của nó đối với thành phố này, công viên duyên dáng quả thật đã
đóng góp nhiều trong cuộc sống hàng ngày của thành phố Đông Dương này.
Từ quan chức cao cấp cho đến những người mua bán nhỏ, nó tượng trưng cho
sự nghỉ ngơi, thư giãn và tươi mát sau những buổi chiều nắng gắt. Thật là
thỏai mái khi tháo cái nón ra, đặt mình vào xe hơi hay xe kéo đi dọc theo đại lộ
Norodom dưới những tàng cây phượng vĩ. Chính nơi đây là huyết mạch của vòng tua
du lịch nổi tiếng kéo dài từ thảo cầm viên đi đến Gia Định và xa hơn nữa; và dưới
bóng mát của công viên này, bên cạnh kênh Avalanche (Thị Nghè), người châu Âu bắt đầu
tận hưởng làn gió đầu tiên của buổi tối, mùi hương thơm của hoa và tiếng vo ve
của côn trùng. Người Sài Gòn yêu khu vườn của họ.
Vào ngày 23 tháng 3 năm 1864, Đô đốc La Grandière ra lệnh L. A. Germain,
bác sĩ thú y của lực lượng viễn chinh, vẽ bản thiết kế cho công viên tương
lai. Germain ngay lập tức thực hiện công việc giải tỏa mặt bằng tại khu vực cạnh
con kênh. Trong vòng hai năm, ông đã thực hiện việc san lấp, trồng cây, tạo những
con đường đi và đặt một vài chồng thú. Sau đó ông sang Nhật mang về các loại thực
vật và động vật. J.-B. Louis Pierre, một người gốc Reunion, kế vị ông làm giám
đốc năm 1865. Dưới sự điều hành của viên giám đốc mới, những loại cây ăn trái
nước ngoài được mang vào Nam Kỳ, cùng nhiều loại cây kiểng. 1.666 loại cây được
đánh dấu đã phát triển trên các thảm cỏ hay trong phòng ươm. Những năm sau đó, J.-B.
Louis Pierre thám hiểm vùng Hạ Cam Bốt và một phần của Thái Lan. Ông phát hành
cuốn Flore forestière de la Cochinchine, một công trình vĩ đại gồm 25 tập tài
liệu và 400 tờ folio (khổ hai gấp lại).
Sau cái chết của La Grandière, khu vườn trải qua một cuộc khủng hoảng
dài. Là một đơn vị tự quản, trước đây nó trực thuộc sở Nông nghiệp và sau đó
nhanh chóng không còn được quan tâm. Thời kỳ buồn bã này kéo dài đến năm 1926, khi
giám đốc được giao cho quyền tự do hành động: nhưng tại thời điểm này, có rất
ít công việc cho ông Pierre!
Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của các Thống đốc, MM. Cognacq, sau đó là ông
B. de la Brosse, và theo sáng kiến của ông A. Neven với sự hợp tác của ông trợ
lý Angles, các công trình tôn tạo tuyệt vời. được thực hiện ngay lập tức. Đền
tưởng niệm An Nam (tưởng niệm những người chiến đấu đã chết trong chiến tranh
thế giới lần thứ I) và Bảo tàng Blanchard de la Brosse đứng ở hai bên lối vào
chính, trong một khung cảnh của những thảm cỏ và giàn cây và dây leo, một bồn
nước lớn tên Victoria regia cũng được hình thành cùng thời gian này.
Trên đại lộ Norodom, người ta đã dành ra một khoảng không gian cần thiết
cho lối ra vào. Khoảng trống này bao gồm đường đi P. Pasquier kết thúc ở phần
các công trình kiến trúc. Một đại lộ cho bộ hành để tưởng nhớ Jean Baptiste
Pierre. Khu vườn Sài Gòn có diện tích 20 ha. Mười ha nửa nằm phía bên kia con
kênh Avalanche. Vườn hiện có 600 loài thực vật và 546 loài động vật, trong đó
có 134 loài có vú, 355 loài chim và 57 loài bò sát. Đội ngũ quản lý và chăm sóc
bao gồm bốn người châu Âu và một trăm người bản địa.
Những gì đập vào mắt của những người mới viếng lần đầu là không gian mà
các loài đó hưởng được. Những chuồng vượn không thua kém cỡ cuồng chuồng khỉ đã
có trước trong vườn thực vật. Những con cọp, chúng ta thấy trên các tấm ảnh, được
cho nơi ở sang trọng,. Những loài chim quần tụ gồm các loại chim cao cẳng,
công, hồng hoàng, chim có chân màng và một vài loại chim săn mồi đang tắm trong
những bể nước mát. Khu công viên các loài hươu, nơi mà các con nai và hươu sao
đi cùng với bò rừng theo từng bầy chiếm một diện tích là 3 ha.
Ngoài những loài động vật này, chúng ta có thể thấy nhiều loại chim cao cẳng
và nhiều chim bồ nông đang tung tang dưới hồ sen, những con cò già bay lượn
trên trời và đóng ổ trên những cành cây da khổng lồ. Nhà kính phong lan bao gồm
một mái kính được chống đỡ bởi các trụ cột. Không có bức tường nào cả chỉ đơn
giản là một hang rào; vì bất kỳ hàng rào nào khác sẽ không cần thiết ở một quốc
gia mà nhiệt kế chỉ hiếm khi giảm xuống dưới 25 độ.
Chuồng chim có chân màng
Ông Angles, người làm việc không mệt mỏi cho những kế hoạch to lớn. Ở thời
điểm đó, ông đã san bằng khu đất ở phía trái con kênh, nơi ông dự định xây dựng
nhà kính mới và một cái lồng nuôi beo tương tư như lồng nuôi cọp; chúng ta sẽ
thấy những con sẽ trú ngụ nơi đây mà cụ thể là hai con beo đen. Những động vật
ăn cỏ lớn sẽ được che chở trong các chuồng theo phong cách An Nam, một trong
chuồng này bao quanh khu công viên các loài nai. Động vật gặm nhấm và động vật
ăn thịt nhỏ - trong số đó chú ý đến là loài cáo và vài con mèo rừng rất thú vị.
được đặt rất tốt: lồng lớn, với những hang đá nhân tạo. Đối với cá sấu, người
ta nhốt trong vũng nhỏ nối liền với kênh Avalanche, nơi chúng có thể phát triển
như trong môi trường tự nhiên.
Các phòng đặc biệt đã được thiết lập để tiếp nhận động vật để nghiên cứu và
điều trị bệnh. Tại tòa nhà của ban giám đốc, có một thư viện quan trọng, các
phòng thí nghiệm thực vật học và một phòng nhồi bông. Những thú chết ở trại
nuôi được biết chính xác chủng loài và nơi chúng đưa đến sẽ được đưa vào một bảo
tàng trực thuộc. Những bộ sưu tập động vật học sẽ không thiếu trong việc thu
hút du khách và sẽ bổ sung cho bảo tàng Blanchard de la Brosse, chủ yếu về lịch
sử và nghệ thuật.
Thực vật nhiệt đới
Tương lai của khu vườn có thể và đặc biệt rực rỡ. khu vườn Sài Gòn có một
vị trí đưu đãi trong nhiều khía cạnh, trước hết là khí hậu. Khí hậu này là thuận
lợi cho các kiểm tra về thích nghi đa dạng và hấp dẫn nhất. Tất cả loài thực vật
và loài động vật đến từ vùng nhiệt đới ẩm ướt đều cần thiết phải phát triển tốt
ở đất Sài Gòn. Không chỉ nói đến các vùng lân cận, có nghĩa thay vì nói về các
loài thực vật và động vật riêng Đông Dương, sẽ không có gì ngăn cản công viên
này một ngày nào đó chứa mẫu vật từ khắp nơi trên Nam Á và hầu hết Châu Đại
Dương.Những cây dâm bụt Hawai nhiều màu sắc, tặng phẩm của ông M. Delacour, nở
hoa rực rỡ và chúng tôi tin rằng trong
Vườn Bách thảo, chúng ta sẽ thấy sinh sản và tái sinh sản những con thú và hoa
không chỉ của Mã Lai, Sri Lanka, Thái Lan, mà còn của Philippines, Melanesia,
và Bắc Úc.
Để đạt được chương trình tốt đẹp này, là cần thiết khai trương một hệ thống
giao dịch với các công viên của Ceylon, Singapore, Java và các nơi khác; và vì
điều đó, chúng ta cần ngân sách để trao đổi. Bên trong thuộc địa, các cơ quan
chức trách tạo điều kiện thuận lợi. sẵn sàng làm nhiệm vụ của người quyên góp. Là
một thành viên của chuyến thám hiểm cuối cùng của Delacour, tôi đã có thể quan
sát sự tự mãn cực đoan của một số quan chức của Lào. Nhiều người thực dân trở về
Pháp không dám chất đầy thuyền những bạn đường có cánh hay bốn chân mà họ yêu
thích mà sẵn sàng tự nguyện loại bỏ chúng. Với một chút tuyên truyền, những người
này sẽ tiếp tục ủng hộ khu vườn với long hào hiệp. Chúng ta đừng quên rằng một
số loài Đông Dương, chẳng hạn như nai Eld, Reinharte và một số con khỉ được nhiều
thương nhân nước ngoài tìm kiếm. Như loài vượn râu trắng nằm trong nhóm có giọng
kêu chịu đựng được dù có bị hoảng hốt, không bao giờ buông tiếng hét ghê rợn
như họ hàng của chúng ở Thái Lan và Borneo.
Đối với bò rừng và con xén tóc ở Bắc Kỳ, chúng ta không thể xem chúng
trong danh sách này vì những khó khăn trong việc bắt giữ chúng. Ông Angles đã thực
hiện sự trao đổi này trên quan điểm thực vật; trong tác phẩm của ông có tên là
Deleclus seminum, đã liệt kê các loài thực vật hiện có trong Vườn. Ông giữ một
số lượng lớn các hạt giống và thân rễ cho các thành viên của các hội khoa học
mà đề xuất.
Ông Angles, giám đốc khu vườn giới thiệu con bò rừng
Nhờ tính tự chủ và các khoản tín dụng sẵn có, Vườn Sài Gòn phải tranh thủ
cho kịp thời gian bằng với các công viên các nước thuộc địa Anh và Hà Lan. Vị
trí không thiếu gì cả, lương nhân công bản địa rẻ, thức ăn gia súc, trái cây,
thịt, rẻ hơn nhiều so với ở châu Âu; cuối cùng là câu hỏi về sưởi ấm vào mùa
đông, rất quan trọng trọng cho khu nuôi thú và nhà kiếng cũng không cần đặt ra. Ở
đây, người ta có thể thiết lập những chuồng chim đẹp, lấy cảm hứng từ Clères
(1), nơi người ta thấy chim sẻ Souï-manga và loài Corylis bay lượn giữa các cây
dương xỉ và các loại lan nhiều màu sắc. tất cả điều này được thực hiện tối thiểu
bằng sự nỗ lực và ngân sách.
Vườn Sài Gòn phải trở thành một trong những công viên thuộc địa, nhu cầu
đã được rất nhiều người ủng hộ khi nhận thức thấy một số loài bị đe dọa tuyệt
chủng. Nó phải trở nên đủ quan trọng để Nhà nước và các cá nhân có thể dễ dàng
cung cấp thực vật và động vật từ vùng nhiệt đới cho các công viên và vườn của người
Pháp. Những người khác đã làm điều đó, và chúng ta có thể làm tốt hơn họ: Đó là
tất cả mong muốn của chúng ta.
(1): Clères là một xã thuộc tỉnh Seine-Maritime trong vùng Normandie miền
bắc nước Pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét