Ngôn ngữ Sài Gòn xưa –
những chữ vay mượn
Do Bùi Thế Khải JJR 59 chuyễn lại
Có thể nói, bất kỳ một ngôn ngữ trên
trái đất này cũng đều trải qua hình thức vay mượn từ các ngôn ngữ khác. Ảnh hưởng
về văn hóa là một trong những tác động chính trong việc vay mượn về ngôn ngữ.
Ngoài ra, còn phải kể đến các yếu tố khác như địa lý, lịch sử, chính trị và xã
hội trong việc hình thành ngôn ngữ vay mượn.
Miền Nam nói chung và Sài Gòn nói
riêng vốn là một “melting pot”, dễ dàng hòa nhập với các nền văn hóa khác từ tiếng
Tàu, tiếng Pháp và cuối cùng là tiếng Anh. Có thể lấy bài hát Gia tài của mẹ của
Trịnh Công Sơn để giải thích sự vay mượn của ngôn ngữ Việt: “Một nghìn năm đô hộ
giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày…”. Như
vậy, Việt Nam đã trải qua ba thời kỳ ảnh hưởng, lần lượt theo thứ tự thời gian
là của Tàu, sau đó đến Pháp và cuối cùng là Mỹ trong những năm chiến tranh gần
đây nhất.
Vay mượn từ tiếng Tàu
Trước hết, xin được bàn về ảnh hưởng
của Trung Hoa mà ta thường gọi nôm na là Tàu cùng những biến thể như Người Tàu,
Ba Tàu, Các Chú, Khách Trú và Chệt hoặc Chệc. Gia Định Báo (số 5, năm thứ 6,
phát hành ngày 16/2/1870) giải thích:
“…An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua
đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ
Tàu v.v... Từ Ba-Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà
chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai),
Sài Gòn-Chợ Lớn, Hà Tiên, từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa
khi sang An Nam, nhưng dần từ Ba Tàu lại mang nghĩa miệt thị, gây ảnh hưởng xấu...”.
“…Kêu Các-chú là bởi người Minh-hương
mà ra; mẹ An-nam cha Khách nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là
người đồng châu với cha mình, nên mới kêu là Các-chú nghĩa là anh em với cha
mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu bậy theo làm vậy...”.
“…Còn kêu là Chệc là tại tiếng Triều
Châu kêu tâng Chệc nghĩa là chú. Người bên Tàu hay giữ phép, cũng như An-nam
ta, thấy người ta tuổi đáng cậu, cô, chú, bác thì kêu tâng là chú là cậu vân
vân. Người An-nam ta nghe vậy vịn theo mà kêu các ảnh là Chệc ...”
Cách giải thích thuật ngữ nói trên của
Gia Định Báo từ thế kỷ thứ 19 được coi là tạm ổn vì đây là một trong những tài
liệu xưa có xuất xứ từ miền Nam. Theo Lê ngọc Trụ trong Tầm nguyên Tự điển ViệtNam,
chệc hay chệt là tiếng Tiều gọi chữ thúc, nghĩa là “em trai của cha”. Người
bình dân gọi Chệcđể chỉ chung người Hoa.
Người Quảng Đông cho là gọi như thế
có ý miệt thị, người Triều Châu trái lại, chấp nhận vì họ được tôn là chú. Ở miền
Nam, “các chú” Quảng làm ăn buôn bán khá hơn “các chú chệc” người Tiều lam lũ
trong nghề làm rẫy, tằn tiện nên không biết có phải vì vậy mới có câu:
Quảng Đông ăn cá bỏ đầu
Tiều Châu lượm lấy đem về kho tiêu!
Người Tiều lại chê dân Quảng không biết
ăn cá. Họ nói món cháo cá Tiều khi ăn có vị ngọt đặc biệt nhờ chỉ rửa sạch bên
ngoài, giữ lại nguyên si vảy, đầu và cả ruột! Dân Tiều ở miền Nam “chuyên trị”
những món cá chim hấp, bò viên, tôm viên, ruột heo nấu cải chua... và nhất là
món hủ tíu Tiều Châu.
Người ta còn dùng các từ như Khựa, Xẩm,
Chú Ba… để chỉ người Tàu, cũng với hàm ý miệt thị, coi thường. Tuy nhiên, có sự
phân biệt rõ ràng trong cách gọi: phụ nữ Tàu được gọi là thím xẩm còn nam giới
thì lại là chú ba.
Năm 1956, chính phủ Ngô Đình Diệm của
nền Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963) đã có một quyết định khá táo bạo, buộc tất cả
Hoa kiều phải nhập quốc tịch Việt Nam, nếu không sẽ bị trục xuất. Thương nghiệp
tại miền Nam sau thời Pháp thuộc phần lớn nằm trong quyền kiểm soát của Hoa kiều.
Vì vậy, chính phủ cố tạo sức mạnh cho doanh nhân Việt bằng cách hạn chế quyền lợi
của người Hoa.
Đạo luật 53 cấm ngoại kiều (nhắm vào
Hoa kiều) tham gia 11 nghề liên quan đến thóc gạo, điền địa, buôn bán thịt cá,
than đá, dầu lửa, thu mua sắt vụn… được Chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành vào
tháng 9/1956. Đạo luật này đã làm xáo trộn kinh tế trong nước nhưng đã có tác động
mạnh đến nền công thương nghiệp của người Việt vào thời kỳ đó. Đa số người Hoa
đã nhập tịch Việt, tính đến năm 1961, trong số 1 triệu Hoa kiều ở miền Nam chỉ
còn khoảng 2.000 người giữ lại Hoa tịch.
Người Tàu kiểm soát gần như toàn bộ
các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản
xuất, phân phối và tín dụng. Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở
sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện...
và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90%
xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường.
Cũng vì thế, ở Sài Gòn có câu mỉa mai: “Sống phá rối thị trường, chết chật đường
chật xá” để ám chỉ người Tàu khi còn sống lũng đoạn nền kinh tế và đến lúc chết
lại tổ chức những đám ma một cách rình rang.
Cũng như người Tàu ở Hồng Kông và
Macao, người Tàu ở miền Nam đa số nói tiếng Quảng Đông(Cantonese) chứ không nói
tiếng Quan Thoại (Mandarin) mà ngày nay gọi là tiếng Phổ Thông. Cũng vì thế,
ngôn ngữ Sài Gòn xưa vay mượn từ tiếng Quảng Đông được khoảng 71 triệu người
Hoa trên khắp thế giới xử dụng.
Người Sài Gòn thường ví những người
“ăn nói không đâu vào đâu” là “nói hoảng, nói tiều” thực ra là “nói tiếng Quảng
Đông, nói tiếng Triều Châu”. Điều này cho thấy tiếng Quảng Đông xuất hiện rất
nhiều trong ngôn ngữ miền Nam trước năm 1975, kế đến mới là tiếng Triều Châu.
Trên thực tế, người Tàu có đến 5 nhóm Hoa kiều, được gọi là Ngũ Bang tại miền
Nam: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (người Hẹ).
Trong lĩnh vực ẩm thực của Sài Gòn
xưa, ảnh hưởng của người Tàu gốc Quảng Đông rất đậm nét. Người ta thường nói về
4 cái thú: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật Bản, đi xe Huê Kỳ”. Bên Tàu lại
ví von: “Thực tại Quảng Châu, Y tại Hàng Châu, Thú tại Tô Châu, Tử tại Liễu
Châu” (Cơm ngon ăn tại Quảng Châu, Áo đẹp may vải Hàng Châu, Vợ xinh cưới ở Tô
Châu, Hòm chết chôn không bao giờ mục ở Liễu Châu ). Quảng Châu chính là thủ phủ
của tỉnh Quảng Đông.
Kết hợp ý nghĩa của hai câu nói Việt-Trung
ở trên ta có thể kết luận: ăn uống theo người Tàu gốc Quảng Đông là hết xảy hay
số dzách (số một), những từ ngữ đã quá phổ biến trong xã hội miền Nam. Về sau,
vào thời chiến tranh Việt Nam, “số dzách” được cải biên theo kiểu Mỹ thành
“nâm-bờ oăn” (number one)! Hành trình của ngôn ngữ xem ra rất thú vị.
Nói cho công bằng, bên cạnh số đông
các tửu lầu, cao lâu của người Tàu gốc Quảng Đông, ở Sàigòn Chợ lớn cũng có lai
rai một số tiệm Tàu khác như tiệm Hủ tíu Triều Châu ở đối diện Chợ Lớn Mới,Cơm
Gà Hải Nam ở Chợ An Đông hay đường Tôn Thọ Tường.
Theo Bình-nguyên Lộc (1), thời tiền
chiến trước 1945, các phổ ky trong tiệm Tàu còn có kiểu kêu vào bếp những món
ăn thực khách gọi y như người ta gọi “lô-tô” (bingo), dĩ nhiên bằng tiếng Quảng
Đông:
-
Bàn số 3, bên Đông, bà lùn, cà phê ít
sữa nhiều!
-
Bàn số 4, bên Đông, hủ tíu không giá.
-
Bàn số 1, bên Tây, thêm bánh bao ngọt
thằng nhỏ.
-
Bàn số 2, bên Tây, ông già râu, cà
phê đen ly lớn, xíu mại to.
Chủ tiệm thường biết rõ tính nết và sở
thích ăn uống của mỗi khách quen, nên họ thường đặt cho mỗi người một cái tên
thuộc loại… “hỗn danh”. Khi khách ăn xong lại quầy trả tiền thì phổ ky rao những
câu hóm hỉnh bằng tiếng Quảng Đông, chẳng hạn như:
-
Ông đầu hói mang khăn rằn, một đồng
hai cắc
-
Bà hai mập, ba đồng sáu cắc
-
Ông chủ ốm nón nỉ, tám đồng tư, hai
bánh bao mang về
Nổi tiếng tại Sài Gòn xưa có các nhà
hàng Đồng Khánh, Arc-en-ciel (sau này đổi tên là Thiên Hồng), Soái Kình Lâm,
Bát Đạt, Á Đông, Đại La Thiên, Triều Châu... Tại đây còn phục vụ loại “ăn chơi”
theo cung cách nhất dạ đế vương. Quả thật người viết bài này chưa bao giờ được
“làm vua một đêm” nên đoán trong những bữa tiệc như thế phải có mỹ nữ hầu tửu,
thực đơn chắc chắn phải có nhiều mónhuyền thoại danh bất hư truyền về cái chất
bổ dương khích dục đi đôi với các thứ rượu quí như whisky, cognac và Mao Đài tửu
(Mao Đài hoàn toàn không có liên quan gì đến Mao Xếnh Xáng dù ông có dùng rượu
này để tiếp đãi các nguyên thủ quốc gia).
Cơm Tàu thường được để trong những
cái thố nhỏ nên được gọi là cơm thố, chỉ là cơm trắng dùng chung với các món ăn
nhưng không nấu bằng nồi mà chỉ hấp cách thủy để cho chín gạo. Thông thường một
người ăn chừng một hoặc hai thố là no. Có người lại ca tụng ăn cơm thố chỉ cần
chan chút hắc xì dầu (nước tương đen) pha với dấm Tiều thêm chút ớt là đã thấy
ngon rồi.
Nghĩ lại cũng đúng nhưng nếu ăn kiểu
này thì những tiệm nổi tiếng như Siu Siu bên hông chợ An Đông hay Siu Siu ở đầu
hẻm
Nguyễn Duy Dương (hình như ở số nhà
61) chắc đã dẹp tiệm từ lâu rồi! Hình dưới đây là những thố cơm chụp tại Quán
Chuyên Ký trong khu Chợ Cũ đường Tôn Thất Đạm. (Những thố cơm ngày xưa nhỏ hơn
nhiều, ngày nay tiệm dùng những cái thố quá lớn, không lẽ bao tử của thực khách
ngày nay lớn hơn ngày xưa?).
Cơm chiên Dương Châu cũng là món ăn
du nhập từ Quảng Đông. Nhiều người rất khoái cơm chiên nhưng ít người biết từ
khởi thủy đây chỉ là món tổng hợp các thức ăn dư thừa được chế biến lại. Này
nhé, cơm vốn là “cơm nguội” nấu dư từ hôm trước, các phụ gia khác như jambon,
trứng tráng, đậu Hòa lan, hành lá... còn dư được xắt lát rồi trộn với cơm mà
chiên lên!
Cũng thuộc loại thức ăn dư thừa có
món tài páo (bánh bao). Ban không tin ư? Nhân bánh bao là thịt vụn được xào
lên, trộn với lạp xưởng và trứng (sau này được thay bằng trứng cút kể từ khi dịch
cútlan truyền khắp Sài Gòn, nhà nhà nuôi cút, người người ăn trứng cút). Vỏ
bánh bao được làm bằng bột mì, sau khi hấp chín bột nở phình ra trông thật hấp
dẫn.
Có người bảo cơm chiên Dương Châu và
bánh bao thể hiện tính tằn tiện và tiết kiệm của người Tàu, không bỏ phí thức
ăn thừa! Nói cho vui vậy thôi chứ từ cơm chiên, bánh bao đến các loại sơn hào hải
vị như bào ngư, vi cá, yến sào… đều đòi hỏi cách chế biến, đó là nghệ thuật nấu
ăn.
Các tiệm “cà phê hủ tiếu” của Tàu lan
rộng ra nhiều nơi chứ không riêng gì trong Chợ Lớn. Khắp Sài Gòn, Gia Định rồi
xuống đến Lục Tỉnh đi đâu cũng thấy những xe mì, xe hủ tiếu, chỉ nhìn cách
trang trí cũng có thể biết được chủ nhân là người Tàu. Họ có kiểu cách riêng biệt
với những chiếc xe bằng gỗ, thiết kế một cách cầu kỳ. Phần trên xe là những tấm
kính tráng thủy có vẽ hình các nhân vật như Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi, Triệu
Tử Long… trong truyện Tam Quốc.
Ăn điểm tâm thì có mì, hủ tíu, bánh
bao, há cảo, xíu mại… Khách thường gọi một ly xây chừng, đó là một ly cà phê
đen nhỏ hay tài phế (cà phê đen lớn). Cà phê ngày xưa còn có tên “cá phé vớ (dzớ)”,
pha bằng chiếc vợt vải nên còn được gọi là “cà phê vợt” tựa như chiếc vớ (bít tất).
Cà phê đựng trong “dzớ” phải được đun nóng trong siêu nên còn có tên là “cà phê
kho”, có điều “kho” nước đầu thì có mùi cà phê nhưng những nước sau có vị như…
thuốc bắc.
Sang hơn thì gọi phé nại (cà phê sữa)
hoặc bạt sửu (nhiều sữa nhưng ít cà phê) với sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ (2)
hoặc Con Chim (3). Có người lại dùng bánh tiêu hoặc dầu-cha-quẩy (người miền Bắc
gọi là quẩy) nhúng vào cà phê để ăn thay cho các món điểm tâm đắt tiền.
Người bình dân còn có lối uống cà phê
trên đĩa. Mỗi tách cà phê thường được để trên một chiếc đĩa nhỏ, khách “sành điệu”
đổ cà phê ra đĩa, đốt điếu thuốc Melia chờ cà phê nguội rồi cầm đĩa lên… húp.
Nhà văn Bình-nguyên Lộc trong Hồn Ma Cũ mô tả cách uống cà phê của người xưa:
“… Người cha đứa bé rót cà phê ra dĩa cho mau nguội, rồi nâng dĩa lên mà uống”.
Đây là cách uống của một số người Sài Gòn vào những thập niên 50-60, đa số họ
là những người lớn tuổi, “hoài cổ” nên vẫn duy trì cách uống đặc trưng của Sài
Gòn xưa.
Vào một quán nước bình dân trong Chợ
Lớn ta có thể gọi một ly suỵt xủi và người phục vụ đem ra một ly đá chanh mát lạnh.
Có người gọi nước đá chanh là “bất hiếu tử” vì dám cả gan “đánh cha” nhưng nói
lái lại là… đá chanh! Tại các tiệm “cà phê hủ tiếu” luôn luôn có bình trà để
khách có thể nhâm nhinhậm xà (uống trà) trước khi gọi phổ ky đến để thảy xu
(tính tiền). (Nhậm xà còn có nghĩa là tiền hối lộ, tiền trà nước). Người sành
điệu còn “xổ” một tràng “broken Cantonese”: “Hầm bà làng kỵ tố?” (Hết thảy bao
nhiêu tiền?).
Những từ ngữ vay mượn của người Tầu
dùng lâu hóa quen nên có nhiều người không ngờ mình đã xử dụng ngôn ngữ ngoại
lai. Chẳng hạn như ta thường lì xì cho con cháu vào dịp Tết hoặc lì xì chothầy
chú (cảnh sát) để tránh phiền nhiễu, cũng là một hình thức hối lộ.
Lạp xưởng (người miền Bắc gọi là Lạp
xường) là một món ăn có nguồn gốc từ bên Tàu, tiếng Quảng Châu là lạp trường:
ngày lễ Tất niên và ruột heo khô. Cũng vì thế vào dịp giáp Tết các cửa hàng nổi
tiếng như Đồng Khánh, Đông Hưng Viên trưng bày la liệt các loại lạp xưởng, nào
là lạp xưởng mai quế lộ, lạp xưởng khô, lạp xưởng tươi…
Chế biến lạp xưởng là nghề của các
Chú Ba trong Chợ Lớn. Lạp xưởng được làm từ thịt heo nạc và mỡ, xay nhuyễn, trộn
với rượu, đường rồi nhồi vào ruột heo khô để chín bằng cách lên men tự nhiên. Lạp
xưởng màu hồng hoặc nâu sậm vì chắc hẳn có thêm chút bột màu.
Lạp xưởng ở Sóc Trăng thuộc miền Lục
tỉnh cũng rất nổi tiếng cùng với món bánh pía, một món đặc biệt của người Tiều
gốc từ Triều Châu. Đôi khi bánh pía còn được gọi là bánh lột da, thực chất có
nguồn gốc từ bánh trung thu theo kiểu Tô Châu nhưng khác với loại bánh trung
thu mà ta thường thấy. Đây là loại bánh có nhiều lớp mỏng và nhân bánh có trộn
thịt mỡ.
Bánh pía do một số người Minh Hương
di cư sang Việt Nam từ thế kỷ 17 mang theo. Trước đây, việc làm bánh pía hoàn
toàn mang tính thủ công và phục vụ cho nhu cầu của từng gia đình. Bánh pía ngày
trước cũng khá đơn giản, vỏ ngoài làm bằng bột mì có nhiều lớp da mỏng bao lấy
phần nhân, lớp da ngoài dày thường để in chữ, nhân làm bằng đậu xanh và mỡ heo
chứ không có lòng đỏ trứng muối và các loại thành phần khác như ngày nay.
Do thị hiếu của người tiêu dùng mà
các lò bánh mới thêm các thành phần hương liệu khác như sầu riêng, khoai môn,
lòng đỏ trứng muối... Tại Sóc Trăng hiện có gần 50 lò chuyên sản xuất bánh pía.
Tuy nhiên, số lò bánh và cửa hàng buôn bán tập trung đông nhất tại thị tứ Vũng
Thơm (xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) nơi được xem là khởi thủy của
làng nghề bánh pía.
Vịt quay Bắc Kinh và vịt quay Tứ
Xuyên là những món “đặc sản” nổi tiếng của Tàu. Đặc trưng của món vịt quay là
da vịt mỏng, giòn, màu vàng sậm. Tại miền Nam, vịt quay và thịt heo quay cũng
được người Quảng Đông đưa vào danh sách ẩm thực. Bí quyết gia truyền của các
món này là ướp ngũ vị hương rồi quay sao cho da giòn tan trong khi phần thịt vừa
mềm lại vừa thơm.
Vịt quay hoặc heo quay theo đúng kiểu
Tàu là phải ăn với bánh bao chay (không nhân) nhưng người Việt cũng chế thêm
món bánh hỏi thịt quay ăn với các loại rau, chấm nước mắm cho hợp với khẩu vị.
Ngày xưa, trong Chợ Lớn, nổi tiếng về heo quay, vịt quay có khu vực đường Tôn
Thọ Tường, ở Sài Gòn thì khu Chợ Cũ có vài tiệm heo quay của người Tàu. Chuyện
kể có một ông cà lăm đi mua thịt quay, khi ông lắp bắp: “Bán… cho tôi… 20 đồng…
thịt quay…” thì Chú Ba với tay nghề chặt thịt cũng vừa chặt xong đúng 20 đồng!
Hết “ăn” giờ lại sang đến “chơi”
trong ngôn ngữ vay mượn của người Tàu. Chuyện cờ bạc trong ngôn từ của người
Sài Gòn xưa đã xuất hiện không ít những từ ngữ từ tiếng Tàu. Tài Xỉu (phiên âm
từ tiếng Tàu có nghĩa là Đại – Tiểu) là trò chơi dân gian có từ rất lâu. Chỉ cần
1 cái đĩa, 1 cái bát và 3 hạt xí ngầu cũng có thể lập sòng tài xỉu nên còn có
tên là sóc đĩa.
Hột xí ngầu có sáu mặt, mỗi mặt có từ
một đến sáu chấm, tương đương từ một đến sáu điểm. Khi ráp sòng, người ta để cả
ba hột lên chiếc đĩa sứ, chụp bát lên trên rồi lắc. Tổng số điểm của ba hột từ
mười trở xuống gọi là xỉu, trên con số mười là tài. Sau khi chủ sòng lắc đĩa,
người chơi đoán hoặc tàihoặc xỉu mà đặt cược. Chuyện thắng thua trong tài xỉu
tùy thuộc vào tay nghề của người xóc đĩa, còn được gọi là hồ lỳ. Xác suất chủ
sòng là từ 60 đến 70% thắng nhưng vì lỡ mang kiếp đỏ đen nên con bạc vẫn bị thu
hút vào sòng xóc đĩa.
Các loại bài và hình thức chơi bài
cũng có xuất xứ từ tiếng Tàu. Binh xập xám (13 cây) có những thuật ngữ như mậu
binh (không cần binh cũng thắng), cù lủ (full house) là 3 con bài cùng số và một
cặp đôi, ví dụ như 3 con chín + 2 con K (lớn nhất là cù lủ ách (ace), nhỏ nhất
dĩ nhiên là cù lủ hai), thùng(flush) là 5 con cùng nước (suit) mà không theo trật
tự liền nhau, ngược lại là sảnh (straight) là 5 con theo trật tự liền nhau
nhưng không cùng nước. Kho từ vựng trong xập xám còn có xám chi (3 con cùng loại
- three of a kind), thú (two) hay thú phé (two separate pairs) là 2 cặp và 1
con bất kì nào khác. “Thứ nhất tứ quý (4 con bài cùng số) thứ nhì đồng hoa
(cùng một nước như cơ, rô, chuồn, bích)” là một trong số cả rừng từ ngữ của dân
binh xập xám.
Ở phần trên đã bàn về hai khía cạnh
“ăn” và “chơi”, còn một khía cạnh đóng vai trò không kém phần quan trọng là
“làm” của người Tàu. Nghề nghiệp được xếp thấp nhất của người Tàu là nghề lạc
xoong hay nói theo tiếng Việt là mua ve chai, người miền Bắc gọi là đồng nát.
Chú Hỏa (1845-1901), người Phúc Kiến,
xuất thân từ nghề này nhưng về sau lại là một trong 4 người giàu nhất Sài Gòn
xưa:
“Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.
Bốn triệu phú ngày xưa gồm các ông Huyện Sỹ (Lê Phát Đạt), Tổng đốc Phương (Đỗ
Hữu Phương), Bá hộ Xường (Lý Tường Quan) và Chú Hỏa (Hui Bon Hoa hay Hứa Bổn
Hòa). (Xem Triệu phú Sài Gòn xưa, http://nguyenngocchinh.multiply.com/journal/item/11).
Một số người Tàu hành nghề bán chạp
phô với các mặt hàng thuộc loại tả pín lù nhưng sẵn sàng đáp ứng được mọi nhu cầu
hàng ngày của người lao động trong xóm. Tiệm chạp phô chỉ có mục đíchlượm bạc cắc
từ cây kim, sợi chỉ đến cục xà bong Cô Ba, quả trứng, thẻ đường. Người Tàu kiên
trì trong công việc bán tạp hóa, ông chủ ung dung đếm tiền mỗi tối và ẩn dưới
tiệm chạp phô là cả một gia tài được tích lũy. Người ta chỉ phát hiện điều này
khi có phong trào vượt biên. Tính rẻ “3 cây một người” thế mà cả gia đình chủ
tiệm chạp phô vẫn thừa sức vượt biển để tìm đến bến bờ tự do.
Cao cấp hơn là những xì thẩu, những
người thành công trong kinh doanh mà ngày nay ta gọi là đại gia. Điển hình cho
giai cấp xì thẩu là Trần Thành, bang trưởng Triều Châu, với hãng bột ngọt Vị
Hương Tố rồi các mặt hàng mì gói Hai Con Tôm, nước tương, tàu vị yểu đã chinh
phục thị trường miền Nam từ thập niên 60 để trở thành “ông vua không ngai trong
vương quốc Chợ Lớn”.
Xì thẩu Lý Long Thân làm chủ 11 ngành
sản xuất và dịch vụ, 23 hãng xưởng lớn: hãng dệt Vinatexco, Vimytex, hãng nhuộm
Vinatefinco, hãng cán sắt Vicasa, hãng dầu ăn Nakyco, hãng bánh ngọt Lubico,
Ngân Hàng Nam Việt, Ngân Hàng Trung Nam, khách sạn Arc en Ciel, hãng tàu Rạng
Đông…
Xì thẩu Lâm Huê Hồ được nhiều người gọi
là “chủ nợ của các ông chủ”. Ông là người giữ nhiều tiền mặt nhất miền Nam, số
tiền ông có trong tay bằng vốn của nhiều ngân hàng tư nhân cỡ nhỏ như NamĐô,
Trung Việt gộp lại. Lâm Huê Hồ còn nổi tiếng là vua phế liệu, chuyên thầu quân
cụ và võ khí phế thải rồi bán lại cho những doanh nhân trong ngành luyện cán sắt
hay bán lại cho Nhật Bản. Người Sài Gòn thường nói: “Trần Thành, Lý Long Thân
chỉ có Tiếng nhưng Lâm Huê Hồ lại có Miếng”.
Xì thẩu Vương Đạo Nghĩa, chủ hãng kem
Hynos, là một người có óc làm ăn cấp tiến. Ông là người có rất nhiều sáng kiến
để quảng cáo sản phẩm trên các cửa hàng ăn uống, chợ búa, hệ thống truyền thanh
và truyền hình. Ông cũng là người đầu tiên biết vận dụng phim võ hiệp và tình
báo kiểu Hồng Kông vào quảng cáo. Người dân miền Nam không thể quên hình ảnh
tài tử
Vương Vũ giải thoát các xe hàng do
đoàn bảo tiêu hộ tống thoát khỏi quân cướp: mở thùng ra chỉ toàn kem đánh răng
Hynos!
Có rất nhiều xì thẩu được Sài Gòn xưa
phong tặng danh hiệu Vua. Trương Vĩ Nhiên, “vua ciné”, là chủ hãng phim Viễn
Đông và gần 20 rạp ciné tại Sài Gòn - Chợ Lớn: Eden, Đại Nam, Opéra, Oscar, Lệ
Thanh, Hoàng Cung, Đại Quang, Palace, Thủ Đô…; Lý Hoa, “vua xăng dầu”, là đại
diện độc quyền các hãng Esso, Caltex, Shell phân phối nhiên liệu cho thị trường
nội địa; Đào Mậu, “vua ngân hàng”, Tổng giám đốc Trung Hoa Ngân Hàng (một trong
hai ngân hàng châu Á lớn nhất tại Sài Gòn cùng với Thượng Hải Ngân Hàng).
Bên cạnh đó lại có Lại Kim Dung là “nữ
hoàng gạo”. Giá gạo tại miền Nam là do công ty của bà ấn định, chính phủ đã có
lúc phải hợp tác với “nữ hoàng gạo” để ổn định giá gạo trên thị trường. Trong
các buổi tiếp tân lớn, bà Kim Dung luôn xuất hiện bên cạnh các mệnh phụ phu
nhân.
Tạ Vinh là một trường hợp xì thẩu đặc
biệt. Năm 1964, Tạ Vinh bị Ủy Ban Hành Pháp Trung ương của Thiếu tướng Nguyễn
Cao Kỳ xử bắn tại pháp trường cát trước chợ Bến Thành vì tội “gian thương, đầu
cơ tích trữ gạo, gây xáo trộn thị trường”. Dân chúng và báo chí gọi Tạ Vinh là
“hạm gạo”. Ông Kỳ muốn cảnh cáo giới tài phiệt gốc Hoa không nên quá lạm dụng
tình trạng chiến tranh để làm giàu phi pháp, ông đã tổ chức một cuộc họp kín gồm
đủ thành phần đại xì thẩu tại Sài Gòn-Chợ Lớn để cảnh cáo.
Chú thích:
(1)
Bình-
nguyên Lộc là bút hiệu của Tô Văn Tuấn (1914-1987) với cách viết tên rất cầu kỳ:
có gạch nối giữa Bình và nguyên, nhưng không có gạch nối giữa nguyên và Lộc, chữ
nguyên lại được viết với mẫu tự n không hoa. Nguiễn Ngu-Í trong “Sống và viết với...
Bình-nguyên Lộc”, gọi ông là “một trong tam kiệt của miền Nam” bên cạnh Hồ Biểu
Chánh và Lê Văn Trương. Bình nguyên Lộc có khoảng 50 truyện dài, 1.000 truyện
ngắn và 4 quyển sách nghiên cứu, trong đó quyển Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt
Nam chỉ được in phần đầu, phần còn lại khoảng 800 trang viết tay coi như bị thất
lạc. Tác phẩm nổi tiếng phải kể đến Đò dọc, Rừng mắm, Cuống rún chưa lìa…
(2)
Sữa
Ông Thọ là tên gọi của hiệu sữa Longevity trước đây thuộc hãng sữa Foremost.
Tên được dùng trước năm 1975 với hình Ông Thọ trong Tam Đa (Phước, Lộc, Thọ) để
minh họa. Sau năm 1975, Vinamilk sử dụng lại tên Ông Thọ nên khi Foremost quay
trở lại Việt Nam kiện đòi lại thương hiệu nhưng thất bại nên phải dùng nhãn hiệu
Longevity. Hiện nay Longevity đã được chuyển nhượng cho Dutch Lady VN với cái
tên Sữa đặc Trường Sinh.
(3)
Sữa
Con Chim của hãng Nestlé (Thụy Sĩ) đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm
1916. Trải qua nhiều thập kỷ, các sản phẩm như Guigoz, Lait Mont-Blanc, Maggi đã
trở nên thân thuộc với các thế hệ người Việt. Nestlé trở lại Việt Nam vào năm
1990, và mở một văn phòng đại diện vào năm 1993. Vào năm 1995, Công ty Nestlé
Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài) được thành lập, trực thuộc tập đoàn
Nestlé S.A.
Vay mượn từ tiếng Pháp
Sang đến thời kỳ “một trăm năm đô hộ
giặc Tây” (Trịnh Công Sơn, Gia tài của Mẹ),
Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng đã trở thành thuộc địa của Pháp. Cũng
vì thế, tiếng Pháp đã có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa, xã hội của
người Việt. Tiếng Pháp được sử dụng trong các văn bản, giấy tờ của Chính phủ Bảo
hộ và trong giảng dạy ở nhà trường, bên cạnh đó là các loại sách báo thâm nhập
đời sống thường ngày của người dân.
Chữ Quốc ngữ, vốn được tạo ra bởi một
số nhà truyền giáo Tây phương, đặc biệt là linh mục Alexandre de Rhodes (tác giả
cuốn Từ điển Việt-Bồ-La năm 1651), với mục đích dùng ký tự Latinh làm nền tảng
cho tiếng Việt. “Latinh hóa” chữ Việt ngày càng được phổ biến để trở thành Quốc
ngữ, chịu ảnh hưởng bởi những thuật ngữ, từ ngữ mới của ngôn ngữ Tây phương, nổi
bật nhất là văn hóa Pháp.
Khi chiếm được ba tỉnh Nam Bộ, người
Pháp đã nắm trong tay một công cụ vô cùng hữu hiệu để truyền bá văn hoá đồng thời
chuyển văn hoá Nho giáo sang văn hoá Phương Tây. Tờ Gia Định Báolà tờ báo đầu
tiên được phát hành bằng chữ Quốc ngữ vào năm 1865, khẳng định sự phát triển và
xu hướng của chữ Quốc Ngữ như là chữ viết chính thức của nước Việt Nam sau này.
Đối với người bình dân, việc tiếp nhận
tiếng Pháp đến một cách rất tự nhiên.
Người ta có thể nói “Cắt tóc, thui dê” để chỉ ngày Quốc khánh Pháp 14/7,
Quatorze Juliet. Người ta có thể dùng tiếng Tây “bồi” nhưng lại không cảm thấy
xấu hổ vì vốn liếng tiếng Pháp của mình vốn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Để
tả con cọp, người ta có thể dài dòng văn tự: “tí ti giôn, tí ti noa, lủy xực
me-xừ, lủy xực cả moi”. Diễn nôm câu này là một chút màu vàng (jaune), một chút
màu đen (noir), nó ăn thịt ông(monsieur), nó ăn thịt cả tôi (moi).
Nhân đây cũng xin nói thêm về những đại
danh từ nhân xưng như toa (anh, mày – toi), moa hay mỏa(tôi, tao – moi), en hay
ẻn (cô ấy, chị ấy – elle), lúy hay lủy (anh ấy, hắn – lui), xừ hay me-xừ (ông,
ngài – monsieur)... Học trò trường Tây, những nhà trí thức khoa bảng hay cả những
kẻ tỏ ra “thời thượng” ngày xưa thường dùng những đại từ này. Cũng vì thế có một
câu mang tính cách châm chọc: “Hôm qua moa đi xe lửa, buồn tiểu quá nên moa phải
đái trên đầu toa” (toa ở đây có 2 nghĩa: toa xe lửa nhưng cũng có ý là toi
(anh) trong tiếng Pháp).
Nói thêm về hỏa xa, người Pháp xây dựng
đường xe lửa đầu tiên ở Việt Nam tại Sài Gòn từ năm 1881. Đây là đoạn đường ray
(rail) từ Cột cờ Thủ Thiêm đến bến xe Chợ Lớn, dài 13km. Mãi đến năm 1885 chuyến
xe lửa đầu tiên mới được khởi hành và một năm sau, tuyến đường Sài Gòn-Mỹ Tho
dài 71km bắt đầu hoạt động. Sau đó, mạng lưới đường sắt được xây dựng trên khắp
lãnh thổ Việt Nam, dùng kỹ thuật của Pháp với khổ đường ray 1 mét. Tính đến năm
1975 miền Nam có khoảng 1.240km đường ray nhưng vì chiến cuộc nên chỉ được sử dụng
khoảng 60%.
Nhà ga cũng có xuất xứ từ tiếng Pháp
gare. Ga là công trình kiến trúc làm nơi cho tàu hoả, tàu điện hay máy bay đỗ để
hành khách lên xuống hoặc để xếp dỡ hàng hoá. Từ sự vay mượn này ta có thêm những
từ ngữ như sân ga, trưởng ga, ga chính, ga xép… Nhân nói về ga tưởng cũng nên
nhắc lại động từ bẻ ghi (aiguiller) tức là điều khiển ghi (aiguille) cho xe lửa
chuyển sang đường khác. Trong tiếng Việt, bẻ ghi còn có nghĩa bóng là thay đổi
đề tài, chuyển từ chuyện mình không thích sang một đề tài khác.
Có những từ ngữ xuất xứ từ tiếng Pháp
nhưng vì lâu ngày dùng quen nên người ta cứ tưởng chúng là những từ “thuần Việt”.
Chẳng hạn như cao su (caoutchouc), một loại cây công nghiệp được người Pháp du
nhập vào Việt Nam qua hình thức những đồn điền tại miền Nam. Ngôn ngữ tiếng Việt
rất linh động trong cách dùng từ ngữ cao su qua các biến thể như giờ cao su (giờ
giấc co dãn, không đúng giờ), kẹo cao su (chewing-gum), bao cao su (còn gọi là
“áo mưa” dùng để tránh thai hoặc tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục)…
Nhà băng (banque) là một chữ quen
dùng trong ngôn ngữ hàng ngày còn xà bông cũng là loại chữ dùng lâu ngày thành
quen nên ít người để ý xuất xứ của nó là từ tiếng Pháp, savon. Ở miền Bắc, xà
bông được cải biên thành xà phòng, là chất dùng để giặt rửa, chế tạo bằng cách
cho một chất kiềm tác dụng với một chất béo. Nổi tiếng ở Sài Gòn xưa có xà bông
Cô Ba của Trương Văn Bền, dùng dầu dừa làm nguyên liệu chính.
Chúng ta thấy ngôn ngữ Việt vay mượn
từ tiếng Pháp trong rất nhiều lãnh vực. Về ẩm thực, tiếng Việt thường mượn cả
cách phát âm đến tên của các món ăn có xuất xứ từ phương Tây. Vào nhà hàng, người
phục vụ đưa ra mơ-nuy (thực đơn – menu) trong đó có những món như bít-tết (chữ
bifteck của Pháp lại mượn từ nguyên thủy tiếng Anh – beefsteak), những thức uống
như bia (rượu bia – bière,được chế biến từ cây hốt bố hay còn gọi là hoa bia –
houblon), rượu vang (rượu nho – vin)…
Về thịt thì có xúc-xích (saucisse),
pa-tê (pâté), giăm-bông (jambon), thịt phi-lê (thịt thăn, thịt lườn –filet).
Các món ăn thì có ra-gu (ragout), cà-ri (curry)… Khi ăn xong, khách xộp còn cho
người phục vụ tiền puộc-boa (tiền thưởng – pourboire). Ngày nay từ boa hay bo
được dùng phổ biến với ý nghĩa cho tiền thưởng, hay còn gọi là tiền phong bao
hoặc tiền phục vụ.
Từ rất lâu, ở Sài Gòn xuất hiện các
loại bánh mì theo kiểu Pháp, miền Bắc lại gọi là bánh tây với hàm ý du nhập từ
Pháp. Có nhiều loại bánh đặc biệt như bánh mì ba-ghét (loại bánh mì nhỏ, dài –
baguette), bánh pa-tê-sô (một loại bánh
nhân thịt, ăn lúc nóng vừa dòn vừa ngon – pâté chaud),bánh croát-xăng (hay còn
gọi là bánh sừng bò – croissant).
Người Sài Gòn thường ăn sáng với bánh
mì kèm theo nhiều kiểu chế biến trứng gà như ốp-la (trứng chỉ chiên một mặt và
để nguyên lòng đỏ – oeuf au plat), trứng ốp-lết (trứng tráng – omelette) hoặc
trứng la-cóc (trứng chụng nước sôi, khi ăn có người lại thích thêm một chút muối
tiêu – oeuf à la coque).
Món không thể thiếu trong bữa ăn sáng
là cà phê (café). Cà phê phải được lọc từ cái phin (filtre à café) mới đúng điệu.
Người miền Bắc ít uống cà phê nên sau năm 1975 vào Sài Gòn nhiều người đã mô tả
cái phin cà phê một cách rất “gợi hình”: “cái nồi ngồi trên cái cốc”.
Ngôn ngữ về trang phục cũng chịu ảnh
hưởng rất nhiều từ tiếng Pháp. Bình thường hàng ngày người ta mặc áo sơ-mi
(chemise), cổ tay có cài khuy
măng-sét (manchette). Khi đi tiệc tùng hoặc hội họp thì mặc áo vét (vest) hay bộ
vét-tông (veston) kèm theo chiếc cà-vạt (cravate) trên cổ áo sơ mi. Trời hơi lạnh có thể mặc bên trong áo vét một
chiếc gi-lê (gilet) và hai tay mang găng (gants) cho ấm.
Ngay cả quần áo lót bên trong cũng mượn
từ tiếng Pháp. Phụ nữ trên thì mang xú-chiêng (nịt ngực –soutien-gorge) dưới
thì có xì-líp (slip). Nam giới thì mặc áo may-ô (maillot) bên trong áo sơ-mi. Mặc
quần thì phải có xanh-tuya (dây nịt – ceinture) và khi trời nóng thì mặc quần
sóc (quần ngắn, tiếng Pháp là short được mượn từ tiếng Anh shorts).
Trang phục có thể được may từ các loại
cô-tông (vải bông – coton) hoặc bằng len (làm từ lông cừu –laine). Trên đầu có
mũ phớt (feutre, một loại mũ dạ), mũ be-rê (béret, một loại mũ nồi)… dưới chân
là đôi dép săng-đan (sandales), sau này người Sài Gòn lại chế thêm dép sa-bô
(sabot nguyên thủy tiếng Pháp là guốc).
Đi lính cho Tây thì được phát đôi
giày săng-đá (giày của lính – soldat). Loại lính nhảy dù, biệt kích (ngày nay
là đặc công) gọi là còm-măng-đô (commando). Một đoàn xe quân sự có hộ tống được
gọi làcông-voa (convoi, trông cứ như con voi trong tiếng Việt!). Thuật ngữ quân
sự chỉ những công sự xây đắp thành khối vững chắc, dùng để phòng ngự, cố thủ một
nơi nào đó được gọi là lô-cốt có xuất xứ từblockhaus. Ngày nay, chữ lô cốt còn
được dùng chỉ những nơi đào đường, thường được rào chắn, vây kín mặt đường, cản
trở lưu thông.
Xưa kia cảnh sát được gọi qua nhiều
tên: mã-tà (xuất xứ từ tiếng Pháp matraque, có nghĩa là dùi cui),sen đầm
(gendarme), phú-lít (police), ông cò (commissaire)… Lực lượng thuế quan (ngày
nay gọi làhải quan) được gọi là đoan (douane), lính đoan còn có nhiệm vụ đi bắt
rượu lậu là một mặt hàng quốc cấm thời Pháp thuộc.
Nông phẩm thì có đậu cô-ve (còn gọi tắt
là đậu ve – haricot vert), đậu pơ-tí-poa (đậu Hòa Lan có hột tròn màu xanh –
petitspois), bắp sú (bắp cải – chou), súp-lơ (bông cải – chou-fleur), xà lách
(salade),cải xoong (còn gọi là xà lách xoong – cresson), cà-rốt (carotte),
ác-ti-sô (artichaut)…
Tiếng Tây cũng đi vào âm nhạc. Từ điệu
valse, tango… đến đàn piano (dương cầm), violon (vĩ cầm), kèn harmonica (khẩu cầm)...
Ở các đăng-xinh (khiêu vũ trường – dancing) luôn có ọc-két (ban nhạc
–orchestre) chơi nhạc và xuất hiện một nghề mới gọi là ca-ve (gái nhẩy –
cavalière). Ngày nay người ta dùng từ ngữ ca-ve với ý chỉ tất cả những cô gái
làm tiền, khác hẳn với ý nghĩa nguyên thủy của nó.
Người phương Tây dùng nhiều sữa và
các sản phẩm của sữa nên đã đưa vào ngôn ngữ tiếng Việt những từ ngữ như bơ
(beurre), pho-mát (fromage), kem (crème)... Nổi tiếng ở Sài Gòn có hai nhãn hiệu
sữa Ông Thọ (Longevity) và Con Chim (Nestlé) như đã nói ở phần trên.
Có người cắc cớ thắc mắc, đàn ông mà
lại là ông già thì làm sao có sữa? Xin thưa, hình tượng “Ông Thọ chống gậy”
trên hộp sữa chỉ muốn nói lên tuổi thọ (longévité) của người dùng sữa. Trường hợp
của Nestlé cũng vậy. Con Chim thì làm gì có sữa? Thực ra thì logo của Nestlé là
một tổ chim (gồm chim mẹ và 2 chim con) nhưng người Việt mình cứ gọi là sữa Con
Chim cho tiện.
Cũng vì thế mới có nhiều câu chuyện
khôi hài về sữa Con Chim. Chú Ba Tàu, chủ tiệm “chạp phô”, giải thích vì sao sữa
Con Chim lại bán với giá mắc hơn những sữa khác: “Sữa con bò vì có nhiều vú nên
rẻ, sữa mẹ chỉ có 2 vú nên đắt nhưng Con Chim nhỏ chút xíu, vắt được 1 lon sữa
là quý lắm thì phải mắc tiền nhất chớ!”.
Các ông lại giải thích một cách hóm hỉnh
khi các bà thắc mắc Con Chim làm gì có sữa: “Tại mấy bà không để ý đấy thôi,
con chim khi hứng chí cũng tiết ra một thứ sữa màu trắng đục, đó không phải là
sữa thì là gì?”.
Thế mạnh của Nestlé là các sản phẩm sữa
bò khác như Núi Trắng (Lait Mont-Blanc) và sữa bộtGuigoz. Ngày xưa, những gia
đình trung lưu đều nuôi con bằng sữa bột Guigoz. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi
ăn vụng một thìa Guigoz của em út: vừa bùi, vừa béo, những hạt sữa nhỏ ly ty
như tan ngay trong miệng.
Sữa bột Guigoz được chứa trong một
cái lon bằng nhôm, cao 15cm, có sọc ngang, bên trong lại có sẵn thìa để giúp
người pha dễ đo lường. Khi dùng hết bột, các bà nội trợ không vứt lon như những
loại sữa khác vì lon Guigoz có nắp đậy rất kín nên được “tái sử dụng” trong việc
đựng đường, muối, tiêu, bột ngọt…
Những người thiết kế lon Guigoz chắc
hẳn chưa bao giờ nghĩ cái lon lại có nhiều công dụng sau khi sữa bột ở bên
trong đã dùng hết. Lon Guigoz đã theo chân những tù nhân cải tạo như một vật “bất
ly thân”. Những người “tưởng đi học có 10 ngày” mang theo lon Guigoz để đựng
các vật dụng linh tinh như bàn chải, kem đánh răng, vài loại thuốc cảm cúm, nhức
đầu để phòng khi cần đến.
Lon Guigoz thường được chúng tôi gọi
tắt là “lon gô”. Học tập càng lâu lon gô càng tỏ ra “đa năng, đa hiệu”. Muốn
múc nước từ giếng lên thì dùng gô làm gàu, buổi sáng thức dậy dùng gô làm ly đựng
nước súc miệng, nhưng gô còn tỏ ra đặc biệt hữu ích khi dùng như một cái nồi để
nấu nước, thổi cơm, luộc măng (lấy ở trên rừng), luộc rau, luộc khoai mỳ (“chôm
chỉa” khi đi “tăng gia sản xuất”)… nghĩa là làm được tất cả mọi công việc bếp
núc.
Chúng tôi ở trong một căn cứ cũ của
Sư đoàn 25 tại Trảng Lớn (Tây Ninh) nên có cái may là còn rất nhiều vỏ đạn 105
ly. Người cải tạo săn nhặt những vỏ đạn về và chế thành một cái lò “dã chiến”
vàlon gô để vào trong lò vừa khít, tưởng như 2 nhà thiết kế vỏ đạn và lon gô đã
ăn ý với nhau “từng centimét” ngay từ khâu thiết kế ban đầu! Ai chưa có lon gô
thì nhắn gia đình tìm để đựng đồ ăn mỗi khi được vào trại “thăm nuôi”.
Sau 30/4/75 lon gô trở nên hữu dụng
vì công nhân, sinh viên, học sinh dùng lon gô để đựng cơm và thức ăn cho bữa
trưa.
Người Sài Gòn thường đeo một cái túi
đựng lon gô khi đi làm, một hình ảnh không thể nào quên của “thời điêu linh”
sau 1975. Tình cờ tôi bắt gặp trang web (http://www.teslogos.com/ancienne_boite_de_lait_guigoz_collector_collection.html)
của Pháp quảng cáo bán lon sữa Guigoz cho những người sưu tầm, giá lên tới 15
euro cho một lon Guigoz xưa, dĩ nhiên là chỉ có lon không, không có sữa!
Người Pháp khi đến Việt Nam mang theo
cả chiếc ô-tô (xe hơi – auto, automobile). Xe xưa thì khởi động bằng cách quay
mani-ven (manivelle) đặt ở đầu xe, sau này tân tiến hơn có bộ phận đề-ma-rơ (khởi
động – démarreur). Sau khi đề (démarrer), xe sẽ nổ máy, sốp-phơ (người lái xe -
chauffeur) sẽ cầm lấy vô-lăng (bánh lái – volant) để điều khiển xe… Về cơ khí
thì người Sài Gòn dùng các từ ngữ như cờ-lê (chìa vặn – clé), mỏ-lết (molette),
đinh vít (vis), tuốc-nơ-vít (cái vặn vít – tournevis), công-tơ (thiết bị đồng hồ
– compteur), công tắc (cầu dao – contact)…
Bây giờ nói qua chuyện xe đạp cũng có
nhiều điều lý thú. Chiếc xe đạp trong ngôn ngữ Việt mượn rất nhiều từ tiếng
Pháp. Trước hết, phía trước có guy-đông
(thanh tay lái – guidon), dưới chân có pê-đan(bàn đạp – pedale), săm (ruột
bánh xe – chambre à air) và phía sau là bọc-ba-ga (để chở hàng hóa –
porte-bagages).
Chi tiết các bộ phận trong xe đạp
cũng… Tây rặc. Có dây sên (dây xích – chaîne), có líp (bộ phận của xe đạp gồm
hai vành tròn kim loại lồng vào nhau, chỉ quay tự do được theo một chiều – roue
libre), rồi phanh (thắng – frein) ở cả bánh trước lẫn bánh sau. Thêm vào đó còn
có các bộ phận bảo vệ nhưgạc-đờ-bu (thanh chắn bùn – garde-boue) và gạc-đờ-sên
(thanh che dây xích – garde-chaîne).
Mỗi chiếc xe đạp xưa còn trang bị một
ống bơm (pompe) để phòng khi lốp xe xuống hơi. Bên cạnh đó người ta gắn một chiếc
đy-na-mô (dynamo – bộ phận phát điện làm sáng đèn để đi vào ban đêm). Tôi còn
nhớ khi tháo tung một cái dynamo cũ thấy có một cục man châm gắn vào một trục để
khi trục quay sẽ sinh ra điện.
Hồi xửa hồi xưa, đi xe đạp không đèn
vào ban đêm rất dễ bị phú-lít thổi phạt nên nếu xe không đèn, người lái phải cầm
bó nhang thay đèn! Sài Gòn xưa có các nhãn hiệu xe đạp mổi tiếng như Peugeot,
Mercier, Marila, Follis, Sterling… Đó là những chiếc xe đã tạo nên nền “văn
minh xe đạp” của những thế hệ trước và một nền “văn hóa xe đạp” còn lưu lại
trong ngôn ngữ tiếng Việt của người Sài Gòn xưa.
Vay mượn từ tiếng Anh
Đây là bài thứ 3 trong loạt bài
nghiên cứu về những chữ vay mượn trong ngôn ngữ Sài Gòn xưa. Sau khi bàn về tiếng
Tàu, tiếng Pháp, chúng ta chuyển sang tiếng Anh và bước vào một nền văn hóa đã
có những ảnh hưởng “tốt” cũng như “xấu” vào đời sống của người Việt trong khoảng
30 năm chiến tranh vừa qua.
Có người gọi cuộc chiến vừa qua là “nội
chiến” giữa hai miền Nam-Bắc nhưng, theo báo chí phương Tây, đó là “cuộc chiến
tranh Việt Nam” hay nói một cách khác là “cuộc đối đầu giữa hai phe”, một bên
là Tự do gồm Việt Nam Cộng hòa, Hoa Kỳ và 5 nước Đồng minh (gồm Australia, New
Zealand, Đại Hàn, Thái Lan và Philipin) và một bên là Cộng Sản gồm Việt Nam Dân
chủ Cộng Hòa, Liên Xô và Trung Quốc.
Tinh thần của bài viết này không bàn
đến việc “đúng” hay “sai” của cuộc chiến mà chỉ xoáy quanh những ảnh hưởng của
nền văn hóa Mỹ đối với ngôn ngữ Việt trong suốt 30 năm chiến tranh.
Nước Mỹ còn được gọi là Hoa Kỳ hay
Huê Kỳ (cờ hoa). Danh xưng này đã xuất hiện trong văn chương Việt Nam từ cuối
thế kỷ thứ 19 qua thuật ngữ “đèn Hoa Kỳ”. Vũ Trọng Phụng trong Vỡ đê, xuất bản
năm 1936, có đoạn viết: “…Dung tìm bao diêm ở ô kéo, đốt một cây đèn hoa kỳ
lên, tắt phụt ngọn lửa ở đèn dầu xăng. Nhìn ra sân, thấy trời tối om, Dung bèn
bỏ bao diêm vào túi…”.
Nguyễn Công Hoan trong Nhớ và ghi về
Hà Nội giải thích: “…Đèn Hoa Kỳ là đèn của bọn Mỹ sang ta buôn dầu hoả. Muốn
bán được dầu hoả, nó phải làm đèn cho người mua dầu dùng (...). Dầu của Mỹ, viết
tắt là Socony (Standard Oil Company of New York), cạnh tranh với dầu của Anh viết
tắt là Shell.
Bất cứ ở thành thị hay nông thôn, hễ
có đại lý dầu Mỹ, là ở gần đó, có ngay đại lý dầu Anh. Và trái lại. Nhà bán dầu
Mỹ có biển sơn màu vàng, nhà bán dầu Anh có biển sơn màu đỏ. Những nơi bán dầu
xăng ô tô, Anh Mỹ cũng cạnh tranh như vậy. Ở Hà Nội, còn có xe dầu đi bán ở phố,
cũng sơn màu của hãng... Trụ sở của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật ở phố Trần Hưng Đạo,
số
39, là trụ sở cũ của hãng dầu Shell của
Anh, nên quét vôi màu đỏ. Ngày trước ta gọi là nhà dầu Shell (...). Royal Dutch
Shell (người bình dân gọi là hãng dầu “con sò”) đã thực hiện một chiến dịch “tiếp
thị” ngoạn mục là “biếu không” đèn Hoa Kỳ cho người Việt vốn chỉ quen dùng dầu
lạc hay nến (bạch lạp) để thắp sáng mà không quen dùng dầu hỏa. Dĩ nhiên, khi
đèn Hoa Kỳ đi vào đời sống của người Việt thì cũng là lúc mọi người làm quen với
việc dùng dầu hỏa để đốt đèn. Nhãn hiệu Shell lần đầu tiên xuất hiện vào năm
1891 qua logo “con sò” trên thùng dầu hỏa mà Marcus Samuel và các cộng sự chuyển
đến vùng Viễn Đông. Nhất Thanh trong Đất lề quen thói (1968) giải thích thêm:
“Cuối thế kỷ XIX người Tây đem dầu lửa, cũng gọi dầu hôi, vào dùng và bán
(...). Hãng bán dầu đã chế ra thứ đèn nhỏ, ngọn lửa vừa bằng ngọn đèn dầu chay,
đèn được cho không kèm theo mỗi thùng dầu bán ra, để làm quảng cáo; không rõ
lúc ấy dầu lửa từ xứ nào nhập cảng, mà cái đèn kia được gọi là đèn Hoa-kỳ; ngày
nay tại nhiều nhà nó vẫn là bạn cố tri bên cạnh cái điếu thuốc lào”. Như vậy,
thuật ngữ “đèn Hoa Kỳ” (còn gọi là đèn “hột vịt” tại miền Nam), đốt bằng dầu hỏa
(còn gọi làdầu lửa hay dầu hôi), đã xuất hiện từ rất lâu, trước khi có cuộc Chiến
tranh Việt Nam.
Người ta còn dùng từ ngữ dầu Tây để gọi
dầu hỏa khi mới du nhập vào Việt Nam. Ngày xưa, loại dầu này được đựng trong
thùng sắt tây như trong bức tranh Bán dầu Tây của Henri Oger năm 1909 (1). Loại
thùng sắt này sau khi đựng dầu được tái chế thành thùng gánh nước hoặc cắt ra
làm các vật dụng khác như đồ chơi cho trẻ em bằng thiếc.
Một trường hợp tiếng Anh khác đã du
nhập vào Việt Nam từ lâu là trò chơi của trẻ con: “Oẳn tù tì” dịch từ “One,
Two, Three”. Hầu như mọi người Việt đều đã từng ra cái búa, cái kéo hoặc cái
bao sau khi đọc câu “Oẳn tù tì. Ra cái gì? Ra cái này!”. Hai người chơi và có một
trong 3 lựa chọn, cái búa thì đập cái kéo, cái kéo thì cắt cái bao và cái bao lại
bao được cái búa.
Về nặt giáo dục, tiếng Anh du nhập miền
Nam qua hai thời kỳ, dưới hai dạng ngôn ngữ: tiếng Anh của người Anh (British
English) và tiếng Anh của người Mỹ
(American English). Thời Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963), tiếng Anh song song với
tiếng Pháp, được chọn làm sinh ngữ chính và phụ, tùy theo sự lựa chọn của học
sinh từ bậc Trung học (lớp Đệ thất trở lên). Tài liệu giảng dậy tiếng Anh vẫn lệ
thuộc vào chương trình của người Pháp nên chịu ảnh hưởng của British English
(còn gọi là Ăng-lê – Anglais). Một trong những sách học tiếng Anh phổ biến
trong thời kỳ này là bộ L’Anglais Vivant của nhà xuất bản Hachette (Pháp).
Đệ nhị Cộng hòa (1963-1975) là thời
thịnh hành của American English tại miền Nam. Điều này cũng dễ hiểu vì sự có mặt
của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam (2). Ngôn ngữ Sài Gòn xưa chịu ảnh
hưởng sâu đậm của tiếng Mỹ trong thời kỳ này và có những vay mượn rất lý thú.
OK (okay) có lẽ là một từ nổi bật nhất
trong tiếng Mỹ được sử dụng rộng rãi tại miền Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Một số người cho rằng từ này bắt nguồn này bộ tộc da đỏ Choctaws ở Châu Mỹ. Chữ
“okeh” của người Choctaw có nghĩa tương tự như từ OK của người Mỹ. Tuy nhiên,
cũng có rất nhiều tranh cãi về thuật ngữ này. Theo chuyên gia ngôn ngữ Allen
Walker Read, OK là dạng viết ngắn của cụm từ “all correct”. Những người khác
thì cho rằng OK là dạng chữ tắt của các từ Hy Lạp có nghĩa là mọi thứ đều ổn cả.
Không phải ai cũng đồng ý với những giải thích này nên kết luận hãy còn bỏ ngỏ.
Tại miền Nam, còn phát sinh từ ngữ OK
Salem, một từ ghép thường được dùng bởi giới bình dân, ít học như gái bán ba
(bar), dân xích lô hoặc trẻ đánh giày. Một hình ảnh phải nói là rất xấu trên đường
phố thời đó: trẻ con thường chạy theo các chú GIs (Government Issues – ám chỉ
lính Mỹ vì dùng đồ chính phủ cấp phát) để chìa tay xin thuốc lá hay kẹo
chewing-gum (kẹo cao su)… miệng thì OK Salem rối rít.
Thuốc hút Salem có vị bạc hà
(menthol), rất thịnh hành khi lính Mỹ đến Việt Nam, họ mua từ PX (Post Exchange
– một hình thức Quân tiếp vụ, chỉ bán cho quân nhân Hoa Kỳ) và tuồn hàng ra thị
trường chợ đen (black market). Người Sài Gòn chê
Salem là loại thuốc dành cho… phụ nữ,
thuốc dành cho đàn ông “sành điệu” phải kể đến Pall Mall, Lucky Strike, Philip
Morris,
Camel, Winston…
Salem được giới ăn chơi Sài Thành
“chiết tự” thành Sao Anh Làm Em Mệttrong khi Pall Mall được giới lính tráng biến
thành cụm từ Phải Anh Là Lính, Mời Anh Lên Liền… Có điều thuốc Salem tại Mỹ được
phát âm là “xê-lầm” nhưng khi sang đến Việt Nam lại biến thành “xa-lem” nên nếu
có sang Mỹ mà hỏi mua thuốc “xa-lem” chắc chắn người bán sẽ lắc đầu quầy quậy!
Number one cũng là một cụm từ được
dùng thường xuyên tại miền Namvới ngụ ý… số dzách hay số một. Người bình dân
dùng number one thay cho good chẳng hạn như trong câu tiếng Anh “bồi”: “You
number one GI!”. Phản nghĩa với number one sẽ là number ten, hoặc tệ hơn nữa là
“nâm-bờ ten tháo giường” được Việt hóa từ “number ten thousand” (số mười ngàn).
Ai dám bảo là dân Việt không có óc khôi hài?
Cao bồi là thuật ngữ đã đi vào ngôn
ngữ miền Nam khi hàng loạt các loại “phim miền Tây” (Western movies) hay còn gọi
là “phim cao-bồi”, được chiếu tại các rạp xi nê. Cowboys vốn là những chàng
trai chăn bò, có người hành động một cách nghĩa hiệp “trừ gian diệt bạo” nhưng
cũng có những kẻ “đầu trộm đuôi cướp” trong bối cảnh Miền Tây Hoang dã (the
Wild Wild West) tại Hoa Kỳ thời lập quốc. Bên cạnh các cowboys còn có sự hiện
diện của sheriff với ngôi sao trên ngực, họ là những cảnh sát do dân trong thị
trấn bầu lên để thực thi luật pháp.
Phim cao bồi đầu tiên tại Mỹ thuộc loại
phim câm (silent film) mang tênThe Great Train Robbery được sản xuất vào năm
1903.
Những phim cao bồi nổi tiếng thời Sài
Gòn xưa phải kể đến Gunfight at the O.K. Corral(năm 1957 với các tài tử Burt
Lancaster,
Kirk Douglas), Rio Bravo (1959 với
John Wayne, Dean Martin, Ricky Nelson), The Misfits (1961 với Clark Gable,
Marilyn
Monroe, Montgomery Clift), The Good,
the Bad and the Ugly (1966 với Clint Eastwood, Lee Van Cleef), Little Big Man
(1970 với Dustin Hoffman, Faye Dunaway)…
Từ ngữ cao bồi sau khi du nhập vào miền
Nam lại có những biến thể về ý nghĩa. Người lái xe cao bồiđược hiểu là lái ẩu,
ăn mặc cao bồi là diện những bộ quần áo lố lăng, khó coi…
Tôi còn nhớ, ngày xưa thường hát Học
sinh hành khúc của Lê Thương với những lời ca tụng một thế hệ học sinh của
tương lai đất nước:
“Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau.
Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao…”
Thế nhưng bài hát này đã được ai đó,
chắc là mấy cậu học trò “rắn mắt”, cải biên thành:
“Học sinh cao bồi mặc áo sơ mi ca rô
Học sinh là người hủ tiếu ăn hai ba tô…”
Chả là học sinh chỉ có đồng phục quần
xanh-áo trắng nên anh nào mặc áo ca rô thì bị “chụp mũ” là học sinh cao bồi.
Còn cái vụ hủ tiếu mà ăn tới “hai, ba tô” thì phải “xét lại”, có thể vì “bí vận”
nên câu trước “áo sơ mi ca rô” câu sau có vần “hủ tiếu ăn hai ba tô” chứ học
sinh làm gì có tiền mà ăn nhiều đến thế.
Tiện đây cũng xin nhắc lại chuyện
phim ảnh của Sài Gòn xưa. Để diễn tả một một sự kiện có tính cách kinh dị, người
ta còn dùng từ ngữ “hít-cốc”, xuất xứ từ cái tên của đạo diễn Alfred Joseph
Hitchcock, “ông vua phim kinh dị” của nền điện ảnh Hoa Kỳ với khoảng 50 bộ phim
kéo dài suốt 6 thập kỷ.
Người Sài Gòn đã có dịp xem rất nhiều
phim hít-cốc “toát mồ hôi lạnh” như The Man Who Knew Too Much (1956, với James
Stewart và Doris Day – trong phin này Doris Day hát bài What Will Be, Will Be –
Que Sera, Sera và đoạt giải Oscar âm nhạc hay nhất), Vertigo (1958, với James
Stewart, Kim Novak),Psycho (1960, với Anthony Perkins, Janet Leigh), The Birds
(1963, với Tippi Hedren, Rod Taylor)…
Một trong những tác động xấu của người
Mỹ đến miền Nam trong cuộc chiến vừa qua là hiện tượng xì-nách ba (snack bar) mọc
lên như nấm sau cơn mưa tại Sài Gòn. Khác hẳn với snack bar nguyên thủy ở Hoa Kỳ,
thường được hiểu là nơi bán các loại thức ăn nhẹ (snack) như hot dogs,
hamburgers, french fries, potato chips, corn chips… còn kèm theo đồ uống.
Sang đến Việt Nam, xì-nách ba trở
thành nơi lui tới của những người lính Mỹ xa nhà để uống rượu giải sầu và được
phục vụ bởi các cô gái bản xứ. Họ thường là gái quê, ít học và có chút nhan sắc,
ăn mặc “thời thượng” với chiếc mini jupe ngắn cũn cỡn. Gái xì-nách ba, hay còn
gọi là gái bán ba, thường chỉ ngồi uống nước ngọt hay nước trà với khách nên
lính Mỹ gọi đó là Saigon Tea có giá từ 1 đến 2 đô la một ly. Các cô làm ở
xì-nách ba không hẳn là gái điếm vì không phải cô nào cũng “đi khách”.
Cũng từ các cô gái bán ba phát sinh
ra loại tiếng Anh “giả cầy” kiểu “broken English”. Người ta nghe loáng thoáng
trong câu chuyện giữa các cô “đấu hót” với lính Mỹ “Hello GI, you buy me Saigon
tea” (Chào anh lính, anh mua cho em ly Sài Gòn ti nhé) hay còn rùng rợn với câu
“No star where”, một cụm từ trấn an mà các cô dịch thẳng từ tiếng Việt Không
sao đâu!
Lính Mỹ còn đưa vào Việt Nam một số
thuật ngữ được dùng từ hồi chiến tranh Triều Tiên. Để gọi người đà bà lớn tuổi
họ dùng mama-san, đàn ông thì gọi là papa-san còn con nít là baby-san. Cũng vì
thế, trong câu chuyện ở snack bar người ta thường bắt gặp những từ này khi các
cô gái bán ba muốn nói về gia đình mình. Mama-san còn được dùng để chỉ người điều
hành snack bar, tương tự như tài-pán, người phụ trách điều động gái nhảy tại
các dancing thời Pháp thuộc.
Kinh doanh xì-nách ba là một nghề hái
ra tiền tại Sài Gòn bên cạnh những dịch vụ như tắm hơi (steam bath), mát-xa
(massage) nhưng cũng chính các nghề này đã khiến cuộc sống trong xã hội mất đi
sự lành mạnh, đưa đẩy một số phụ nữ vào con đường tội lỗi. Tuy nhiên, người ta
cũng hiểu đó là những hệ quả không thể nào tránh khỏi của một đất nước trong
tình trạng chiến tranh.
Xã hội miền Nam bên cạnh nghề thu hút
một số người làm việc tại các quán ba còn có một giai cấp cao hơn, họ làm việc
cho các hãng thầu tư nhân của Mỹ như hãng RMK được thành lập từ đầu thập niên
60 với các công trình xây dựng xa lộ Biên Hòa, quốc lộ 4 tại Phụng Hiệp… hoặc
các cơ quan trực thuộc chính phủ Hoa Kỳ như USAID.
Nói chung, họ là những người đi làm sở
Mỹ với mức lương cao nhưng phải đạt một trình độ tiếng Anh khả dĩ trong công việc
hàng ngày. Những người có trình độ cao hơn thì làm thông dịch viên, ngay như
Trường Sinh ngữ Quân đội cũng có những khóa đào tạo thông dịch viên đồng hóa với
cấp bậc trung sỹ để về phục vụ tại các tiểu khu có cố vấn Mỹ.
Năm 2011, tại Little Saigon, đã có một
buổi họp mặt “Cựu nhân viên sở Mỹ” nhân dịp Giáng sinh. Gần 400 cựu nhân viên
đã đến dự cuộc hội ngộ này, đa số là những người đã từng làm việc tại Tòa đại sứ,
Tổng lãnh sự Mỹ, các cơ quan chuyên môn như DAO, CIA, MACV, USAID, USIS cùng những
nhân viên hãng thầu RMK của tư nhân.
Cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70
là thời kỳ Sài Gòn chịu ảnh hưởng từ của phong trào hippy (hippie) của Mỹ. Người
ta thấy xuất hiện những từ ngữ có liên quan đến hippy như hoa hippy, hippy bụi
đời, hippy choai choai, hippy yaourt… Những kiểu thời trang hippy cũng xuất hiện:
váy ngắn (mini jupe, miniskirt), quần ống loe (quần chân voi), áo dài hippy thì
ngắn cũn cỡn mặc chung với quần ống loe còn con trai thì tóc dài đến độ nhìn từ
xa không thể nào phân biệt được giới tính…
Văn hóa hippy bao gồm từ phong cách
ăn mặc “bụi” đến những tư tưởng phóng khoáng, chống lại những quy ước cứng nhắc
của xã hội. Có thể nói, phong trào hippy là biến tấu của chủ nghĩa hiện sinh
(existentialisme) theo kiểu “yêu cuồng, sống vội” với Jean Paul Sartre,
Françoise Sagan từ văn hóa Pháp.
Cuối thập niên 60s phong trào phản đối
chiến tranh Việt Nam đã nở rộ tại Mỹ với khẩu hiệu “Make love not war". Biểu
tượng của phong trào hippy là hoa không lá (còn gọi là hoa hippy), đó là hình
tượng của Power Flower (sức mạnh của hoa) được bắt đầu từ năm 1965 tại khu
Berkerly, California. Người ta còn nhớ mãi hình ảnh một cô gái hippy đã gắn hoa
trên họng súng của một quân nhân thi hành nhiệm vụ giữ trật tự trong một cuộc
biểu tình phản chiến.
Ở Sài Gòn, các người đẹp gắn hoa
hippy lên tóc, cài lên tai, dán lên mắt kính để làm duyên. Người ta còn vẽ hoa
lên xe hơi, lên xe Honda, thậm chí đôi lúc còn thấy hoa hippy xuất hiện trên
cyclo, xe ba gác, xe bò. Cô em gái tôi có một chiếc áo khi ủi đồ bị than rớt
cháy thủng một lỗ, thế là cô gắn luôn một cái hoa hippy, trước là để ngụy trang
sau là chạy theo… thời trang! Có thể nói Sài Gòn khi đó giống như Trăm hoa đua
nở, nhại tên một chiến dịch thanh trừng chính trị ở miền Bắc.
Tôi còn nhớ, Trường Sinh ngữ Quân đội
vào cuối thập niên 60 có một Chuẩn úy từ Thủ Đức về. Anh Thịnh là một chuẩn úy
trẻ, có học vị cao nhưng lại rất lè phè trong lối sống. Hằng ngày anh đến trường
bằng chiếc xe hơi bỏ mui (decapotable) được trang trí bằng những bông hoa
hippy. Thế là anh chuẩn úy trẻ có tên “Thịnh Hippy” kể từ đó.
Có thể nói, phong trào hippy cũng lan
rộng đến người lính qua chuyện về “Thịnh Hippy” nhưng nói chung, những người
lính trận mỗi khi có dịp đi phép về thành phố chắc chắn không thể chấp nhận lối
sống hippy của các thanh niên, thiếu nữ tại chốn phồn hoa đô hội. Những người hằng
ngày phải đương đầu với súng đạn làm sao có thể “thông cảm” với những người hằng
đêm đi “bum” tại các phòng trà, dancing. Một đằng thì phải hy sinh tính mạng để
“tham chiến” còn một đằng thì lại ăn chơi để “phản chiến”. Đó là một trong những
“mâu thuẫn” trong chiến tranh Việt Nam. Phải chăng đó cũng là một trong những
lý do khiến miền Nam sụp đổ ?
Nguồn : https://groups.google.com/forum/#!topic/khoa69-74ktdn/7pM8-rgoFhQ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét