Hội Dục Anh
By Trang Nguyên
Cũng như Dạ Lữ Viện
kiểu nhà tế bần khi xưa dành cho người lớn không nhà trú ngụ qua đêm, thì Sài Gòn
trước đó đã xuất hiện một nhà nuôi trẻ dành cho con cái nhà nghèo hay cha mẹ
thất nghiệp không làm ra tiền nuôi con, có thể gởi con vào đây dài hạn hay vài
ba tháng khi cha mẹ có điều kiện chăm sóc thì nhận về. Hội Dục Anh không do
chính phủ quản lý, tất cả tài chánh để duy trì mọi hoạt động đều do sự đóng góp
từ thiện của những nhà hảo tâm cũng như chính các thành viên tham gia Hội Dục
Anh tự bỏ tiền túi.
Trẻ em mồ côi được chăm
sóc trong Hội Dục Anh.
Chụp năm 1969. Ảnh: Harry Hallman
Người Sài Gòn trước đây vẫn nghe nói đến Hội
Dục Anh tọa lạc giữa điểm giao nhau ba con đường (Võ Tánh – Phạm Ngũ Lão –
Cống Quỳnh) và thường nghĩ là một nơi nuôi trẻ mồ côi như nhiều trại mồ côi ở
Gò Vấp, Thủ Đức hay Bình Thạnh. Nhưng thật ra Hội Dục Anh không phải là trại
nuôi trẻ mồ côi.
Trẻ mồ côi hẳn nhiên là trẻ không còn cha mẹ,
không còn ai nương tựa được đưa vào trại mồ côi hoặc cũng có thể đứa trẻ thất
lạc trong thời buổi chiến tranh. Cũng có khi, đứa trẻ bị chính cha, mẹ ruột
mình bỏ rơi.
Nói đến chuyện này làm tôi nhớ đến thằng Tèo.
Tôi kể ra đây tuy dông dài nhưng có liên quan đến Hội Dục Anh. Tèo tên gọi ở
nhà, còn tên thật của nó là gì tôi nào có biết. Nó lớn hơn tôi đâu hai ba tuổi,
nhà ở xóm dưới. Mẹ nó mất vì bệnh thương hàn, cha nó chạy xe tải thuê cho chủ
hãng bột mì ở bến Bình Đông. Do công việc xa nhà thường xuyên nên không có thời
gian chăm sóc con cái. Thật ra là tôi thỉnh thoảng chơi bắn bi với thằng em của
nó vì trước nhà nó có cái sân đất. Thằng Tèo năm đó đâu mười hai mười ba tuổi,
vậy mà đã biết phì phèo điếu thuốc, mở miệng lúc nào cũng bắt đầu bằng hai tiếng
chửi thề. Nó không đi học, ở nhà chỉ lo cơm nước cho đám em bốn đứa.
Trẻ em lớn sống trong Hội Dục Anh phải phụ giúp những công việc
lặt vặt.
Ảnh: Harry Hallman
Một lần, bọn trẻ chúng tôi chơi bắn bi trước
nhà nó thì cha nó về la lối xua đuổi làm bọn con nít tụi tui sợ té khói. Sau
đó, lại nghe tiếng cha nó la hét trong nhà, bắt thằng Tèo hai tay nắm chặt vào
song sắt cửa sổ. Tiếng roi mây vút vùn vụt chan chát trên mông. Hàng xóm gần đó
lao xao, không biết thằng con bị tội gì mà ông cha dùng roi trút cơn thịnh nộ.
Vài ba người trong xóm không ưa gì thằng Tèo do cái thói ngông nghênh của nó
nhưng trận đòn lần này không như lần trước, tàn bạo hơn nhiều. Vài người định
qua can ngăn nhưng bộ dạng cha thằng Tèo lúc đó như kẻ nổi cơn điên nên ai cũng
ngại.
Bị roi mây quất tới tấp vào người nhưng không
nghe tiếng thằng Tèo la khóc. Tôi nhìn qua hàng rào song thưa thấy đôi mắt nó
lồng lên như ánh mắt con sói bị ép vào khung cũi sắt. Rồi như không chịu nổi
nữa, nó quay lại chụp lấy ngọn roi, cha nó sựng lại. “Mày dám chống
thằng cha mày hả, đồ con trời đánh. Tao đưa mày vô trại mồ côi cho rảnh mắt
tao”.
Cái trại mồ côi đó, chính là Hội Dục Anh mà
sau này tôi nghe thằng em nó nói lại. Do ba nó thường hay chở bột mì đến nơi
này giao cho nhà bếp, quen biết người quản lý nên xin cho thằng Tèo vào sống và
làm việc phụ bếp chẻ củi nhặt rau. Tính khí thằng Tèo lì lợm, ngáo ngược nhưng
không dám bỏ nhà đi bụi đời như mấy đứa du côn của nhà văn Duyên Anh mà tôi hay
đọc. Thằng Tèo đành chịu phép vào trại mồ côi để tránh cha con xung đột.
Hội Dục Anh sau này xây dựng vào thời Đệ Nhất Cộng
Hòa
ở ngã năm Võ Tánh – Cống
Quỳnh và Phạm Ngũ Lão. Ảnh: Panoramio
Thuở thập niên cuối 1960 người ta xem Hội Dục
Anh chẳng khác nào trại mồ côi. Chuyện này không khó hiểu vì thời buổi đó trẻ
con mồ côi nhiều lắm, có vô vàn lý do. Riêng ở Sài Gòn một thống kê cho thấy có
đến hơn hai chục ngàn trẻ phải sống trong các trại mồ côi do chính phủ điều
hành và nhiều cơ sở từ thiện của nhà thờ khắp đô thành Sài Gòn. Thằng Tèo may
mắn ra nước ngoài nhờ một gia đình người Thuỵ Sĩ nhận làm con nuôi trước khi
Sài Gòn sụp đổ trong khi đó hàng ngàn trẻ nhỏ khác được di tản theo chiến dịch
“Babylift”. Gia đình cha nó không còn biết tin tức gì nữa cho đến khi cha nó bị
tai biến mạch máu không lâu sau đó qua đời. Tiếp theo một thời gian, thằng Tèo
bảo lãnh tất cả anh em nhà nó sang Thuỵ Sĩ định cư. Tội nghiệp cho người cha
lúc bệnh liệt giường, sống trong nghèo khó trước khi chết vẫn còn nhắc đến tên
thằng con trai lớn trong nhà.
Thật ra, Hội Dục Anh nghĩa của nó là nuôi
nấng, chăm sóc, dạy dỗ con cái cho những gia đình nghèo khó tức là chẳng khác
nào một nhà giữ trẻ xã hội dành cho gia đình không đủ điều kiện chăm sóc nuôi
nấng con cái, họ có thể gởi con vào đó chứ không phải là dành cho trẻ mồ côi.
Hội này đã có từ trước đó rất lâu. Trong một bài báo Phụ Nữ Tân Văn số ra tháng
4/1931 đã có bài viết về Hội Dục Anh một thời gian ngắn khai trương với tựa bài
“Hội Dục Anh cơ quan này thật là có ích cho con nhà nghèo ta”.
“Viện Dục Anh ở Sài
Gòn đã thành lập ba tháng nay rồi. Không cần nhắc lại chi nhiều, tưởng độc giả
đều nhớ rằng nhơn cuộc thi con nít ở Sài Gòn năm ngoái, mà bà Béziat thấy con
nít nhà nghèo không được nuôi nấng trông nom tử tế, thì bà động tâm, bèn cùng
mấy bà đồng chí Tây Nam, xướng khởi ra việc lập Viện Dục Anh (Société
d’Entraide Maternelle), đặng nuôi giùm con nít cho nhà nghèo. Công cuộc từ
thiện ấy, bổn báo đã từng ra sức hoan nghinh và tán thành, cho nên đã khuyến
khích được nhiều mạnh thường quân giúp đỡ”.
Société d’Entraide Maternelle nghĩa chính xác
là Hội trợ giúp các bà mẹ, ban đầu mở trụ sở tại số 1 đường Jean Mazet (hiện
nay là đường Đặng Dung) thuộc Tân Định quận 1. Đây là một cơ sở xã hội tư nhân
mà bà Béziat dùng ngôi biệt thự của mình để làm chỗ nuôi trẻ con nhà nghèo khó.
Theo bài báo, ký giả nhắc tới “mấy bà đồng chí Tây Nam” đã cùng chí hướng với
bà Béziat quan tâm đến đời sống của giới lao động nghèo khó thuở đó mà lập nên
Hội Dục Anh. Tuy ban đầu, cơ sở chỉ mới nhận được 30 trẻ con nít nhỏ, con nít
lớn đã là sự thành công làm cho mọi người vui mừng hết sức. Đây có thể xem là
Hội Dục Anh đầu tiên tại Sài Gòn.
Báo viết: “Cũng không nên quên rằng
các bà các cô trong Việt Nam nữ giới ta ở Sài Gòn và Lục Tỉnh, có lòng từ
thiện, đã giúp công giúp của vào trong công cuộc ấy nhiều lắm. Trong các bà,
thứ nhứt là bà Đốc phủ Thu, bà Đốc tơ Nhã, bà Cao Thị Cường đều là những bà sốt
sắng với công cuộc từ thiện này hơn hết. Các bà có chưn trong hội, đang bàn
tính lập thêm lần lần ra nhiều viện ở chỗ này chỗ kia, để giúp đỡ cho trẻ nhà
nghèo một cách rộng rãi và châu đáo hơn”.
Ký giả tường thuật chi tiết: “Đứa trẻ
nào vô viện, đã có quần áo của viện cho mặc nên chi thấy đứa nào quần áo cũng
trắng trẻo sạch sẽ, trước ngực áo của mỗi đứa đều có số hiệu riêng cho dễ nhận.
Trong viện có nhà tắm, có phòng chơi, có chỗ ngủ trưa và có hơn một chục cái
nôi để cho mấy đứa còn nhỏ nằm. Lại có những cái bàn
nho nhỏ, sơn màu trắng, coi rất vừa vặn cho các trẻ nhỏ ngồi ăn. Đồ chơi con nít cũng nhiều: gấu, ngựa, xe v.v… do viện sắm ra hay là các nhà từ thiện tặng cho con nít cũng có. Con nít ở trong viện lúc ăn, lúc ngủ, lúc tắm, lúc chơi đều có người trông nom săn sóc, tử tế kỹ lưỡng lắm. Bởi vậy coi mặt đứa trẻ nào cũng thấy tươi cười thơ thới, chúng nói chuyện quần tụ chơi giỡn với nhau, ngó thật là vui vẻ”.
nho nhỏ, sơn màu trắng, coi rất vừa vặn cho các trẻ nhỏ ngồi ăn. Đồ chơi con nít cũng nhiều: gấu, ngựa, xe v.v… do viện sắm ra hay là các nhà từ thiện tặng cho con nít cũng có. Con nít ở trong viện lúc ăn, lúc ngủ, lúc tắm, lúc chơi đều có người trông nom săn sóc, tử tế kỹ lưỡng lắm. Bởi vậy coi mặt đứa trẻ nào cũng thấy tươi cười thơ thới, chúng nói chuyện quần tụ chơi giỡn với nhau, ngó thật là vui vẻ”.
Trẻ em mồ côi được chuyển sang các trại chuyển tiếp từ Hội Dục
Anh
trong chiến dịch Babylift
3 tuần trước khi Sài Gòn sụp đổ. Ảnh: Manhhaiflick
Tôi đọc tới đọc lui bài báo này với chữ nghĩa
ngộ nghĩnh ngày xưa mà lòng vui thay cho một phụ nữ Pháp có tấm lòng Bồ Tát.
Tuy vậy, sự khiêm tốn của bà lại làm cho tôi khâm phục hơn. Ký giả ghi lại như
vầy: “Bổn báo vẫn muốn xin bà một tấm hình để in lên đây cho độc giả
được thấy dung nhan của bà Lang Sa có lòng từ thiện. Song rất tiếc bà Béziat
không có tấm hình nào riêng cả. Bà thú thiệt rằng từ hồi còn con gái lấy chồng
cho đến bây giờ không hề chụp một tấm hình nào; còn xin chụp thì bà khiêm tốn
từ chối. Khó có một vị tân thời phụ nữ Pháp khiêm tốn và tri thủ như bà vậy”.
Sau này, vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa, một Hội
Dục Anh mới đã được chính phủ xây dựng tại địa chỉ tôi nhắc đến ở trên mà rất
nhiều người tuổi trung niên trở lên sinh sống ở Sài Gòn đều biết. Từ thời điểm
này, công việc trợ giúp nuôi trẻ em nhà nghèo không còn nữa mà thay vào đó là
nhận trẻ em mồ côi.
TN
Hội Dục Anh thập niên 1950
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét