Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018


Dòng Mến Thánh giá, Nhà thờ Thủ Thiêm:
Những công trình tôn giáo 180 tuổi nhìn từ trên cao


Các công trình của Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Nhà thờ Thủ Thiêm là những di chỉ văn hóa, lịch sử, tôn giáo… ở Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) đã tồn tại gần 180 năm qua.

Hiện trạng Dòng Mến Thánh giá, Nhà thờ Thủ Thiêm xưa. Ảnh: Tư liệu

Năm 1840, một số nữ tu trong thời gian trốn lánh cơn bách hại của vua Minh Mạng (1820-1841), trú ẩn nay đây mai đó, lần hồi chạy về tới miệt Bến Thành. Kẻ trước người sau, hai nữ tu Giuse và Matta chạy từ Nha Trang vào; một số nữ tu khác đến từ Lái Thiêu và Tân Triều. Tạm trú tại Bến Thành một thời gian, họ biết không thể trở về nhà dòng cũ nên quyết định tìm một nơi thích hợp để tiếp tục sống đời tu.
Các nữ tu đã rời Bến Thành qua Thủ Thiêm định cư. Lúc bấy giờ, Thủ Thiêm là một khu rừng hoang vắng, ven sông rải rác vài ba mái nhà lụp xụp, có chùa, miễu của người Miên, người Thổ, khung cảnh khá yên tĩnh, xung quanh có người dân sinh sống. Nơi đây không có nhà thờ, chưa có giáo xứ nhưng đã có bổn đạo. Thỉnh thoảng vẫn có một số linh mục thừa sai người Pháp hoặc một vài linh mục người bản xứ, trong đó có cha Niên đến cử hành lễ và ban các bí tích cho giáo dân...
Với sự trợ giúp của các cha hay thầy giảng, các nữ tu đã phúc trình việc thành lập nhà dòng lên Đức cha Étienne Théodore Cuenot (Thể) (1840-1844) xin phép thành lập tu viện tại Thủ Thiêm. 


Năm 1840, Nhà dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm chính thức được thành lập. Cha Giuse Niên là cha bề trên đầu tiên của nhà dòng; bà Nhất tiên khởi của nhà dòng là bà Maria Phước (1840-1848). trong ảnh là cụm các công trình của Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, trong đó trung tâm của khuôn viên là nhà tập, nhà khấn và nhà thờ.


Trong đó, nhà tập (toà nhà bên trái) là một dãy nhà khoảng 200 người ở, được Cha bề trên Lambert và bà Nhất Maria Măng cho xây năm 1927. Nhà cơm cũng được tu sửa lại. Năm 1933, xây nhà khấn đối diện với nhà tập (toà nhà bên phải). Năm 1952, bà Nhất cho xây một bệnh xá khang trang (phía sau nhà tập) để thay thế nhà dưỡng lão trước đây... 


Năm 1956, nhà dòng khởi công xây nhà thờ mới trong khuôn viên Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Ngày 17.7.1957, Đức cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền làm lễ khánh thành nhà thờ.


Trong khi đó, có vị trí bên cạnh Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, gần với bờ sông hơn, là giáo xứ Thủ Thiêm, trong đó Nhà thờ Thủ Thiêm được xây dựng từ năm 1859, đến nay đã nhiều lần trùng tu.


Năm 1957, nhà dòng xây thêm trường trung học Thánh Anna, có lầu và đầy đủ tiện nghi. Từ năm 1958 trở đi, mỗi năm trường đón nhận trên 300 em nội trú.
Ngày 21.12.1962, bà Nhất Maria Nguyễn Thị Nữ (1962-1965) mua lại lô đất số 34 để xây trường Nữ tiểu học (sau lưng trường trung học). Tiếp đó, ngày 12.11.1965, nhà dòng mua thêm lô đất số 43 để mở rộng sân chơi. Năm 1965, nhà dòng xây thêm trường Nữ trung học Thánh Anna trong khuôn viên nhà dòng. Năm 1967, trường nhận dạy học sinh nữ trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp...
Sau 1975: Ngày 5.12.1975, Đức Tổng Giám mục ra văn thư về việc công lập hoá các trường tư thục công giáo. Nhà dòng đã ký giấy giao trường cho phòng giáo dục quản lý với mục đích giáo dục.


Có mặt từ từ giữa thế kỷ XIX, đây là những công trình tôn giáo hình thành trên vùng đất Thủ Thiêm, là trung tâm sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. Đó còn là nơi tổ chức những hoạt động công ích như từ thiện, nuôi dưỡng người bệnh tật, người già và trẻ mồ côi...
Hình ảnh kiến trúc các công trình tôn giáo này là niềm tự hào của cộng đồng do tuổi đời lâu năm và những giá trị kiến trúc. Nếu nhìn qua bến Bạch Đằng (quận 1) các công trình công giáo lâu đời ở Thủ Thiêm như là những biểu tượng nối liền quá khứ - hiện tại.


Tuy nhiên, cụm công trình tôn giáo lâu đời trên bán đảo Thủ Thiêm đang đứng trước lằn ranh tồn vong sau khi UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời Nhà thờ Thủ Thiêm, Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và thu hồi Trường tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công công viên bờ sông và tuyến đường ven sông theo đúng tiến độ.

Ngày 19.6.2012, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 3165/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2.
Theo đó, quy hoạch mới có 8 phân khu chức năng so với 5 phân khu chức năng theo QĐ6566/QĐ-UBND năm 2005. Diện tích quy hoạch vẫn không đổi: 657ha. Nhưng phần đất dành cho công trình văn hoá (ứng với vị trí thực địa thì đây là các cơ sở tôn giáo Nhà thờ Thủ Thiêm, Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm) đã được "giải toả trắng" trên bản đồ đính kèm theo quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. 
Tiến trình đổi thay quy hoạch và chủ trương bất nhất của chính quyền theo nhiệm kỳ lãnh đạo như Người Đô Thị đã phản ánh ở bài viết: Quy hoạch Thủ Thiêm: Từ bảo tồn đến xóa bỏ Dòng Mến Thánh Giá, Nhà thờ Thủ Thiêm.
Với quy hoạch điều chỉnh này, Nhà thờ Thủ Thiêm, Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và hệ thống trường học nằm ở khu chức năng số 2, cụ thể là khu 2A.  Khu chức năng số 2 nằm ở phía Nam của Khu Lõi Trung tâm, là một khu phức hợp mật độ cao với các chức năng thương mại, dân cư đa chức năng và thể thao giải trí. Theo quy hoạch được phê duyệt, các công trình điểm nhấn, công cộng quan trọng trong khu chức năng số 2, là: Công trình khu phức hợp tháp quan sát, sân vận động, nhà thi đấu đa năng, trường học và trung tâm hành chính địa phương. Khu vực này được quy hoạch cho dân số cư trú thường xuyên là 32.600 người.
Tháng 2.2017, trước nguy cơ Nhà thờ Thủ Thiêm, Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm bị giải tỏa, Người Đô Thị đã thực hiện chuyên đề: "Kiến trúc tôn giáo ở Thủ Thiêm: Vẻ đẹp thiện mỹ nơi đô thị". Chuyên đề này có ý kiến của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực kiến trúc đô thị, tôn giáo, văn hóa lịch sử, pháp lý đề nghị giữ gìn và tôn tạo những công trình tôn giáo trăm năm tuổi này.
                                               Trung Dũng - Thượng Tùng
                                      Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Nguồn: http://nguoidothi.net.vn/di-san


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...