Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018


SÀI GÒN CẢNH CŨ ĐƯỜNG XƯA

Mỹ Phước Nguyễn Thanh


Từ Đường Espagne đến
Công trường Nhà thờ



Công trường Nhà Hát khoảng (1905)

         Rời Công trường Nhà Hát, ta đi về hướng Nhà thờ Đức Bà. Từ Đường Espagne (Lê Thánh Tôn) trở đi, ta bắt đầu vào khu vực hành chánh, đường phố ít náo nhiệt hơn. Chỗ Quán cà phê La Pagode trước kia là phòng họp của Hội đồng thành phố (Khoảng 1867). Góc đường phía bên trái đối diện với La Pagode là Dinh Hiệp lý (Khoảng 1893-1900), một tòa nhà nằm giữa khuôn viên trải rộng đến Tòa Đô chánh ngày nay. Gần đó, từ năm 1864 đã có Dinh Thượng thơ (còn gọi là Dinh Đổng lý Nội vụ) tọa lạc trên khoảnh đất chạy dài đến góc Đường La Grandière (Gia Long), thời gian đầu chỉ là mấy ngôi nhà nhỏ xinh xắn khuất dưới vòm cây xanh, trong hàng rào có hươu nai đang gặm cỏ, dần dần dinh được xây lớn rộng thành tòa nhà hình chữ U hướng ra Đường Gia Long, sau này trở thành trụ sở của Bộ Kinh Tế VNCH. Phía đối diện, bên kia Đường Catinat, xưa là phần đất thuộc Sở Công binh (Khoảng 1870), sau chuyển giao cho Sở Thanh tra Hành chánh và Tài chánh (Khoảng 1900). Năm 1924, khu đất này được sửa sang làm Công viên Pagès, đến 1955 đổi tên là Chi Lăng. Theo cụ Trương Vĩnh Ký, vào đời vua Minh Mạng, nơi đây là Xóm Hàng Đinh, chuyên sản xuất đinh đóng gỗ.


Ðường Catinat nhìn từ Ngã tư La Grandière (Tự Do – Gia Long, khoảng 1920).  Khu nhà bên trái sau trở thành Công viên Chi Lăng.


Từ Đường La Grandière đến Nhà thờ Đức Bà, phía hai bên ta chỉ thấy toàn các ty, sở của chính quyền, vị trí các cơ quan này tuy không cố định, nhưng ta thường gặp nhất là các sở: Địa chánh, Trước bạ, Bưu chánh, Điện báo, Ngân Khố, v.v.  Vào những năm Pháp mới đánh chiếm Sài Gòn, nhiều cơ quan hành chánh, quân sự hay chuyên môn được tập trung trong khu vực này như Dinh Thống đốc, Tòa án Quân sự, Sở Thủy đạo, Nhà Dây thép, Dinh Tư lệnh Quân đội, v.v. Một kiến trúc đặc biệt gây sự chú ý cho những ai đi qua đây là cái tháp cao chừng 15 mét, trên đỉnh có gắn đồng hồ, nên khoảng đất bằng tại đây được gọi là "Công trường Đồng hồ" thay thế cho cái tên trước đó là "Công trường Chánh phủ". Không bao lâu tháp này bị tháo dỡ, một trạm bưu chánh được dựng lên, sau trở thành phòng thu thuế, ở vị trí hiện nay là góc Đường Tự Do - Nguyễn Du, chỗ Bộ Nội vụ VNCH. Trong khuôn viên Trường Taberd, phía góc Đường Hai Bà Trưng - Gia Long, trước năm 1865 có Sở Thiên văn, nơi lập bảng đối chiếu âm dương lịch, thông báo lịch gieo trồng hoa màu, lịch lên xuống của thủy triều, giờ mọc và lặn của mặt trời, mặt trăng v.v. 



Ðường Catinat nhìn từ Công trường Nhà Thờ (Khoảng 1900).



Nhà thờ Đức Bà



Nhà thờ Ðức Bà (1900)

Ta đến công trường nơi cuối Đường Catinat, một vị trí độc đáo, nằm giữa trung tâm khu vực hành chánh. Nhà cầm quyền cho xây dựng tại địa điểm này một ngôi nhà thờ có kích thước đồ sộ và bằng vật liệu bền chắc để thay thế nhà thờ nhỏ tạm thời đặt tại phòng khánh tiết trong Dinh Thống đốc bằng gỗ, bên cạnh Công trường Đồng hồ.  Vào ngày 7 tháng 10 năm 1877, Đức cha Colombert, với sự hiện diện của đông đảo các cấp lãnh đạo tại Sài Gòn, làm phép cho viên đá đầu tiên của ngôi thánh đường. Khi đào móng xây nền người ta tìm thấy mạch nước trong, dùng cung cấp nước ngọt cho thành phố. Ngoài ra còn khám phá được những vũ khí và dụng cụ bằng đá, chứng tỏ là vào thời tiền sử đã có dân cư sinh sống tại vùng này. Nhà thờ được xây dựng khá nhanh, từ 1877 đến 1880, do Sở Công chánh thực hiện theo đồ án của Kiến trúc sư Bourard. Hầu hết mọi vật liệu như gạch, đá, sắt đều được nhập cảng từ chính quốc. Tường làm bằng gạch đỏ để trần, nền bằng đá hoa cương, bên trong được chiếu sáng nhờ có các cửa sổ trên cao và các ô kính màu trên vách dãy nhà nguyện hai bên. Kiến trúc theo phong cách roman nhưng đặc sắc ở các chi tiết biểu hiện nét địa phương qua hình ảnh trên tranh kính màu, hoặc các dòng chữ Hán khắc phía trên cửa vào bên phải. Mặt tiền nhà thờ nhìn thẳng ra Đường Catinat, hai bên cửa chính có hai tháp chuông mái bằng phẳng, cao khoảng 40 mét. Bên trong hai tháp có 6 chuông, tất cả nặng khoảng 26 tấn. Nhà thờ do Đức cha Colombert khánh thành vào năm 1880, cung hiến cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Phanxicô Xaviê. Đến năm 1895, Kiến trúc sư Gardès phụ trách việc xây thêm hai chóp nhọn, phủ ngói bằng đá bảng màu xám, cây thập giá bằng sắt đứng chót vót trên mỗi chóp, nâng độ cao tháp chuông lên tổng cộng là 57 mét. Việc xây dựng nhà thờ bị nhiều chỉ trích gay gắt vì tốn kém gần một phần mười ngân sách thuộc địa. Vì mọi kinh phí xây cất đều do chính quyền đài thọ nên người Sài Gòn lúc trước thường gọi Nhà thờ Đức Bà là "Nhà thờ Nhà Nước". 



Nhà thờ Ðức Bà (1903)



Thời ấy vào các ngày chúa nhật và đại lễ, tiếng đàn đại phong cầm ngân vang những bài thánh nhạc từ bục cao phía trên cửa chính. Lúc tan lễ, giáo dân tràn ra trước sân nhà thờ, y phục màu sắc tươi vui của các phụ nữ người Âu bên cạnh màu áo sari sặc sỡ quấn quanh thân hình các phụ nữ Ấn Độ, hoặc áo dài, áo bà ba màu đậm của người Việt, nổi bật hẳn lên giữa sắc trắng y phục của các đấng mày râu người Âu. Kể từ tháng 10 năm 1913, Linh mục Soullard cho lắp đặt khoảng một ngàn bóng đèn điện lên các đèn chùm và quanh các cột trong nhà thờ, làm cho các buổi thánh lễ càng thêm trang trọng, rực rỡ. Vào thập niên đầu thế kỷ XX, họ đạo Sài Gòn gồm khoảng 5500 giáo dân, trong đó người Âu chiếm đa số (Khoảng 4000 người), còn lại là người Ấn
(Khoảng 800 người) và người Việt (Khoảng 700 người). Giữa thảm cỏ xanh trước nhà thờ có bồn phun nước. Năm 1902 bồn nước này bị lấp đi, được thay thế bằng pho tượng biểu hiện Đức cha Bá Đa Lộc tay trình bản Hiệp ước Versailles cho Hoàng tử Cảnh đứng bên cạnh. Tác phẩm này do Lormier thực hiện, đặt trên trụ đá hoa cương đỏ, chỉ tồn tại đến năm 1945 thì bị kéo đổ.

Nhà Bưu điện


Nhà Bưu điện (1905)

Sở Bưu chánh tại Sài Gòn gồm có hai văn phòng: Một tại Công trường Đồng hồ, một tại Nha Thương cảng cạnh bờ sông. Từ năm 1886 đến 1891, người ta xây tòa nhà Bưu điện và các sở, các văn phòng phụ thuộc trên khu phố giới hạn bởi Đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng) và Công trường Nhà thờ. Việc xây dựng được giao phó cho Sở Công chánh, dựa theo đồ án của Kiến trúc sư Villedieu (Về sau ông này giữ chức giám đốc Sở Xây dựng Dân sự tại Hà Nội) và phụ tá là Foulhoux. Kiến trúc mặt tiền theo phong cách Pháp vào đầu thời Đệ Tam Cộng hòa. Đại sảnh rộng, thoáng, vòm cao,tường trang trí bằng những bản đồ to chỉ dẫn về vùng Saigon và xứ Nam Kỳ. Trong cùng khuôn viên, cạnh tòa nhà chính của Bưu điện, người ta tập trung các cơ quan trực thuộc như nhà máy, phòng thí nghiệm, cơ xưởng, lò rèn, tất cả cần ích cho sự bảo trì và khuếch trương hệ thống điện báo.


Nhà Bưu điện (1920)




ĐƯỜNG NGUYỄN HUỆ NĂM XƯA


Trở lại đường bờ sông, ta bắt đầu chuyến đi thăm vài nơi tiêu biểu trên Đại lộ Nguyễn Huệ thời xa xưa. Khi Pháp mới đánh chiếm Sài Gòn, trục giữa của đại lộ này là lòng một con rạch, di tích của Rạch Sa Ngư đã được nhắc đến từ thời nhà Nguyễn. Pháp biến rạch này thành kinh đào thông thương với Rạch Cầu Sấu (Đại lộ Hàm Nghi) và Kinh Cây Cám (Trong khu vực Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH). Một ngôi chợ được xây trên bờ kinh (Chỗ Tổng nha Ngân khố), thay thế Chợ Bến Thành cũ nằm gần bờ sông. Người Pháp thường gọi kinh này là Grand Canal nhưng dân ta gọi là Kinh Chợ Vải. Sau này kinh bị lấp biến thành con đường rộng thênh thang mang tên Charner nhưng người cố cựu vẫn quen gọi là Đường Kinh Lấp.

Kinh Chợ Vải.

Khoảng năm 1864 Kinh Chợ Vải được nạo vét và đào nối dài đến Đường Isabelle II (Lê Thánh Tôn) là ranh giới vùng đất cao của thành phố. Công trình nạo vét quá tốn kém vì dưới đáy kinh đầy bùn nhão, người ta phải đóng rất nhiều cọc trước khi xây bờ kè bằng đá và xi-măng. Có người châm biếm gọi nó là "Kinh đào Suez" vì phải mất thời gian khá lâu để kết thúc việc đào đắp. Đất đào lên dùng để lấp những nơi ẩm thấp, lầy lội hoặc để đắp đường sá trong thành phố. Kinh Chợ Vải là một đường thủy tiện lợi, giúp cho ghe thuyền chuyên chở hàng hóa, thực phẩm đến cung cấp cho chợ và các hiệu buôn nằm dọc hai bên bờ kinh. Có hai cây cầu bắc qua kinh, một tại vàm kinh cạnh Sông Sài Gòn, một ở phía trước ngôi nhà thờ gỗ (chỗ Tòa Hòa giải, nhìn qua Đường Nguyễn Văn Thinh).
 Từ Sông Sài Gòn đi vào kinh, đường trên bờ phía tay trái của ta là Bến Charner, phía bên tay phải là Bến Rigault de Genouilly. Sau khi kinh bị lấp, tên "Charner" được giữ nguyên đặt cho đại lộ vừa hoàn thành, còn tên "Rigault de Genouilly" dành đặt cho Công trường Một Hình (Công trường Mê Linh hiện nay). Kinh Chợ Vải ngăn cách hai khu sinh hoạt thương mại, một bên là "Khu phố Châu Á", đa số tiệm buôn hay sạp hàng là của người Hoa, người Ấn, người Việt, tập trung chung quanh chợ. Theo hình chụp do Thống đốc Le Myre de Vilers lưu lại, ta thấy dãy nhà dọc theo bến chia thành nhiều căn đứng kề sát nhau, tầng trệt dành cho việc thương mại, tầng trên lầu dùng làm nhà ở. Bên bờ kinh đối diện, cùng một phía với Đường Catinat, tuy không gọi là "Khu phố Tây" nhưng phần nhiều các hiệu buôn do người Pháp làm chủ. 
 Kinh Chợ Vải là đường vận tải tiện lợi, nhưng vì nó ở gần bên chợ và khu dân cư đông đúc nên dễ trở thành hố ứ đọng đủ loại rác rưởi, mùi hôi thối bốc lên, ảnh hưởng đến sức khỏe của thị dân. Từ lâu, nhiều ủy viên trong Hội đồng thành phố đã đề nghị lấp kinh nhưng mãi đến năm 1887 dự án này mới được hoàn tất. Người ta làm riêng một đường sắt để tải đất lấy từ Đồng Mồ Mã mang về lấp Kinh Chợ Vải. Việc lấp kinh diễn ra từng giai đoạn: Khởi đầu kinh được lấp từ trong ngọn trở ra tới Tòa Hòa giải, đoạn kinh còn lại có hai chiếc cầu bắc qua, một tại vàm kinh, một gần bên chợ, thẳng hàng với Đường Ngô Đức Kế ngày nay. Mảnh đất bên trên khúc kinh vừa lấp xong được sử dụng làm công viên và dựng Đài kỷ niệm Doudard de Lagrée.

 
(Ðại lộ Charner (Khoảng 1900)


Đến năm 1887 kinh được lấp hoàn toàn, trở thành đại lộ rộng nhất Sài Gòn (64 mét). Do đại lộ quá to nên cách bố trí lòng đường, vỉa hè, cây xanh, v.v.  không gặp mấy khó khăn, trừ những năm đầu khi kinh vừa mới lấp, đất thường sụt lún, lầy lội và đầy ổ gà, khiến Sở Công chánh phải sửa đổi các dự án. Có lẽ ít đường phố nào trải qua nhiều thay đổi diện mạo như Đại lộ Charner. Trục giữa có lúc là bồn cỏ trang trí bằng khóm hoa và cây cảnh, hai bên dành làm đường cho xe chạy. Trục giữa cũng có lúc là một lòng đường rộng, nằm giữa hai lề đường trồng cây, v.v.  Buổi đầu Đường Kinh Lấp được trải đá, đến năm 1906 mới được tráng nhựa.   Đứng trên bến tàu đầu đại lộ nhìn ra dòng sông ta thấy một rừng cột buồm và từng cuộn khói đen bốc lên từ các tàu thủy. Cạnh đây có Đài kỷ niệm mà dân chúng gọi là "Ba Hình" gồm tượng Gambetta đứng trên bệ cao, hai bên dưới chân bệ có hai tượng lính. Ít lâu sau "Ba Hình" được dời về Ngã tư Norodom - Pellerin (Thống Nhất - Pasteur), phía trước Dinh Toàn quyền.   Từ chỗ ta đứng nhìn sang góc đường bên trái là cánh bên của tòa nhà Wang Tai (Nha Thương chánh) đi vài mươi bước ta tới một hẻm nhỏ mang tên là "Rue aux Fleurs". 



Ðại lộ Charner (Khoảng 1909)


Rue aux Fleurs

 "Đường Hoa" là một ngõ hẻm ở khu phía sau Nha Thương chánh, chia làm hai nhánh, bên trái thông qua Đại lộ Canton (Hàm Nghi), bên phải đi ra Đường Amiral Roze (Phủ Kiệt) bên hông chợ. Tên đường có vẻ nên thơ vì chỉ nghe qua ta tưởng tượng đến một đường phố đẹp và đầy hoa thơm. Nhưng khách đến thăm sẽ thất vọng vì chỉ là con hẻm rộng không tới 3 mét, dọc theo chính giữa có mương nước bẩn hôi hám. Khoảng năm 1870, trong con phố thương mại này đã có bốn hay năm sòng bạc. Ban ngày nơi đây khá vắng lặng. Từ chiều tối đến nửa đêm trở nên ồn ào khủng khiếp. Người tứ xứ đến giải trí, cờ bạc, chung quanh họ vang lên lẫn lộn tiếng kèn, tiếng trống, dưới ánh sáng đèn lồng hình trụ hay hình cầu làm bằng giấy màu. Cửa sòng bạc mở rộng, khách đi thẳng từ ngoài đường vào trong gian nhà, nơi ba hay bốn người Hoa đang điều khiển cuộc đỏ đen.  Môn cờ bạc thịnh hành tại đây là "ba quan", giống như chơi hốt me nhưng thay vì dùng hột trái me, họ dùng tiền xu bằng đồng đỏ. Chủ cái bỏ những đồng tiền vào cái bao vải, nắm hai đầu bao rồi lắc mạnh, tạo nên âm thanh lọc xọc để cổ xúy người chơi. Trong sòng bạc dành cho các tay đánh lớn, tấm chiếu rộng trải ra trên chiếc bàn cao đến thắt lưng, tại đây tiền đặt thấp nhất là một piastre. Không chỉ có lính bộ và lính thủy người Tây đến đánh bạc, mà có cả người giàu bản xứ. Tại các sòng bạc thuộc hạng thường, con bạc vây quanh chiếc chiếu trải dưới đất, anh lính săn-đá mặc áo xanh đội chiếc nón cối trắng đang lom khom, anh lính thủy nặc nồng mùi rượu, áo xốc xếch, nón đội lệch, ngồi chen bên cạnh anh "bồi" đến "nướng" số tiền lương ít ỏi. 
        Trong Đường Hoa cũng có vài ba kỷ viện, thực ra là những nhà ổ chuột, nơi thường chỉ thấy lính tráng và thủy thủ lui tới. Những phụ nữ mặc áo rộng, đứng sau song gỗ, nước da nhợt nhạt, mái tóc cài hoa, mời mọc khách đi qua bằng những lời khêu gợi nhất. Khoảng 1880, các sòng bạc bị đóng cửa, các nhà chứa tạm lánh về Đường Batavia (Đường này nay không còn, một đoạn chạy xuyên qua Công trường Quách Thị Trang), trong khu đầm lầy Boresse. Khách hàng vẫn nhộn nhịp đi vào Đường Hoa, nhưng họ đến các tiệm bán hàng, tiệm hớt tóc, tiệm xay lúa giã gạo…


Ga xe lửa.


Nhà ga trước Chợ Sài Gòn (Khoảng 1905)


Rời Đường Hoa ta trở ra Đường Kinh Lấp, đi về phía chợ. Khoảng 1900, trên dãy phố hai tầng đi từ bờ sông tới chợ có Quán cà phê Méridional và Khách sạn Hôtel du Marché. Phía bên kia đường, nơi đáng lưu ý là Tiệm chụp ảnh Planté, ghi lại bao ký ức của Sài Gòn vào đầu thế kỷ XX, truyền lại cho đời sau hằng trăm bưu ảnh kỷ niệm. Trên lề đường ngay trước chợ có nhà ga xe lửa. Đúng ra đây chỉ là một trạm xây bằng khung sườn sắt, mái lợp tôn, dùng làm nơi che mưa nắng. Ngoại trừ ca-bin bán vé, trạm không có vách che nên hành khách đi xuyên qua lại dễ dàng. Từ ga này xuất phát hai đường tramway chạy bằng máy hơi nước, một đường đi về Chợ Lớn qua ngã Cầu Ông Lãnh, đường kia đi về Gia Định - Gò Vấp qua ngã Đa Kao. Lộ trình Sài Gòn - Chợ Lớn được khánh thành vào năm 1891, lúc ấy ga xuất phát còn nằm trên bờ sông, gần Công trường Một Hình. Từ năm 1895, bắt đầu khai thác lộ trình Sài Gòn - Gia Định, hai năm sau nối dài tới Gò Vấp - Hốc Môn.

Từ bờ sông, chiếc xe lửa xình xịch nhả khói tiến vào ga, đưa đón khách xong quay trở ra bến tàu, tùy theo lộ trình xe sẽ quẹo trái hay quẹo phải. Theo niên giám năm 1904, thay phiên nhau cứ mỗi nửa giờ có một xe lửa khởi hành. Xe đi Chợ Lớn rời ga lúc 5 giờ rưỡi sáng, chuyến chót lúc 8 giờ tối. Xe đi Gò Vấp bắt đầu vào buổi sáng lúc 4 giờ 35 phút, chuyến chót vào lúc 8 giờ 5 phút buổi tối. Vì được xây bằng vật liệu nhẹ dễ lắp ghép nên nhà ga thay hình đổi dạng nhiều lần, cuối cùng bị tháo dỡ không để lại chút dấu vết nào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...