SÀI GÒN CẢNH CŨ ĐƯỜNG XƯA
Mỹ Phước Nguyễn Thanh
Chợ Sài Gòn nhìn
từ Ðại lộ Charner (Khoảng 1905)
Chợ Sài Gòn gày nay đứng trên Đại lộ Nguyễn Huệ trước Nha Ngân khố, ta hồi tưởng lại xưa kia suốt gần nửa thế kỷ nơi đây là cảnh chợ búa tấp nập. Chỉ trên mảnh đất vỏn vẹn một héc-ta ấy đã có đến cả chục triệu lượt người hằng ngày lui tới vật lộn với cuộc sống.
Trên một trăm năm trước, hầu hết các nhà du hành đến Hòn Ngọc Viễn Đông
đều dành
thiện cảm đặc biệt cho chợ Sài Gòn, đã đánh giá nơi này là một trong những khu phố ngoạn mục nhất, một địa điểm du lịch không thể bỏ qua. Tuy xây cất theo kiểu chợ Châu Âu, nhưng hàng hóa và cách tổ chức buôn bán mang bản sắc địa phương rõ rệt. Chỉ đi thăm một vòng khắp chợ là gần như thấy tất cả sản phẩm của Nam Kỳ. Mỗi ngày từ sáng tinh mơ đến chớm trưa, tại đây diễn ra một cảnh tượng sinh động, thể hiện qua sự hòa nhập văn hóa và ngôn ngữ của nhiều sắc dân, Việt, Hoa, Ấn, Mã Lai… Nguyên khu vực dành xây chợ được gọi là Place du Marché, ngày nay nằm trong tứ giác Nguyễn Huệ - Phủ Kiệt - Võ Di Nguy - Ngô Đức Kế. Mặt tiền của chợ quay về phía Đại lộ Nguyễn Huệ. Chợ được xây cất vào khoảng năm 1864, cùng lúc bắt đầu nạo vét kinh Sa Ngư. Khi bắt tay vào công trình, phương tiện còn thiếu thốn, vật liệu được thu hồi từ ngôi nhà thờ vừa bị phá hủy gần đấy (trên Đường Ngô Đức Kế hiện nay), và từ một khám đường cũ. Lúc ấy chợ là những nhà kho vừa lợp ngói vừa lợp lá trông có vẻ tồi tàn. Sau trận hỏa hoạn vào năm 1870, chợ được tái thiết, nền được lát gạch cho thích hợp với khung sườn sắt và cột bằng gạch. Khi toàn khu chợ hoàn tất có 5 nhà lồng xếp thành 3 hàng song song nhau. Mái nhà lồng lợp ngói, hai triền chính hình thang, hai triền đầu hồi hình tam giác. Trên đỉnh còn có một mái nhỏ che trên khe thông gió. Có lẽ do hỏa hoạn, nhà lồng ở góc Đường Amiral Roze - Charner (Phủ Kiệt -
Nguyễn Huệ) được lợp lại bằng lá rồi lợp một lần nữa bằng tôn. Một phần đất của khu chợ nằm giữa hai nhà lồng phía Đường Adran (Võ Di Nguy) dành xây bót cảnh sát.
Ðường Adran (Võ
Duy Nguy), phía sau Chợ Sài Gòn (Khoảng 1910)
Trong mỗi nhà lồng có một lối đi chính, hai bên là những dãy sạp xếp thành nhiều hàng. Mỗi nhà lồng chuyên về một nhóm sản phẩm như tôm cá, thịt thà, rau quả, hàng xén, v.v. Ngoài thực phẩm chợ còn bán cả bông hoa, thuốc lá, trầu cau, vải vóc, nón, giày dép, bút lông, pháo, lễ vật cúng tế và vô số món hàng khác được sản xuất trong nội địa hoặc tại Trung Hoa hay Châu Âu. Lạ lùng nhất đối với người Âu là quầy bán các món ăn đã nấu sẳn hoặc chế biến tại chỗ. Họ thích thú nhìn một bà lão đang đổ bánh xèo hay một cô gái đang nướng bánh tráng phồng. Ngoài các món cơm, bún, cháo, mì, hủ tiếu, xôi, chè, bánh ngọt, … không thiếu những món đặc biệt như vịt quay, heo sữa quay. Những người sống bằng nghề mọn như sửa giày, mài dao, bán đồ đạc phế thải v.v. chiếm chỗ dưới mái chợ chìa ra bên ngoài hàng cột.
Nhà lồng không đủ chỗ chứa hết các gian hàng nên người bán di chuyển
ra phía bên ngoài chợ, lấn cả lề đường, họ che nắng bằng dù hay bằng những tấm phên lợp lá. Tại các nhà hàng bình dân ngoài trời, ghế dài xếp quanh quày thức ăn, trên ấy đặt sẳn mươi chiếc dĩa nhỏ đựng các món xào nấu có vẻ ngon lành, bên cạnh một ấm trà to bốc khói nghi ngút. Những quán ăn này không có gì hấp dẫn khi bên cạnh đó mấy bác thợ hớt tóc đang hành nghề, rái lỗ tai cho khách hoặc thắt bính đuôi tóc cho vài người Hoa. Tuy thế vẫn có nhiều thực khách đến ngồi sát bên nhau để dùng bữa điểm tâm thanh đạm. Những đứa bé con xách chiếc thúng không, chạy theo năn nỉ người đi chợ, mong được thuê mang dùm hàng hóa, đổi lại vài xu tiền công. Trong chợ ta còn thấy những người Ấn làm nghề đổi tiền ngoại quốc ra tiền Đông Dương để kiếm lời. Họ họp từng nhóm hai ba người ngồi xếp bằng trên sập trải chiếu, có người chít khăn và chỉ khoát mảnh vải choàng qua vai. Trước mặt họ tiền được xếp thành từng chồng tùy theo loại đồng bạc, đồng xu hoặc xâu thành từng chuỗi nếu là đồng điếu. Ngoài việc đổi tiền, họ còn là chủ nợ cho vay nặng lãi. Những người Ấn khác, nhân viên nhà thầu hoa chi, đi tới đi lui đến từng người bán hàng để thu "tiền chỗ" và trao lại mảnh giấy biên lai.
Ðường Vannier
(Ngô Ðức Kế) bên hông Chợ Sài Gòn (khoảng 1905)
Các hiệu buôn trên đường phố dọc hai bên và phía sau chợ hầu hết đều do người Hoa làm chủ. Sinh hoạt buôn bán trong khu phố luôn nhộn nhịp, làm ta tưởng đến một khu đông dân tại Chợ Lớn, chỉ khác là có một số tiệm bán vải của người Ấn nằm trên Đường Vannier (Ngô Đức Kế). Dọc theo Đường Adran (Võ Di Nguy) phía sau chợ, hàng hóa chất đầy trong các cửa hàng chật chội, thiếu ngăn nắp. Tại quán nước ngoài trời, các phu xe kéo quây quần chung quanh chiếc bàn vuông, ngồi xổm trên ghế, thưởng thức ly cà phê đen… Phiên chợ bắt đầu từ năm, sáu giờ sáng. Đến trưa chợ thưa dần, trời mỗi lúc một nóng, còn vài người khách cuối cùng hối hả ra về. Lúc trời sẩm tối, bàn ghế được sắp đặt đầy chung quanh chợ, tràn ngập lề đường. Trăm ngàn chiếc đèn lồng chiếu sáng rực rỡ, khu phố sáng trưng như ban ngày. Người đi kẻ lại tấp nập, họ đến đây ăn uống, nhậu nhẹt, mua bán, hiếm khi thấy cuộc cải vả mà chỉ nghe vang những tiếng cười vui.
Từ lâu Hội đồng thành phố đã có chương trình biến bãi đầm lầy Boresse thành khu vực thương mại, có nhà ga cho đường xe lửa Xuyên Đông Dương và nhất là có cả ngôi chợ Bến Thành khang trang, hiện đại. Đúng vào lúc ấy ngôi chợ bên Đại lộ Charner đang có nguy cơ sụp đổ vì bị mục nát, nên chính quyền bắt đầu cho phá bỏ vào năm 1910. Khu chợ này bị san bằng trở thành một bãi đất trống. Năm 1915, tượng Ba Hình được mang từ Đại lộ Norodom về đặt tại đây, khai sinh ra Công trường Gambetta. Đến cuối thập niên 1920, tượng Ba Hình được dời về Vườn Bồ Rô, nhường đất lại cho tòa nhà Kho bạc mà hiện nay ta còn thấy.
Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm
Rời khu phố chợ, tiếp tục đi bộ theo Đại lộ Charner vào phía trong thành phố, chừng vài phút sau ta thấy Tòa Hòa giải ở về phía bên trái. Tòa nhà này nằm giữa các Đường Hamelin (Huỳnh Thúc Kháng) và Ohier (Tôn Thất Thiệp). Căn cứ theo bản đồ Brun 1799, xưởng gạch dưới triều Gia Long ở vào khoảng vị trí Tòa Hòa giải này.Được xây vào cuối thế kỷ XIX, theo kiểu kiến trúc đầu thời thuộc địa, tòa nhà không có nét gì đặc sắc, nhưng đáng được ta nhắc tới vì nó đứng trên nền cũ của một nhà thờ đã biến mất.
Toà Hoà Giải
(Khoảng 1907)
Khi Pháp
mới xâm
chiếm Sài
Gòn, ngôi nhà thờ đầu tiên trong nội thành được xây dựng trên Đường Số 5 (Vannier, Ngô Đức Kế), do Đức Giám mục Lefebvre cho sửa đổi từ một ngôi chùa bỏ trống. Gần đấy có căn nhà gỗ của cha xứ nằm bên bờ Kinh Chợ Vải. Khi chính quyền trưng dụng đất xây chợ, nhà thờ và nhà cha xứ đều bị phá hủy. Năm 1863, Đô đốc Bonard cho đặt nền móng xây dựng một ngôi nhà thờ khác có tước hiệu là Đức Mẹ Vô Nhiễm (Sainte Marie Immaculée), tại nơi sau này là Tòa Hòa giải. Đức Giám mục Lefebvre cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên, và hai năm sau làm lễ khánh thành. Ngôi nhà thờ được thiết lập theo họa đồ của Đại tá Coffyn, vật liệu chính là gỗ. Trước cửa vào có mười bậc thang, phần gian giữa gần cung thánh dành riêng cho người Âu, có ghế dựa bình thường, phần còn lại là những ghế băng gỗ. Nhà thờ có kích thước nhỏ hẹp, nên nhiều giáo dân người Việt chỉ có thể dự thánh lễ bằng cách đứng bên ngoài. Nhà cha xứ nằm ở phía sau nhà thờ, được xây bằng vật liệu thu thập từ nhà thờ cũ trên Đường Số 5. Tòa nhà gồm một tầng lầu, có cả chuồng ngựa và nhà cất xe. Chỉ mười năm sau (1874) Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm bị mối mọt gặm nhấm nên được dọn về phòng khánh tiết của Dinh Thống đốc, trong khuôn viên của trường Taberd ngày nay và ở tạm tại địa điểm này đến 1877 mới được thay thế bằng Nhà Thờ Đức Bà hiện tại. Từ Tòa Hòa giải nhìn thẳng ra ta thấy Đường Nguyễn Văn Thinh, xưa mang tên là Église vì là con đường chiếu thẳng vào nhà thờ, sau này lần lượt đổi tên là Olivier và d’Ormay. Vào khoảng năm 1900, đầu đường phía bên phải có Quán Café de Provence và phía bên trái là Café de la
Paix (Chỗ Khách
sạn
Palace hiện giờ). Gần bên Tòa Hòa giải, tại góc Đường Ohier - Charner, vào năm 1880 - 1890 có trường nữ học do bà Dussutour là hiệu trưởng. Bên cạnh trường học là phòng đấu giá (vào thời ấy cả hai bên đại lộ đều có phòng đấu giá mà người địa phương gọi là "nhà lạc xoong").
Nhà hàng – Quán
rượu Pavillon Bleu,
Thương xá Tax hiện nay
(Khoảng 1910)
Ngã tư Charner - Bonard
Trên Đại lộ vừa thành hình sau khi kinh bị lấp, chính quyền cho xây công viên, hai bên trồng cây làm đường đi dạo mát. Ngay giữa Ngã tư Charner - Bonard còn có "Bồn kèn", là một bệ cao hình bát giác bằng gạch trám xi măng, chung quanh có chấn song. Hằng tuần lính Thủy quân Lục chiến đến đây trình tấu nhạc hùng hay nhạc khiêu vũ.
Chỗ Thương xá Tax hiện nay, khoảng 1905 có Sở Canh nông, sau được dời về bên ngã tư Bangkok - Chasseloup-Laubat (Mạc Đỉnh Chi - Hồng Thập Tự) nhường chỗ lại cho Nhà hàng - Quán rượu Pavillon Bleu. Ở góc chéo đối diện với Thương xá Tax, vào thời đó có Nhà hàng - khách sạn Hôtel des Nations của ông Pancrazi, xây trên mảnh đất cũ của Công ty Montvenoux, chuyên lãnh thầu nạo vét kinh rạch tại Nam Kỳ. Trên cùng dãy phố này, gần cửa vào Hành lang Eden ngày nay, có Hiệu buôn Brun hoạt động từ những năm 1880, trong hơn nửa thế kỷ cha truyền con nối, trước làm nghề bán và sửa yên cương ngựa, sau còn bán cả xe đạp, phụ tùng xe hơi và cho mướn xe kéo. Theo cụ Trương Vĩnh Ký, vào đời vua Minh Mạng, tại vùng này có Giếng Chợ Vải.
Tòa Thị sảnh
Ngã tư Charner –
Bonard, nhìn về phía Toà
Thị Sảnh (1920)
Tòa Thị sảnh, còn gọi là Xã Tây, ở cuối Đại lộ Charner, là một kiến trúc mỹ lệ, thay thế Tòa Thị sảnh cũ nằm trên Đường Catinat gần Nhà Hát. Từ năm 1871 địa điểm này đã được Hội đồng thành phố chọn làm nơi xây cất Tòa Thị sảnh, nhưng do những bất đồng ý kiến, các họa đồ được chấp thuận lúc ban đầu đã bị sửa đổi, bãi bỏ, thất lạc, v.v. Sau nhiều thời gian tranh cãi, rốt cuộc các ủy viên đồng ý thực hiện công trình đã dự định từ ba mươi năm trước.Trong lúc còn đang xây dựng, báo chí vẫn công kích về địa điểm, chi phí, đồ án, phong cách, v.v. Tòa Thị sảnh được xây từ năm 1901 đến năm 1908, theo họa đồ của Kiến trúc sư Gardès. Toàn quyền Klobukowski cắt băng khánh thành vào đầu năm 1909, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Pháp đánh chiếm Sài Gòn.
Toà Thị Sảnh và
Hotel des Nations, nhìn từ ngã tư arner‐Bonard (Khoảng 1910)
Tòa nhà chính gồm hai tầng, giữa có ngọn tháp vươn cao. Hai cánh bên là tầng trệt nối dài, trên có sân thượng và hàng cột lan can. Phong cách kiến trúc thể hiện sự pha trộn hoàn hảo của nhiều khuynh hướng mỹ thuật. Việc trang trí bên trong và bên ngoài được ủy thác cho họa sĩ Ruffier, nhưng được nhà thầu Bonnet hoàn chỉnh. Qua hình ảnh duyên dáng của người phụ nữ, ba khung trán hình vòng cung trên mặt tiền nêu rõ ba biểu tượng: Thành phố Sài gòn (ở giữa), Uy lực (bên trái), Thịnh vượng (bên phải). Tuy rằng một số ý kiến chỉ trích về mặt nghệ thuật như: tam cấp trước cửa quá thấp, cầu thang trung tâm vắng mặt trong đại sảnh, tháp chuông quá nhỏ hẹp và giống một chòi gác, v.v. nhưng bù lại phần bên trong Tòa Thị sảnh được trang hoàng tuyệt đẹp: kính màu, vành hoa, phù hiệu, v.v. Khắp cột Hy Lạp, đá giả cẩm thạch, vách tường và trần nhà đều được tô điểm hình hoa lá, tràng hoa, băng vải tô màu hoặc mạ vàng.
Công trường
Gambetta và tượng Ba Hình trên nền chợ cũ,
nhìn từ Ðường Amiral Roze (Phủ Kiệt, khoảng 1920)
Toà Thi Sảnh
(khoảng 1910)
Hơn một thế kỷ trôi qua, cảnh quan đô thị thay đổi rất nhiều, nhưng vẻ đẹp của Tòa Thị sảnh vẫn luôn hài hòa với chiều sâu phối cảnh của Đại lộ Nguyễn Huệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét