Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017


CÓ THỂ CHÚNG TA CHƯA BIẾT HẾT

Polyclinique du boulevard Bonard
Polyclinique du Marché
Polyclinique Dejean de la Bâtie

Nhìn vào các hình ảnh đầu tiên của bệnh viện Dejean de la Bâtie (bệnh viện Sài Gòn hay bệnh viện đa khoa Sài gòn hiện nay), chúng ta không thể nhận ra được. Chỉ có những thế hệ người Sài Gòn trước năm 1920 mới có thể biết về cái bệnh viện đầu tiên này được xây dựng vào năm 1914 sau cuộc di dời phòng y khoa nhỏ từ đường d’Adran về đây.



Polyclinique du boulevard Bonard



Polyclinique du boulevard Bonard nhìn từ phía cửa Đông chợ Bến Thành





Còn về lịch sử sau đó của bệnh viện này tức là bệnh viện được xây dựng lại vào năm 1937, tôi xin trích tài liệu dưới đây của Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp trong Đại lộ Bonard cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 – Phần 2:
Cuối đường Bonard là bệnh viện đa khoa Saigon (Polyclinique de boulevard Bonard). Đây là tòa nhà gắn liền với lịch sử ngành y tế Saigon, tòa nhà có biểu tượng không kém các tòa nhà cổ hay kiến trúc đặc sắc khác ở Saigon như khách sạn Continental, Nhà hát thành phố, tòa thị sảnh thành phố, chợ Bến Thành, tòa nhà hỏa xa. Chung quanh quảng trường Cuniac (Quách Thị Trang ngày nay), thì chợ Bến thành, tòa nhà hỏa xa và bệnh viện Saigon là các hình ảnh gắn gủi của con người Saigon. Mắc dầu ít người biết nhưng bệnh viện Saigon có bề dày lịch sử rất đáng kể và phong phú.
Lịch sử bệnh viện Saigon bắt đầu từ bác sĩ Theodose Dejean de la Bâtie. Ông sinh năm 1865, đến Saigon làm việc ở bệnh viện Chợ Quán. Đây là bệnh viện công duy nhất (ngoài bệnh viện của các nhà dòng từ thiện) cho các người Việt không có đủ tài chánh hay không là nhân viên trong chính quyền. Những người Pháp hay người giàu có thì có bệnh viện trước kia dành cho quân sự như Bệnh viện Hải quân (Hôpital marine) ở góc đường Lagrandière (Lý Tứ Trọng) và rue de l’Hôpital (Thái Văn Lung). Ở Chợ Lớn thì đã có bệnh viện thành phố và bệnh viện phụ sản từ năm 1902 do ông thị trưởng Chợ Lớn là F. Drouhet thành lập Hội “‘Association maternelle de Cholon” và xây dựng lên bệnh viện với sự đóng góp của cộng đồng người Hoa giàu có.
Bệnh viện Chợ Quán là bệnh viện lâu đời nhất Saigon nhưng ngân sách và phương tiện thiếu thốn nhiều. Ngoài các bệnh nhân và các bà mẹ sinh con, bệnh viện cũng nhận tất cả mọi người trong xã hội kể cả các cô gái ăn sương có bệnh truyền nhiễm hoa liễu. Bác sĩ Dejean de la Bâtie đã làm việc cật lực bỏ ra nhiều công sức dưới sự điều hành của Bác sĩ giám đốc Mouget và chứng kiến được sự đau khổ của những người bệnh nghèo khó. Sau này ông trở thành giám đốc bệnh viện Chợ Quán và năm 1900 được bầu vào Hội đồng Quản hạt. Trong thời gian làm đại biểu Hội đồng Quản hạt, ông đã vận động để tăng số bác sĩ làm việc giúp các bệnh nhân người Việt, tăng trợ cấp cho bệnh viện Chợ Quán và trợ cấp các bác sĩ đang làm việc như bác sĩ René Montel để chăm nom các bà mẹ và trẻ sơ sinh, chích ngừa phong đòn gánh cho các trẻ sơ sinh. Gần đến 50% các trẻ sơ sinh chết vì phong đòn gánh (tetanos) năm 1905. Hội đồng Quản hạt đã trợ cấp 1000 piastre năm 1905 và 2000 piastre năm 1906 cho dịch vụ sản phụ (Conseil colonial, 31 octobre 1906, Rapport au conseil colonial, 30. — Renouvellement de la subvention à M. le docteur Dejean de la Bâtie).
Ông cũng đã tự bỏ tiền ra để lập phòng chữa bệnh miễn phí (tháng 4 1903) cho dân chúng Saigon-Gia Định ở đường rue d’Adran (Hồ Tùng Mậu ngày nay) đằng sau Tòa nhà Hòa giãi (Justice de Paix). Trong năm đầu, đã có 3151 bệnh nhân đủ mọi quốc tịch đến chữa bệnh trong tổng số 15717 lần khám. Được sự trợ giúp của bác sĩ Flandin, bác sĩ Dejean de la Bâtie đã thực hiện 166 cuộc giãi phẩu bằng thuốc mê chloroform, 86 giãi phẩu dùng thuốc đỡ đau cocaine và 21 giãi phẩu dùng hóa chất chlorure d’éthyle. Ở phòng y khoa này, hai ông bác sĩ được sự trợ giúp của một nữ tu người Âu, một nữ tu người Việt, một y tá người Việt và một thông dịch viên. Chi phí cho mỗi nhân sự như vậy, mỗi tháng là 100 đồng Đông Dương (piaster), không nhiều nhưng nhờ vào sự phụng sự tận tụy hết lòng của nhân viên, ngân sách tối thiểu như vậy đã cho phép giúp đỡ số lượng bệnh nhân rất đông đến khám và được săn sóc với chi phí rất rẽ là 0$14 mỗi ngày.
Sau hai năm hoạt động, với chi phí không đủ sức trang trãi, bác sĩ Dejean de la Bâtie đã kêu gọi sự giúp đỡ từ chính quyền thành phố và hội đồng thành phố Saigon đã trợ cấp 1200 đồng piastres cho phòng y khoa của bác sĩ Dejean de la Bâtie, đồng thời tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Gia Định sát cạnh thành phố Saigon cũng đã trợ cấp 300 đồng mỗi tỉnh cho phòng y khoa này (Annuaire général de l’Indochine). Năm 1906, để dưỡng sức nghĩ ngơi trong một thời gian sau nhiều năm phục vụ không nghỉ, bác sĩ Dejean de la Bâtie đã nhờ đồng nghiệp của mình, bác sĩ René Montel, từ Tây Ninh về làm việc thay thế cho ông ở phòng y khoa đường D’Adran. Sau khi trở lại làm việc, Dejean de la Bâtie đã giữ bác sĩ Montel lại làm phụ tá coi phòng y khoa ở Saigon vì tầm quan trọng của cơ sở này thay vì để bác sĩ Montel trở lại làm việc ở Tây Ninh.
Tháng 4 năm 1912, bác sĩ Dejean de la Bâtie được tái đắc cử trong Hội đồng Quản hạt với số phiếu cao nhất (Dejean de la Bâtie 810 phiếu trước ông Canavaggio thứ nhì với số phiếu 773, theo báo Les Annales coloniales, 10 avril 1912). Nhưng chỉ vài tháng sau ông mất thình lình khi còn rất trẻ, tuổi thọ chỉ có 47 tuổi.
Sau khi ông mất, bác sĩ Montel thay thế ông điều hành cơ sở y khoa ở đường rue d’Adran. Hai năm sau, năm 1914, thành phố đã đồng ý dời phòng y khoa nhỏ ở đường rue D’Adran đến một chổ thoáng và lớn hơn ở đại lộ Bonard và được gọi là “Polyclinique du boulevard Bonard” hay còn gọi là “Polyclinique du Marché”. (gọi như vậy vì gần chợ Bến Thành)
Trong nhiều năm đã có nhiều tiếng nói và đề nghị xây phòng y khoa ở đại lộ Bonard thành một bệnh viện lớn của thành phố do số bệnh nhân đến càng ngày càng đông. Năm 1919, ông Trương Văn Bền đã đề nghị Hội đồng Quản hạt xây dựng bệnh viện thành phố ở đại lộ Bonard (11). Từ năm 1922 đến năm 1926, số bệnh nhân tăng vọt từ 28982 đến 45161. Nhà cầm quyền đã buộc phải mở thêm các phòng y khoa khác ở Tân Định (1925) và Khánh Hội (1930).
Nhà báo Eugène de la Bâtie, năm 1928 làm chủ nhiệm và chủ bút tờ Écho Annamite thay cho ông Nguyễn Phan Long đã có viết bài báo nói về sự tận tụy và ký ức của người Saigon với bác sĩ Dejean de la Bâtie. Ông Eugène Dejean de la Bâtie sinh ra ở Hà Nội, ông là con của nhà ngoại giao Maurice DeJean de la Bâtie (anh của bác sĩ Theodose DeJean de la Bâtie) và bà Đặng Thị Khai. Trong bài đăng trên báo Écho Annamite ngày 8/7/1930, ông Eugène Dejean de la Bâtie có kể chuyện một người cùng thời với chú của ông đã đến gặp ông phàn nàn về việc bác sĩ Montel trong diễn văn khánh thành phòng y khoa ở Khánh Hội đã không nói nhiều về công lao của tiền nhiệm ông Montel mà đề cập đến công lao khó khăn của mình nhiều hơn sau này và người này cho rằng như vậy là không công bằng.
Năm 1935, Thống đốc Nam Kỳ, ông Pierre Pagès chấp thuận cho phép xây lại phòng đa khoa “Polyclinique du boulevard Bonard“ thành bệnh viện thành phố. Chính quyền thành phố đã bỏ tiền và sau đó ông Hui Bon Hua (chú Hỏa) cũng đóng góp tiền thêm xây dựng bệnh viện lớn ở đại lộ Bonard thay cho phòng y khoa nhỏ. Bệnh viện được xây theo từng giai đoạn từ năm 1937 đến năm 1939 thì hoàn tất với tổng chi phí là 185000 piastres. Trong đó ông Hui-Bon-Hoa đã đóng góp 38000 piastres, một số tiền lớn thời bấy giờ.



Để nhớ ơn một vị bác sĩ tận tụy và công đức với người nghèo khổ, bệnh viện này được đặt tên là bệnh viện Dejean de la Bâtie, tức bệnh viện Saigon ngày nay. Theo báo Le Nouvelliste d’Indochine (27/2/1938) thì ở buổi họp đầu năm của Hội đồng thành phố, có xem xét một đề nghị từ Thống đốc Nam Kỳ đề nghị đặt tên cho bệnh viện vừa mới xây là Bệnh viện Montel, nhưng Hội đồng thành phố cho rằng mặc dầu bác sĩ Montel đã tận tụy bỏ ra nhiều công sức điều hành trong nhiều năm qua nhưng tiền nhiệm của ông là bác sĩ Dejean de la Bâtie thật ra mới là linh hồn và là người mẫu mực đáng nhớ đã tạo ra ý tưởng bệnh viện công phục vụ cho tất cả mọi người. Hội đồng thành phố đã quyết định đặt tên bệnh viện thành phố ở đại lộ Bonard là Bệnh viện Dejean de la Bâtie và tòa nhà mới xây phía trái được có tên là tòa nhà Montel. Tòa nhà phía phải (phía chợ Saigon) có tên của người bỏ tiền rất nhiều để xây bệnh viện là tòa nhà Hui Bon Hoa.





Lể khánh thành Bệnh viện Dejean de la Bâtie có sự tham dự của quốc trưởng Bảo Đại


Năm 1955 bệnh viện đổi tên là bệnh viện Sài Gòn



                                                                     (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...