Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

HẼM CÂY ĐIỆP ĐA KAO

Nếu nói về hẽm cây điệp thì sẽ có nhiều con hẽm mang tên cây điệp trong Sài Gòn; ở đây tôi chỉ nói về hẽm Cây Điệp Đa Kao mà thời niên thiếu của tôi đã gắn bó với nó. Thời gian đã qua 54 năm cái còn nhớ, cái quên lãng; còn nhớ được gì tôi sẽ kể lại đây.
Tại sao gọi là hẽm cây điệp? Không có cái gì gợi nhớ hơn cái tên đó sao? Thật vậy, hẽm này có một cây điệp lớn khoảng ba người ôm mới xuể nằm ở cuối hông nhà in của ông chủ Tây tại giao lộ với đường Tự Đức (Nguyễn Văn Thủ). Theo tôi đoán ở thời điểm đó nó có thể gần cả trăm tuổi. Có thể có người hỏi tôi cái gốc to như vậy phải hơn trăm tuổi chứ! Xin thưa nếu thời điểm đó (1962) lùi về tăm năm thì khoảng 1862 thì hợp lý vì cây điệp còn gọi là cây phượng là loại cây ngoại nhập từ Madagascar do người Pháp đưa vào Việt Nam sau khi chiếm Nam kỳ năm 1867. Khi tôi đến ở tại số 153 Tự Đức thì tại chổ sau hông nhà in chỉ còn cái gốc thôi, không biết người ta đã cưa nó vào năm nào.
Gọi là con hẽm cũng tội cho nó vì chiều rộng của nó vẫn rộng hơn nhiều con hẽm ở Sài Gòn mà phải gọi là đường Cây Điệp đúng hơn nhưng thôi người Sài Gòn biết bao nhiêu thế hệ đã gọi nó như vậy. Tiện đây nói về hẽm ở Sài Gòn, khi xưa đa số những con hẽm đều rất rộng nhưng lâu ngày chầy tháng người dân ở hai bên lấn dần cuối cùng con hẽm trở thành nhỏ bé.
         Thật sự hẽm Cây Điệp từng là một con đường nhỏ và có tên hẳn hòi vào thời Pháp, đó là tên rue du marché. Về sau khi Việt Nam dành được chủ quyền thì cái tên đó mất hẳn và cũng không thấy chính quyền Việt Nam đặt một tên mới thay vào tên cũ như bao con đường khác.



Hẽm Cây Điệp độ dài chỉ có vài trăm thước bắt đầu từ giao lộ với đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) đối diện với tòa nhà hàng không Việt Nam thời đó. Đầu hẽm có một biệt thự lớn bên trái và bên phải là dãy nhà liên kế trong đó có nhà bác sĩ Tài ở đằng ngả tư Đinh Tiên Hoàng - Phan Đình Phùng. Đi sâu vào hẽm ta gặp một ngả ba, bên trong ngả ba này là những dãy nhà ở; nhìn sang bên trái ta thấy một lò bánh mì cũ kỹ lò đốt bằng cũi kế bên có một villa nằm dưới giàn khế lủng lẳng chùm trái màu vàng. Tôi không còn nhờ chủ nhân chính của căn villa là ai nhưng một điều chắc chắn là sau năm 1975 là nơi ở đầu tiên của nhạc sĩ Thanh Tùng. Chính nơi đây nhạc sĩ cho ra đời bài “ hoa tìm ngoài sân” nổi tiếng một thời. Nhạc sĩ Thanh Tùng và tôi có một kỷ niệm về bài này trong chuyến về làm việc của nhạc sĩ năm 1987 tại Tiền Giang. Khi anh Thanh Tùng mới vừa viết xong bản nhạc và có đưa tôi xem và góp ý (lúc đó bản nhạc có tên là ‘hoa khế ngoài sân”); tôi nhận thấy chữ hoa khế không được hay lắm và hoa khế có màu phớt tím liền đề nghị anh Thanh Tùng sửa lại là hoa tím. Vì hoa khế thứ nhất là nghe thô và chỉ có mình anh Thanh Tùng mới cảm nhận thôi cho nên phải điển hình hóa thành hoa tím để người nghe có cảm nhận chung về một loài hoa nào đó cùng màu tím.


Đi vài chục thước nữa thì bên tay phải dưới giàn bông giấy là nhà thằng bạn Tây lai François chuyên môn ăn hiếp tụi tôi vì tướng nó to con, đối diện là một tòa nhà ba tầng mở một lớp dạy Pháp văn của một bà dân Pháp lai. Kế bên tòa nhà này là biệt thự của một ông luật sư và bên kia là nhà in của một ông chủ Tây tướng tá mập mạp chuyên đi một chiếc xe mui trần; nhà in của ông in đủ loại giấy tờ đặc biệt là tờ báo Journal d’ Extrême Orient và cuốn La semaine à Saigon, một cuốn vừa quảng cáo vừa thông báo các giao dịch các hảng của Pháp tại Sài Gòn. Đó là chúng ta đang ở giao lộ với đường Tự Đức (Nguyễn Văn Thủ).


Qua khỏi giao lộ là chúng ta tới phía sau trường nữ tiểu học Đinh Tiên Hoàng. Tại góc này hồi xưa là một chổ đổ rác, mùa mưa tụi tôi thường ra đó lục loại trong mấy kẻ tường bắt dế có lúc tưởng chừng bị rắn hổ đất cắn và cũng tại chổ này bên trong của trường là một bãi cỏ hoang mọc um tùm và là nơi các học sinh trường nam gần đó giấu tập sách của mình để “cúp cua”. Phía bên kia có hai nhà bán nước giải khát cho học sinh trong đó có đậu đỏ bánh lọt. Hồi đó nơi đây là khu tập trung những người bán hàng rong cho học sinh hai trường Đinh Tiên Hoàng và Tự Đức. Tôi thường la cà ra đây vì mê những tập truyện của người bán sách cũ và món đu đủ bào của mấy ông Tàu. Còn phía bên trường ở phía sau có một cổng lớn bằng cây nơi đây tập trung các dãy nhà cũ kỹ, ám khói của lao công trường dài tới giao lộ với đường Nguyễn Thành Ý.
Tại giao lộ này chúng ta thấy những căn villa yên ắn và đã có một thời bổng rộn lên làm nhiều người tới xem vì nơi đó đồn là hầm acid thủ tiêu xác ngưới của bác sĩ Trần Kim Tuyến nằm góc cuối đường Nguyễn Thành Ý. Đi vài chục thước nữa là tới giao lộ với đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ); ở khoảng giữa đoạn này hồi xưa có một bà già điên bị tụi tôi thường xuyên chọc phá.
Như vậy hẽm Cây Điệp chấm dứt ở đoạn này, phía bên kia là đường Phan Ngữ. Những năm tôi sống ở nơi này là những năm tôi chứng kiến những biến động của Sài Gòn trước khi rời nơi này về đường Yên Đổ.

Tội nghiệp con hẽm không có một tấm hình nào về nó cả.

5 nhận xét:

  1. Thằng tây lai mập ở hẻm Cây Điệp tên Việt là Trịnh hoài Trang, bạn cùng lớp vài năm trung học ở Taberd, nhà tui ở mé trước Đinh tiên Hoàng, hồi nhỏ hay mở cửa sau đi theo hẻm ngả ba thẳng ra lò bánh mì để mua.

    Trả lờiXóa
  2. Góp ý cho vui...
    Cám ơn Bạn đã viết bài rất hay và rất công phu, gợi lại cho tôi một ký ức thời tuổi trẻ. Tôi kính phục Bạn có một trí nhớ rất kinh khủng. Tôi cũng thắc mắc, không biết làm sao Bạn lại có được những bức hình rất xa xưa và quý giá nữa như vậy?
    Trích:
    [...Hẽm Cây Điệp độ dài chỉ có vài trăm thước bắt đầu từ giao lộ với đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) đối diện với tòa nhà hàng không Việt Nam thời đó. Đầu hẽm có một biệt thự lớn bên trái và bên phải là dãy nhà liên kế (Ô. Đổ Cao Thanh, em Tướng Đổ Cao Trí, dân Biên Hòa, thời còn đi học ở Pétrus Ký, có ở trọ tại đây) trong đó có nhà bác sĩ Tài ở đằng ngả tư Đinh Tiên Hoàng - Phan Đình Phùng. Đi sâu vào hẽm ta gặp một ngả ba (đầu ngã ba có một tiệm chạp phô, người gốc Hoa, có bàn thục banh tay), bên trong ngả ba này là những dãy nhà ở (đầu thập niên 1950, học trò, dân Biên Hòa, xuống Saigon học, ở trọ nơi đây rất nhiều, trong đó có tôi); nhìn sang bên trái ta thấy một lò bánh mì cũ kỹ lò đốt bằng cũi kế bên có một villa (Ô. Bùi Bá Phược, dân Biên Hòa, cựu sỉ quan cao cấp KQ-VNCH & là phi công của Air-VN, thời còn đi học ở Pétrus Ký, cũng có ở trọ nơi đây) nằm dưới giàn khế lủng lẳng chùm trái màu vàng...]
    Hết trích.
    http://thaolqd.blogspot.com/2017/01/hem-cay-iep-kao-neu-noi-vehem-cay-iep.html
    Thời tôi đi học, ở trọ khu nầy, vẫn còn cây điệp. Tên đường Ruelle Marché không còn nữa. Cư dân phải lấy địa chỉ tên đường là Marcel Richard (nhưng sur/sur/...), chớ không gọi là hẻm Cây Điệp.
    Kính,

    Trả lờiXóa
  3. Nhà tôi ở số 161/7 đó

    Trả lờiXóa
  4. Bạn cho mình hỏi thăm một chút khi bạn sống con hẻm này có biết nhà cô loan làm công ty nhựa có con trai tên thành gia đình mình cần tìm lại gia đình cô đã 28 năm rồi gia đình mất liên lạc cũng dắt mẹ đi tìm vài lần nhưng thay đổi nhiều quá mẹ mình không còn nhớ chính xác chỉ nhớ như vậy và tả là đi vô xíu là cụt đường

    Trả lờiXóa

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...