Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

CHÉP SỬ TỪ NGÃ TƯ BẢY HIỀN
                                                                                         by thuongcangthuquan


Ngã tư Bảy Hiền là cửa ngõ phía tây-bắc của Sài Gòn từ thời xa xưa. Từ Sài Gòn phải đi qua ngã tư Bảy Hiền mới đi được Củ Chi, Hậu Nghĩa, Tây Ninh và xa hơn là thủ đô PhnomPenh của Kampuchia. Trước năm 1975 chưa có con đường Cộng Hòa mở cắt từ Lăng Cha Cả xuyên qua Phi trường Tân Sơn Nhứt để nối với đường Xuyên Á như bây giờ, thì quân hay dân muốn đi PhnomPenh tất tất phải đi qua ngã tư Bảy Hiền.
Với vị trí khá đặc biệt như cách khu Lăng Cha Cả (cửa chính của Phi trường Quân sự Tân Sơn Nhứt và cửa chính của Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội VNCH) chỉ chưa đầy hai cây số về hướng bắc, cách cổng trại Hoàng Hoa Thám của Bộ Tư lệnh Sư đoàn Nhảy dù chưa đầy một cây số về hướng tây, đi về trung tâm Sài Gòn hướng đông (chợ Bến Thành) và trung tâm Chợ Lớn ở hướng nam chưa đầy sáu cây số… thì về mặt chiến lược trong các năm chiến tranh 1954-1975, ngã tư Bảy Hiền mới thực sự là một vị trí đía lý trọng yếu mà các bên tham chiến đều đặc biệt quan tâm so với các cửa ngõ khác của Sài Gòn.
Từ ngã tư Bảy Hiền theo đường Võ Tánh (đường Hoàng văn Thụ bây giờ) để đi về Lăng Cha Cả, theo đường Nguyễn văn Thoại (đường Lý Thường Kiệt bây giờ) để đi về Chợ Lớn. Trục Tây Bắc – Đông Nam là đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám – Trường Chinh bây giờ) nối thẳng về trung tâm Sài Gòn sau khi đi qua Ông Tạ, Hòa Hưng, Công trường Dân Chủ.

Phân bố dân cư trong các năm 1954-1975 khá đặc biệt. Khu vực mặt tiền dọc theo đường Cách Mạng Tháng Tám – Trường Chinh bây giờ là người Bắc Công giáo di cư. Họ sống dài dài từ Tân Việt xuống Bảy Hiền, Ông Tạ, Hòa Hưng… lan qua khu Lăng Cha Cả (sau này nối Ông Tạ và Lăng Cha Cả bằng đường Phạm văn Hai).
Khu người miền Trung chạy loạn vào Sài Gòn cùng với người nam theo Phật giáo bắc tông hay nam tông thường nằm khu phía trong có các hẽm chằng chịt. Đây là các vùng thường có các cơ sở VC nằm vùng trước năm 1975. Khu dệt Bảy Hiền là khu căn cứ VC nội thành trước năm 1975.


Nghĩa trang của Pháp

Các cơ sở của Quân đội VNCH nhằm phục vụ chiến tranh tại khu vực ngã tư Bảy Hiền được bố trí khá chằng chịt trong thời gian 1954-1975. Dọc đường Võ Tánh từ Bảy Hiền lên Lăng Cha Cả có bót cảnh sát thường và trại cảnh sát dã chiến, có đài phát thanh quân đội Hàn Quốc (nay là trường Nguyễn Thượng Hiền). Có khu vực phòng thủ không quân Mã Tây (nay là trường Lý Tự Trọng và Triễn lãm Tân Bình), có cổng trại Phi Long (có lăng mộ của Cha Cả) và cổng chính Bộ Tổng Tham Mưu.


Bệnh viện Vì Dân

Từ Bảy Hiền lên Chợ Lớn theo đường Nguyễn Văn Thoại (Lý Thường Kiệt bây giờ) về phía tay phải là toàn bộ các cơ sở phục vụ hậu cần và giải trí cho quân đội Mỹ như hãng thầu quân đội RMK, hãng thầu Pacific, cơ sở sửa chữa container của hãng tàu biển SeaLand… Phía tay trái là trại lính yểm trợ cho Sư đoàn Nhảy dù (nay là bệnh viện Thống Nhất), khu trung tâm truyền tin quân sự (bây giờ là trụ sỡ Mobifone- Vinafone).
Các năm 1965-1972 khu vực đường Nguyễn văn Thoại (Lý Thường Kiệt) sát ngã tư Bảy Hiền là khu đèn đỏ của quân đội Mỹ với các snack-bars, khách sạn, vũ trường… đèn sáng nhạc xập xình suốt ngày đêm. Các cha, các thầy dạy học luôn dặn dò học sinh không được bén mảng qua khu vực ấy vì sợ bị “bắt cóc”.




Một địa điểm mà chúng tôi muốn nêu lên trong bài này là trường Đắc Lộ. Từ nơi này trong một khoảng đời dài tuổi ấu thơ còn đi học chúng tôi đã chứng kiến những sự kiện xảy ra với ngả tư Bảy Hiền. Trèo tường ngồi vắt vẽo để xem lính nhảy dù ra trận, xem biểu tình, xem đốt xe Mỹ, xem mật vụ rượt Việt Cộng nằm vùng… là chương trình liveshow thường xuyên của mấy ông học trò, mấy ông tu sinh Đắc Lộ học ít, cúp cua nhiều. Mấy chục năm sau ngồi uống cà phê tán dóc, những liveshow ấy được thêm muối, ớt, đường, bột ngọt… thành “ký ức những ngày thơ”. Những sử “da” cà phê tán láo như chúng tôi bây giờ đã sáu bảy mươi tuổi, có ông bị Alzheimer, nên sự liệu bị xáo trộn là điều chắc chắn.
Nhà thờ và tu hội Đắc Lộ được sáng lập năm 1957 do cha Giuse Vũ Khánh Tường (1925-1980) sau khi ông học từ Pháp trở về. Cha Tường có thời gian làm hiệu trưởng Trung học Nguyễn Bá Tòng trước khi tách ra riêng. Tu hội Đắc Lộ nằm tại số 31, ấp Tân Hiệp, xã Tân Sơn Nhì, Tân Bình, Gia Định (nay là 97 đường Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình).
Trước năm 1975, hoạt động chính của tu hội Đắc Lộ là mở trường dạy học có tên là Trường tư thục Đắc Lộ (nay là trường cấp hai Ngô Quyền).
Trường nằm trên con đường huyết mạch nối Sài Gòn với Củ Chi, Hậu Nghĩa, Tây Ninh và Kampuchia, lại kế bên căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt và đối diện bộ chỉ huy sư đoàn nhảy dù của quân đội VNCH trước năm 1975… nên không biết may mắn hay bất hạnh những người sáng lập Đắc Lộ và những tu sinh, học sinh của trường (các sử “da”) đã chứng kiến hàng loạt các sự kiện quan trọng của Sài Gòn trong suốt thời gian khói lửa 1954-1975.
Có lẽ ngẫu nhiên mà chứng kiến là vì những sự kiện quan trọng của Sài Gòn 1954-1975 luôn có sự tham gia của lính Sư đoàn Nhảy Dù đóng tại trại Hoàng Hoa Thám (đối diện nhà thờ Đắc Lộ). Đây là một đơn vị tổng trừ bị được trang bị đầy đủ nhất của quân đội VNCH, luôn có mặt trong những biến cố chính trị hay quân sự quan trọng của miền nam trước năm 1975.

Trại Hoàng Hoa Thám


Bảy Hiền cũng là nơi có đối kháng lương-giáo khá cao, một bên ủng hộ chế độ VNCH (người Công giáo di cư), một bên chống lại (người Trung nhập cư). Bảy Hiền chứng kiến những thương vong dữ dội trong chiến tranh trong các năm 1966, 1967, 1968, 1970, 1971, 1972, 1975… qua những xe chở quan tài xuất phát từ cổng trại lính Hoàng Hoa Thám.
Những ghi chú này không mang tính lịch sử, chính trị… gì hết. Viết ra để ghi nhớ lại gần hai mươi năm những đứa trẻ sử “da” như chúng tôi đã chứng kiến hay nghe các cha, các thầy, các bạn kể lại… theo kiểu nhớ đâu, kể đó.
(1)- Cuộc tảo thanh lính Bình Xuyên của Bảy Viễn khi ông Diệm mới về nước chấp chính được lính dù hậu thuẫn mạnh với các sĩ quan nhảy dù thời ấy như Nguyễn Khánh, Nguyễn Chánh Thi, Đỗ Cao Trí, Cao văn Viên.
(2)- Hai cuộc đảo chính ông Ngô Đình Diệm năm 1960 và 1963 đều có lính nhảy dù tham gia như một thành phần chủ chốt của quân đảo chính. Lính nhảy dù thường xuất phát từ cổng trại Hoàng Hoa Thám theo đường Lê văn Duyệt đi lên ngã tư Bảy Hiền, Hòa Hưng… vườn Tao Đàn và vào dinh Độc Lập.
(3)- Những biến động chống chính phủ của Phật giáo 1963-1967 thường xuất phát từ khu dệt Bảy Hiền (một thành phần ủng hộ phong trào Phật giáo miền Trung). Khu vực tụ tập biểu tình dữ dội thường là ngã tư Bảy Hiền kéo dài tới cây xăng đôi (ngã ba Xuân Hồng - Trường Chinh bây giờ). Đàn áp phong trào Phật giáo miền Trung tại Huế và Đà Nẵng năm 1966 cũng do lính Sư đoàn Dù không vận từ Sài Gòn ra thực hiện.
(4)- Cũng năm 1963-1967 những cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ chính phủ của người Công giáo di cư thường xuất phát từ khu vực nhà thờ Tân Việt, đi dần lên Bảy Hiền, Ông Tạ, Lăng Cha Cả… để đối kháng với phong trào ủng hộ Phật giáo miền Trung. Thường các người tham gia tập trung tại nhà thờ Tân Việt đi qua ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả… kéo đến trước Bộ Tổng Tham Mưu (Sân vận động quân khu 7 bây giờ). Đầu năm 1965 tướng Nguyễn Khánh do áp lực của các cuộc biểu dương lực lượng giống như vậy trước cổng Bộ Tổng Tham Mưu đã phải bỏ chức vụ ra đi.
(5)- Tổng công kích Mậu Thân đợt một và đợt hai vào Phi truờng Tân Sơn Nhứt và Bộ Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù. Đợt hai kéo dài cả tuần lễ rất ác liệt tại ngã tư Bảy Hiền, nhà thờ Đắc Lộ, chợ Bảy Hiền (đường Xuân Hồng bây giờ). VC tham gia trận đánh lớn này đa số kéo từ Long An lên. Tướng Lưu Kim Cương chỉ huy Phi trường Tân Sơn Nhứt bị bắn chết tại vòng rào khu Mã Tây (nay là nhà Triễn lãm Tân Bình).
Hai tác phẩm văn học nghệ thuật lớn phản ánh những trận đánh tại khu vực này năm Mậu Thân là “Dáng đứng Việt nam” của nhà thơ Lê Anh Xuân và “Cho một người năm xuống” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
(6)- Trận Hạ Lào (Lam Sơn 719). Lính Sư đoàn Nhảy Dù thiệt hại nặng nhất so với các binh chủng khác của quân đội VNCH.
(7)- Mùa hè đỏ lửa năm 1972 do tham chiến cả hai mặt trận An Lộc (Bình Long) và Quảng Trị, Sư đoàn Nhảy Dù coi như bị tiêu hao nặng. Số binh sĩ và hạ sĩ quan Sư đoàn Nhảy Dù sống tại khu Công giáo Bảy Hiền, Ông Tạ, Hòa Hưng… rất nhiều, nên mùa hè năm 1972 là một năm tang tóc với người Công giáo ở đây, gần như nhà nào cũng có tang.
(8)- Bảy Hiền chứng kiến trận đánh cuối cùng của cuộc chiến tranh 1954-1975 tại cổng Hoàng Hoa Thám vào lúc 18:00 giờ chiều ngày 30/04/1975. Ngày 30/04/1975 cũng là ngày Sư đoàn Nhảy Dù tan rã. Tướng Lê Quang Lưỡng (Tư lệnh Sư đoàn) chỉ mang được vài trăm binh sĩ dưới quyền ra Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ từ ngõ Vũng Tàu di tản sang Philippines rồi sau đó qua Mỹ.
Các sử “da” tán thêm rằng: Trong sự sụp đổ chóng vánh của quân đội và chế độ VNCH có trách nhiệm lớn lao của lính nhảy dù.
Tính tới đầu năm 1975 các tướng lĩnh nhảy dù nắm hết quyền lực của quân đội VNCH. Tổng tham mưu trưởng là Cao Văn Viên, tư lệnh các quân đoàn 1,2,3,4 là tướng Ngô Quang Trưởng (khu 1), tướng Phạm văn Phú (khu 2), tướng Dư Quốc Đống (khu 3), tướng Nguyễn Khoa Nam (khu 4). Sau khi thất thủ Phước Long đầu năm 1975, tướng Đống (nguyên Tư lệnh Sư đoàn Dù) mới chịu về hưu. Các ông Viên, Trưởng, Phú, Đống, Khoa Nam đều là sĩ quan cao cấp của Sư đoàn Nhảy Dù trước đây.
Lính nhảy dù thiện chiến, tinh nhuệ… nhưng chỉ tác chiến giỏi khi có đầy đủ vũ khí và hậu cần yểm trợ. Năm 1973 khi người Mỹ rút quân, các yểm trợ từ phi cơ, pháo binh, hậu cần cho lính nhảy dù giảm hẵn… cũng là lúc lực lượng này suy thoái nhanh chóng, hiệu quả tác chiến không còn cao. Tướng Lê Quang Lưỡng tư lệnh dù có lần than rằng: Quân tôi đã yếu và ít, xẻ ra khắp các nơi, chúng tôi đánh đấm làm sao được?
Khi về nắm các chức vụ chỉ huy cao cấp trong quân đội VNCH, cách tác chiến chính quy kiểu lính nhảy dù với đầy đủ vũ khí và hậu cần như trước không còn, các tướng lĩnh xuất thân từ Sư đoàn Nhảy Dù ra mệnh lệnh chỉ huy cho các đơn vị bộ binh khác không còn hiệu quả được nữa… việc thất bại chóng vánh là đương nhiên.
Với lại vào hai tháng cuối của chiến tranh 1954-1975 hỏa lực của phía Hà Nội là vượt trội, trong khi rất nhiều đơn vị quân đội VNCH không còn tiếp liệu chiến đấu, kể cả đạn nhỏ để tự vệ nữa.
Bốn mươi năm rồi… chuyện chỉ có vậy. Xin đừng ném đá. Hết cà phê rồi, về nấu cơm trưa kẻo vợ mắng cho!

                                             Ngày 12 tháng 03 năm 2015. thuongcangthuquan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...