Cái Tết cuối cùng của Chợ Cũ Sài Gòn
09:00 28/01/2017
Mai này, người Sài Gòn có thể chỉ còn biết
đến cái tên Chợ Cũ qua tác phẩm của Vương Hồng Sển hay một vài tư liệu nào đó về
Sài Gòn xưa.
Sau Tết Đinh Dậu, Chợ Cũ Tôn Thất Đạm sẽ
bị giải toả trắng. Phiên chợ Tết cuối cùng chứa đựng nhiều lưu luyến, không chỉ
bởi đồ ở Chợ Cũ xưa nay nổi tiếng ngon nhất xứ, mà còn vì chợ đi cùng đời sống
thăng trầm của những người vào đất phương nam lập nghiệp từ trăm năm trước.
Chợ Cũ thời vang bóng
Cái tên Chợ Cũ đã được học giả Vương Hồng
Sển nhắc tới ngay ở phần tựa của tác phẩm “Sài Gòn năm xưa” (năm 1960). Nhưng
đoạn ký ức về Chợ Cũ của Vương Hồng Sển có từ những năm 1919, năm mà người cha
đưa ông lên Sài Gòn học trường lớn.
Học giả Vương Hồng Sển viết: “Con bắt đầu
nếm mùi cháo cá Chợ Cũ, hủ tíu Chợ Mới, xem hát thì Chùa Bà Chợ Lớn, nhai thịt
bò kho thằng Lù, có năm cắc leo chuồng gà ngồi coi hát Tây, và cảnh không còn gặp
nữa là: bữa bữa hai cha con thượng cao lâu ăn cơm xá xíu”.
Chợ Cũ năm 1968. Ảnh tư liệu.
Không chỉ có cháo cá, Chợ Cũ còn nổi tiếng bởi cà phê dĩa, cơm
thố của những đầu bếp người Hoa di cư. Ngày nay, vẫn còn một tiệm cơm thố ở số
67 Tôn Thất Đạm, với những món ngon nức tiếng như hầm vĩ chưng hột vịt, sườn
xào chua ngọt, gà tiềm thuốc bắc…
Ít
ai biết, Chợ Cũ đã từng mang cái tên Bến Thành. Đó là một khu chợ sầm uất nằm
ven kênh Thị Vải, nối sông Sài Gòn với khu vực buôn bán trù phú của các doanh
nhân người Hoa, người Ấn Độ. Ngang hông bên phải chợ là đường Ngô Đức Kế ngày
nay, còn hông bên trái là đường Hải Triều.
Ga trạm tramway ở Sài Gòn (trước cổng Chợ Cũ) đi Chợ Lớn. Đằng sau mái nhà là các gian hàng ở Chợ Cũ. Ảnh chụp lại từ cuốn Sài Gòn – Chợ Lớn ký ức đô thị và con người
Tờ Le Monde Illustré năm 1864 có tả về Chợ Cũ: “Các mặt hàng
chính mà người ta tìm thấy ở chợ Sài Gòn bao gồm ngũ cốc, rau quả đủ các loại,
gạo, đường, dứa, trà, hạt tiêu, dừa và đủ tất cả các loại trái cây của vùng
nhiệt đới”.
Theo tác giả Nguyễn Đức
Hiệp trong cuốn Sài Gòn –
Chợ Lớn ký ức đô thị và con người, kênh Chợ Vải được lấp vào năm
1887. Lý do chính để lấp kênh là vì vấn đề vệ sinh và y tế.
Trước
đó, việc lấp kênh Chợ Vải gặp phải sự chống đối từ các nhà buôn bán kinh doanh
dọc hai bên bờ kênh, vốn sống nhờ hàng hoá di chuyển bằng ghe thuyền, nên mãi
đến năm 1887 kênh mới thật sự được lấp. Đại lộ mới được đặt tên là Charner, sau
này là phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Chợ Cũ nhìn về hướng bến Bạch Đằng. Ảnh chụp lại từ cuốn Sài Gòn – Chợ Lớn ký ức đô thị và con người.
Cùng với sự biến mất của kênh Chợ Vải, khu Chợ Cũ cũng bị phá đi
để xây toà nhà ngân khố mới thay thế toà ngân khố cũ trên đường Catinat (nay là
đường Đồng Khởi). Chợ Mới (chợ Bến Thành ngày nay) được xây dựng cách đó không
xa, dường như đã đặt một dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của Chợ Cũ.
Buồn vui, sướng khổ với Chợ Cũ
Nhưng
Chợ Cũ vẫn sống dù không phải bằng vẻ rạng rỡ của cột gạch, lợp ngói thuở nào.
Đó là những cây dù, những sạp hàng trông như cái chòi dựng trên vỉa hè đường
Tôn Thất Đạm sau này. Và danh tiếng chợ của đồ ăn ngon, cá tôm rươi rói thì vẫn
còn.
Một
sáng cuối năm, bà Lương Ý (hơn 80 tuổi) cặm cụi tại gian hàng nhỏ ở Chợ Cũ. Sạp
hàng này đã nuôi lớn nhiều thế hệ trong gia đình bà. Bà Lương Ý là một trong số
những người gốc Hoa gắn bó đời mình với khu chợ vỉa hè lâu đời này.
Ngày và đêm trong suốt hơn 80 năm cuộc đời của bà cụ Lương Ý gắn bó với Chợ Cũ. Ảnh: Bùi Thư.
“Tôi sinh ra bên Trung Quốc nhưng gia đình di cư sang đây từ
ngày rất nhỏ. Còn nhớ hồi bé, tôi đã chạy quanh chợ bán hành, ngò”, bà Lương Ý
nhớ lại.
Giờ
bà vẫn bán hành ngò, dừa nạo cùng vài món đồ nhỏ nhỏ. Tay bà đã run, mắt kém
hơn, gói đồ cho khách đã ra chiều lóng ngóng nhưng vẫn bám lấy sạp mà bán buôn
qua ngày. Ngày và đêm của bà đều diễn ra ở Chợ Cũ. Đêm bà trải chiếu ngủ trước
cửa ngân hàng. “Nhưng giờ người ta cũng sắp đuổi rồi”, bà bảo.
Hỏi
bà nếu Chợ Cũ đóng cửa, bà sẽ đi đâu, bà nói mình già rồi, có thể sẽ về quê ở
dưới Bình Dương để con cháu nuôi. “Nhưng sẽ nhớ Chợ Cũ lắm”, bà cười nhưng
giọng cứ nghẹn lại.
Tết Đinh Dậu sẽ là cái Tết cuối cùng của ngôi chợ nhiều thăng trầm này. Ảnh: Bùi Thư.
Kế bên quầy hàng của bà Lương Ý là quầy tạp hoá của chị Đặng
Giàu. Má chị đã bán ở đây 60 năm, rồi đến chị cũng đã hơn 30 năm. Đời bà ngoại
đã bán hàng ở Chợ Cũ.
Trong
ký ức của chị Giàu, chợ có từ lâu lắm rồi. Có trước khi chị 10 tuổi, thường ra
Chợ Cũ phụ mẹ buôn bán. Chị nhớ chợ ngày xưa sầm uất hơn, tấp nập người mua kẻ
bán, từ hàng khô đến đồ mỹ phẩm.
Với
nhiều người, chợ là cuộc sống, là nghề được truyền lại từ đời bà ngoại. Đó là
nguồn sống của những gia đình 3-4 thế hệ. “Chợ nhỏ nên mọi người ai cũng biết
nhau. Biết bao nhiêu kỷ niệm gắn liền với Chợ Cũ ở góc Tôn Thất Đạm này”, chị
Đặng Giàu chia sẻ.
Bốn thế hệ trong gia đình buôn bán ở Chợ Cũ. Bà Ngọc nói mình đã già, chỉ lo những cô con gái không biết đi về đâu sau khi chợ giải toả. Ảnh: Bùi Thư.
Bà Vũ Thị Ngọc (73 tuổi) đã bán ở đây 40 năm, trước đó là mẹ và
bà ngoại. Giờ đây, những cô con gái của bà Ngọc cũng bám lấy Chợ Cũ kiếm kế
sinh nhai quanh sạp đậu hũ.
“Vui
buồn, khổ sở cũng gắn với khu chợ này. Bà ngoại tôi bán ở đây từ lâu lắm rồi.
Ngày xưa, Chợ Cũ sung túc lắm, nổi tiếng với đồ ăn ngon. Cá tôm từ dưới sống
đưa lên tươi rói”, bà Ngọc hồi tưởng.
Sau
Tết này, ngôi chợ trăm tuổi sẽ đóng lại cùng với những ký ức của một phần cư
dân đô thị Sài Gòn. Có thể chỉ 5 năm nữa, người Sài Gòn chỉ còn biết đến cái
tên Chợ Cũ qua tác phẩm của Vương Hồng Sển hay một vài tư liệu nào đó về Sài
Gòn xưa.
Nhưng
tiếng rao giữa lòng Sài Gòn cùng cái không khí kẻ mua người bán sầm uất, đậm
màu xưa cổ ngay giữa trung tâm, xung quanh là những toà nhà chọc trời sẽ đi vào
vùng ký ức của người xưa mỗi khi Tết đến...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét