Hai ngọn tháp bằng kim
loại của
Nhà thờ chính tòa Sài Gòn
(Planche I.)
Bản dịch: Mạnh Hải - Nguyễn Văn Thảo
Việc sử dụng vật liệu sắt trong xây dựng đến
nay [1886], nhiều nhất mới được một nửa thế kỷ; thực sự, cho đến thời điểm hiện
nay, kim loại này gần như chỉ dành riêng cho các tác phẩm trang trí bằng sắt.
Chính việc phát minh ra xe lửa đường sắt đã khiến cho ngành công nghiệp luyện
kim đạt được sự phát triển đáng kể mà ngành này có được ngày hôm nay: sự tiến
bộ trong kỹ nghệ luyện kim sản xuất sắt và thép, việc giảm chi phí sản xuất,
thiết lập được các lý thuyết sức bền vật liệu, đã chỉ giúp xây dựng những cấu
trúc thật to lớn như cầu Brooklyn, cầu Maria Pia ở Porto, cầu Forth, cầu
Garabit, Tháp Eiffel, các giàn kèo mái của Cung triển lãm Máy móc, và phủ khắp
bề mặt trái đất với một hệ thống đường sắt rộng lớn dọc ngang khắp các châu
lục.
Nhưng, bên cạnh những công trình thật đáng kể
này, người ta thấy vật liệu sắt đồng thời cũng được dùng trong các công trình
xây dựng thực sự như mái nhà, tầng gác xép, sàn nhà, nhà kho, và việc sử dụng
này có xu hướng gia tăng nhiều thêm bởi vì, trong nhiều trường hợp, chỉ với vật
liệu sắt thép mới có thể xây dựng một công trình nào đó mà không thể làm được
với bất kỳ vật liệu nào khác.
Đó là trường hợp của hai ngọn tháp Nhà thờ Sài
Gòn, được xây dựng bởi ông Michelin, Kỹ sư Chế tạo và Sản xuất, mà về hai ngọn
tháp này chúng tôi sẽ đưa ra những mô tả, và về tính độc đáo của chúng, so với
các công trình tương tự khác, là ở chỗ hoàn toàn không dùng đến vật liệu gỗ là
thứ có thể bị nhanh chóng phá hủy bởi sự đục khoét của côn trùng, mối mọt. Tất
cả các bộ phận kết cấu của ngọn mái tháp này, bao gồm vật liệu lợp, đều bằng
kim loại.
Một trong những khó khăn lớn mà nhà xây dựng
phải vượt qua trong việc thực hiện công trình này nằm ở sự hoàn hảo nhất thiết
phải đạt được trong việc lắp ráp nhiều thành phần khác nhau của sườn mái tháp,
sao cho ăn khớp thật chính xác với hình dạng bên ngoài đã được thiết kế trong
dự án, và việc lắp dựng cần được thực hiện dưới sự giám sát của duy nhất một
quản đốc người Âu, còn tất cả các công nhân khác đều là những phu lao động đơn
gỉan người Annam.
Hai ngọn tháp này (hình 1, 2 và 3 trong bài và
trong bản vẽ I) có hình dạng của một hình tháp 8 mặt, với các mặt không đều
nhau, cao 27 mét, được lắp ráp chồng lên một hình tháp thứ nhất có đáy vuông,
và hình tháp đáy vuông này được đặt trực tiếp lên trên đầu tháp chuông và được
neo vào tường gạch xây bên dưới bằng những đai thép (Hình 6, Bản vẽ I) ăn sâu
xuống 3m bên trong các tháp chuông.
Tại đỉnh của hình tháp thứ nhất này là một tấm
sàn nhỏ phủ lợp bằng tôn có khía và người ta đi lên tấm sàn này bằng một cầu
thang sắt được gắn vào mặt trong các bức tường của của tháp chuông. Tấm sàn này
được khoét thủng ở giữa một lỗ tròn đường kính 3m10, để tạo sự thông thoáng cho
bên trong tháp chuông; một lan can sắt chạy vòng quanh khoảng trống này, cho
phép đi lại an toàn bên dưới những xà ngang đầu tiên của khung sườn mái; đồng
thời tầng sàn này tạo lối lên tới bốn cửa sổ mái đồ sộ trang trí trên bốn mặt
bên của mỗi ngọn tháp.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét