Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016


Đường Thuận Kiều
Đường Verdun
Đường Nguyễn Văn Thinh
Đường Thái Lập Thành
Đường Chanson
Đường Lê Văn Duyệt Sài Gòn



          Sở dĩ trên tựa đề tôi viết là đường Lê Văn Duyệt Sài Gòn là để phân biệt với đường Lê Văn Duyệt Gia Định là con đường bắt đầu từ cầu Bông tới lăng Ông Bà Chiểu của Sài Gòn trước năm 1975; giờ thì một con đường đổi tên là cách mạng tháng 8 và một đổi tên là Võ Thị Sáu. Tôi chần chừ nhiều lần viết về con đường Lê Văn Duyệt Sài Gòn vì một lẽ đã quên  vị trí một số trại lính và một số địa điểm trên con đường này nhưng nay tôi quyết định viết về con đường này và các bạn đọc có biết thêm chi tiết nào cứ comment để tôi  bổ khuyết sau.
          Đường Lê Văn Duyệt là một trong những con đường xa xưa nhất của Sài Gòn - Gia Định, nó đã có từ thời chúa Nguyễn mở đất khai khẩn vùng Gia Định và con đường này kéo dài tới biên giới với Cao Miên dùng cho các sứ thần nước này sang ta. Sau khi chiếm Nam Kỳ, chính quyền thuộc địa xây dựng thành phố Sài Gòn và cho quy hoạch con đường này lại và đặt tên là đường Thuận Kiều tính từ vị trí ngả 6 Phù Đổng đến ranh giới tỉnh Gia Định tức khoảng khu vực nghĩa trang Đô Thành. Về sau đường được đổi tên là Verdun vinh danh trận chiến Pháp thắng Đức (có tài liệu ghi năm đổi tên đường là năm 1916 nhưng tôi thấy trong bản đồ năm 1920 vẫn còn ghi là đường Thuận Kiều).


Trong bản đồ năm 1920 vẫn còn ghi là đường Thuận Kiều

         Ngày 25 tháng 04 năm 1947, chính quyền Lê Văn Hoạch lấy tên của bác sĩ  Nguyễn Văn Thinh để thay thế tên đoạn đường Verdun từ ngã sáu đến đường Chasseloup Laubat. Đoạn đường Verdun từ Chasseloup Laubat đến đường Général Lizé (Phan Thanh Giản) gọi là Thái Lập Thành; đoạn đường Verdun từ Chasseloup Laubat tới ngang đường Hòa Hưng gọi là đường ChansonNgày 23 tháng 03-1955, chính quyền Ngô Đình Diệm hợp chung 4 con đường lại và đặt tên là đường Lê Văn Duyệt từ ngã 6 Phù Đổng đến ngã ba đường Bắc Hải. 


Bản đồ trước năm 1975 cho thấy vị trí đường Lê Văn Duyệt

           Đường Lê Văn Duyệt bắt đầu tại ngả 6 Phù Đổng hay ngả 6 Sài Gòn để phân biệt với ngả 6 Chợ Lớn và hồi xưa thì gọi là ngả 6 Verdun mà dân Sài Gòn thời đó đọc trại là "Quẹt Đoong". Từ ngả 6 Sài Gòn có trước ngả 6 Phù Đổng vì đến năm 1966, tượng Phù Đổng mới được dựng lên và là thánh tổ binh chủng thiết giáp, Bên kia nằm trong khu vực của đường Võ Tánh, Ngô Tùng Châu kéo dài tới đường Trần Quốc Toản, trường đua Phú Thọ hồi xưa là khu mã ngụy mà người Pháp gọi là plaine des tombeaux là một mồ chôn tập thể những người tham gia hoặc liên quan cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi (1833-1835) ở thành Phiên An (còn gọi là thành Gia Định, thành Sài Gòn). 




Khu mã ngụy



Ngả 6 Sài Gòn khi chưa có tượng Phù Đổng



Ngả 6 Sài Gòn



Ngả 6 Sài Gòn là nơi mua bán tấp nập nhất là các cửa hàng bán xe gắn máy và tồn tại đến ngày hôm nay. Qua khu này đến ngả ba với Nguyễn Du, tại góc khi xưa là tòa đại sứ Canada.


Tòa đại sứ Canada.giờ là cơ quan xuất nhập cảnh

         Bên kia đường trước năm 1975 có một nhà in chuyên in cho tạp chí Văn và Văn học. Hồi xưa khi cần tài liệu để học môn văn tôi thường đến đây lục mua những số tạp chí cũ.




        Trở lại bên này đường, qua ngả ba Nguyễn Du là chúng ta thấy hàng rào hội Kỵ mã (xem bài Hội Kỵ mã Sài Gòn (Cercle Hippique Saigonnais) tháng 2/2016) và đi tới một chút là tòa nhà của Cercle Indochinoise cũng là trụ sở của hội kỵ mã, đến thời VNCH là trụ sở Tổng liên đoàn lao công của ông Trần Quang Bữu. Khu vực này thuộc về vườn Tao Đàn kéo dài cho tới ngả tư với Hồng Thập Tự.


 Cercle Indochinoise năm 1940


Trụ sở Tổng liên đoàn lao công chụp từ building của trụ sở USAID

        Bên kia đường gần tới ngả ba với Bùi Thị Xuân và đối diện với cổng phụ của vườn Tao Đàn là building của trụ sở USAID của Mỹ khi xưa giờ là nhà khách công đoàn VN. Vị trí này khi xưa vào năm 1960 là rạp Kinh Đô, về sau người Mỹ mướn rạp này dùng lảm nơi chiếu phim cho gia đình nhân viên xem. Năm 1962 xảy ra vụ nổ trong rạp và rạp này bị phá hũy và người Mỹ thuê khu này làm trụ sở USAID cho tới năm 1973.



Rạp Kinh Đô khi xưa



Building của trụ sở USAID


        Qua ngả ba Sương Nguyệt Ánh là đến ngả tư với Hồng Thập Tự. Bên phải là hàng rào của bộ Y tế VNCH và hội Hồng Thập Tự, trước là Viện Dục nhi (Institut de puériculture) được thành lập theo quyết định của G. Gal lý ngày 26 tháng 1 năm 1927 . Còn bên trái cũng tại góc ngả tư bên kia là một dưỡng đường tư nhân Lê Văn Duyệt.



Bộ Y tế VNCH


Ngả tư với Hồng Thập Tự về bên trái


Dưỡng đường tư nhân tại bên kia ngả tư với Hồng Thập Tự về bên trái




       Bên này ngả tư với Hồng Thập Tự là những dãy tiệm mua bán đủ loại kéo dài tới ngả tư với đường Trần Quý Cáp. Cũng bên phía dưỡng đường đi tới kế bên là trường tư thục Trường Sơn rồi một nhà bảo sanh tư nhân, kề đó là mấy tiệm thu mua sách truyện hình của người Tàu là chúng ta đến rạp Nam Quang. bên kia đường ta thấy có tiệm bán nhạc cụ Avova cùng mấy tiệm chuyên bán dụng cụ văn phòng và sách giao khoa.


Rạp Nam Quang


       Bên này ngả tư ta có chợ Đũi phía trước là các hàng quán bàn đồ ăn vây quanh. Từ đọan này dài tới ngả ba với đường Trương Minh Ký hàng quán có bớt chút ít. Cũng xin nhắc lại là địa danh chợ Đủi, ngày nay và có thể trước năm 1975 khi nói tới ai cũng nghĩ là nó ở khu vực ngả tư Lê Văn Duyệt - Trần Quý Cáp nhưng thật ra đó là cái chợ về sau này và đã bị phá bõ từ lâu và cái địa danh này rất rộng. Chúng ta xem qua một đoạn bài viết sau đây để biết rõ:
     " Sài Gòn xưa có một vùng đất mang tên là Chợ Đũi kéo dài từ Phạm Ngũ Lão cho đến giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự) và có lẽ chiều ngang từ Cách mạng tháng Tám (Lê Văn Duyệt) đến giáp nhà bảo sanh Từ Dũ trên đường Cống Quỳnh. Trong khu vực ấy có một họ đạo mang tên “họ đạo Chợ Đũi thành lập năm 1859” với ngôi nhà thờ mà nhiều người quen tên là Huyện Sĩ (vì đất và tiền xây cất đều do Huyện Sĩ hiến, xây nhà thờ tốn hết “30 muôn” (300 ngàn đồng Đông Dương, khoảng 1,5 triệu franc) từ năm 1902 đến 1905 mới xong). Và có một nhà ga xe điện tuyến Sài Gòn-Chợ Lớn vào cuối thế kỷ 19 mang tên “ga Chợ Đũi” nay còn dấu tích trên bức tường sau trường trung học Cô Giang (trường Thalemann). Tất nhiên còn có một cái chợ tên là Chợ Đũi....
...  Bản đồ Sài Gòn năm 1883 cho chúng tôi biết vị trí chính xác của Chợ Đũi nằm trên đường Thiên lý phía Tây, đối diện với Chùa Bà và công viên thành phố (công viên Tao Đàn). Theo bản đồ thì Chợ Đũi nằm gần góc đường Cách mạng tháng Tám-Nguyễn Thị Minh Khai phía đối diện vườn Tao Đàn, trong khu vực từ đường Bùi Thị Xuân đến Nguyễn Thị Minh Khai. Đây là ngôi chợ lâu đời của Sài Gòn và có lẽ phải đến thế kỷ 20, khoảng những năm 1930, chợ mới dời về chỗ sau nầy bị đập bỏ." 
http://tcdulichtphcm.vn/home/index.php/su-kien-du-lich/truyen-thong/4889-cho-dui-cho-dieu-khien


Chợ Đũi 

         Qua ngả ba này là tới ngả tư với Phan Đình Phùng. Tại đây ta thấy trường tư thục Nguyễn Khuyến.






        Tại ngả tư này có một sự kiện lịch sử là vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức gây chấn động một thời. Tôi không đề cập sự kiện này trong bài này vì đã có nhiều nguồn tài liệu trên mạng rồi. 


Đoạn Lê Văn Duyệt tới ngả tư với Phan Đình Phùng trong vụ Thích Quảng Đức tự thiêu


Cây xăng Esso góc ngả tư với Phan Đình Phùng và Hồ Xuân Hương

        Cây xăng Esso ngày nay không còn nữa thay vào là đài tưởng niệm Thích Quảng Đức.
        Ở ngả tư này còn một công trình nữa là tòa nhà đại sứ quán Cam Bốt thời VNCH. Người dân thời đó dể nhận ra bởi các phù điêu đặc trưng Khmer của nó. Còn khu cư trú của nhân viên người Cam Bốt thì ở phía sau tòa đại sứ Thái Lan đường Tú Xương.






      Tại góc với đường Hồ Xuân Hương chúng ta thấy trường Collette. trường này khi xưa tôi có học mấy tháng. Rất tiếc là không có tấm hình nào trước 1975 về ngôi trường này, ngôi trường có màu đỏ đặc biệt của nó.


Trường Collette chụp từ hướng ngược lại đường Lê Văn Duyệt




         Từ ngả ba với đường Hồ Xuân Hương đến ngả ba với đường Ngô Thời Nhiệm tới ngả tư với Phan Thanh Giản, hai bên đường mật độ các tiệm buôn bán giảm do với các villa.



          Đi tới là ngả ba với đường Tú Xương, bên phải là câu lạc bộ Phục Hưng còn gọi là cư xá sinh viên Phục Hưng. bên trái là ty cảnh sát quận 3.


Câu lạc bộ Phục Hưng

          Câu Lạc Bộ Phục Hưng” – Cercle de Renaissance  được thành hình từ năm 1941-42 tại Hà Nội do Dòng Đa Minh tỉnh Lyon (Pháp). Sau năm 1954, các cơ sở Dòng Đa Minh chuyển vào Sàigòn. Họ tạm cư trước hết trên khu dất của nghĩa trang Cầu Kho, từ cuối năm 1954 đến khoảng tháng 10/1955. Với nỗ lực ngoai giao tích cực với chính quyền và quân đội Pháp lúc đó, Linh Mục Cras đã tiếp thu quân trại cũ dành cho Hạ Sĩ quan không quân ở góc đường Thévénet và Espagnes (Tú Xương và Nguyễn Thông), lúc đó đã bỏ ngỏ, làm cơ sở ban đầu cho khu nhà thờ mang tên Giáng Sinh, tu viện Mai Khôi và câu lạc bộ sinh viên Phục Hưng. Câu lạc Bộ vẫn còn mang mấy chữ “Cercle de Renaissance” ở cổng 43, Nguyễn Thông. Thế là lập tức cư xá sinh viên thành hình .


Ty cảnh sát quận 3

           Đến đây chúng ta gặp một bùng bình lớn gọi là công trường Dân Chủ bao gồm những con đường hợp lại: Lê Văn Duyệt. Hiền Vương, Yên Đổ, Trần Quốc Tỏan, Nguyễn Thượng Hiền và con đường đi vào ga Hòa Hưng là Nguyễn Phúc Nguyên.


Đường đi vào ga Hòa Hưng Nguyễn Phúc Nguyên


Trường Lasan Hiền Vương nằm giữa Yên Đổ và Hiền Vương










Đường Hiền Vương gần tới công trường Dân Chủ

------------------------


Général-Lizé tên đầy đủ là Lucien Lizé Sinh năm 1864 tại Angers. mất 5 tháng 1 năm 1918 tại Galliera, Ý . Tướng Pháo Binh.


         - Charles Marie Chanson (1902-1951) là Tư lệnh các lực lượng Pháp-Ấn Độ-Trung Quốc ở miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương đầu tiên. Chết ngày 31 tháng 7 năm 1951 tại Sa Đéc cùng với Thái Lập Thành bởi lực lượng Cao Đài (theo tài liệu của Pháp, Việt Minh theo tài liệu Việt Nam)


Bên phải là tướng Chanson

         - Thái Lập Thành (1899-1951) là một nhân sĩ trí thức, chính khách Việt Nam. Ông từng là một viên chức trong chính quyền thuộc địa, hàm Đốc phủ sứ, nguyên Tổng trấn Nam phần kiêm Đô trưởng Sài Gòn. Dù là một nhân sĩ hoạt động bí mật cho Việt Minh, ông vô tình bị tử thương trong vụ ném bom của một đội viên cảm tử của Việt Minh nằm giết chết tướng Pháp Charles Marie Chanson.


-             Thuận Kiều là một địa danh thuộc Hốc Môn - Bà Điểm.

                                                                                                        (Còn tiếp)

8 nhận xét:

  1. Trường Tao Đàn, trên đường Le Văn Duyệt, khoảng giữa Hong Thập Tự và rap hát Nam Quang, đối diện Chợ Đũi.

    Chúc Quý Bạn VUI

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. người bên trái tướng Chanson phải Thái Lập Thành không ad? Sao ông có công với Việt minh mà không được Đảng công nhận vậy?

      Xóa
    2. Đúng là Thái Lập Thành. Ông bị VM ám sát lầm chinh vì vậy mà họ ỉm luôn không công nhận.

      Xóa
    3. Thái lập Thành là do lực lượng Trình minh Thế ( Cao đài ) ám sát, ko phải VM , nên sau này TM Thế bị Pháp ám sát lại .
      Làm gì có chuyện VM ám sát lầm, VM ko bao giờ tin người khác , vì ông này là 2 mang , điệp viên Phạm xuân Ẩn sau này cũng vậy,
      VC đâu có tin, cho học tập cải tạo xong thả về là bị cho CA mật theo dõi suốt đời, nên khi gần chết ông này có nói : đừng chôn tui gần những người CS.

      Xóa
  2. chào anh thaoLQD, anh có bài viết nào về các tượng đài của Saigon không post lên web này với em rất thích những bài viết của anh nhờ đó biết được nhiều hơn về Saigon than thương và hoài niệm về quá khứ
    cám ơn anh
    Châu

    Trả lờiXóa
  3. chú có thông tin gì thêm về Thái Lập Thành không ? Cho cháu xin với ? Vì nghe ba cháu nói ổng là ông cố của cháu nhưng ba cháu thất lạc ông nội từ nhỏ. Ông nội cháu là Thái Thành Đức khi xưa là kĩ sư nhà máy đường Khánh Hội.

    Trả lờiXóa
  4. chú có thông tin gì thêm về Thái Lập Thành không ? Cho cháu xin với ? Vì nghe ba cháu nói ổng là ông cố của cháu nhưng ba cháu thất lạc ông nội từ nhỏ. Ông nội cháu là Thái Thành Đức khi xưa là kĩ sư nhà máy đường Khánh Hội.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất tiếc thông tn trên mạng cũng chỉ có ngần ấy. Chỉ có thể tham vấn những người cao tuổi thời đó nhưng bây giờ còn được mấy người.

      Xóa

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...