Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Dòng nhạc & Dòng đời - kỳ cuối: Cảm ơn âm nhạc

18/05/2015 - 19:49 PM
Cám ơn âm nhạc đã giúp cho cuộc sống này thêm tươi đẹp cả lúc vui, khi buồn, những lúc hạnh phúc và đau khổ, những lúc lãng đãng như mây trời hay những lúc quỵ té trên đường đời của một kiếp người...


Một Madona mới nổi với bài Like A Virgin (1984), Barbara Streisand với bài Woman In Love (1980), Donna Summer cuồng nhiệt với bài Hot Stuff (1979), A Feel Love (1977), Laura granigan với bài Self Control (1984), Anne Muray với bản You Needed Me (1978) nhẹ nhàng mà buồn thảm. Michael Jackson thì khỏi nói, lên ngôi vua nhạc pop nước Mỹ với các album Thriller, Bad... và nhất là hai bài do chính anh sáng tác, quy tụ nhiều giọng ca nổi tiếng của thế giới để hát hợp xướng thật độc đáo và hay: We Are World và Heal The World trong chương trình quyên góp cho châu Phi. Sau này có một album mang chủ đề Euro Remix chuyên cover lại các bài hát nổi tiếng với âm điệu của vũ trường mà giới trẻ rất thích như I Can’t Help Falling In Love sôi động với giọng ca Jessica Jay,Yesterday Once More với Quantize Feat, Everything I Do I Do It For You với Astaire, Without You với Sheena Rayder…

Hình ảnh thời trẻ của Michael Jackson, vua nhạc pop. Ảnh: TL

Gặp lại Olivia Newton John (sinh ngày 26.9.1948, Cambridge, Anh), cô ca sĩ một thời tái xuất với bàiJolene (1976). Về sau có một giọng ca vàng thánh thót của cô ca sĩ gốc Pháp nhưng chuyên hát tiếng Anh, đó là Cecile Dion với hai bài tiêu biểu: Power Of Love và Titanic vào cuối thập niên 1990 và sang cả năm 2000…Và còn nhiều lắm những giọng ca vàng của các nước mà nhiều nhất là Mỹ.

Đó là dòng nhạc tiếng Anh, còn dòng nhạc Pháp trong các thập niên 1970-1980-1990 cũng hay không kém. Vừa được nghe lại những ca khúc trước 1975, vừa nghe thêm những dòng nhạc Pháp sau này thật hay như J.Dassin với bài À Toi, một C.Jerome với bài C’est Moi. Ensemble với giọng ca mượt mà của Art Sullivan, Quelque Chose Dans Mon Coeur với Elsa. Giọng ca run rẩy nhẹ nhàng của Demi Roussos với hai bài From Souvenir to Souvenir và Goodbye Love Goodbye. Một Vanessa Paradise dễ thương với bài Joe Le Taxi. Nổi nhất là giọng ca Julio Iglesias, chàng ca sĩ người Tây Ban Nha với lối trình bày ca khúc bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, một cách hết mình với giọng ca sang trọng như Hey, When I Need You .

Riêng phần ca nhạc Việt Nam từ hải ngoại cũng phong phú không kém. Có những bản nhạc sến mà ngày xưa tôi không thích nghe, nhưng chắc có lẽ vì tâm tư hiện tại có những tâm sự buồn nên khi nghe lại những bản nhạc ấy, tôi lại thấy nó diễn tả đúng tâm trạng của mình. Nhạc hải ngoại thường được chia ra từng chủ đề, từng ca sĩ và tác phẩm rất đa dạng. Nhạc sĩ Phạm Duy vẫn tiếp tục cho ra những tác phẩm hay được sáng tác ở hải ngoại như Tâm sự gởi về đâu, Kỷ niệm... Sau đó là người sáng tác khá nhiều bài hay để đời, đó là ca sĩ nhạc trẻ Đức Huy khi xưa.

Nhạc sĩ Đức Huy. Ảnh: Nguyễn Đình Toán/TT&VH - Nguồn bài hát: Zing



Đức Huy vừa là ca sĩ vừa sáng tác nhạc, anh đã nổi tiếng với bài Bay đi cánh chim biển, hay bàiHoang vu, Thoáng mây bay, xuất hiện vào năm 1975 mà tôi có dịp nghe trong một cuốn băng chủ đề tình ca nhạc trẻ. Còn nhiều bài hay nữa trong các album của anh như Phố nhỏ, Như đã dấu yêu… Một Trung Hành mà ngày xưa chơi ở ban Mây Trắng với bài Đồng xanh, Lá xanh mùa hè ở Taberd năm 1972, vẫn giọng hát khàn khàn trong những bài nhạc trẻ Việt hóa khi xưa. Nhất là giọng ca mượt mà và trữ tình của Ngọc Lan đầu những năm 1990. Tiếng hát Ngọc Lan nhẹ nhàng và sang trọng đã làm bao người mê mẩn. Rất tiếc là chị đã qua đời khi còn trẻ.

Nhiều lắm kể sao cho hết, cũng may là âm nhạc được sống dậy y như ngày xưa mà không chừng còn phong phú hơn. Phải công nhận kỹ thuật âm thanh phối khí ở nước ngoài đã đạt trình độ vượt bậc, khiến khi nghe lại các bài nhạc khi xưa được thể hiện lại với những giọng ca tên tuổi cũ và mới, người nghe thấy hay hơn, hiện đại hơn.

Vào năm 1995 khi chiếc đĩa CD đầu tiên có mặt ở Việt Nam, và những đầu máy hát đĩa CD được phổ biến và bán rộng rãi, dân mê nhạc được thưởng thức âm thanh tuyệt hảo của nó. Băng video cassette xem phim cũng như băng cassette nghe nhạc, từ từ lui dần để nhường chỗ cho công nghệ nghe nhạc tân tiến và gọn nhẹ.

Ngày ấy tôi cũng như nhiều người yêu âm nhạc, hễ có tiền là đi kiếm những cái đĩa yêu thích, cứ thế tích tụ dần, có khi lên cả mấy trăm đĩa, giống như khi xưa tôi sưu tầm băng Akai vậy, chỉ có khác là cái ngày xưa tôi còn trẻ, sôi nổi và hồn nhiên. Còn bây giờ, sau khi trôi nổi qua nhiều bể dâu trong cuộc sống, tôi nghe nhạc với tâm trạng rất khác xưa, cũng như cảm nhận sâu sắc hơn những ưu tư, đau khổ, thương nhớ, vui sướng... mà các nhạc sĩ đã gởi lòng vào đấy.

Thôi thì mượn lời của ban Doobie Brother ngày xưa với Listen The Music để xin cám ơn âm nhạc đã giúp cho cuộc sống này thêm tươi đẹp cả lúc vui, khi buồn, những lúc hạnh phúc và đau khổ, những lúc lãng đãng như mây trời hay những lúc quỵ té trên đường đời của một kiếp người. 

                                                                                   Vũ Văn Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...