Dòng nhạc & Dòng đời - kỳ 2: Các ban nhạc rộ nở
12/05/2015 - 21:37 PM
Trường Taberd tổ chức một buổi đại hội nhạc trẻ lần thứ hai vào ngày Chúa nhật 25.11.1972, lần này tôi cũng mua vé tham dự.
Mới sáng sớm đoạn đường Nguyễn Du trước cổng trường đông nghẹt giới trẻ chờ giờ vào cổng, từng cặp uyên ương lớn có choai choai cũng có, ăn mặc rất đúng mốt đứng túm tụm nói chuyện, các anh trai tóc dài thòng râu ria um tùm đứng hút thuốc, bên cạnh là các em gái mặc áo có những tua áo phất phơ dưới hai cánh tay, hay mặc mini jupe ngắn ngủn rất hấp dẫn... Áo trắng của học sinh Taberd cũng đông không kém, vì vé được bán ưu tiên trong trường để ai muốn tham dự thì mua đỡ phải chen lấn.
Thanh Lan nổi danh với Vắng bóng người yêu (Apres Toi – lời Việt: Phạm Duy). Ảnh TL
|
Mở đầu buổi Đại hội là ban nhạc của các frère Taberd chứ còn ai vô đây nữa. Các frère mở đầu với bài Lòng mẹ của nhạc sĩ Y Vân, rồi mấy bài tình ca bằng tiếng Pháp như Mal, Bésame Mucho... Nhìn ban nhạc với toàn nhạc công mặc áo dòng đen đeo cổ cồn rabat trắng chơi nhạc nghề quá, bà con vỗ tay ào ào tán thưởng. Nồng nhiệt nhất là các ông học sinh Taberd, hò hét to nhất và hăng nhất để ủng hộ gà nhà “Bis! Bis!” và huýt sáo lia lịa, làm mấy frère hứng khởi chơi hăng thấy rõ. Nếu không nhường cho các ban nhạc tiếp theo biểu diễn thì dám các frère chơi luôn tới chiều lắm!
Sau đó là các ban CBC, một ban nhạc rock hàng đầu của Việt Nam lúc ấy với thành phần: Lân, Bích Ly,Tùng Vân,Tùng Linh, Bích Liên và ca sĩ Bích Loan với bài Mây lang thang (A Cowboys Work Is Never Done - Sonny And Cher; lời Việt: Trường Kỳ) - một bản nhạc rất thịnh hành, bài sau là Cô hippy bụi đời (Ticket To Ride – Carpenter).
The Crazy Dog với chị em Ngọc Quí, Ngọc Bích và cậu bé Việt Châu (ba thành viên ca sĩ ban này là con nghệ sĩ Việt Hùng – Ngọc Nuôi), The Dreamers của anh em Duy Quang với bản Biết đến thuở nào - nhạc Tùng Giang. Ban tam ca The Apple Three/Ba Trái Táo do nhạc sĩ Lê Vũ Chấn của phòng trà Baccara thành lập vào đầu thập niên 70, nguyên thủy gồm có Tuyết Loan, Tuyết Hương và Tuyết Dung. Chỉ một thời gian thì Tuyết Loan rời khỏi ban và được thay thế bằng Vy Vân. Sau khi Ba Trái Táo chia tay mỗi người một ngả thì Vy Vân vẫn tiếp tục hoạt động độc lập cho đến khi rời khỏi Việt Nam vào năm 1975 cùng với con gái sau này là nữ ca sĩ Phi Phi. Chị Vy Vân hát bài Không cần nói yêu em (You Don’t Have To Say You Love Me), và bài I’ll Be There, Chuyện phim buồn (Sad Movie – lời Việt: Nguyễn Duy Biên), Cuộc tình thoáng bay (More – lời Việt: Kỳ Phát), tất cả đều thật tuyệt.
Là một băng nhạc mang sắc thái mới mẻ cho nhạc trẻ Việt Nam đầu thập niên 1970, bộ ba Vy Vân, Tuyết Hương và cô cháu Tuyết Dung đã được báo chí nhắc đến nhiều nhờ hình thức trình diễn sống động và nhịp nhàng cộng thêm lối trang phục đẹp mắt.
The Cat’s Trio (Ba Con Mèo) do ca sĩ Mỹ Hòa kết hợp với hai cô em ca sĩ Minh Tuyết là Uyên Ly và Kim Anh lập ra. Sau này Minh Xuân thay chỗ Mỹ Hòa. Cùng với Ba Trái Táo (The Aples Three) và Sao Xanh (The Blue Stars), Ba Con Mèo là một trong những ban hợp ca toàn nữ lừng lẫy một thời. Giọng hát của Minh Xuân và Minh Phúc là một trong những cặp song ca nổi tiếng trong làng nhạc trẻ Sài Gòn trước năm 1975.
Bluestar là ban nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam dưới sự dẫn dắt của hai ông bà nhạc sĩ Nguyễn Ngọc và Huyền Nga. Thành viên của ban gồm có Minh Trang (tức Bích Câu, lead guitar, con ông bà nhạc sĩ Nguyễn Ngọc – Huyền Nga), Ngọc Lan (organ, cũng là con ông bà Nguyễn Ngọc – Huyền Nga), Ngọc Phượng (Bích Phượng, bass), hai chị em Tường Vân (trống) và Tường Nga (rhythm guitar), các ca sĩ Xuân Thu, Hồng Loan (em của Jo Marcel), Christiane Marbec (Christian Bê)... Sau này tăng cường thêm Bạch La (con nhạc sĩ Hoàng Trọng), Pauline Ngọc... Ban nhạc nổi tiếng khi hát ca khúc Tình xanh (Love Story – lời Việt: Phạm Duy) với tiếng hát Phương Mai. Trong ban nhạc có ca sĩ Pauline Ngọc sau này hát solo bài Cô bé dễ thương (La Petite Graminer) thật hay.
The Hammers gồm có: Vũ, Hòa, Thành, Nguyễn Trung Chánh, và ca sĩ Cathy Huệ -- sau đó là: Hòa, Thành, CH, thêm mấy người như Long bass, Long Richard. Ca sĩ Cathy Huệ với bài Yêu em bằng cả trái tim, Người yêu nếu ra đi... bằng chất giọng khỏe, hơi khàn và giọng rung mạnh mẽ, không thể lẫn. Như khi chị trình bày tuyệt vời bài Spanish Harlem (Mộng tình xưa – lời Việt: Nam Lộc). Chị hát nhạc trẻ cũng hay mà hát nhạc Việt cũng tuyệt vời không kém, như bài Nắng chiều (của Lê Trọng Nguyễn ) với điu rumba sôi động.
Thanh Lan thì nổi danh với Vắng bóng người yêu (Apres Toi – lời Việt: Phạm Duy), Ngày tân hôn(Oui! Devant Dieu – lời Việt: Phạm Duy), Khi xưa ta bé (Bang bang – lời Việt: Phạm Duy). Một ca sĩ mới nổi với bài La Maritza (Dòng sông tuổi nhỏ) là Bích Trâm (về sau là vợ ca sĩ Nguyễn Chánh Tín). Thêm một cô ca sĩ nữa rất đẹp và dễ thương, cũng góp mặt vào làng nhạc trẻ Sài Gòn với bàiCuộc tình xưa (nhạc Tùng Giang), đó là Thanh Mai.
The Uptigh và Khánh Hà, Anh Tú, Thúy Nga con bác Lữ Liên nổi lên với bài Tình ca cho em(Goodbye To Love), Em đã quên mùa thu. Ban Phượng Hoàng thì có hai tay guitar kiêm nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang và ca sĩ Elvis Phương với liên khúc: Tôi muốn - Yêu người yêu đời - Thương nhau ngày mưa. Tiền thân của Enterprise là Jetsets gồm: Vũ, Dũng, Trung Nghĩa, Kasim, Paul trống. Sau Trung Nghĩa tách ra lập lại với Kasim, Mạnh Tuấn, Lý Được, ca sĩ có Kim Oanh, rồi Thanh Tuyền về sau. Giọng ca Kasim chuyện trị dòng nhạc Santana, và còn nhiều ban nhạc khác nữa…
Phải nói học sinh Taberd ông nào ông nấy mê mẩn mấy bản tình ca ngoại quốc và lời Việt. Tụi tôi bắt đầu sưu tầm các hình ca sĩ hay ban nhạc nước ngoài từ các tạp chí như Salut Les Copains, Hit Parade… Khi Taberd tổ chức Đại hội Nhạc trẻ tại trường thì chiều chiều tôi hay đến trường chơi, để thấy mặt các ban nhạc và ca sĩ thần tượng đang ráo riết tập luyện.
Mỗi buổi biễu diễn phải có đến mấy chục ban nhạc thay phiên nhau chơi từ sáng cho tới 4g chiều mới chấm dứt. Sân trường được mấy cái dù vải to tướng che mát cho khán giả mà phần đông ngồi bệt trên mặt sân. Trên các dãy lầu hai bên sân cũng đặc kín học sinh Taberd mua vé vào xem, đến 7.000 người chứ ít đâu. Có hãng kem và nước ngọt Top tung mấy cô bán hàng xinh đẹp ra với trang phục thời trang, quần short trắng, giầy cao cổ và nón cao bồi cũng trắng, đeo bên hông cái bình đựng kem có in hình logo của hãng: chú vịt Donalt và chữ Top to tổ bố.
Quyển Phương pháp Tự học Độc tấu Tây ban cầm theo Điệu Flamenco của Hoàng Bửu được bán trên phố Sài Gòn 1968. Nguồn: John Hlavacek Collection
|
Đến 4g chiều khi ban nhạc Mây Trắng với 5 ca sĩ chơi toàn đàn guitar thùng của ca sĩ Trung Hành, Tuấn Dũng, Cao Giảng, Trường bass và tay trống Thuận ra biểu diễn bài Đồng xanh, Lá xanh mùa hè để kết thúc chương trình Đại hội Nhạc trẻ Taberd là khán giả lục tục kéo nhau về.
Hồi đó trong trường rộ lên phong trào đi học nhạc. Tôi cũng thế, nhưng không học trường lớp nào cả. Nhà có cây guitar của Mỹ. Hồi đó mắc nhất là đàn Yamaha của Nhật, nhưng có cây đàn của Mỹ cũng tuyệt rồi. Ban đầu tôi đi mua cuốn Tự học Tây Ban Cầm của ông Hoàng Bửu về học, học mãi không hiểu vì lối viết của tác giả. Về sau có một cuốn khác có tựa Phương pháp tự học guitar của tác giả Nam Phong. Cuốn này soạn rất dễ hiểu và thế là tôi miệt mài mỗi buổi trưa đi học về, ăn cơm xong không thèm ngủ trưa xách đàn ra gẩy.
Ông anh tôi thì kỹ hơn, đi học ở trường lớp đàng hoàng, nên tôi hay mượn cuốn nhạc của ổng để học nốt trước. Được vài tháng thì không thấy ông chịu đi học đàn nữa, nhà còn mình tôi loay hoay học một mình. Khi đã học kha khá, tôi chuyển sang học hợp âm và có thể chơi được bản The House Of Rising Sun. Sau này khi đã đủ trình độ ôm đàn và ca hát, tôi hứng chí chuyển sang chơi classic, mày mò chơi được mỗi một bản Roman là tôi từ giã classic vì nó không dùng để đi cua đào được , vả lại phải tập cực quá. Nhờ biết đàn hát mà sau này tôi mới nhiều bồ. Nhớ một lần cùng với mấy thằng bạn Hướng đạo rủ nhau ra Vũng Tàu cắm trại. Đêm ấy trời sáng trăng, gió đêm thổi lồng lộn khiến tụi tôi thấy hứng bèn lôi đàn ra hát. Ngồi hướng ra biển tụi tôi say sưa hát, không để ý đến một nhóm con gái đang ngồi gần để nghe, tới chừng quay lại mới thấy bầy ... tiên nữ. Thì ra các cô đi cắm trại do nhà trường tổ chức gần đấy, đang buồn thì nghe tiếng nhạc văng vẳng mới làm gan mon men tới làm quen với mấy... ông tiên.
Đó là mùa hè cuối cùng thời hoa mộng.
Vũ Văn Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét