Dòng nhạc & Dòng đời - kỳ 5: Sống sót sau giông bão
16/05/2015 - 12:55 PM
Sau những lần bị thu gom những sách báo “văn hóa nô dịch của nước ngoài”, tôi phải cắn răng đốt đi những cuốn tạp chí về âm nhạc mà tôi đã cất công sưu tầm, cả tạp chí Pháp cho đến tạp chí Nhạc trẻ, Hồng của Trường Kỳ.
Nhưng sống chết gì tôi cũng phải giữ lại cái gia tài gồm 150 cuốn băng Akai của mình. Giữ lấy vì tiếc công lao bấy lâu sưu tầm, và còn có những kỷ niệm của tôi trong những bản nhạc trong này nữa. Như có lần bị bồ đá, ngồi buồn một mình trong quán Caféteria Rex, tôi chợt nghe bài: Hai khía cạnh cuộc đời – lời Việt của Phạm Duy (Both Side Now) do chị Julie Quang và ban Dreamers trình bày, cả bài Vắng nàng (Sans Elle) rất hay nữa. Hay mỗi lần đi ciné với em, tôi lại nhớ tới bài Chuyện phim buồn – lời Việt của Nguyễn Duy Biên (Sad Movie) do chị Vy Vân hát, mà thầm mong mình đừng gặp cảnh éo le như trong phim.
Nhóm The Dreamers (Duy Quang ngoài cùng bên phải) cùng nhạc sĩ Phạm Duy trên sân khấu Sài Gòn. Ảnh: TT&VH |
Các quán nhạc sau 30.4.1975 đều không được phát những bản nhạc Việt hay ngoại quốc ngày trước, chỉ được phép phát nhạc cách mạng hay nhạc hòa tấu không lời các nước. Những năm đầu sau 1975 tai tôi tập làm quen với điệu march, điệu fox, fox trot thay vì những âm thanh êm dịu của điệu slow, valse, boston, sôi nổi của chachacha, soul, be bop... Và do đó những cuốn băng của tôi chỉ được nghe nho nhỏ ở trong nhà. Vì vậy tôi lại càng phải giữ những cuốn băng này cho riêng mình, vì có thể không còn được thấy lại nữa.
Julie Quang và Duy Quang một thời được xem là một cặp đôi vàng của làng nhạc trẻ Sài Gòn. Ảnh: TT&VH |
Cuộc sống của những năm 1980 đầy khó khăn, thế là tôi phải đứt ruột đem những cuốn băng nhạc đi bán ở các tiệm cà phê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nếu đem bán ở chợ trời thì rẻ lắm,vì không hiểu sao ngoài chợ trời họ bán đầy những cuốn băng nhạc như vậy. Cứ vài ngày, tôi xách vài cuốn đi chào hàng ở các quán cà phê. Và 150 cuốn băng của tôi rồi cũng bán hết, giúp tôi phần nào trong cuộc sống rất khó khăn ngày ấy.
Và rồi những băng nhạc hòa tấu của Paul Mauriat, Frank Pourcel ngày nào bây giờ được lên ngôi, những bản Mamy Blue, Je T’aime moi non plus, Love Story, Romeo&Juliette... cũng được phép mở công khai trong các quán cà phê, mà hồi đó gọi là “nhạc nhẹ các nước”. Cứ 10 giờ tối mở đài FM trên đài phát thanh trong chương trình nhạc nhẹ các nước là tha hồ thưởng thức, cũng đỡ buồn. Nhưng không còn những cảm xúc như ngày xưa, thật lạ.
Vũ Văn Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét