Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Dòng nhạc & Dòng đời - kỳ 4: Nhịp sống trẻ giữa chiến tranh

14/05/2015 - 23:49 PM
Hồi còn học Taberd, nhờ đám bạn cũng mê nhạc ngoại quốc nên tụi tôi cũng cùng gu và trao đổi các album nhạc hay các tạp chí âm nhạc với nhau.
Đa số tụi tôi rất ưa nghe những bản tình ca thời thượng của các dòng nhạc Mỹ, Pháp, Việt hóa hai lời. Ngày ấy tôi rất thích những tạp chí có hình các ban nhạc, ca sĩ mình yêu thích như: Salut Les Copains, Elle, Mademoiselle A Tendre của Pháp, Hit Parade, Bill Board của Mỹ. Có những cuốn sách nhạc Hit Parade Mỹ nhỏ bằng cuốn sổ tay hay bằng cuốn truyện Tuổi Hoa, được xuất bản tại Hong Kong với nhiều bản nhạc mới nhất trong tháng hay trong năm, có ghi lời và cả nốt nhạc và âm điệu để ai thích nhạc thì có thể sưu tầm và chơi theo. Thích nhất là các tấm post in hình các ca sĩ mà mình thần tượng. Được nhìn dung nhan những thần tượng của mình thật là thích, lâu lâu có một tấm poster lớn in hình Christophe, Art Sullivan, CCR… treo tường trong phòng thì còn gì tuyệt hơn.


Đại nhạc hội thu hút đông đảo giới trẻ. Ca khúc "Vắng bóng người yêu" qua giọng ca Thanh Lan đã đi vào hồn nhiều người bằng những kỷ niệm chở đầy êm ái và thơ mộng. Ảnh: TL 


Nếu nhà mà có dàn máy Teac quay được hai chiều, cặp loa Mỹ to đùng và cao, và cái ampli SanSui đời QX 9900 mới ra lò thì hạnh phúc giăng đầy trời. Chuyên nghiệp hơn thì có thêm dàn loa 6 cái, với âm thanh chạy vòng vòng thì đúng là... Thiên đường. Thời đó có những trung tâm thâu băng nổi tiếng ở Sài Gòn, như kios Trịnh Quan, Liên Hoa trên đường Nguyễn Huệ, chuyển sang băng nhạc với những bản nhạc nước ngoài bằng chất lượng tuyệt hảo. Nơi đây toàn tuyển chọn những bài mới nhất và hay nhất. Như cuối năm 1974, tôi đi thâu được hai bản mới nhất là bản Billy Don’t Be A Hero và The Night Chicago Died, cả hai bản này cùng do ban nhạc Paper Lace trình bày, được vài tháng là Sài Gòn “đứt phim”.

Còn muốn nghe băng nhạc trẻ Việt hóa bằng băng gốc thì đến Trung tâm Phát hành Băng nhạc Nguồn Sống, Khai Sáng nằm trên đường Lê Lợi gần nhà sách Khai Trí và vũ trường Queenbee. Nơi đây cũng bán đầy đủ các bản nhạc được in ra cùng với băng nhạc Akai hay băng cassette rất đa dạng, toàn băng hay và có chủ đề riêng.

Hồi đó đã có những cuốn băng với tên Anna, Hồn hoang của nhạc sĩ Quốc Dũng, Shotgun của nhạc sĩ Ngọc Chánh, Hit Parade phát hành từng chủ đề từ số 1 cho đến 30.4.1975 mới ngưng. Tất cả những chủ đề được sắp xếp và những bản nhạc hay mới ra lò đều được bình chọn từ Hongkong, nơi có thể nói sành nhạc trẻ đứng đầu châu Á.

Sài Gòn đang trong chiến tranh, nhưng dân Taberd con nhà khá giả vẫn theo nhịp sống trẻ với những giọng hát mới mẻ đầy quyến rũ, của Terry Jack, Lobo, Beegees Michael Jackson... và không gì hơnKilling me softly with his song của cô ca sĩ da đen Roberta Flack, Beautiful Sunday của Daniel Boone... Nhạc Pháp thì ngoài một Christophe quen thuộc ngày nào, nay lại có thêm Art Sullivan với Sans Toi, Donne Donne Moi, Une Larme D’amour. Thêm một France Gall nhí nhảnh với bài Poupee de Cire, Poupee de Son… Ngoài ra còn được nghe thêm những bản nhạc Việt hóa, tất cả đều hay và đáng nhớ. Như bài Tell Laura I love Her được dịch ra là “Trưng Vương khung cửa mùa thu” của Nam Lộc, tuy chẳng dính dáng gì đến nội dung chính của bản nhạc, nhưng rất được ưa chuộng lúc ấy.


Mời nghe lại ca khúc Killing me softly with his song do ca sĩ Roberta Flack thể hiện. Nguồn video: Youtube


Những bản nhạc như Anh đã quên mùa thu, Người tình đẹp xinh xinh (Tùng Giang) với giọng ca Khánh Hà, Biết đến thuở nào (Tùng Giang), Tuổi thần tiên, Tuổi ngọc... do Duy Quang và Thái Hiền hát;Khi xưa ta bé, Vắng bóng người yêu của giọng ca Thanh Lan, và nhiều lắm những bài hát đã đi vào hồn tôi, bằng những kỷ niệm chở đầy êm ái và thơ mộng. Không hiểu sao những ngôn từ khi ấy trong các bản nhạc Việt hóa lại quyến rũ và làm mê mẩn giới trẻ Sài Gòn như thế. Cho đến tận sau này khó mà tìm lại được những ca từ nồng nàn và lãng mạn như thế.

Sau này dù có bươn chải mưu sinh, tôi vẫn còn được nghe những dòng âm nhạc của ngày xa xưa ấy, từ băng đĩa CD và trên You Tube. Nơi đây bạn có thể tìm lại được giai điệu thân quen của những ngày xa xưa đẹp và mơ mộng, dù chỉ còn là những âm hưởng để hoài niệm mỗi khi nhớ đến. Âm nhạc vẫn cứ ra đời và trôi theo thời gian, một thứ âm nhạc sống mãi và không chết trong lòng thế hệ thanh niên tụi tôi.

                                                                                                          Vũ Văn Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...