Đi tìm không gian đã mất
Mới đó, thế kỷ 21 đã cắm được cột mốc
15 năm. Những năm đầu 2000, nghe còn là lạ cái từ “xuyên thế kỷ ”. Nghe còn thấy ngại ngần khi phải dùng từ “thế kỷ trước” để
nói mươi năm gần đó. Vậy mà, giờ đây, những cái từ như thế là bình thường,
không háo hức hay cường điệu. Ngẩn ngơ nhận ra điều đó thì cũng là lúc nhận ra
mái tóc hoa râm và nổi buồn xa vắng qua đôi kiếng lảo. Ngẩn ngơ trông thấy
không chỉ người thân, người quen mà phố xá xa gần cũng đã đổi thay vùn vụt.
Người trung niên ra phố bây giờ, không thể không lo ngại cảnh xe cộ đông đúc,
người ngợm ầm ĩ, và rồi cần cẩu rơi, tai ương bủa vây bất chợt. Thế nhưng, lo
ngại nhất là đi giữa phố quen mà lạ lẫm, đi giữa chốn xưa mà thấy lạc đường.
Bởi vì qua thế kỷ 21, nhiều cảnh vật, kiến trúc thân thiết bỗng ra đi hay biến
dạng nhanh chóng.
Những cuộc bể dâu
Có những góc phố, kể cả một khối phố -
định hình hơn 100 năm nhưng một ngày kia bỗng dưng thay hình đổi dạng hoàn
toàn. Ở Sài Gòn, một trong những cuộc “bể dâu” đó đang diển ra ở góc Đồng Khởi
- Lê Thánh Tôn. Khu vực này là một đỉnh đồi nhỏ hiếm hoi giữa trung tâm thành
phố, nơi nhiều thế hệ một thời thong dong đi bộ hay đạp xe từ Nhà thờ Đức Bà đổ
xuống Nhà hát lớn. Trên con dốc ấy, lạ lùng từng có một “vườn treo” rợp bóng
cây giữa phố.
Ngôi vườn chỉ khoảng 200 mét vuông, có
cả cổ thụ, phượng vĩ, cườm thảo và những bồn Hoa cổ. Nó còn có một bục sân khấu
nhỏ làm nơi hòa nhạc và những chiếc ghế đá đơn sơ nhưng vẫn đủ lãng mạn cho
những cuộc hẹn hò. Công viên này có từ thời Pháp, sau 1954 mang tên Chi Lăng.
Bên cạnh công viên là khu nhà Sở học chính Nam Kỳ, sau đổi thành trụ sở Bộ Giáo
dục VNCH và rồi Sở Giáo dục TPHCM. Khu nhà học chính trông rất yên tĩnh với hai
biệt thự kiểu Pháp cổ kính và một tòa nhà làm việc xây theo lối Art Deco 1960,
cùng một sân vườn xanh mướt.
Phía sau khu nhà học chính trên đường
Lý Tự Trọng là ngôi trường Lasan Taberd (nay là Trần Đại Nghĩa ), có kiến trúc
kiểu Gothic Roman. Trường Taberd xây dựng từ cuối thế kỷ 19, bên trong còn
nguyên những dãy nhà xưa trầm mặc như tu viện. Trở lại công viên Chi Lăng, phía
đối diện trên đường Đồng Khởi là một cư xá cao tầng khá lớn màu xám tro, mang
dáng dấp Art Deco 1930-1940, không hoa văn tỉa tót, thường thấy ở New York .
Tầng trệt tòa nhà từng là những cửa hiệu café, may mặc, gallery tranh sang
trọng.
Có lẽ khi mới quy hoạch Sài Gòn, người
Pháp đã nhận ra được vẻ độc đáo của đĩnh đồi xanh này. Cho nên khi thiết kế con
đường Catinat ( Đồng Khởi ) chạy thẳng từ Trường thi Gia Định ( địa điểm 4 Duy
Tân ), họ đã không quên tạo ra “bộ tứ” không gian thanh thoát đó. Nó như một
nhịp lắng của cung đường chuyển từ khu vực tôn nghiêm Nhà thờ Đức Bà ra khu vực
thương mại nhộn nhịp. Cái không gian có một không hai ấy vẫn còn tồn tại đến
thập niên đầu của thế kỷ 21. Song chỉ khoảng 5 năm trở lại đây, nó đã dần dần “
bay lên trời” !
Đầu tiên là khu nhà học chính, cả mặt
trước và mặt sau ra đi nhường đất cho VINCOM - tòa tháp đôi tân kỳ , ngạo nghễ.
Trong lúc xây dựng tòa nhà Vincom, người ta lại “bóc dỡ” toàn bộ công viên Chi
Lăng và đến lúc trả lại thì đây chỉ còn là một chiếc vườn lơ thơ cây cối non
trẻ! Một cách nào đấy rất sổ sàng, công viên Chi Lăng đã trở thành một chiếc
sảnh ngoài trời, một chiếc cổng ra vào cho tòa nhà Vincom. Hai ngôi biệt thự cổ
kính của Sở Giáo dục bị “hóa kiếp” thành một cao ốc bình thường nép mình bên
Vincom đồ sộ. Và rồi, mới cuối năm trước, bất ngờ tòa nhà cư xá Art Deco đối
diện công viên lại bị đập bỏ để chuẩn bị cho việc mở rộng “ trung tâm hành
chính thành phố ”.
Nghe nói một công ty du lịch lớn đã đề
nghị giữ lại tòa nhà lịch lãm này để làm khách sạn nhưng ý kiến này đến giờ
chót vẫn phải “chào thua”. Gần đây, đã có một số phương án kiến trúc đề xuất
xây thêm một tòa nhà đồ sộ và tân kỳ không kém Vincom tại khu đất trên để mở
rộng tòa thị chính hiện thời. Nếu như những khối nhà khổng lồ và lạc điệu với
kiểu dáng kiến trúc Pháp cổ điển tiếp tục mọc lên quanh góc Đồng Khởi-Lê Thánh
Tôn, Đồng Khởi-Lý Tự Trọng thì không gian này hẳn nhiên biến đổi 360 độ. Và lúc
ấy, phải chăng những “hàng cây thắp nến” dọc theo các con đường sẽ ra đi ngậm
ngùi như trên đường Nguyễn Huệ ?
Không dừng lại ở những góc phố nên thơ
nêu trên, những cuộc “bể dâu” đã loang rất nhanh cho khu vực quanh đấy. Sau
Vincom một lúc, khu nhà 4 mặt tiền –Thương xá Eden, cũng đã “bay lên trời” sau
nhiều tranh cãi. Tại đây, người ta dựng nên tòa nhà Union square hoành tráng,
may mắn không quá cao tầng và cục mịch như Vincom. Ở shopping center này, cả
tầng cao lẩn tầng hầm có nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng cao cấp nổi tiếng thế
giới. Song những thương hiệu đó không thể thay thế được những tên tuổi văn hóa
Sài Gòn bất hủ, từng hiện diện nơi này hơn 60 năm như cà phê Givral, cà phê La
Pagode, nhà sách Xuân Thu, rạp hát Eden…
Giá mà tòa nhà lộng lẫy Union Square
có cách gìn giữ được hình ảnh kỷ niệm, kể cả việc tái tạo lại những không gian
xưa vô giá thì thế hệ trước vẫn có nơi chia sẽ sống động những kỷ niệm thị dân
ngọt ngào với những thế hệ sau của Sài Gòn. Bên cạnh Union square quảng trường
Lam Sơn, phía trước Nhà hát lớn nay đang bị quây kín, không rõ sẽ mọc lên cổng
lên xuống Ga Metro như thế nào và có cần thiết không. Và gần đấy, tâm điểm giao
lộ Nguyễn Huệ -Lê Lợi ( bồn phun nước ) và Nguyễn Huệ -Mạc Thị Bưởi ( cột đồng
hồ ) cũng không còn. Cả hai công trình ấy đã tồn tại trên nửa thế kỷ như là hai
land mark- cột mốc của khu trung tâm nay bị thay thế bởi khoảng không – con số
zero đúng nghĩa. Cả con phố đi bộ mới lát gạch đắt tiền thay chọ nhựa đường,
rộng lớn và thênh thang, thiếu vắng những hàng cây xưa, thiếu vắng những điểm
nhấn văn hóa.
Thương xá Tax trên đường Nguyễn Huệ
cũng đang hồi hộp chờ xem phán quyết bể dâu cuối cùng. Ban đầu, đã có dự định
đập nó hoàn toàn để thay bằng một cao ốc 40 tầng hoành tráng nhưng rồi người
dân lên tiếng, kể cả giới ngoại giao nên UBND thành phố đã có quyết định nếu có
xây mới tòa nhà này thì chủ đầu tư phải bảo tồn được phần mặt tiền và kiến trúc
cổ bên trong đại sảnh. Thậm chí rất nên làm, rất đáng làm nếu phục hồi được
dáng vẻ kiến trúc ban đầu của thương xá Tax thời Pháp ( như cách đã làm với Nhà
hát lớn ). Mong rằng, quyết định sẽ không bị thay đổi và nhà đầu tư sẽ không
tìm cách đặt dư luận trước “ sự đã rồi”.
Nghèo văn hóa và lịch sử
Ở Sài Gòn còn có thể kể ra nhiều cuộc
“bể dâu” khác đã và đang diển ra trong cảnh quan và kiến trúc. Chẳng hạn, Lăng
Cha Cả ( vòng xoay Cộng Hòa-Hoàng Văn Thụ ) - một kiến trúc Việt Nam thế kỷ 19
đã ra đi vào những năm 1980, bị thay thế bằng một tượng đài quả đất thô kệch.
Hay như công viên nhỏ mang tên Vạn Xuân - trên đường Pasteur, đã biến thành một
phần sân của CLB thể thao Phan Đình Phùng từ hơn 20 năm trước. Và gần đây, một
tòa nhà cổ ba tầng một thời từng là Bảo tàng, về sau là trụ sở ngân hàng Dầu khí
trên đường Lê Duẩn, bên cạnh Diamond Plaza, bị đập bỏ ngay sau khi vừa trùng tu
để xây cao ốc căn hộ-văn phòng. Chúng ta vẫn đang tiếp tục hồi hộp, lo lắng cho
tương lai của nhiều cột mốc ký ức quan trọng.
Ở phía trước chợ Bến Thành, tượng Trần
Nguyên Hãn đã được dời ra công viên Phú Lâm ( quận 6 ) biết bao giờ trở lại ?
Nơi đây, không hiểu vì sao người ta phải xây lối ra vào Metro ngay giữa giao lộ
trong khi công viên 23/9 thừa thải mặt bằng tiện dụng hơn rất nhiều ? Cũng tại
đây, mong rằng tòa nhà Hỏa xa Đông Dương là một phần không thể thiếu ở quảng
trường Diên Hồng sẽ không bị đôi mắt tài phiệt nào nhòm ngó để phá bỏ. Đặc
biệt, chợ Bến Thành- một biểu tượng phổ biến của Sài Gòn, ra đời từ năm 1914,
từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của những thế lực kim tiền. Mong rằng chợ Bến
Thành sẽ không bị những lời đường mật đề nghị xây mới, nâng tầng quyến rũ.
Nhiều ngôi trường xưa khác như trường
Bác Ái (Đại học Sài Gòn trên đường An Dương Vương quận 5), trường Dược, trường
Văn Khoa cũng dể bị cuốn theo cơn lốc đó. Ngày nay, “mãnh lực của đồng tiền” đã
và đang tìm cách cho các công trình xưa, không riêng ở Sài Gòn chậm được công
nhận là di sản hoặc giả vờ “quên mất” để người ta có thể nhanh chóng đồng ý đập
bỏ chúng, lấy đất khởi công những công trình thương mại.
Paris hay Sài Gòn hay Hà Nội không thể
xây trong một ngày. Bản thân Paris lộng lẫy với quy hoạch quyết đoán và nghiêm
cẩn từ thời Napoleon vẫn được gìn giữ, nâng niu, tôn tạo từng góc phố, từng
viên gạch. Những gì mới mẻ, hiện đại của Paris thế kỷ 21 được trao về khu La
Defense – thiết kế đi trước 30 năm. Tổng thống Mitterand muốn để lại tên tuổi
cũng chỉ có thể xây mới một nhà hát Opera trên nền nhà tù Bastille hay một Thư
viện quốc gia ở khu đất trống ven sông Seine. Không ai tạo ra những cuộc “bể
dâu” làm biến dạng linh hồn những khu phố xưa đẹp. Sài Gòn đã và đang có một La
Defense của Paris hay một Phố Đông của Thượng Hải với việc phát triển hoàn toàn
mới bán đảo Thủ Thiêm.
Sau những lỗi lầm thay đổi cảnh quan
và kiến trúc một cách thô thiển ở khu vực trung tâm, người ta hoàn toàn toàn có
thể dừng lại và “chuộc tội” bằng cách nghiêm túc thực hiện những nguyên tắc quy
hoạch theo chuẩn mực của thế giới. Xin đừng đãng trí, đừng lãng quên những hiểu
biết lịch sử, đừng để đồng tiền lấn át văn hóa thì chúng ta vẫn còn nhiều cách
để giữ được Sài Gòn xưa thêm đẹp. Đồng thời vẫn tạo được một thành phố mới mẽ
và siêu hiện đại, không chồng lấn vào thành phố cũ.
Phải chăng bội bạc với những ký ức
đẹp, với linh hồn bay bỗng của đô thị thì chúng ta chỉ làm nghèo văn hóa cho
nhau, nghèo nhân văn và tình nghĩa cho những thế hệ nối tiếp trong lúc cuộc
sống đang khá lên? Chúng ta đang đánh mất và không dễ tìm lại những không gian
thiêng liêng cho từng tâm hồn lắng đọng.
Trần Hữu Phúc Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét