Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

BÓNG PHƯỢNG VĨ VÀ MÙA HẠ


          Mùa hạ và những cơn mưa đầu mùa đang đến trên thành phố này và đâu đó những cây phượng vĩ đơm những nụ hoa đầu tiên trong tiếng ve sầu lác đác. Vậy đó tuổi học trò của chúng ta cái đáng nhớ nhất là mùa hạ - mùa chia tay- mặc dù nhà chúng ta không phải xa xôi gì chỉ trong thành phố nhưng cũng đầy sự lưu luyến bịn rịn. 
         Không biết tự bao giờ hình ảnh hoa phượng đã trở thành biểu tượng của tuổi học trò. Theo tôi nó chỉ bắt đầu khi nước ta theo chế độ học vấn phương tây cụ thể bắt đầu từ thời Pháp thuộc. Không thể nào có cái hình ảnh các sĩ tử học chữ nho với thầy đồ trao nhau những cành hoa phượng vì một lẽ sĩ tử thời xưa không có nghỉ hè và cây phượng là loài thực vật ngoại nhập chỉ có khi người Pháp đặt chân tới Việt Nam.
         Phượng vĩ có nguồn gốc từ Madagascar tên khoa học là Delonix regia (họ Fabaceae), tại đó người ta tìm thấy nó trong các cánh rừng ở miền tây Malagasy. Trong điều kiện hoang dã, nó là loài đang nguy cấp, nhưng nó được con người trồng ở rất nhiều nơi. Ngoài giá trị là cây cảnh, nó còn có tác dụng như một loài cây tạo bóng râm trong điều kiện nhiệt đới, do thông thường nó có thể cao tới một độ cao vừa phải (khoảng 5 m, mặc dù đôi khi có thể cao tới 12 m) nhưng có tán lá tỏa rộng và các tán lá dày đặc của nó tạo ra những bóng mát. Trong những khu vực với mùa khô rõ nét thì nó rụng lá trong thời kỳ khô hạn, nhưng ở những khu vực khác thì nó là loài cây thường xanh. 


        Tại Việt Nam, phượng vĩ được người Pháp du nhập vào trồng khoảng những năm cuối thế kỷ 19 tại các thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn. Tại Việt Nam, phượng vĩ là biểu tượng gắn liền với tuổi học trò, do mùa nở hoa của nó trùng với thời điểm kết thúc năm học, mùa chia tay của nhiều thế hệ học trò. Do vậy, nó gắn liền với nhiều kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò, và vì thế người ta gắn cho nó tên gọi "hoa học trò". (nguồn wikipedia)


         Màu phượng vĩ có các màu hồng, cam, vàng, đỏ lợt, đỏ đậm nhưng màu đỏ là màu gắn với tuổi học trò vì hầu như các sân trường từ nông thôn đến thành thị thời xưa đều trồng loài phượng đỏ này cả. 
          Phượng đi vào thơ ca, văn học kể cả vào sách dạy văn qua các bài thuộc lòng. Đã có nhiều bài hát về hoa phượng đã đi vào bất tử như:

Nỗi Buồn Hoa Phượng Sáng tác: Thanh Sơn

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, 
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương, 
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, 
Phút gần gủi nhau mất rồi 
Tạ từ là hết người ơi! 
Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng, 
Biết ai còn nhớ đến ân tình không, 
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu, 
Những chiều hẹn nhau lúc đầu, 
Giờ như nước trôi qua cầu
. 
...

Lưu bút ngày xanh Sáng tác : Thanh Hằng

Lòng xao xuyến mỗi khi Hoa Phượng rơi. 
Nhắc lại câu chuyện buồn. 
Trường còn đây kia mái đỗ tường rêu. 
Bao kỹ niệm yêu dấu.
 Dâu dư âm của tiếng nói thơ ngây.
 Ngày hai đứa dìu nhau trước sân trường.
...

Hạ Thương  Tác giả: Hàn Châu & Thanh Phương

Hạ ơi! Anh xa em mấy mùa phượng rồi 

Mà lòng ngỡ như mình vừa xa cách ngày hôm qua 
Lối xưa có còn những tà áo trắng tung bay 
Cho anh ngây ngất từng ngày 
Bên người tình yêu nhỏ bé.
...

 Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không-Thơ:Nhất Tuấn (Hoa Học Trò)
Nhạc:Anh Bằng

Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ em rủ anh ra
Bảo mình nhặt phượng về nhà chơi chung.
....

          Kể cả sau năm 1975 đề tài về hoa phượng cũng có bài Phượng Hồng -Thơ: Đỗ Trung Quân - Nhạc: Vũ Hoàng

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, 
Em chở mùa hè của tôi đi đâu, 
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18, 
Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu
.

...

           Hoa phượng thời chúng ta còn là học trò thường đi đôi với cuốn lưu bút của các bạn có tâm hồn nhiều tình cảm lưu luyến với ngôi trường thương yêu của mình, với bạn học yêu mến của mình để một ngày nào khi mái tóc đã pha sương lần giỡ lại lưu bút chợt thấy cánh phương khô rơi xuống mà lòng cảm thấy những nuối tiếc về một thời thanh xuân của mình; hay tinh nghịch một chút các bạn trai lột búp hoa phương chơi trò đá gà. Có những bạn mơ mộng nhìn mưa qua cửa sổ hay cửa lớp cuốn những cánh hoa phượng dập vùi rơi lả tả xuống sân trường. 
           Giờ nay đã qua rồi cái thời mơ mộng đó, học sinh ngày nay không còn cái phút giây tình cảm đó nữa. Thời đại internet đã giết chết cánh hoa phượng,trang lưu bút, học sinh giờ chỉ biết trò chuyện qua các mạng xã hội, các games,...Tâm hồn của các em bị vẫn đục bởi các trang mạng mà chúng ta tưởng chừng chúng mang lại cho chúng nhiều kiến thức hơn bậc cha anh nhưng không chúng đã làm các em trở nên thực dụng, sống gấp trở nên già cổi trước tuổi nhưng tri thức lại kém cõi. Còn mùa hạ giờ là mùa xa xỉ đối với các em vì lại bận túi bụi vào những lớp học thêm.
          Những trang thơ về hoa phượng, về mùa hạ giờ chỉ còn là những trang trang trí trên mạng; những bản nhạc về mùa hạ vang lên trong căn nhà nào đó giờ chỉ còn là ký ức. Nhiều lắm chúng chỉ còn phục vụ cho những người nuối tiếc một thời đã qua. Những cây phượng ở trường tôi mùa này đã đơm bông mà nào có ai đứng lại một phút giây chia sẻ nỗi niềm cùng với chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...