Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

VĨNH BIỆT MỘT BIỂU TƯỢNG CỦA SÀI GÒN

                 Đầu năm 2015, thương xá Tax sẽ bị đập bỏ để được xây dựng vào đó là khu thương mại 40 tầng. Như chúng ta đã biết Sài Gòn tồn tại nhiều công trình trên 100 năm và chúng đã trở thành những di tích của thành phố cũng như là những địa điểm lịch sử hay kỷ niệm của những người Sài Gòn cố cựu. Sự mất đi của thương xá Tax hay khu vực của nhà sách Xuân Thu, nhà hàng Givral cùng công viên Vạn Xuân để lại niềm nuối tiếc cho nhiều người và bây giờ thành phố sắp chứng kiến sự ra đi của một công trình nữa.
                 Khu thương xá này được xây dựng vào năm 1880 nằm ở góc đường Bonard và Charner ( Lê Lợi và Nguyễn Huệ). Ban đầu, nơi này mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC) được xây dựng theo kiến trúc Pháp với những nét chấm phá mang đậm đường nét văn hóa Á Đông, chuyên bán các mặt hàng bazar của các nước trên thế giới, chủ yếu là Pháp, Anh. Thời bấy giờ chỉ có giới thượng lưu ở Sài Gòn hoặc các đại điền chủ ở miền quê đến đây mua sắm mặt hàng vải, đồng hồ, máy hát... chủ yếu là hàng hiệu để chứng tỏ đẳng cấp của người sử dụng. Năm 1942, việc kinh doanh lúc này rất hưng thịnh nên người chủ Thương xá đập bỏ phần tháp đồng hồ bên trên xây thêm một tầng nữa. Năm 1960, Charner được giao lại cho Hội Mậu dịch, đổi tên là Thương xá Tax với hoạt động chủ yếu là cho thương nhân thuê mặt bằng để kinh doanh. Diện tích sử dụng là 15.000m2 gồm 1 trệt và 4 lầu.





                   Về sau, để tận dụng tối đa công năng và hiệu quả sử dụng tòa nhà, người chủ GMC đã quyết định đập bỏ tháp đồng hồ và xây thêm một tầng nữa. Chữ GMC được đặt trên nóc tòa nhà, quan khách có thể nhìn thấy từ rất xa.





                    Đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, tòa nhà GMC được Hội Mậu dịch đổi tên thành Thương xá Tax, mặt bằng được chia nhỏ và cho các tiểu thương thuê buôn bán. 















Thương xá Tax sẽ thành cao ốc phức hợp 40 tầng


(Dân trí) - UBND TPHCM đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Thương xá Tax. Theo đó, UBND quận 1 và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) được giao đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư cho dự án này.

Tòa nhà Thương xá Tax sắp bị đập bỏ để xây dựng cao ốc 40 tầng.
Tòa nhà Thương xá Tax sắp bị đập bỏ để xây dựng cao ốc 40 tầng.
Cụ thể, từ năm 2010, UBND TP đã giao cho Satra làm chủ đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Văn phòng - Khách sạn tại khu đất số 39 đường Lê Lợi (quận 1), rộng 9.208 m2. Khu đất này chính là vị trí hiện hữu của Thương xá Tax do Satra quản lý.
Theo kiết kế, dự án cao ốc mới này cao 40 tầng (khoảng 150m), chưa kể 4 tầng hầm với chức năng để xe. Ban đầu, chủ đầu tư còn dự kiến xây dựng sân bay trực thăng trên tầng cao nhất của toà nhà này nhưng sau kế hoạch bị phá sản vì không được cơ quan chức năng cho phép.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 150 triệu USD, Satra được phép tìm đối tác để hợp tác triển khai dự án. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên dự án bị tạm hoãn nhiều lần đến nay vẫn chưa khởi động được.
Trong khi đó, tiến độ xây dựng dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành – Suối Tiên (Metro số 1) có 1 đoạn đi qua phần đường trước mặt Thương xá Tax đã bắt đầu triển khai. Trong kế hoạch, phần tầng hầm dự án cao ốc tại đây cũng sẽ kết nối với nhà ga ngầm của Metro số 1 nên bắt buộc cả 2 dự án phải triển khai đồng bộ.
Vì vậy, UBND TP hối thúc Satra và UBND quận 1 đẩy nhanh tiến độ di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu đất này để lấy mặt bằng đầu tư xây dựng cao ốc mới cho phù hợp tiến độ của Metro số 1. UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khi lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án cần lưu ý đến các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hộ dân tại khu vực.
UBND TP yêu cầu chủ đầu tư đến đầu năm 2015 phải bắt đầu khởi công dự án, dẹp bỏ Thương xá Tax cũ để xây cao ốc 40 tầng. Do đó, đơn vị quản lý Thương xá Tax đã yêu cầu tiểu thương kinh doanh tại đây phải di dời trước tháng 10/2014.
Hiện khoảng 200 tiểu thương tại Thương xá Tax đang hạ giá, thanh lý hàng hóa tại đây cho kịp tiến độ di dời. Đơn vị quản lý Thương xá Tax cũng hướng dẫn tiểu thương có nguyện vọng tiếp tục kinh doanh dời về số C6 Phạm Hùng (quận 8) hoặc Siêu thị Sài Gòn (quận 10).
Với yêu cầu phát triển theo quy hoạch của thành phố, sau việc hàng loạt cây xanh trăm tuổi ở khu trung tâm đã bị "đốn hạ",  nay thương xá Tax tiếp tục rơi vào quy hoạch, sắp bị dẹp bỏ. Điều này đã khiến nhiều người dân sống lâu đời ở TPHCM không khỏi có tâm trạng nuối tiếc bởi Thương xá Tax là 1 công trình kiến trúc lâu đời, gắn liền với lịch sử phát triển của Sài Gòn - TPHCM.
Tùng Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...