Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

NHỮNG CHUYỆN ĐẾN BÂY GIỜ MỚI KỂ (TIẾP THEO)

Những ngày cuối tháng tư 1975 nóng bỏng, từ khi các chuyến C 141 cứ 20 phút đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất để di tản những người làm việc cho Mỹ và chính quyền. Những hôm đó chúng tôi mất anh Lê Phong Sơn, anh đã ra đi với gia đình trong chuyến đó. Những hôm đó Tân Sơn Nhất tràn ngập xe hơi và xe gắn máy mà những người di tản bỏ lại, ai muốn lấy thì lấy, xe nào cũng có carte verte gài lại. Rồi đến vũ Nguyễn Thành Trung bỏ bom dinh Độc Lập trùng vào ngày cả trường thi đệ nhị bán niên. Tôi nhớ lúc đó thấy Quảng Lan đang mới viết chữ Log népérien trên bảng thì một tiếng máy bay xé qua bầu trời kèm theo tiếng nổ lớn vang dội; cả trường náo loạn mạnh học sinh, mạnh thầy giáo chạy. Tôi và anh Ngọc lấy máy chụp hình chạy ra cổng trước hướng về dinh để chụp hình lúc đó là hơn 8 giờ sáng. 9 giờ tôi nghe tổng thống nói trên đài và sau đó là chuyện các hoạt động phải tạm dừng trong đó có trường của chúng ta.
Còn tôi trở về nhà, phải đi gác nhân dân tự vệ vì trong tuổi hạn định. Ghé qua trường quốc gia âm nhạc thì thấy mấy thầy như Bùi Thiện, Lê An, Đoàn Chính cần tờ báo, mặt rất lo âu ( vì toàn là dân chiêu hồi) nói một câu:” sao ngày nào cũng mất một tỉnh vậy” và trường nhạc cũng đóng cửa luôn. Thế rồi cái ngày định mạng cũng tới. Sáng 29 tháng 4 tiếng của thủ tướng Vũ Văn Mẫu vang lên trên đài: “ tôi nhân danh thủ tướng VNCH yêu cầu các tùy viên quân sự DAO Mỹ hãy di tản khỏi VNCH, quá 24 tiếng chính phủ không chịu trách nhiệm”. Thế là hết, tôi cũng hòa với dòng người đi hôi của nhà Mỹ, đầu tiên là cư xá Brink sau lưng quốc hội rồi cuối cùng đến khu nhà lầu bảy tầng ở xóm. Đêm 29 trên lầu cao nhìn chung quanh Sài Gòn thấy đâu đâu cũng có lửa cháy. Hiệu lịnh cho người Mỹ di tản là bài ” tôi mơ một mùa giáng sinh có tuyết rơi…”. Thế rồi hàng đoàn CH 3 kèm theo F4 bảo vệ bay vào Sài Gòn.
Sáng 30 những dòng người hôi của vẫn còn, nhân viên cảnh sát, quân cảnh cũng tham gia với họ.Ở các trụ sở người ta kéo hình tổng thống Thiệu xuống. Sài Gòn trong hoàn cảnh không luật pháp. Đến trưa Dương Văn Minh đọc lần đầu tiên trên đài là yêu cầu các nhân viên VNCH ở lại tại nhiệm sở chờ bàn giao cho chính quyền Cộng hóa miền nam Việt Nam, sau đó ít lâu là văn bản đầu hàng. Tôi vội rút vô trong nhà vì mạnh ai nấy lượm súng bắn lung tung lên trời, đạn rớt xuống mái nhà rầm rầm; còn súng thì tôi trả lại trụ sở. Tối hôm đó tôi bị điều ra gác đường theo yêu cầu của chính quyền mới.
Ngày 2 tháng 5, tôi nhận được giấy triệu tập vô trường. Khi đến cổng, điều làm tôi bất mãn đầu tiên là tên bộ đội gác cổng coi giấy nhưng hắn ta không biết chữ cứ cầm tờ giấy mà chữ nằm ngược. Theo nhiệm vụ mới, thì tôi được phân công làm trưởng ban tự vệ đoàn, anh Quan làm tổng thư ký, anh Lô phụ trách văn nghệ,….người chịu trách nhiệm với tôi là anh Ba Rô, anh Ba Dân là bí thư quận đoàn 3 ( những tay này là dân nằm vùng). Còn về phần bộ đội đóng trong trường là do hai anh Lý và Nguyễn Quốc Danh chỉ huy, hai anh này là dân sinh viên y khoa Hà Nội tình nguyện đi bộ đội nên dù sao nói năng cũng dể nghe hơn đám bộ dội cấp dưới.
Điều khó chịu đầu tiên là các phòng học đã bị dỡ tung ra, bàn học quăng tứ tán, bảng thì kê làm giường ngũ,v.v…còn nhà vệ sinh thì ôi thôi khỏi nói. Việc làm đầu tiên của tôi là cùng các bạn (có một chút gan dạ) đi thu gom hết tất cả vũ khí mà lính nhảy dù bảo vệ dinh bỏ lại trong các lớp, trong bàn học, trong tủ, ngoài hành lang ở cả hai bên tiểu học và trung học. Công việc này chúng tôi mất cả nửa tháng mới xong. Hôm bàn giao số vũ khí cho phường Hiền Vương họ nói sẽ đem xe ba bánh xuống, tôi thì trả lời lại các anh phải mang xe tải xuống đây mới chở hết. Tôi cũng có ít kiến thức vềm vũ khí vì đã đi gác NDTV nên các lựu đạn tôi cẩn thận gỡ hết muỗng ra tránh các bạn táy máy làm nổ thì toi mạng vậy mà cũng có bạn thò vào rút kíp muỗng bị nổ tét tay. Cũng “ cái kho vũ khí” này mà xảy ra chuyện với anh Trần Tử Lành mà tôi cũng bị dính vào. Các bạn nào không tin thì cứ việc hỏi anh Lành sẽ rõ. Tôi sẽ kể chi tiết phần sau.
Tôi cũng xin nói thêm trường Lê Quý Đôn chúng ta thời đó tồn tại hai lớp: Một học ban ngày và một học ban đêm. Sau 30 tháng tư cả hai loại lớp này đều tập trung vào trường hết. Thời gtian đó tôi có quen với anh Nguyễn Văn Dương là dân học ban đêm, sau anh chuyển qua xưởng Bason. Đã trên 36 năm nay tôi không có cơ hội gặp lại anh, không biết giờ anh còn ở VN hay đi nước ngoài rồi; số nhà của anh tôi vẫn còn giữ không biết chừng nào tôi về lại Sài Gòn kiếm lại.


(Tiếp Theo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...