Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Đây là bài của bạn Đạt đăng trên http://vanghe.blogspot.com/2009/07/tu-truong-hoc-en-truong-oi.html tháng 4 măm 2000, tôi mạn phép đưa lên blog cho các bạn cùng xem. Vì bài này dài tôi xin chia ra 3 phần.

Từ Trường Học đến Trường Đời


Từ Trường Học... Hầu như ai trong chúng ta cũng đã có may mắn trải qua một khoảng thời gian đẹp nhất, dễ thương nhất và đáng ghi nhớ nhất của một thời cắp sách đến trường mà nhiều người vẫn gọi đó là tuổi học trò. Nói cụ thể hơn, đó là khoảng thời gian học tiểu học và trung học bởi sau khi vào đại học hay phải bước vào đời thì có lẽ người ta đã coi như trưởng thành, những ngây thơ và cả sự nghịch ngợm đã không còn được dễ dàng tha thứ như trước nữa mà bản thân sẽ phải biết nhận chịu trách nhiệm và hậu quả. Ngoài 2 năm đầu học chương trình Pháp ở trường Colette, 10 năm học tiểu học và trung học còn lại của tôi là ở trường Jean Jacques Roussseau mà sau này chuyển giao lại cho Việt Nam với tên gọi là Trung Tâm Giáo Dục Lê Quí Đôn với vị hiệu trưởng (tiểu học) Việt Nam đầu tiên là ông Hồ Văn Thể. Chính từ lúc đó, tôi bắt đầu học tiếng Việt với cô Phạm Lan Anh và năm sau là cô Nguyễn Thị Thương. Đó là những cô giáo đầu tiên dạy cho tôi biết đọc, biết viết tiếng Việt, biết yêu quê hương và đồng bào Việt Nam. Khác với những ông Tây, bà Đầm luôn răn đe trừng phạt, hai cô Lan Anh và Thương rất thương học trò và dạy tận tâm chúng tôi về mọi thứ căn bản mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, chẳng hạn như bên cạnh những bài giảng về Khoa Học Thường Thức, chúng tôi rất thích môn Lịch Sử với những truyện kể hấp dẫn về Phù Đổng Thiên Vương, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, v.v... hay những bài Công Dân Giáo Dục thường trích ra từ “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” hay “Tâm Hồn Cao Thượng.” Có thể nói, ngoài ảnh hưởng bởi cha mẹ và gia đình thì 2 cô giáo này đã gieo vào tâm trí tôi những ảnh hưởng ban đầu và sâu sắc về cái gọi là lòng yêu nước, về việc cố gắng làm con ngoan trong gia đình, công dân tốt ngoài xã hội. Đến năm lớp 6, trường tôi có một Ban Giám Hiệu hoàn toàn Việt Nam cho bậc Trung Học, với một Hiệu Trưởng rất đáng kính. Tôi còn nhớ một hôm nọ, một thầy dạy Toán người Pháp nổi giận quát mắng chúng tôi với những lời lẽ có tính khinh miệt, kỳ thị nên chúng tôi phản đối lên Ban Giám Hiệu thì chính ông Hiệu Trưởng đã xuống giải quyết khéo léo, ôn hòa và còn khen chúng tôi phải luôn có lòng tự trọng và tự ái dân tộc đúng lúc, đúng chổ. Tiếc là ông chỉ ở với trường chúng tôi quá ngắn ngủi. Hiệu trưởng kế tiếp là ông Nguyễn Trung Ngươn, cũng là người miền Nam, đã góp phần xây dựng trường tôi theo nề nếp giáo dục thuần túy Việt Nam ngay sau khi chuyển giao từ Pháp. Cần phải nói rõ thêm về trường tôi với kiến trúc Pháp mang vẻ đẹp Âu Tây, một sân trường vừa rộng thoáng và rợp mát với những gốc cổ thụ già nua, vừa thể hiện tính trang nghiêm, vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu giáo dục toàn diện. Nằm bên cạnh dinh Độc Lập, trường tôi có một vị thế tương đối “sáng giá” nên có khá nhiều học trò thuộc loại “con ông cháu cha,” có những người học giỏi, đàng hoàng, không ỷ lại vào cha mẹ thì cũng có một số “cậu ấm, cô chiêu” học dở, thích ăn chơi, quậy phá nhưng ít có ai dám vượt qua nội qui nhà trường với một Ban Giám Thị khá cứng rắn mà đứng đầu là Thầy Bê, Tổng Giám thị. Chương trình học năm lớp 6 cũng khá tổng hợp theo mô hình của Mỹ khi chúng tôi vừa học Âm Nhạc (thầy Trần Anh Linh), Hội Họa (thầy Tam Nhiều), Kỹ Nghệ Họa/ Công Kỹ Nghệ (thầy Minh), Canh Nông (thầy Nguyễn Văn Chức), vừa học Pháp văn lẫn Anh văn, lại có một cố vấn (academic counselor) vừa tốt nghiệp từ Mỹ về. Thầy Linh là người tổ chức phong trào Hướng Đạo tại trường tôi, với một thiếu đoàn Lê Quí Đôn đầu tiên thuộc đạo Thủ Đô. Sau này, anh Lê Phong Sơn - người học trò giỏi nhất, đàng hoàng, mẫu mực và hoạt động năng nổ nhất trong vai trò Tổng Thư Ký Hiệu Đoàn đã giúp thầy Linh xây dựng và mở rộng phong trào hướng đạo trong trường tôi. Những năm sinh hoạt hướng đạo đã giúp tôi khá nhiều trong cuộc sống sau này, ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành cá tính và chính anh Sơn đã là một hình tượng mẫu mực (role model) của tôi suốt một thời niên thiếu. Ngay sau khi đặt chân đến Mỹ, tôi đã vui mừng tìm gặp lại được anh Sơn tại San Francisco khi anh đã là một bác sĩ về tim mạch, vẫn đơn giản và vẫn là một hình tượng mẫu mực đáng cho tôi học hỏi, noi theo. Đến năm lớp 7, lớp tôi bắt đầu mê đá banh và thành lập một đội banh đầu tiên của trường với những cầu thủ khá xuất sắc và cũng là những người bạn tốt mà hôm nay tôi vẫn còn nhớ, như thủ môn Huynh, tiếp ứng Liêm (con trai bác Nguyễn Ngọc Thanh đi tàu Việt Nam Thương Tín, hiện ở Pháp, là một người hoạt động xã hội và từ thiện bền bĩ suốt 25 năm qua), hậu vệ Phát (con trai bác sĩ Nguyễn Tấn Chức, hiện ở Đông Nam Hoa Kỳ). Thầy Hải, chủ nhiệm lớp tôi và cũng là giáo viên sinh vật, đã ủng hộ nhiệt tình chúng tôi trong việc xây dựng đội banh và dấy lên phong trào này trong trường, bên cạnh những môn tennis, vũ cầu, bóng bàn mà bấy lâu nay vẫn là thế mạnh của trường tôi với nhiều chiến thắng liên tục nhiều năm. Sau ngày 30/4/1975, trường tôi còn có những “kình ngư” bơi lội xuất sắc của Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có phong trào làm bích báo và đặc san Xuân, văn nghệ mừng Xuân rất sôi nổi mỗi khi năm hết, Tết đến. Những phong trào này đã giúp chúng tôi đoàn kết gắn bó với nhau hơn, ngay cả khi ra đời sau này. Bước vào năm lớp 9, ông Hồ Văn Thể trở thành hiệu trưởng của cả Tiểu học lẫn Trung học nhưng đó cũng là năm mà ma túy bắt đầu du nhập lén lút giữa một số học sinh trong trường, cùng lúc với những trò ăn chơi, khiêu vũ, hay những trận đánh lộn giữa học sinh trong trường hay giữa trường tôi với các trường Marie Curie, Lasan Taberd, Cao Thắng. Cuối năm lớp 10, sự kiện 30/4/75 xảy ra, rất nhiều bạn học đã “di tản” ra nước ngoài cùng với gia đình, cả lớp tôi chỉ còn lại vỏn vẹn 11 đứa con trai nên đã phải sát nhập thêm nhiều nữ sinh từ các lớp khác (trước đây nam - nữ học riêng biệt, trừ lớp ban C / ngoại ngữ - văn chương). Hai năm học sau cùng, lớp 11 và 12, lớp chúng tôi có thêm một số bạn từ các trường khác đổi về, trong đó có 2 nữ sinh miền Bắc mới vào và đó cũng là 2 đoàn viên TNCS. duy nhất của lớp tôi. Trong 2 năm đó, trường tôi đã trải qua nhiều biến đổi to lớn. Chúng tôi cũng vội sớm giã từ những ngây thơ, vô tư khi mà cha chúng tôi đã vào “trại cải tạo,” số phận “con Ngụy” buộc chúng tôi phải biết lo lắng cho tương lai và biết e dè với những người bạn mới/ cũ đang “phấn đấu” vươn lên trong “xã hội mới”. Tuy vậy, hoàn cảnh mới cũng khiến đám “con Ngụy” chúng tôi biết thương nhau hơn như những anh chị em ruột thịt trong cùng một gia đình. Khi đi lao động thủy lợi, chúng tôi vẫn giúp đỡ, san sẻ cho nhau từng miếng cơm, miếng cá... Khi nghe tin gia đình tôi có giấy báo đi thăm nuôi ba tôi, bạn bè cũng hùn nhau mua ít thực phẩm gửi biếu mẹ tôi. Chúng tôi thường xuyên đến thăm lẫn nhau nên gia đình đứa này cũng là gia đình đứa kia, mẹ của một đứa này vẫn nấu ăn cho cả đám chúng tôi như thể là con ruột của mình, vừa vui vừa thương nhau nhiều hơn. Thầy Đỗ Hữu Nghĩa, dạy Hóa và cũng là chủ nhiệm lớp 12 của chúng tôi, đã khéo léo dìu dắt chúng tôi vượt qua nhiều trăn trở, khó khăn trong buổi giao thời ấy. Chúng tôi còn may mắn có thêm thầy Lương (dạy Văn) luôn gần gũi, thông cảm và chia sẻ tâm tình với chúng tôi. Các thầy cô cũng có những khó khăn riêng nhưng khi bước lên bục giảng, họ vẫn cố gắng làm tròn bổn phận của một “giáo viên XHCN.”, vẫn muốn giúp chúng tôi tìm ra cho mình một mục đich sống sao cho có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Thầy Nghĩa và thầy Lương đã không những “dạy chữ” mà còn luôn khuyên nhủ chúng tôi hãy có những ý nghĩ tích cực để vươn lên - như những đóa sen trong vũng bùn đen hơn là buông xuôi đầu hàng khó khăn, thử thách của cuộc sống. Những người thầy hiếm hoi này đã giúp chúng tôi xác định được phương hướng phấn đấu của bản thân mình, biết giúp đỡ và gắn bó với nhau hơn trong học tập lẫn trong cuộc sống thường ngày. Tôi cũng may mắn có được nhiều người bạn tốt, như đám con trai có Phát, Đạo(New Jersey), Hùng(Texas), Khương và Nhân (Việt Nam), bên các bạn gái có Nhạn, Hiền (Canada), Thanh Nga(Pháp), Huỳnh Hoa(Đức), H Yến (San Jose),v.v... Có thể nói đó là gia đình thứ 2 của chúng tôi, cho dù ngày nay hầu hết các bạn ấy đã lập gia đình - trừ Đạo, Nhân, Diệu Hiền và tôi còn ...độc thân! Ngày thi tốt nghiệp phổ thông cấp 3 (tú tài 2), tôi và Đạo đến ở trọ nhà Khương, mẹ Khương lo cho từng bữa cơm như lo cho chính Khương vậy mà không hề lấy một đồng xu nào cả. Sau đó, chúng tôi bắt đầu bước ra đời theo những ngả rẻ khác nhau, có đứa lo học thi vào đại học, có đứa tìm đường vượt biên hay chờ ngày “đoàn tụ” ở nước ngoài... Chúng tôi chỉ còn gặp lại nhau vào những dịp Tết hay Giáng Sinh trong vài năm đầu. Bởi thế, những ngày cuối năm học lớp 12 cũng là những ngày cuối cùng của tuổi học trò của chúng tôi. Có những cuốn Lưu Bút , những tấm ảnh vội vàng ghi lại chút kỷ niệm của một thời áo trắng. 12 năm học trò, 10 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường Lê Quí Đôn đã khiến tôi không bao giờ quên được ngôi trường đã chất chứa biết bao kỷ niệm của một thời niên thiếu. Với hành trang mà các thầy cô đã gom góp truyền dạy cho chúng tôi, từ trường học Lê Quí Đôn này, chúng tôi đã bước vào trường đời với những bài học khó khăn, đắt giá hơn từ những thử thách, gian nan của cuộc sống và cũng là lúc nhận thức được rằng chúng tôi sẽ phải đền đáp lại cho gia đình, trường học và xã hội này từ những cống hiến của mình cho trường đời....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...