Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019


ĐƯỜNG MICHE
ĐƯỜNG PHÙNG KHẮC KHOAN



MICHEHướng Tây Bắc – Đông Nam nối đường Chasseloup-Laubat với đường Legrand-de-la Liraye đổ ra vách của nghĩa trang.
Năm 1877, một quyết định của đô đốc DUPRÉ cho lập con đường này với đặt tên là MICHE. Đầu năm 1892, người ta nghĩ nó sẽ chạm tới đại lộ Norodom. Nhưng câu hỏi này đã được bỏ qua, rồi được nhắc lại từ năm 1907 – 1908 khởi đầu là các chủ đất ven sông. Hội đồng thành phố chấp nhận nhưng với một điều kiện: Tiền để xây dựng lại trường nghề cùng hai phí tổn để xây một bức tường cùng hàng rào cho các công trình quân sự 10.800 đồng dành cho bên kiên nghị phải đóng. Không ai chấp nhận điều kiện này và dự án bị bải bỏ.


Bản đồ 1942


Bản đồ 1958 là đường Phùng Khắc Khoan


Ngày nay khi viết lại những con đường Sài Gòn xưa để cho những người thế hệ sau có thể hình dung ra được là một vấn đề khó, cũng như trí nhớ của người viết cũng mai một dần theo thời gian. Hơn 40 năm trôi qua, Sài Gòn đã biến đổi rất nhiều với tốc đội chóng mặt, bây giờ chúng ta nói con đường này khi xưa nhiều cây xanh và yên tĩnh chưa chắc những lớp người trẻ đã tin chúng ta. Thật vậy, trong bài viết này tôi đề cập tới một con đường mà ngày xưa nổi tiềng là yên tĩnh và nhiều cây xanh mà ngày nay khi chúng ta đi qua nó không thể tin vào cặp mắt của mình. Tất cả đều thay đổi,
Đó là con đường Phùng Khắc Khoan nằm trong khu vực các con đường yên tĩnh và nhiều villa một thời ở quận 1 như Mạc Đĩnh Chi, một phần Phan Đình Phùng, Trần Cao Vân. Con đường này có nét đặc biệt của nó đầu tiên là hàng me cổ thụ rậm che khuất từ đầu đến cuối, tạo một sự mát mẽ quanh năm. Nó chạy dài từ giáp đường Hồng Thập Tự đến giáp đường Phan Thanh Giản, ngó qua là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi,

Đường Miche thời Pháp thuộc với hàng cây xanh mát và các villa

Nằm hai bên đường là các villa của người Pháp, là nơi ở cho các viên chức và các chủ hảng thời Pháp thuộc. Như căn villa số 25 từng là cơ ngơi của ông chủ Compagnie francaise des tramways de l’Indochine CFTI nay là tòa lãnh sự Nam Phi. Ở góc Phan Đình Phùng/Phùng Khắc Khoan là tòa nhà Inspection des Colonies. Còn như căn villa số 23 mà người ta cho nhà ông cố vấn Ngô Đình Nhu mua lại của bà Da Cruz, có nhũ danh Marie Louse Ida Peux vào ngày 7/9/1957.


Villa số 5 Phùng Khắc Khoan


Villa số 18 Phùng Khắc Khoan


Vào những thập niên 1940 – 1950, con đường này được mệnh danh là con đường có nhiều lãnh sự. Tôi truy chỉ dẫn của các bản đồ thời Pháp cùng thời gian thì không thấy ghi nhưng hiện tại thì con đường này cũng có nhiều tòa lãnh sự. Ở đây tôi chỉ biết có tòa đại sứ Tân Tây Lan ở số 45.


Tòa đại sứ Tân Tây Lan số 45 Phùng Khắc Khoan

Con đường này chỉ nói những gì ở trên thì chẳng có gì đặc biệt cho lắm nếu nó không có hai nơi đáng chú ý này. Một là dinh thự của đại sứ Mỹ tại Sài Gòn từ thời Cabot Lodge đến Martin. Dinh thự này nằm ở góc Phùng Khắc Khoan/ Phan Thanh Giản mang số 38, từng là nơi ở của tướng Năm Lửa Trần Văn Soái khi xưa. Vì vấn đề bảo đảm an ninh cho dinh thự nên đoạn đường từ Phùng Khắc Khoan/ Phan Thanh Giản đến Phùng Khắc Khoan/ Tự Đức bị cấm lưu thông.


Tư dinh đại sứ Mỹ số 38 Phùng Khắc Khoan




Hai là cổng sau của Hội Việt Mỹ. Là nơi ra vào của các học viên học lớp tiếng Anh tại đây với hai bãi giữ xe hai bên lề đướng và cũng là nơi duy nhứt nhộn nhịp trên đoạn đường này. Kế bên là một villa rất đẹp xây theo kiểu mới. Đó là nhà của người bạn học của tôi tên Hiếu những năm từ 11e đến 9e.



Cổng sau Hội Việt Mỹ


Đó là tất cả những gì tôi biết về con đường này.




Đường Phùng Khắc Khoan hiện nay

1 nhận xét:

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...