Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

CIMETIÈRE DES INDIGÈNES – CIMETIÈRE ANAMITES – NGHĨA TRANG NGƯỜI BẢN XỨ


Đối với vùng đất Sài Gòn – Gia Định trong thời kỳ đầu tiên đã có không biết bao nhiêu mồ mả của những người khai phá đầu tiên. Những mồ mả này hiện diện khắp mọi nơi trong thành phố Sài Gòn nói riêng và tỉnh Gia Định nói chung là vì hồi đó vùng này còn hoang vu chỉ có một số ít khu dân cư; mỗi khu dân cư như thế đều có một khoảng đất dành riêng cho những người đã khuất. Cứ như thế khi thành phố phát triển, dân cư ngày càng đông thì những mồ mả này được cải táng (nếu còn người thân) hoặc lấp đi (nếu vô chủ) để thế vào đó các khu dân cư mới.
Như trong bài Đô thị Sài Gòn – Một góc nhìn của Nguyễn Thị Hậu có đoạn ghi:
Những khu mộ táng cổ là nguồn sử liệu cung cấp nhiều thông tin quan trọng. Có thể kể đến các khu mộ Vườn Chuối, Phú Thọ, mộ cổ vùng Phú Nhuận, Xuân Thới Thượng, khu mộ cổ Gò Cát và Bình Trưng quận 2, đường Nguyễn Tri Phương, Pasteur, trong khuôn viên Dinh Thống Nhất (Vườn Ông Thượng xưa)… Đáng lưu ý là mộ Xóm Cải: khi giải tỏa nghĩa địa Xóm Cải (quận 5) có hai ngôi mộ hợp chất không có thân nhân thừa nhận, việc bốc dỡ hai ngôi mộ đã phát hiện đây là mộ song táng (Nam tả Nữ hữu), cùng kiểu “trong quan ngoài quách” nhưng mộ người Nữ thi hài khô lại và còn nguyên vẹn, chứa đựng bí mật của một phương thức “ướp xác” độc đáo. Hai ngôi mộ này có niên đại giữa thế kỷ XIX. Gần đây mộ cổ Xuân Thới thượng (Hốc Môn) cũng có một “xác ướp” người Nam tương tự như vậy. Nằm ven rạch Giồng Ông Tố chảy ra sông Sài Gòn, khu mộ cổ Gò Cát (quận 2- một phần quận Thủ Đức cũ) hiện còn hàng chục mộ xây đá ong – loại vật liệu xây dựng phổ biến ở đất Gia Định trước thế kỷ XX. Tại đây có hai ngôi mộ hợp chất lớn, 2 bia đá ghi rõ tên tuổi, chức vụ của chủ nhân 2 ngôi mộ. Bia đá trang trí hoa lá, mây rồng khá tiêu biểu của nghệ thuật thời Nguyễn, niên đại hai ngôi mộ này là năm 1819 và 1851. Hầu hết, những ngôi mộ lớn được phát hiện đều là của tầng lớp thượng lưu quan lại sinh sống ở Sài Gòn vào nửa đầu thế kỷ XIX, trong nhiều mộ có nhiều đồ tùy táng quý giá như nhẫn, vòng vàng, lược đồi mồi, ống ngoáy trầu bằng bạc… Nguyên liệu xây mộ là đá ong hoặc hợp chất cát, vôi và ô dước. Hiện nay một số khu lăng mộ của những nhân vật lịch sử thời Nguyễn vẫn được bảo tồn khá tốt.
Trên đây những mồ mả hiện vẫn còn nguyên trạng chứ những nghĩa trang và khu mồ mả đã không còn thì không đề cập tới. Như khu “Cánh đồng mồ mả - Plaine des tombeaux” là một khu vực rộng lớn chạy dài từ một bên của ngả 6 Phù Đổng lên đến công trường Dân Chủ đường Trần Quốc Toãn củ/3 tháng 2 tới trường đua Phú Thọ. Đây là nơi chôn những người tham gia cuộc binh biến Lê Văn Khôi đã bị vua Minh Mạng ra lệnh hành hình. Hay một nơi tôi biết là sau lưng bót Đặng Văn Bắc cũ đường Yên Đổ/Lý Chính Thắng có một khu mả toàn bằng đá hoa cương mà lai lịch tới giờ tôi vẫn chưa được biết nhưng có một điều tôi đoán được đây là những ngôi mả của những người có chức sắc hoặc giàu có thời đó. Ngoài ra còn khu “mả lạng” nằm ở đường Nguyễn Cư Trinh và rất nhiều.



Hình ảnh tiêu biểu cho những khu mồ mả người Việt thời kỳ đ8ầu của Sài Gòn



Một dạng mộ đá hoa cương của một người khá giả thời bấy giờ

Đó là chúng ta nói những mồ mả của những cư dân thời kỳ đầu của Sài Gòn mà không đề cập tới những nghĩa trang sau này được giải tỏa để lập khu dân cư hay công viên. Bài viết ở đây tôi nói đến một nghĩa trang có quy hoạch hẳn hoi nằm ở khu vực giáp ranh Đa Kao và Tân Định và nằm ở phía sau nghĩa trang người Châu Âu tức là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (công viên Lê Văn Tám) đã bị giải tỏa từ giữa thập niên 1950 để làm khu dân cư. Đó là nghĩa trang người bản xứ xưa còn gọi theo tiếng Pháp là cimetière des indigènes – cimetière anamites.
Thật ra thông tin về khu này hầu như không có thấy, kể cả hình ảnh về nó cũng không; những người nếu có biết về nó thì giờ chẳng ai còn sống để mà kể lại. Chúng ta chỉ còn biết cái tên của nó và vị trí ghi trong các bản đồ Sài Gòn thời Pháp thuộc mà thôi.
Trong bản đồ năm 1872 thì thấy đã có ghi là cimetière anamites; trong khi những bản đồ trước đó thì chỉ thấy cimetière européenne vì sau lưng của nghĩa trang này là con đường rue du cimetière chưa mở tức là đường Mayer về sau. Vị trí của nghĩa trang này nằm giữa khu vực hai làng Phú Hòa và Nam Chơn (trong bản đồ 1882 lại ghi là Chơn Sáng).


Vị trí cimetière anamites trong bản đồ 1872


Bản đồ năm 1882 ghi là làng Phú Hòa và Chơn Sáng


Bản đồ năm 1896 

           Từ năm 1900 trở đi, chính quyền Pháp bắt đầu mở rộng Sài Gòn và xẻ những con đường chung quanh khu nghĩa trang này; cụ thể là đầu tiên là con đường số 31 (Mayer) chạy ngang qua cách ly hai khu nghĩa trang, con đường Lesèble chạy dọc bên hông nghĩa trang người bản xứ và con đường Barbier chạy xéo về bên hông bên kia của nghĩa trang.


Bản đồ năm 1923 đã có tên đường cụ thể quanh khu nghĩa trang này


Bản đồ năm 1947 thì ghi là Cimetière Indo - Chinois

Đây có thể là nghĩa trang có quy hoạch đầu tiên của Sài Gòn dành cho người Việt vì trước đó tập tục của người Việt là thường chôn người chết ở những cánh đồng, miếng đất bỏ trống hoặc những người có đất thì chôn sau nhà.
Về sau khu Tân Định và Đa Kao dân cư càng ngày càng đông, việc di dời nghĩa trang là việc bình thường tại các đô thị; nhưng thời điểm cụ thể thì vẫn chưa có số liệu cụ thể chỉ biết là khoảng năm 1950. Những bản đồ xuất bản sau năm 1950 không còn thấy ghi tên nghĩa trang này nữa. Sau khi di dời nghĩa trang thì khoảng đất này trở thành cơ ngơi của Sở Vệ Sanh Sài Gòn và phần phía sau là khu nhà ở của các công nhân.



 Bản đồ năm 1958 các con đường quanh nghĩa trang
 đổi tên thành Hiền Vương, Lý Văn Phúc, Lý Trần Quán

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...