Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

ĐƯỜNG NOUVELLE
ĐƯỜNG PIERRE FLANDIN
ĐƯỜNG BÀ HUYỆN THANH QUAN


Con đường này khi xưa, tôi qua lại cũng nhiều lần nhưng sự chú ý về cảnh quan và nhà cửa hai bên đường tôi lại ít quan sát cho nên giờ ngồi viết lại con đường này, tôi chỉ còn nhớ những điểm quan trọng và quen thuộc.
Đường này lúc đầu rất ngắn, trục Tây Bắc – Đông Nam, đi từ đường Chasseloup-Laubat tới đường Colombier và gọi là đường Nouvelle nhưng ngày 26 tháng 4 năm 1920 nó lại đổi tên Pierre Flandin. Pierre FLANDIN sinh ở Bollène (Vaucluse) ngày 13 tháng 4 năm 1896. Ông là lính phi công tử nạn tại vùng Noyon (Oise) ngày 18 tháng 10 năm 1917 trong chiến tranh thế giới.
Sau này đường được nới dài tới đường Legrand-de-la-Liraye rồi tới đường Champagne và cuối cùng là đến kênh Thị Nghè. Từ chiều dài chỉ có 300 mét giờ đây nó là 1.350 mét. Sở dỉ nó được nới dài nhiều lần là vì độ tăng diện tích của việc mở rộng thành phố từng thời kỳ của Pháp.


Bản đồ 1942

 Đến thời chính phủ quốc gia Việt Nam thì con đường này đổi tên là Bà Huyện Thanh Quan, một nhà thơ nữ, tác giả bài “Qua đèo Ngang”. Hẳn những người đặt tên đường có chủ ý nên song song với đường Bà Huyện Thanh Quan là đường Đoàn Thị Điểm cũng là nhà thơ nữ. Nhưng giờ đây bà Đoàn Thị Điểm đã “dọn nhà” sang quận Phú Nhuận không còn ở quận 3 nữa.


Bản đồ 1958

Thời kỳ trước 1975, con đường này chỉ chạy tới ngả ba với đường Kỳ Đồng giáp với nhà thờ Chú Cứu Thế và kéo dài là một con hẽm tới kênh Nhiêu Lộc. Con đường này cũng là một trong những con đường nhiều cây xanh và yên tỉnh một thời. Tại nơi đây tập trung những villa của người Pháp và nằm trong khu vực có người Pháp cư ngụ nhiều nhất nằm ở quận 3. Tuy nhiên cũng có những điểm hơi xao động như đoạn ngả ba với Kỳ Đồng hoặc phía hông trường nữ trung học Gia Long và chùa Xá Lợi.

Bây giờ bắt đầu đi ngược từ số lớn đến số tức là từ ngả ba Kỳ Đồng. Tại đây chúng ta thấy có nhà thờ dòng Chúa Cứu thế cùng với trường trung học Cứu Thế. Nhìn qua ngả ba về góc trái có nhà của ông luật sư Hoàng Cơ Thụy Là tác giả sách Việt sử Khảo luận. Nguyên Đại sứ VNCH tại Lào 1969-1975, tới một chút có con hẽm đi vô trường Anh văn của giáo sư Lê Bá Kông  là tác giả của cuốn tự điển Việt – Anh, Anh – Việt.


Nhà thờ dòng Chúa Cứu thế ở ngả ba Kỳ Đồng - Bà Huyện Thanh Quan

Đi tới về phía tay mặt vào con hẽm cụt, là villa của ông Phạm Sanh đồng sáng lập Nam Việt ngân hàng nổi tiếng một thời với Tín Nghĩa ngân hàng của Nguyễn tấn Đời. Đoạn này cho tới ngả tư với Yên Đổ (Lý Chính Thắng) hai bên là những căn villa  của tư nhân.

Qua ngả tư này, bên tay phải có một cơ quan của thời VNCH nhưng tôi đã quên mất nó là gì; giờ là hội trường của thành ủy thành phố.

Tới ngả tư với đường Hiền Vương (Võ Thị Sáu), nhìn về phía phải bên kia là  phía sau và phía hông của trường Regina Pacis một thời, chạy dài tới ngả tư với đường Tú Xương.


Trường Regina Pacis 


Đường Tú Xương với ngả tư với Bà Huyện Thanh Quan đằng xa 

Cùng tại ngả tư này, nhìn về phía phải bên kia là  phía sau là bệnh viện Saint Paul giờ là bệnh viện mắt, cũng chiếm khoảng chiều dài con đường cho tới ngả tư Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ).

Qua ngả tư này, bên trái là hông của trường nữ trung học Gia Long ngày xưa giờ là Nguyễn Thị Minh Khai. Còn bên phải đi tới ngả ba  với Lê Văn Thạch (Sư Thiện Chiếu) là chùa Xá Lợi. Chùa này là điểm tập hợp những phật tử trong vụ Phật giáo thời Ngô Đình Diệm. Ngày xưa trước mặt chùa là điểm tập hợp các xe bán nước giải khát và đậu đỏ bánh lọt và là điểm quen thuộc của học sinh Gia Long.








Hông của trường nữ trung học Gia Long đối diện qua chùa Xá Lợi




Cạnh chùa là một building xưa gọi là cư xá nữ sinh Thanh Quan. Nơi này vào những tập niên 1980, nhạc sĩ Quốc Dũng và nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang có mở lớp dạy nhạc tại đây. Phía sau của chùa và cư xá là cơ quan USOM của Mỹ hồi xưa. Nơi này đã bị dân chúng hôi của trong ngày 29/4/1975, hàng vạn cuốn sách bộ mới English for today đã bị lấy sạch.

Chùa Xá Lợi nhìn từ cơ quan USOM của Mỹ


Bước tới là ngả tư với Ngô Thời Nhiệm, bên trái là cité Larégnère, nơi cư ngụ của các nhân viên, giáo sư người Pháp; Bên phải là một sân tennis giờ nó là một phần của câu lạc bộ thể thao Hồ Xuân Hương. Ở ngả tư với Hồ Xuân Hương, nếu rẽ trái chúng ta sẽ tới Bệnh viện Bạc Hà (Hoa liễu) và trường Collette.


Cité Larégnère nhìn từ trên cao


Đoạn Bà Huyện Thanh Quan, bên trái là Cité Larégnère , bên phải là khu sân Tennis






Ngả tư Bà Huyện Thanh Quan - Hồ Xuân Hương


Giờ chúng ta đã tới ngả tư với đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) rồi ngả tư với đường Trương Minh Ký (Nguyễn Thị Diệu). Nhìn sang bên đường là một biệt thư lớn và trường Anh văn Nguyễn Ngọc Linh, là chúng ta đã tới ngả tư với đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần). Không khí của đoạn đường này trở nên náo nhiệt vì sự có mặt của một số trường tư thục và các tiệm buôn bán. Cuối cùng đường Bà Huyện Thanh Quan chấm dứt ở ngả ba với đường Hồng Thập Tư (Nguyễn Thị Minh Khai) nhìn sang bên vườn Tao Đàn.



 Ngôi biệt thự từng được rao bán 35 triệu đô






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...