Sài
Gòn chuyện đời của phố:
Hoài
vọng Tân Định - Đa Kao
Từ Phú Nhuận
đi qua cầu Kiệu, khu Tân Định như mở ra một thế giới khác của Sài Gòn.
Con đường Trần Quang Khải bắt đầu không gian đó, với cây cao bóng
cả sang trọng như ấp ủ một thời Sài Gòn xưa cũ đầu thế kỷ.
Ông anh cả của tôi học trường Văn Lang ở đường Trần Quý Khoách vẫn
nhắc tới Giáo sư - nhà thơ Vũ Hoàng Chương ròm tom, đi dạy học trên chiếc xích
lô đạp, đầu những năm 1960. Nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan, nhạc sĩ Phạm Mạnh
Cương cũng dạy ở trường này. Lớp có hơn 90 học sinh, ngồi chen chúc như cá mòi
hộp.
Ông Dương Hữu Đạt hồi nhỏ sống trên con đường Albert Premier, nay
là Đinh Tiên Hoàng, đoạn Q.1. Ông cho rằng người Sài Gòn thời đó sống chân
chất, hiền lành hơn, mâu thuẫn giữa người Việt và Pháp cũng không gay gắt.
Những người dân nghèo từ lục tỉnh lên sống lang thang trên đường phố khu Đa
Kao, đánh giày hay bán sách dạo in bằng tiếng Pháp cho những bà đầm, anh lính
hay viên công chức người Pháp. Họ kiếm sống từng bữa, ăn cơm hàng cháo chợ tằn
tiện và không tham lam. Nhiều lần ông thấy những người lính Tây say rượu nằm
lăn ra trên đường ngủ, bỏ mặc xe đạp bên lề đường. Mấy người đánh giày hay bán
sách dạo dựng xe của họ lên, đạp mấy vòng phố xá chơi cho biết rồi đem đặt trở
lại chỗ cũ. Những người đạp xích lô đầu những năm 1950 hay đậu xe bên lề đường
này chờ khách. Họ thích uống cà phê bít tất, đổ ra dĩa cho mau nguội, uống
nhanh để còn lo chạy mối. Trong khi chờ khách, họ nằm khểnh đọc báo Sài Gòn Mới
của bà Bút Trà, mải mê đọc truyện của các ông Thiếu Lăng Quân, Phi Long… Ông
Đạt nghe mấy bà đầm Pháp kháo nhau rằng thật đáng ngạc nhiên khi dân lao động
nghèo trên phố Sài Gòn rất thích đọc báo và có khi đọc sách nữa, điều không
thấy có ở tầng lớp dân nghèo kiếm sống lề đường bên Pháp.
Khoảng thời gian đầu thập niên 1950, khu Đa Kao xôn xao vì một vụ
tự tử thương tâm. Người chết là một bà xẩm - tên thường gọi phụ nữ người Hoa.
Bà thuộc nhóm phụ nữ Hoa giúp việc nhà rất được người Pháp tin cậy, trả lương
cao, cho phép đánh đòn con nít Tây. Bù lại, họ trung thành với chủ, sạch sẽ,
nấu ăn ngon, dạy dỗ và thương yêu đám con nít. Người phụ nữ bất hạnh trong câu
chuyện này không có gì sai sót trong mắt ông chủ giàu có người Pháp, chủ hãng
xe Rồng Xanh (Dragon Vert). Tuy nhiên, một ngày kia ông phát hiện bị mất một số
tiền lớn và bà xẩm bị nghi ngờ. Không biện minh được, bà xẩm thắt cổ tự tử để
chứng minh sự trong sạch.
Người dân ở đây sống lâu với người Pháp nên hiểu họ khá rõ. Với
tâm trạng tha hương, những anh lính hay giới công chức Pháp thích hưởng thụ xả
láng cuộc sống vui chơi ở thuộc địa, nhiều người chìm đắm trong men rượu hòng
quên đi nỗi nhớ quê hương và những nỗi căng thẳng khác. Đồng lương của họ được
xài phung phí, chỉ sau vài ngày lãnh lương là gần cạn. Thỉnh thoảng lại có
những trận đánh nhau giữa phu xích lô, thợ đánh giày với những người Pháp say
rượu trước mấy cái nhà hàng khúc đường trước rạp hát Casino.
Sau khi tin tức về trận Điện Biên Phủ lan về Sài Gòn, người Pháp
khu Đa Kao buồn và thu mình lại.
Có dạo tôi thường ghé nhà một anh chuyên rửa ảnh đen trắng thủ
công trên con đường này. Trong lúc chờ đợi in ảnh, tôi đi bộ quanh khu Tân
Định, hỏi dò vài người sống quanh đó về một quán cà phê mở sau 1975 của đôi vợ
chồng nghệ sĩ Từ Dung - Từ Công Phụng mang tên “Từ Dung”, có chiếc piano trắng
nhưng không ai biết quán đã từng đặt ở đâu. Tôi đi ngó đồ bán “xôn” trên lề
đường, đi tràn sang phía bên khu xóm Vạn Chài và dọc đường thơ thẩn, tôi phát
hiện có quá nhiều cái đình chỉ trong một khoảnh đất không lớn. Đình Nam Chơn,
rồi đình Phú Hòa từng là nơi có quán cà phê của nghệ sĩ nổi tiếng Bảy Nhiêu,
thân phụ của các nghệ sĩ Kim Cúc, Kim Lan. Đình Sơn Trà trên đường Nguyễn Phi
Khanh. Trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm là đình Tân An. Đình Nghĩa Hòa cũng trên
đường Trần Quang Khải.
Sau này đọc sách mới biết xóm Vạn Chài ở vùng Đa Kao này là xóm
của những người dân chài từ miền Nam Trung bộ di dân vào. Khi đã ổn định, họ
lập ra tới bảy ngôi đình để tiếp tục thờ Thành hoàng của làng đánh cá ở quê cũ,
mà họ gọi là vạn.
Bác Hai, chủ tiệm rửa ảnh kể tôi nghe về những hàng quán ngon lành
mà giới công chức cao cấp thời trước 1975 thích ghé như nhà hàng Casino Đa Kao,
có món độc đáo nhất là món tôm hùm đút lò. Nhà hàng cơm Tây La Cigale (Con ve
sầu) trên đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) có món
tôm cua ốc.
Ở đô thị Sài Gòn cũ, khu Đa Kao - Tân Định có thể nói tập trung
nhiều tinh hoa của thành phố này nhất. Đó là vùng đất tụ hội những người tài
hoa, cá tính, sành điệu... thể hiện nhiều nhất lối sống Sài Gòn cũ.
Phạm Công Luận
(trích
Sài Gòn, chuyện đời của phố, tập 3)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét