Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ 
 KIẾN TRÚC SƯ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

                      Là một người Tây học, Nguyễn Trường Tộ đã có những công trình đóng góp cho sự hình thành thành phố Sài Gòn, đó là nhà thờ Saint Enfance, tu viện Saint Paul de Chartres và nhất là bản điều trần trước triều Nguyễn về việc canh tân đất nước. Rất tiếc triều đình Huế không nghe theo lời của ông mà hậu quả của nó đưa đất nước Việt Nam lạc hậu kéo dài tới tận ngày nay. Còn những công trình kiến trúc của ông giờ chỉ còn tu viện Saint Paul de Chartres riêng nhà thờ Saint Enfance đã bị phá hũy từ thời mới thành lập thành phố Sài Gòn. Vì những công trạng và sự đức độ của ông người ta đã đặt tên ông cho một con đường ở quận 4 và tên một trường kỹ thuật ở số 2 Phạm Đăng Hưng (Mai Thị Lựu) quận 1.


 Tu viện Sainte Enfance của các soeurs dòng thánh Phao Lô (St Paul de Chartres) là tu viện nữ tu đầu tiên ở Việt Nam. Vào tháng Ba năm 1860, theo lời mời của Đức Giám Mục Dominique Lefebvre, hội dòng của các nữ tu dòng Saint -Paul de Chartres đã gửi hai sơ đến Sài Gòn, nơi mà họ lập một trại mồ côi cho trẻ em đường phố tên là Sainte - Enfance và cơ sở tạm thời gần tòa giám mục đầu tiên trên đường Nguyễn Công Trứ hiện nay (Quận 1). Trong năm sau, mẹ bề trên Reverend Benjamin đến từ Hồng Kông để quản lý các cơ sở này. Năm 1862, Đô đốc - đốc Bonard đã đáp lại yêu cầu của mẹ bề trên Reverend Benjamin cho một cơ sở lớn hơn là một lô đất rộng lớn trên đại lộ de la Citadelle (đường Cường Để - Tôn ĐứcThắng hiện nay), nằm giữa Chủng viện St Joseph và xưởng đóng tàu hải quân. Nguyễn Trường Tộ được bổ nhiệm là kiến trúc sư , và tháng 5 năm 1864 phức trường Sainte - Enfance - bao gồm trẻ mồ côi, nhà nguyện và nhà nguyện tu viện - đã được khánh thành. Hình trên của Émile Gsell chụp năm 1866 tức hai năm sau khi xây xong. Tòa nhà này sau đó vào cuối thế kỷ 19 được thay thế xây lại như còn lại hiện nay (tháp chuông không còn) – (Collection Gsell, 1866, ancien fonds du musée des colonies).


SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
(1828 -1871)




Sinh năm 1828, ở làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, trong một gia đình theo đạo Gia tô, nhưng Nguyễn Trường Tộ học thông tứ thư ngũ kinh của Nho giáo. Năm 27 tuổi, ông được giám mục Gauthier đưa vào chủng viện Tân ấp thuộc xứ đạo Xã Đoài để dạy chữ Hán cho giám mục, và được giám mục dạy lại cho chữ Pháp cũng như kiến thức khoa học châu Âu. Năm 1858, giám mục Gauthier đưa Nguyễn Trường Tộ sang Pháp để tạo điều kiện học tập, nâng cao kiến thức nhiều mặt.


Hơn hai năm ở Paris, chẳng những ông hiểu biết nhiều về khoa học - kỹ thuật, có trình độ như một kiến trúc sư, một người biết khai mỏ, mà còn đọc rộng về các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, pháp luật, v.v... và tìm hiểu được một số hoạt động công nghệ của nước Pháp.

Trên đường đi sang Pháp và trở về Việt Nam, Nguyễn Trường Tộ còn có dịp ghé qua Rome, dừng chân ở Singapore và Hongkong.

Năm 1861, Nguyễn Trường Tộ trở về Tổ quốc, phải cập bến Sài Gòn, khi tỉnh thành Gia Định đã bị quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha chiếm đóng.

Gần ba năm sống trong lòng địch, Nguyễn Trường Tộ bất đắc dĩ phải làm việc với quân Pháp, phiên dịch các công hàm trao đổi giữa triều đình Huế với Soái thủ Pháp ở Gia Định. Nhiều lần ông sửa bớt chữ nghĩa trong công hàm của đôi bên, tránh những lời lẽ quá khích, xúc phạm tới triều đình hoặc phương hại cho việc "tạm hòa". Nhiều lần ông tìm cách thông báo cho các sứ thần của triều đình như Nguyễn Bá Nghi, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ một số âm mưu quỷ kế của giặc Pháp.

Năm 1863, Nguyễn Trường Tộ tìm cách thoát ra khỏi khu vực chiếm đóng của quân Pháp, liên hệ được với triều đình Huế. Từ đây cho đến cuối đời ông viết hàng loạt điều trần, luận văn, tờ bẩm, trình nhiều kiến nghị có tầm chiến lược nhằm canh tân đất nước, tạo thế vươn lên cho dân tộc để giữ nền độc lập một cách khôn khéo mà vững chắc.

Hơn sáu mươi di thảo của Nguyễn Trường Tộ đã sưu tầm được, bàn về nhiều phương diện:

- Về mặt kinh tế, Nguyễn Trường Tộ vạch ra đường lối làm cho "nước giàu mà dân cũng giàu". Ông khuyên triều đình ra sức mở mang nghề nghiệp, học cách làm ăn của các nước văn minh Tây Âu, tránh bế quan tỏa cảng, mời các công ty kinh doanh nước ngoài đến giúp Việt Nam khai thác tài lợi để có thêm của cải và học cho được kỹ thuật cũng như cách làm ăn tiên tiến của họ. Có như vậy mới giữ được độc lập trong tư thế làm chủ đón khách... (xem Dụ tài tế cấp bẩm từ).

- Về mặt văn hóa - xã hội, Nguyễn Trường Tộ khuyên triều đình tìm mọi cách nâng cao văn hóa đất nước theo hướng coi trọng khoa học - kỹ thuật, để sớm nâng cao đời sống của nhân dân. Ông phê phán tình trạng kinh đô Huế luộm thuộm, mất vệ sinh, công thự dột nát, lương bổng quan lại quá ít ỏi,v.v... Ông nêu hàng loạt vấn đề quan trọng như: nên sáp nhập các tỉnh để giảm bớt số quan lại và có điều kiện tăng lương cho quan lại nhằm giảm tệ tham nhũng, khuyến khích tính liêm khiết; đề nghị sửa đổi chính sách thuế, đánh thuế nhà giàu nặng hơn nhà nghèo, đánh mạnh vào xa xỉ phẩm, mặt khác không nên cấm dân dùng đồ đẹp, đồ sang khiến cho văn vật ngày càng kém, áo xiêm ngày càng tồi; đề nghị sửa đổi chế độ thi cử, chú trọng bồi dưỡng nhân tài về nhiều mặt, thành lập các môn học thực dụng, dùng quốc âm trong công văn thay cho chữ Hán, lập địa đồ quốc gia và các tỉnh, kiểm kê dân số, lập trại tế bần, viện dục anh (nhà trẻ), v.v... (xem Điều trần về cải cách phong tục, Học tập bồi dưỡng nhân tài, Tế cấp bát điếu...).

- Về mặt ngoại giao, Nguyễn Trường Tộ phân tích cho triều đình thấy rõ cục diện chính trị trên toàn thế giới, để biết ứng xử một cách linh hoạt (xem Thiên hạ đại thế luận). Ông chỉ ra những mâu thuẫn giữa Pháp với Anh và Tây Ban Nha và khuyên triều đình nên chủ động mở rộng bang giao với nhiều nước, nhất là với nước Anh, để chế ngự bớt tham vọng và khả năng xâm lược của Pháp. Khi nước Pháp có sự biến lớn năm 1870 - 1871, vua Napoléon III mất ngôi, chế độ cộng hòa Pháp phục hồi, Nguyễn Trường Tộ nêu một loạt kiến nghị, hướng dẫn triều đình xúc tiến ngoại giao trực tiếp với Chính phủ Pháp, khéo léo đối phó, ngăn chặn bọn chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Soái phủ Sài Gòn, nhằm tìm cách thu hồi lại sáu tỉnh đã bị chiếm (xem Lục lợi từ và các tờ bẩm cuối năm 1866 đến tháng 2-1871).

- Về mặt quân sự, Nguyễn Trường Tộ tuy là một người "chủ hòa", nhưng không có tư tưởng "chủ hàng" hoặc hòa bình vô nguyên tắc. Năm 1867, ông khuyên triều đình "ra sức cải tu võ bị", đề phòng quân Pháp từ Nam Kỳ đánh lan ra cả nước. Ông là người đầu tiên nêu lên một chính sách quân sự có hệ thống như: trọng võ ngang trọng văn, quý trọng người lính, ưu đãi sĩ quan, biên soạn lý luận binh pháp, đào tạo cán bộ chỉ huy, tạo dựng một quốc thể về mặt binh bị, chuẩn bị điều kiện tác chiến trong thành phố, tìm cách dùng người trong vùng địch chiếm, v.v...

Ngoài những bản điều trần và luận văn tạo nên một công trình trí tuệ vĩ đại vô giá, Nguyễn Trường Tộ còn để lại một số hoạt động thực tiễn xuất sắc như: Năm 1862 - 1863, ông thiết kế xây dựng tòa nhà nguyện của dòng tu nữ ở Sài Gòn. Năm 1864 - 1866, ông thiết kế xây dựng bốn ngôi nhà trong giáo khu Xã Đoài. Mấy công trình này của ông thuộc về những công trình kiến trúc đầu tiên theo kiểu châu Âu ở Việt Nam giữa thế kỷ 19. Cũng giữa những năm 60 thế kỷ 19, khi hoạt động ở quê nhà, ông đã giúp Tổng đốc Nghệ An Hoàng Tá Viêm đào Kênh Sắt, một công trình xưa kia Cao Biền rồi Hồ Quý Ly dự định làm mà không làm nổi. Ngoài ra, ông còn vận động dân chúng ở Xuân Mỹ, quê hương bên nhà vợ ông, cùng nhau dời làng từ trong núi rừng đầy lam chướng ra nơi thoáng đãng, thuận lợi canh tác.

Trí tuệ lỗi lạc của Nguyễn Trường Tộ đã vượt hẳn lên trên tầm thời đại giữa thế kỷ 19 ở Việt Nam. Vua Tự Đức tuy đã có lúc triệu ông "vào kinh để hỏi việc lớn" và phái ông sang Pháp thuê thầy thợ, mua sách vở, máy móc, định du nhập kỹ thuật (năm 1866 - 1867), nhưng nói chung, triều đình nhà Nguyễn cũng như các nho sĩ, văn thân thời ấy chưa hiểu nổi luồng tư tưởng của ông, nên chưa coi trọng đúng mức những kiến nghị cách tân của ông. Trí tuệ lỗi lạc của Nguyễn Trường Tộ bị lãng quên như một luồng ánh sáng rọi vào đám sương mù dày đặc.

Ông chết âm thầm ở làng quê Bùi Chu ngày 10 tháng 10 năm Tự Đức thứ 24, tức 23 tháng 11 năm 1871.

Nguồn: http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/anhhung/nguyentruongto.htm

Trường Trung học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ

Huỳnh Ái Tông

Lược sử

- Năm 1898 trường được thành lập dưới hình thức một TRẠI TẬP NGHỀ
COUR D’APPRENTISSAGE
Tại 25 đường Hồng Thập Tự
Lần lần trường được xây cất thêm và ít lâu sau đổi tên là:
ÉCOLE D’APPRENTISAGE DE COCHINCHINE
- Năm 1904, trường được cải tổ, mở rộng thêm và đổi tên là:
ÉCOLE PROFESSIONNELLE DE SAIGON
Tục danh là Trường Bá Nghệ
Chỉ thu nhận học sinh ngoại trú
Đến năm 1919, Trường thu nhận học sinh nội trú.
 - Năm 1948, Trường cải tiến thêm và đổi tên là:
ÉCOLE PRATIQUE D’INDUSTRIE DE SAIGON
Tuyển học sinh có bằng Sơ học (Certificat d’Études Primaires Complémentaires) Hạn học 3 năm nội trú.
Chương trình học gồm hai phần: Văn hóa và Tập nghề
Học Văn hóa: Tất cả học sinh học chung các môn: Đại số, Hình học, Lý hóa, Cơ khí, Điện, Kỹ nghệ họa, kỹ thuật học, Quốc văn, Pháp văn.
Thực tập nghề: Mỗi học sinh học một trong các nghề sau đây: Nguội, Tiện, Mộc, Hàn, Gò, Đúc + Vẽ kỹ thuật.
Văn bằng tốt nghiệp là: CERTIFICAT D’E1TUDES PRATIQUES INDUSTRIELLES (CEPI)
Ghi chú: Circulaire No 77/P4 ngày 05/03/1942 và Note Postale No 144/P4 ngày 08/04/1942  của Phủ Toàn Quyền Đông Pháp, công nhận bằng CEPI tương đương với bằng Brevet Professionnel Industriel và Diplôme D’E1tudes Primaires Supérieures Indochinoises.
 - Năm 1942, Trường đổi tên là:
ÉCOLE DES MÉTIERS
Hạn học 3 năm nội trú
Văn bằng tốt nghiệp: CERTIFICAT D'APTITUDE PROFESSONNELLE
- Năm 1945, Trường bị quân đội Nhật rồi Pháp chiếm đóng và biến thành Công Binh Xưởng.
- Năm 1946, Trường tạm trú và hoạt động lại trong cơ sở Trường Collège Technique (Kỹ thuật Cao Thắng) và đổi tên là:
CENTRE D’APPRENTISSAGE
Hạng học 3 năm nội trú
Văn bằng tốt nghiệp: CERTIFICAT D’APTITUDE PROFESSIONNELLE
- Năm 1949, Trường dời về cơ sở cũ 25 Hồng Thập Tự, do quân đội giao lại.(Một phần của Trường bị cắt ra, làm trụ sở Cảnh Sát Quận Nhứt), phần còn lại của Trường lấy địa chỉ mới là: 25 bis Hồng Thập Tự.
- Năm 1952, bãi bỏ chế độ nội trú.
- Năm 1957, Trường đổi tên là:
    TRƯỜNG THỰC NGHIỆP SÀIGÒN
- Năm 1959, đổi tên là:
    TRƯỜNG TRUNG HỌC THỰC NGHIỆP
    Hạn học 4 năm ngoại trú
    Văn bằng tốt nghiệp: TRUNG HỌC KỸ THUẬT ĐỆ I CẤP
- Năm 1960, Qua kế hoạch viện trợ COLOMBO, nước Tân Tây Lan viện trợ cho Trường theo một Chương trình dài hạn trang bị Máy móc, dụng cụ cho các Ban trong Xưởng.
nguyen-truong-toTrường Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ tại 25 bis Hồng Thập Tự

- Năm 1962, Trường đổi tên là:
TRƯỜNG TRUNG HỌC KỸ THUẬT NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
Hạn học 4 năm
Văn bằng tốt nghiệp: TRUNG HỌC KỸ THUẬT ĐỆ I CẤP
- Năm 1964, bãi bỏ 2 lớp Đệ Thất và Đệ Lục; tuyển học sinh vào lớp Đệ Ngũ, học sinh học 2 ban riêng biệt như sau:
Ban Kỹ Thuật Toán: Học 2 năm, chương trình gồm 2 phần:
Học Văn Hóa: Gồm các môn Quốc Văn, Công Dân, Sử Địa, Toán, Lý Hóa, Sinh Ngữ (Anh, Pháp) Kỹ Nghệ Họa, Mỹ Thuật Họa.
Thực tập nghề: Mỗi học sinh lần lượt học qua các nghề: Nguội, Mộc, Gò, Điện nhà, Cơ khí (Máy nổ 2 thì).
Văn bằng tốt nghiệp: TRUNG HỌC KỸ THUẬT ĐỆ NHỨT CẤP BAN TOÁN
Học sinh tốt nghiệp được lên học Đệ Nhị Cấp ban Toán ở Trường Kỹ Thuật Cao Thắng.
Ban Chuyên Nghiệp: Học 3 năm, chương trình gồm 2 phần:
Học Văn Hóa: Quốc Văn, Công Dân, Toán Khoa Học, Sinh Ngữ (Anh, Pháp), Kỹ Nghệ Họa
Học Nghề: Mỗi học sinh chuyên học một trong các nghề sau đây:
Nguội, máy Dụng Cụ, Kỹ Nghệ Gỗ, Kỹ Nghệ Sắt, Điện Kỹ Nghệ, Động Cơ (máy xăng và máy dầu cặn), Đúc + Kỹ Nghệ Họa.
Văn bằng tốt nghiệp: TRUNG HỌC KỸ THUẬT ĐỆ NHẤT CẤP BAN CHUYÊN NGHIỆP.
Học sinh tốt nghiệp có thể: - Làm thợ chuyên môn trong các xí nghiệp hoặc thi tuyển vào Trường Bách Khoa Trung Cấp Phú Thọ.
- Năm 1966: Thành lập Dự Án Xây Cất Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ mới ở khu Trường Quân Y cũ nơi góc đường Hùng Vương, Pétrus Ký, nhưng sau trận chiến Mậu Thân, nơi đây làm khu tạm trú cho đồng bào bị hỏa hoạn, sau này không thể lấy lại nên chánh phủ xây Trung Tâm Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ ở Thủ Đức để đền bù cho Trường.
- Ngày 10-9-1969, Trường được dời về tạm trú trong khuôn viên NHA KỸ THUẬT VÀ CHUYÊN NGHIỆP HỌC VỤ, địa chỉ 65 Tự Đức, Quận Nhứt, Sàigòn.
Phan-Dinh-PhungTrường Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ và Trung Tâm Chuyên Nghiệp Phan Đình Phùng trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật Và Chuyên Nghiệp Học Vụ

- Ngày 14-9-1969, Trường khai giảng niên khóa đầu tiên tại cơ sở tạm, học sinh chỉ còn Ban Toán với 2 cấp lớp: Lớp 8 và Lớp 9 ban Kỹ Thuật Toán. Ban Chuyên Nghiệp tạm thời sáp nhập vào Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng.
- Năm 1972, Bộ Giáo Dục giao TRUNG TÂM GIÁO DỤC KỸ THUẬT NGUYỄN TRƯỜNG TỘ tại Thủ Đức cho Ông Phan Kim Báu Hiệu Trưởng Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, Trung Tâm có nhiệm vụ đào tạo học sinh Trung Học Ban Toán, Ban Chuyên Nghiệp và đào tạo Giáo Sư Chuyên Nghiệp, nói chung là sáp nhập hai trường Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ và Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật (được thành lập năm 1962). Ban Giám Đốc cũng như toàn thể giáo sư sau vài tháng nhận trường, đã quyết định không di chuyển về trường mới, giao hẳn Trường cho Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật. Trường Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ vẫn tiếp tục hoạt động trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật Học Vụ.
- Năm 1973, Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, chuyển thành Trung Học Kỹ Thuật Đệ Nhị Cấp, bao gồm học sinh Nguyễn Trường Tộ và Kỹ Thuật Gia Định.
Ngoài việc đào tạo học sinh Ban Toán, Trường còn mở thêm Ban Thương Mại, Họa Viên Kiến Trúc.
- Cho đến năm 1975, Trường bàn giao cho Ban Quân Quản Sàigòn - GiaĐịnh. Sau đó hai Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ và Trung Tâm Chuyên Nghiệp Phan Đình Phùng, sáp nhập lại đặt trực thuộc Sở Công Nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cải danh là:
TRƯỜNG KỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Trường vẫn tọa lạc tại địa điểm cũ nhưng dùng cổng số 2 đường Phạm Đăng Hưng, nay đổi thành đường Mai Thị Lựu, Trường được sử dụng thêm 6 lớp học, sát đường Phạm Đăng Hưng.

- Đến năm 1982, Trường Kỹ Thuật Công Nghiệp và Trường Nghiệp Vụ tọa lạc tại số 2 Cao Thắng, Quận 3 sáp nhập lại thành:
TRƯỜNG KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Đến tháng 3 năm 1998, Trường được đổi tên là:
TRƯỜNG TRUNG HỌC CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Từ ngày 26-12-2011 nâng cấp thành
TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
 SanTruong-nguyen-truong-toSân Trường Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ ngày nay.
Nguồn: T1 Nguyễn Trường Tộ



DI SẢN VẬT THỂ SÀI GÒN 300 NĂM:

Dòng Saint Paul và dấu ấn kiến trúc Nguyễn Trường Tộ

18/10/2015 - 11:33 AM
Với kiến trúc nhà dòng Saint Paul, chúng ta tự hào rằng tại Sài Gòn năm 1864 đã có một công trình kiến trúc kiên cố đầu tiên lại do chính kiến trúc sư người Việt thiết kế và xây dựng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhận xét: “Dinh Thống đốc mà người Pháp còn phải mua của người Anh ở Singapore mang qua Sài Gòn lắp ráp thì với công trình tuyệt vời này đủ thấy người Việt Nam giỏi đến mức nào rồi”.
Khi đi ngang ngôi nhà trắng tại số 4 Tôn Đức Thắng, quận 1 (trước là Cường Để) mọi người chỉ biết đây là một nữ tu viện. Tòa nhà này trước kia còn được gọi là “Nhà Trắng”, không phải vì sơn toàn màu trắng như tòa Bạch Ốc (White House) mà vì ngôi nhà này được xây dựng và làm chủ bởi những nữ tu dòng Saint Paul de Chartres (Thánh Phaolô thành Chartres) “trinh bạch từ linh hồn đến những chiếc áo dòng trắng toát”. Trước năm 1975, trong nhà dòng này có một trường tư thục với các lớp từ mẫu giáo tới tú tài với số lượng 1.600 học sinh (có ký túc xá cho học sinh nội trú). Sau năm 1975, có một thời gian là trường sư phạm mầm non. Nếu ai có dịp vào đây sẽ choáng ngợp với không gian rộng rãi, khoáng đãng với kiến trúc ba khối nhà: cô nhi viện, nhà nữ tu ở và khu nhà nguyện. Khu nhà nguyện có thiết kế đặc biệt, nhìn từ trên cao xuống rất giống cây thánh giá, bên trong có thêm nhiều cột đỡ vững chãi, phía trước là một sân cỏ rộng với tượng thánh bổn mạng của dòng Phaolô.
Một thiết kế theo nhận định của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ: “Một giáo đường huy hoàng với đường nét thẩm mỹ lối Gothique. Các khu vòm hình liềm cung, đua nhau vượt lên tới 20 thước, không một chút chạm trổ hoa hòe… Làm cho khách tưởng nhớ đến giáo đường “Sainte Chapelle”… Cảm tưởng nhẹ nhàng vì sự thành công của vị kiến trúc sư làm cho ai vào đó cũng cảm thấy thoát tục”.
Kiến trúc sư “thầy Học”
Theo các tài liệu lịch sử truyền giáo, vào ngày 20.5.1860, các nữ tu dòng Thánh Phaolô gốc ở thành Chartres (Soeurs de Saint Paul de Chartres) từ Hong Kong đặt chân đến Sài Gòn. Họ cùng tạm định cư tại một căn nhà nhỏ vùng chợ cũ cùng các nữ tu dòng kín (đến Sài gòn năm 1861). Vào tháng 9-1862, mẹ bề trên dòng thánh Phaolô Benjamin khởi công xây cất nhà giám tỉnh tại khu đất Đường Thành (Rue de la Citadelle). Toàn bộ công trình này hoàn thành vào ngày 10.8.1864. Và trong bản thảo viết tay của mẹ Benjamin chỉ ghi lại tên kiến trúc sư là Thầy Học.
Lúc ấy các bà phước chẳng biết kiến trúc sư “Thầy Học” là ai. Không biết trước đây đã có tài liệu nào xác minh Thầy Học là ai chưa. Riêng cụ Vương Hồng Sển trong quyển Sài Gòn năm xưa in năm 1958 cho biết: “Tương truyền nhà lầu cao lớn nơi đây là do ông Nguyễn Trường Tộ năm xưa đứng coi xây cất”. Vậy Thầy Học hay ông Nguyễn Trường Tộ là người thiết kế, xây cất tòa nhà này?Trong tạp chí Văn Đàn (số 4-1961, Sài Gòn) ông Phạm Đình Khiêm đã công bố nhiều tài liệu trong thư khố tu viện đã chứng minh Thầy Học chính là ông Nguyễn Trường Tộ.
Một góc khu nhà nguyện vẫn nguyên vẹn như xưa. Ảnh chụp ngày 10.10.2015. Ảnh: HTD
Trước hết, các soeur gọi ông Nguyễn Trường Tộ là Thầy Học vì ông đã từng làm thầy dạy học cho nhà chung. Cách gọi này đã được ghi một cách chính thức trong một tập tài liệu viết tay tên là La Création des Établisements des Soeurs de Saint Paul de Chartres en Extrême-Orient (Ký sự về việc thành lập các cơ sở dòng Nữ tu thánh Phaolô thành Chartres tại Viễn Đông) do mẹ Benjamin, người sáng lập “Nhà Trắng” soạn thảo.
 “… Được khu đất tốt đẹp như vậy lại chán cảnh tạm bợ nhiều khi còn tốn kém hơn, bà bề trên bèn quyết định xây nhà vững chắc. Bà bàn tính công việc xây cất ấy với Đức cha Gauthier và cha Croc, các vị ấy đồng ý rằng khi trở về đàng ngoài, sẽ để Thầy Học ở lại điều khiển các công tác”.
Trong ký sự còn xác định: “Ông là một giáo hữu Đàng-Ngoài”. Điều này đã xác nhận thời gian sau khi thôi học, ông Nguyễn Trường Tộ mở trường dạy chữ Hán tại nhà, rồi được mời dạy chữ Hán trong nhà chung Xã Đoài (nay thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Tại đây, năm 1846 ông được giám mục người Pháp tên là Gauthier dạy học tiếng Pháp và giúp cho có một số hiểu biết về các môn khoa học thường thức của phương Tây.
Cuối năm 1858, ông đi cùng Giám mục Gauthier vào Đà Nẵng tránh nạn “phân sáp” (sáp nhập hai, ba gia đình Công giáo vào trong một làng không Công giáo, chứ không cho ở tập trung như trước). Đầu năm 1859, Giám mục Gauthier đưa ông sang Hương Cảng (Hong Kong) và Pháp. Trong tập Sự tích ông Nguyễn Trường Tộdo con ông là Nguyễn Trường Cửu ghi chép giai đoạn ông Nguyễn Trường Tộ đi Pháp như sau: “Rồi sang nước đại Pháp, ở kinh thành Ba Lê, là kinh đô, đi du lịch xem chính trị, học hành, kỹ nghệ, phong tục nước đại Pháp. Khi nghe “lặng sáp” rồi (ý nói chấm dứt tình trạng phân sáp như nói ở trên - LVN) thì Đức cha Hậu lại đem ông Tộ và các cụ về nhà chung”.
Vẫn theo ông Cửu thì chính mẹ bề trên phải thỏa thuận với Đức cha Hậu để xây cất Nhà Trắng. Câu hỏi đặt ra là tại sao mẹ Bejamin lại chọn Nguyễn Trường Tộ mà không chọn những kiến trúc sư Pháp vì chính Nguyễn Trường Tộ đã chứng minh được với mẹ bề trên và Đức cha là một người có khả năng về kiến trúc khi về nhà chung (Xã Đoài) đã “làm lại nhà hai tầng cho Cố giữ việc ở và nhà Tràng Latin ba tầng hình chữ thập gọi là “nhà tây” cho học trò Latin ở và học cùng làm nhà thờ Đức Bà riêng cho học trò, theo mẫu nhà thờ Đức Bà hiện ra thành Lộ Đức (Lourdes) đẹp lắm và ở ngoài xây tường cải hoa lộng, giống các sắc hoa tây nam rực rỡ xanh tươi vui mắt, rầy (bây giờ) hư rồi. Đoạn tậu vườn làm nhà ở phía bắc nhà chung, rồi vào Gia Định làm sở nhà bà phước cho các người nhà mụ Tây ở…”.
Theo tác giả Trương Bá Cần, trong các công trình do Nguyễn Trường Tộ xây cất ở Xã Đoài, nay chỉ còn lại nhà tràng Latin (tức tiểu chủng viện) ba tầng, hình chữ thập gọi là “nhà Tây”, chứ tòa giám mục và các nhà phụ thuộc đều đã bị bom Mỹ đánh sập.
Dấu ấn kiến trúc tại Sài Gòn
Riêng Giám mục Gauthier thường gọi Nguyễn Trường Tộ bằng danh hiệu “kiến trúc sư”, mặc dù ông Tộ chưa một ngày học qua ngành kiến trúc như trong thư gửi Hội Truyền giáo nước ngoài ở Paris (đề ngày 1-1-1870), Giám mục Gauthier viết: “... Người ta quen gọi là kiến trúc sư vì ông ta (chỉ ông Tộ) đã xây ngôi nhà ba tầng của các nữ tu Sài Gòn, một nhà nguyện và một ngọn tháp cao nổi bật...” (dẫn lại theo Nguyễn Bá Cần).
Có lẽ do thiên bẩm, óc quan sát, thực nghiệm khi được ra nước ngoài trước kia, ông có ở Hong Kong ít lâu và trong thời gian ngắn ngủi tại thuộc địa này của người Anh, ông đã thấy được cách thức và thể loại kiến trúc của châu Âu. Trước đó, ông đã được ngợi ca là một kiến trúc sư tài năng trong quyển II, trang 731 của tạp chí La Semaine religieuse (Paris, năm 1867):
… Người Đông phương ở trong phái ủy thì có hai ông quan và một người kiến trúc sư Công giáo, có trí nhớ lạ lùng, tài năng lỗi lạc và chính là người đã xây giáo đường của ta ở Sài Gòn”. Hai ông quan là Nguyễn Tăng Doãn và Trần Văn Đạo, còn người kiến trúc sư tài năng lỗi lạc ấy chính là ông Nguyễn Trường Tộ.
Linh mục Le Mée (thừa sai Paris) trong một bức thư đăng trên tập san Missions Catholiques năm 1876 có nói về công việc ấy như sau: “Đức Giám mục Gauthier và linh mục Croc đã đem theo một nho sĩ Bắc Kỳ, tên là Lân (tức Nguyễn Trường Tộ). Với trí thông minh hiếm có, lại được gợi ý và được thúc đẩy bởi sự nhiệt tình và tận tụy của Giám mục Gauthier, nho sĩ Bắc Kỳ này, vì tình yêu Thiên Chúa, đã nhận đứng ra đốc suất công việc. Thời đó ở Sài Gòn chưa có một công trình nào làm kiểu mẫu. Với đề án của tu viện và nhà nguyện do nữ tu Benjamin cung cấp, ông ta đã phác họa được một họa đồ phối cảnh chung và thực hiện công trình nhờ sự cộng tác của các công nhân người Việt. Chính ông đã phải vẽ sơ đồ của tháp chuông và tự mình trông nom công việc một cách rất cẩn thận và chính ông đã hoàn thành nhiều phần khác của công trình. Mỗi ngày người ta thấy ông có mặt ở công trường và để ý tới từng chi tiết. Phải thú nhận là nếu không có ông thì không thể thực hiện được một công trình như vậy vào một thời điểm mà ở Sài Gòn chưa có thợ cũng như chưa có nhà thầu...”.
Rất tự hào khi Sài Gòn được nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ để lại dấu ấn về kiến trúc như lời kiến trúc sư Ngô Viết Thụ: “Kính phục, vì ai ngờ ngoài cái tài chính trị, kinh tế và óc duy tân, cụ lại có tài kiến trúc đến như thế…”.
                                                              Lê Văn Nghĩa (nguồn Pháp luật TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...