Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Di sản Vật thể Sài Gòn 300 năm: 

Dấu ấn tòa nhà Hải quan

TIM DOLING - Chủ Nhật, ngày 11/10/2015 - 06:10
 (PL)- Tồn tại gần 150 năm, Cục Hải quan TP.HCM ngày nay vẫn giữ trọn hồn vía kiến trúc thuộc địa cùng lịch sử, văn hóa và câu chuyện ly kỳ về chủ nhân đầu tiên của nó. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu văn hóa người Anh về tòa nhà này.
Nằm ở số 2 Hàm Nghi, quận 1, TP.HCM, Cục Hải quan hồi xưa là Hôtel des Douanes, do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Alfred Foulhoux xây năm 1885-1887. Giống như hầu hết tòa nhà kiểu thuộc địa của TP, tòa nhà Cục Hải quan không được công nhận là di sản TP, do đó không được pháp luật bảo vệ.
Sang trọng đến nỗi làm chính quyền… mắc cỡ
Thực ra Cục Hải quan đã được xây lại lần thứ hai từ căn nhà gạch ba tầng của thương nhân giàu có Wang Tai, người Quảng Đông, độc quyền buôn bán thuốc phiện ở Nam Kỳ giai đoạn 1861-1881.
Khánh thành năm 1867, tòa nhà nổi tiếng này có tên Maison Wang-Tai/Nhà Wang-Tai hay Hôtel Wang-Tai/Văn phòng Wang-Tai, sang trọng tới nỗi làm chính quyền thuộc địa... mắc cỡ vì lớn hơn cả dinh thống đốc đầu tiên vốn là ba tòa nhà bằng gỗ nhập cảng từ Singapore.
Wang-Tai cho thuê bớt một số phòng. Một trong những người thuê nổi tiếng nhất chính là Tòa Đô Chánh đầu tiên của TP Sài Gòn, thuê toàn bộ tầng một năm 1869. Wang Tai sau đó dời tất cả hoạt động buôn bán vào Chợ Lớn và năm 1874 cho phép xây Maison Wang Tai thành khách sạn Cosmopolitan theo tiêu chuẩn châu Âu. Có lẽ vì có khách sạn ở vị trí này nên con hẻm đằng sau khách sạn - suốt thời kỳ thuộc địa được gọi là “rue des Fleurs” - thành đường các cô gái “bán hoa”.
Năm 1881, chính quyền Pháp chấm dứt sự độc quyền vận chuyển và chế biến thuốc phiện của Wang Tai. Năm sau, người Pháp mua lại tòa nhà Wang-Tai với giá 200.000 francs và đổi thành trụ sở Thuế và Hải quan (Direction des Douanes et Régies). Sự chuyển đổi này, trớ trêu thay, không có gì khác hơn chỉ là chuyển độc quyền kiểm soát buôn bán thuốc phiện béo bở từ Wang Tai sang chính phủ.

Rồi họ nhanh chóng nhận ra rằng tòa nhà cũ không đủ rộng như dự tính. Hình ảnh còn lại từ bản gốc Maison Wang-Tai cho thấy phía trước cả ba tầng có ban công rộng lớn khiến không gian văn phòng bị hẹp lại. Trụ sở Thuế và Hải quan cần rộng thêm nên năm 1885 kiến trúc sư trưởng Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892), Tiểu ban Kiến trúc Nam Kỳ, được giao nhiệm vụ xây dựng lại Maison Wang-Tai thành Hôtel des Douanes mà ta thấy hôm nay.

Trụ sở Hải quan TP.HCM là một trong những công trình lớn và đẹp nhất Sài Gòn được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 còn tồn tại đến nay. Ảnh: HTD
Cuộc “lột xác” từ tay vị kiến trúc sư tài ba
Công việc của Foulhoux tưởng là đơn giản, tức chỉ xây lại hầu tận dụng tối đa tòa nhà lớn đó mà vẫn giữ lại ba tầng và những bức tường ban đầu. Mặc dù vậy, một Foulhoux tài ba đã cho ra đời một kiến trúc đẹp nhất TP Sài Gòn với đường nét tân cổ điển, nguy nga mà vẫn thanh lịch trong từng chi tiết.
Phần mà khách du lịch ngày nay ngưỡng mộ nhất là trang trí mặt tiền. Nhà văn kiêm nhà báo và cũng là chuyên gia về Đông Dương, Jules Boissière (1863-1897) chỉ ra rằng ở tầng thứ ba, phù điêu giữa các cửa sổ chính là cây thuốc phiện, nguồn doanh thu quan trọng nhất của chính phủ Nam Kỳ những năm 1880.
Foulhoux cũng là kiến trúc sư vẽ và xây Bưu điện Sài Gòn, một tòa nhà mà du khách và cư dân đều yêu mến từ sàn gạch bông tới màu sơn vàng nhạt. Ngày nay, Hôtel des Douanes xây dựng từ tay Foulhoux 130 năm trước vẫn là cơ quan hải quan. Nhiều lo ngại rằng một công trình kiến trúc lớn như vậy vẫn chưa được công nhận là di sản thì biết đâu nó có thể bị hủy bỏ chỉ vì ý thích đột ngột của người sử dụng.
Di sản là sự tiếp nối với quá khứ. Trong một nghĩa nào đó, di tích nối người Việt với quá khứ và tương lai, cũng nối chúng ta với thế giới bên ngoài.
Vì vậy, tòa nhà Hải quan hiện nay cần được coi là di sản và có kế hoạch bảo tồn.
TRẦN THỊ VĨNH TƯỜNG lược dịch
TIM DOLING 
Cùng với tòa nhà Hải quan, một số di tích đang có nguy cơ biến mất khỏi TP.HCM khi TP thay áo mới.
Các cửa hàng ở cửa Tây chợ Bến Thành
Nằm ngay góc đường Lê Lai - Phan Chu Trinh là một trong các công trình mang sự pha trộn giữa các kiểu nhà truyền thống châu Á nhưng vẫn phảng phất chút nét Âu.
- 136 Hàm Nghi: Ít ai biết rằng tòa nhà trụ sở đường sắt Sài Gòn đã có mặt ở đất Gia Định xưa hơn một thế kỷ. Gần đây, tòa nhà đã được tân trang, sơn lại và được đưa vào dự án tái phát triển thành văn phòng và căn hộ cho thuê.

- 606 Trần Hưng Đạo: Được xây dựng vào năm 1932 bởi Công ty Nhượng quyền Xổ số từ thiện Samipic. Sau năm 1954, lần lượt tòa biệt thự này đã trở thành trụ sở của quân đội Mỹ và lực lượng vũ trang Hàn Quốc.

- 164 Đồng Khởi: Vào năm 1977, nơi đây là bót Catinat trứ danh ở Sài Gòn. Bót Catinat cũng được biết đến như nơi làm việc của thanh tra Vigot, một thám tử người Pháp chịu trách nhiệm điều tra về cái chết của mật vụ CIA Mỹ Alden Pyle trong tác phẩm Người Mỹ trầm lặng (The Quiet American). Đã trải qua một lần được xây dựng lại vào năm 1933, hiện nay bót Catinat là Sở VH&TT TP.HCM.

- 151 Đồng Khởi: Đầu thế kỷ 20, tòa nhà này được xây dựng lại dựa trên tiền thân của khách sạch “Grand Hôtel de France” (xây dựng năm 1870). Đến cuối thời kỳ thuộc địa, tầng trên của tòa nhà này được sử dụng làm căn hộ cho thuê, còn tầng trệt dùng để mở cửa hàng kinh doanh. Điều đặc biệt của tòa nhà này chính là rạp Catinat-Ciné được đưa vào sử dụng vào năm 1930. Ngày nay, vách tường khảm moisaic của rạp chiếu bóng xưa vẫn còn tồn tại trong L'Usine café.
- Xưởng tàu Ba Son: Di sản hàng hải lâu đời và quan trọng bậc nhất ở Sài Gòn đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia (Nghị định 1034-QĐ/BT) bởi Bộ Văn hóa và Thông tin vào năm 1993. Trong vài năm qua, một vài chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã đề nghị biến khu xưởng tàu này thành khu giải trí phức hợp như khu South Street Seaport của New York.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...