Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

TRUYỀN  HÌNH GIÁO DỤC ĐẮC  LỘ  TRƯỚC 1975



Trước 30 tháng 4 năm 1975 ở miền nam Việt Nam ngoài các đài truyền hình của chính phủ VNCH và đài truyền hình quân đội Hoa Kỳ còn có một đài truyền hình nói cho đúng hơn là một studio truyền hình của một đoàn thể Thiên chúa giáo, đó là truyền hình giáo dục của trung tâm Đắc Lộ đặt tại số 171 Yên Đổ, quận 3, hoạt động bắt đầu từ năm 1972 và chấm dứt vào 30 tháng 4 năm 1975. Đài này được lập ra nhằm mục đích tạo ra những chương trình giáo dục thanh thiếu niên và cung cấp cho đài truyền hình Việt Nam 9. Riêng tôi có một thời gian làm trong phòng sinh viên vụ tại đây nên ít nhiều cũng có hiểu biết về trung tâm này. Bài này tôi lấy từ trang web Dòng tên Việt Nam.





                    Vì hoàn cảnh chiến tranh và một phần lớn là do “Tâm lý chiến”, làn sóng Truyền hình đã du nhập vào Sài-gòn giữa thập niên 1960. Năm 1966-1967, điểm phát sóng đầu tiên phát xuất từ máy bay Mỹ, phủ sóng TP Sài-gòn, từ PhanThiết đến Cần Thơ. Rồi cơ sở phát sóng được xây dựng từ 1970 đến 1975 nhưng nội dung ít đề cập đến lãnh vực giáo dục. Trong bối cảnh đó, đã ra đời :


TRUYỀN  HÌNH GIÁO DỤC ĐẮC  LỘ


 Bước đầu : Vào năm 1968-1969, các linh mục Dòng Tên được Chính phủ đương thời đề nghị mở một trường Đại học công giáo để tiếp nối công tác giáo dục của các trường Tiểu học và Trung học công giáo đã có từ nhiều năm, song chưa hề có cấp Đại học. Các linh mục liền nghiên cứu tình hình dân chúng, mức sống cùng trình độ kiến thức của quần chúng thì thấy rõ là số người mù chữ và thất học còn rất đông. Do đó mở Đại học không phải là một nhu cầu cấp bách bậc nhất trong thời điểm này. Giáo dục ưu tiên phải dành cho người dân nghèo đang sa đọa  trong bùn lầy của dốt nát. Chỉ có giáo dục qua làn sóng điện tử mới đến được các vùng nông thôn hẻo lánh, vùng núi khắc khổ và xa xôi. Từ nhận định này, Dòng Tên đã khép lại dự kiến Đại học để mở một trung tâm chuyên nghiên cứu và phát sóng truyền thông những kiến thức cơ bản giúp sự phát triển và thăng tiến những người nghèo đói, không có công ăn việc làm, bệnh hoạn… vì thất học.
Người có sáng kiến trong lĩnh vực này là cha Desautels. Trong các cha thì cũng có những người có kinh nghiệm về giáo dục truyền hình, quan trọng nhất là cha Sesto Quercetti, cha người Ý, rất thông minh. Cha học tiếng Việt ở Giáo Hoàng Học Viện. Khi cha đến Đắc Lộ làm việc thì đã nói được tiếng Việt rất giỏi. Tôi[2] lấy một ví dụ: Cha lấy tên Việt Nam là Hoàng Văn Lục, Lục là Sáu, Sesto là sáu. Tôi khá thân với cha, vì lúc đó muốn mở trường giáo dục truyền hình thì phải có người được đào tạo chứ không phải tự nhiên mà làm được. Các cha Dòng Tên lúc đó kêu gọi sơ bề trên của dòng tôi là Dòng Đức Bà cho người cộng tác với các cha. Làm sao mà cộng tác khi chưa được đào tạo?
Và để thực hiện dự kiến trên, không những cần có hệ thống  trang thiết bị kỹ thuật để lên chương trình phát sóng mà còn cần có đội ngũ sản xuất chuyên môn từ kỹ sư điện tử đến biên tập, đạo diễn, kỹ năng dàn dựng, âm nhạc, diễn xuất, kịch nghệ v.v. Ở đâu tìm ra những tay nghề này ?
Vì hội Dòng chúng tôi chuyên lo giáo dục, các linh mục Dòng Tên ngỏ lời kêu mời cộng tác vào ngành Giáo dục truyền hình. Để đáp lời yêu cầu đó, tôi được chị Phụ trách Tỉnh dòng Việt Nam đề nghị đi Anh quốc theo học một khóa huấn luyện của cơ quan CETO thuộc Anh quốc (Center for educational television overseas) là một trung tâm đào tạo những nhà giáo dục truyền hình nắm được nghệ thuật và kỹ thuật chuyên môn cần thiết cho ngành sư phạm mới mẻ này. Đặc biệt là về công tác đạo diễn.
Lúc đó tôi đang ở Pháp. Muốn học truyền hình phải giỏi tiếng Anh, mà lúc đó tôi không biết tiếng Anh (biết rất ít). Vì vậy tôi phải sang Anh ba tháng, học để thi bằng “lower certificate of cambridge”. Đây là cấp thấp nhất (tú tài), sau đó mới đến cấp cử nhân. Học xong khóa này thì tôi học khóa về giáo dục truyền hình. Chính cha Desautels giới thiệu cho tôi học chương trình này. Tôi học khá lắm vì biết tiếng Pháp, Latinh, Anh  và có kinh nghiệm giáo dục nữa. Muốn vô cái trung tâm này thì phải có thâm niên đi dạy, có kinh nghiệm giáo dục chứ không dễ mà vào được.
Ngày đầu tiên họ không dạy học nhưng dẫn đi coi các trang thiết bị, rồi họ giới thiệu các nhà hàng thuộc từng quốc gia, … chương trình giáo dục rất thực tế. Sau khoá học, tôi được đi tham quan để học thêm về Giáo dục truyền hình ở vài nước tiền phong về ngành này như : Nhật Bản, Chi Lợi, Mỹ  như đã trình bày ở trên …  để tiếp thu những gì có thể hữu ích cho bối cảnh xã hội Việt nam.
Về nước năm 1972, tôi được mời làm phó giám đốc trung tâm truyền hình Đắc Lộ, tọa lạc tại đường Yên Đổ, bây giờ là đường Lý Chính Thắng. Giám đốc là linh mục Sesto Quercetti[3]. Cùng cộng tác với ngài có một đội ngũ chuyên môn gồm các tu sĩ Dòng Tên người Iphanho, Pháp, Canada và một số đồng nghiệp Việt Nam. Chúng tôi cùng nhau lên kế hoạch chương trình đáp ứng nhu cầu của đại đa số quần chúng ở nông thôn cũng như thành thị, tại đồng bằng cũng như vùng núi. Công tác này đòi hỏi điều tra, nghiên cứu, học hỏi, tiếp thu từ mọi giới, mọi cảnh ngộ. Rồi lần lượt, sau nhiều mày mò cố gắng, những loạt chương trình sau đây đã ra mắt với khán thính giả :
Loạt “BÓNG MÁT GIA ĐÌNH ” triển khai phương pháp giáo dục gia đình.
Loạt “SỨC KHOẺ LÀ VÀNG ” nhắm giáo dục vệ sinh , y tế, bảo vệ sự sống, kế hoạch hóa sinh sản, phòng bệnh, chữa bệnh kể cả những bệnh phức tạp như lao phổi, phung cùi …
Loạt “THỰC PHẨM VÀ CHÚNG TA” phương pháp dinh dưỡng để bảo vệ sức khoẻ cho từng lứa tuổi, đặc biệt cho giới bình dân.
Loạt  “HỒN NƯỚC ” trình bày lịch sử và địa lý đất nước Việt Nam.
Loạt “SƠN CA” hướng về giáo dục thiếu nhi.
Loạt “EM YÊU KHOA HỌC” nhắm đến giải thích vật lý cho thiếu niên.

Phương Pháp Dàn Dựng :
Để giúp khán thính giả dễ tiếp thu nội dung chương trình, chúng tôi không “lên bục giảng bài” trên màn ảnh, mà truyền đạt bài học bằng những hoạt cảnh, những vở kịch, những câu chuyện dễ gây hứng thú, để mọi người sau khi nghe – nhìn các  sinh hoạt trên màn ảnh, dễ dàng kể lại cho ngườl khác những gì mình đã chứng kiến. Vì khán thính giả bình dân không thể ngồi nghe giảng dạy như học sinh trong trường lớp, chúng tôi thành lập một nhóm diễn viên cùng chúng tôi dựng kịch, kể cả hài kịch, có khi đệm cải lương , vọng cổ… để gây hứng thú giúp khán giả dễ nhập tâm hơn.

Phương Pháp Làm Việc Tại Phim Trường
Nhờ có một phim trường – studio – rộng thoáng 50m vuông, trang thiết bị tương đối đầy đủ, sau khi kịch bản được thảo luận và thông qua, chúng tôi xông vào “chiến trường” để mỗi người cùng “ tác chiến”, thi hành nhiệm vụ của mình : từ dựng cảnh, chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, máy thu hình, trang trí, thiết kế, trang phục, diễn xuất… dưới sự điều khiển của đạo diễn và của phụ tá đạo diễn. Bao giờ có lệnh “Stand by” ( Hãy sẵn sàng ) là các bộ phận chuẩn bị phát động theo lệnh của đạo diễn, từ tập dượt đến thu hình…
Cứ  sáng thứ hai mỗi tuần, các tác phẩm đã hoàn thành được chiếu lên màn ảnh để đội sản xuất cùng ban Giám đốc kiểm duyệt, lượng giá (có người nói chỗ này rất tốt, nhưng thiếu chỗ này, thêm chỗ kia, bỏ cái này… ), nếu cần sửa chữa trước khi đưa đi phát sóng.
Trong studio thì cha Desautels lo về máy móc.
Tôi là người phụ trách tất cả các kịch bản: viết + kiểm duyệt các kịch bản do người khác viết. Lúc đó ít người viết lắm.
Vấn đề sức khỏe trong các chương trình thì chúng tôi nhờ ông nha sĩ.
Tại trung tâm truyền hình Đắc Lộ, cha Quercetti chỉ là giám đốc thôi chứ không xuống làm cái này cái nọ trong các công đoạn làm phim. Cách làm phim như sau: thứ nhất trung tâm có một đội ngũ diễn viên, chúng tôi chọn một vài người có tinh thần (vì những người có lý tưởng mới làm cái nghề này được), biết đóng kịch, biết hát vì nhiều khi trong cái băng đó nhân vật phải biết hát vọng cổ, cải lương (vì như vậy dân mới thích), phải biết đóng vai này vai kia. Thực tế dàn viễn viên chỉ có bốn, năm người thôi nhưng họ có tài diễn xuất, là những diên viên chính. Còn diễn viên phụ thì tận dụng nhiều người khác nhau, ví dụ nhiều khi đem thằng con nít vào cho nó đóng vai bị mẹ đánh. Biên tập viên thì ít lắm, chỉ có tôi và thêm một hai người nữa là nhiều rồi.
Tôi phải đọc hết các kịch bản, rồi đưa cho cha Quercetti đọc, sau đó xuống phân công các vai và phân chia trách vụ (người lo ánh sáng, âm nhạc, thu thanh…). Thường thì đóng phim trong phim trường (studio), nhưng nhiều khi cần thì đi quay ở ngoài, ví dụ như ngoài chợ, trên bờ sông, trên đồng ruộng nơi những người nông dân đang làm việc cực nhọc. Để trình bày cho người dân biết cách trồng lúa, chăn nuôi, trồng cây v.v… thì chúng tôi phải đi quay thực địa. Thành ra các chương trình truyền hình rất gần với đời sống chứ không chỉ trên sân  khấu mà thôi. Sân khấu là nơi diễn tả lại những thực tại nơi cuộc sống của con người, đưa ra những giải đáp cho những khó khăn mà con người gặp. Cho nên khi các cán bộ nhà nước qua xem các chương trình chúng tôi đã làm, đến chỗ em yêu khoa học, họ phục lắm: “trình độ khá quá, có kiến thức, có tâm hồn”. Vì mình làm vì ích lợi người dân chứ không vì lợi cho ai hết.

Câu Lạc Bộ Truyền Hình Giáo Dục
Phim tốt rồi thì đem đi đâu chiếu? Trước hết là nhắm đài truyền hình thời đó (do Mỹ quản lý). Nhưng điều này thì không dễ vì đài Truyền hình Sàigòn thời đó quan tâm đến tình hình chính trị nhiều hơn là giáo dục, chương trình Đắc Lộ chỉ được phát sóng rất ít và rời rạc. Chúng tôi phải lập những “Câu lạc bộ truyền hình” (téléclub) với những nhóm đi chiếu dạo ở một số điểm thuận lợi, mang theo đủ thứ dụng cụ cần thiết như màn ảnh, ống loa, máy phát điện, bàn đạo diễn… Vì tình hình chiến sự, “câu lạc bộ truyền hình không thể ra miền Trung, Nam Trung Bộ nhưng chủ yếu là về các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long như: Tiền Giang, Mỹ Tho.
Quan trọng nhất là chương trình “nhà giáo truyền hình”, người hướng dẫn khán thính giả nắm bắt và khai thác mọi khía cạnh hữu ích của bài học xuyên qua màn chiếu. Đồng thời  người phát hình cũng trao đổi để tiếp thu phản ứng của người xem. Điều nầy là cần thiết vì giáo dục không phải là nhồi nhét, mà là một cuộc đối thoại giữa người nói và người nghe. Nhờ vậy mà Câu lạc bộ học được nhiều ở quần chúng qua những phản ứng bất ngờ của họ, có khi được khán giả “sửa sai”, hai bên đều là đối tác có khi giúp chúng tôi dàn dựng lại đầy đủ và phù hợp hơn đối với bối cảnh, tâm lý người địa phương. Khi có  những trường hợp thuận lợi, chúng tôi mời một vài khán giả đóng vai và phát biểu trực tiếp trong chương trình được tái bản. Phương pháp đối thoại này tuyệt vời vì nó không độc thoại mà là đối thoại. Nhiều khi mình phê phán mê tín dị đoan thì họ cãi lại. Mình thu điều họ cãi lại đó (vì họ cũng có cái lý của họ) để lần sau mình bổ túc cho chương trình của mình, và mình tôn trọng cảm nghĩ của họ. Mình nhận những cảm nghĩ của họ, nếu tốt thì mình lưu trong chương trình. Các chương trình của mình hoàn toàn không đả động gì tới tôn giáo cả.
Trước cố gắng năng động và kiên nhẫn của Truyền hình Đắc Lộ, đài truyền hình Sàigòn thỉnh thoảng lại đề nghị cho vài chủ đề của Đắc lộ được phát sóng. Sau đây là nhận xét của tác giả cuốn “ Tiến trình du nhập TRUYỀN HÌNH vào Sàigòn và sự phát triển kỹ thuật truyền hình tại TP Hồ Chí Minh” (trang 27) của kỹ sư Đặng Tấn Mầu, năm 2007:  “Đài Truyền hình Đắc Lộ đã làm cho số lượng các chương trình Sàigòn phong phú hơn, đa dạng hơn. Một số các chương trình văn hoá, khoa học, giáo dục, y tế, phổ biến kiến thức, có những yếu tố tích cực nhất định.”

TRUYỀN  HÌNH  GIẢI  PHÓNG
Đến bước ngoặt lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, liệu Truyền hình Đắc Lộ là một  tổ chức của linh mục và tu sĩ công giáo có thể tồn tại không? Vì mục tiêu giáo dục phục vụ giới bình dân, Truyền hình Đắc Lộ hy vọng rằng chế độ mới chú trọng đặc biết đến tầng lớp lao động, nên những gì Đắc lộ đã và có thể thực hiện không phải là “dã tràng xe cát”. Những cuộc trao đổi bắt tay với ban quản trị Truyền hình giải phóng được thực hiện trong bầu khí hữu nghị. Đài truyền hình giải phóng phái một cán bộ đến Đắc lộ để tìm hiểu cơ cấu , đặc biệt là nội dung các loạt chương trình đã thực hiện.
Sau khi xem xét , cán bộ tỏ ra vui vẻ và hết sức ngạc nhiên là kho băng của Đắc Lộ không hề đề cập mảy may đến Tôn giáo, mặc dầu ban lãnh đạo Truyền hình Đắc Lộ hầu hết là tu sĩ công giáo. Toàn thể nội dung đều nhắm truyền đạt kiến thức cơ bản để nâng cao cuộc sống và phẩm giá người nghèo, giới lao động vô sản là chính.
Sau những cuộc trao đổi chân tình, Truyền hình Đắc Lộ được tiếp quản với danh hịệuTruyền hình giải phóng cơ sở II . Cuộc bắt tay này là một nỗ lực “tiếp tay ” phục vụ dân tộc, hoà mình trong một làn sóng phục vụ mới, rộng hơn, mạnh mẽ hơn, đạt đến toàn dân hơn.
Mở cửa lại vào sáng 3.10.1975. Cơ sở 2 Truyền hình giải phóng, mừng rỡ đón tiếp những ai trong đội ngũ nhân viên Đắc Lộ tình nguyện tiếp tục phục vụ Truyền hình giáo dục. Một ban quản lý mới được đề cử : Giám đốc là anh Hồ Vĩnh Thuận, Trưởng phòng Chuyên mục là anh Khái Hùng, Phó phòng là nữ tu Mai Thành đặc trách Giáo dục Thiếu nhi.
Điều thật đáng tiếc là các linh mục tu sĩ ngoại quốc trên khắp cùng đất nuớc nam cũng như nữ đều phải vĩnh biệt Việt Nam. Linh mục Quercetti[4] mặc dầu rất muốn tiếp tục ở lại phục vụ Truyền hình Việt Nam đã phải bay sang Đài Loan, học tiếng Hoa để góp phần cộng tác với Truyền hình Đài Loan, rồi sau đó vài năm được mời phục vụ ở Đài phát thanh tiếngViệt tại Rôma.
(…)
                                                                 Kết:
                     
Trước khi khép lại màn ảnh quá khứ của truyền hình Đắc Lộ cùng một ít suy tư, tôi xin trích mấy câu thơ “giải trí” cảm hứng từ kinh nghiệm làm việc với ống kính truyền hình, được ghi lại trong Hồi ký Truyền hình Đắc lộ, Xuân 1973 :

NHÌN ĐỜI QUA ỐNG KÍNH TRÁI TIM
Có phải đời là phim trường lớn rộng
Mà tim tôi là ống kính đặc thù:
Ảnh thế trần sáng chói hoặc âm u,
Cũng bởi tôi chỉnh hình chưa đúng độ.
Mặt tha nhân vuông tròn hay méo mó,
Tại kính tôi di động lệch sai chiều.
Miệng bạn cười duyên dáng hoặc đáng yêu,
Phải chăng tôi chọn được hình góc tốt .
Nếu tính bạn sáng chiều không như một,
Tôi sẽ đo khoảng cách bạn xa gần,
Khi giận hờn trán bạn nổi đường gân,
Tôi *pan left *(1) để tránh hình trực diện,
Tôi đợi chờ tâm tình dần biến chuyển,
Bạn mỉm cười, tôi xáp diện* zoom in *(2)
Khi bạn vui, hóm hỉnh hay dịu hiền ,
Tăng khẩu độ, tôi lấy hình *close up*(3).
Có phải đời là môi trường diễn xuất,
Nơi chúng ta cùng  đóng một vở tuồng,
Bạn và tôi, tiền cảnh hoặc hậu trường,
Đều chiếm giữ một vai trò độc đáo.
Cảnh show đời lạnh lùng hay huyên náo,
Tùy chúng ta diễn đạt tốt hay sai.
Luật xướng ngôn là cả một thiên tài,
Im phải chỗ và ngỏ lời đúng lúc.
Toàn vở  kịch hiện lên, đầy thanh- sắc,
Lúc bạn vui, diễn đạt đúng vai mình,
Không rộn ràng chói lọi tựa minh tinh,
Mà hòa  với “kép đào” đồng giai điệu.
Phải chăng đời là phim trường huyền diệu,
Kẻ đa sầu chỉ phát tiếng lâm ly.
Để chương trình bớt nặng nét sầu bi,
Tôi với bạn sẽ cười trong vở kịch,
Xóa trong tim những giận hờn thù nghịch,
Mở *boom*(4) ra, phát khúc nhạc yêu đời.
Nhiều tiếng cười yếu ớt nở trên môi
Nếu gom lại sẽ trở thành tràng pháo Tết.

Phút hân hoan vội vàng thu vào *tép* (5)
Để vang âm chuyển động mãi thật xa,
Trên băng tần xuân rộng toả bao la,
Xuân Huynh đệ là trường xuân bất diệt.
Mai Thành, kỷ niệm Xuân 1973

1/ Pan left : quay ống kính sang trái
2/ Zoom in: tăng khẩu độ ống kính để hình lớn lên
3 /Boom : micro
4/ Close up : lấy cận ảnh, để hình thêm rõ nét
5/ Tape : băng thu hình

                                                                       Nguyễn Huy Hoàng biên tập


[1] Bài Viết này là một tổng hợp từ hai nguồn: bài viết “GIÁO DỤC QUA LÀN SÓNG ĐIỆN TỬ – KÝ ỨC VÀ SUY TƯ” của Soeur Mai Thành (Dòng Đức Bà) (viết theo đề nghị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam) và những chia sẻ của Soeur vào ngày 14 tháng 9 năm 2010 với người biên tập bài viết.
[2] Trong những chia sẻ ngày 14 tháng 9 năm 2010, Soeur Mai Thành xưng hô là “Soeur”, trong bài viết này, người biên tập xin mạn phép đổi thành “tôi” cho thống nhất trong toàn bản văn.
[3] Khi cần giảng dạy chỗ này chỗ kia (về truyền hình) mà cha Quercetti bận thì ngài thường nhờ tôi đi. Ví dụ Đức cha Nha Trang muốn cha Quercetti truyền đạt cho các linh mục trong giáo phận thông điệp Inter Mirifca (giữa những điều kì diệu) về truyền thông đại chúng, tôi phải đi thay cha vì cha quá bận (vừa là giám độc trung tâm truyền hình vừa là bề trên cộng đoàn Đắc Lộ).
*Con người cha Quercetti: Cha trẻ hơn tôi nhiều ( trẻ hơn khoảng 7 hay 8 tuổi gì đấy). Ngài rất thông thạo tiếng Việt. Cha phản ứng giống người Việt lắm, và cha nghịch lắm. Có một kỉ niệm: khi chuẩn bị ăn tết, nhóm tổ chức chơi bốc quà, cha bốc được  một cái áo phụ nữ. Cha mở ra cho anh chị em coi, và cha nói để đem cái này về cho bà xã. Ông cha mà nói là đem về cho bà xã, mọi người cười quá trời. Và một điều hay hơn mà có thể kể được là: một lần tôi đi ngang phòng làm việc của cha thì thấy trên bàn có mấy viên aspirin, tôi hỏi: “cha Lục ơi, cha mệt hả?” Cha nói:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”
Đó là hai câu Kiều nói khi bị lưu đày, để diễn ta cha trót mang cái nghiệp giám đốc của trung tâm, rồi lại làm bề trên, vì thế mệt thì chẳng thể trách ai, chỉ có uống thuốc thôi.
Sau ngày giải phóng thì có mấy ông cán bộ bên trung tâm truyền hình sang để xem trung tâm Đắc Lộ đã phát sóng những chương trình gì, trung tâm tổ chức một tiệc nhỏ có ít bánh kẹo và nước uống. Tôi chọc cha: “cha ơi, trước nay làm việc mấy năm mà chưa bao giờ con được uống nước và ăn kẹo”. Cha trả lời: “con hơn cha là nhà có phúc”. (…). Cha thật thông minh, thấu triệt tiếng Việt, thuộc Kiều, Cung oán ngâm khúc.
[4] Khi quân giải phóng tiếp quản, tôi được giao cho việc đối thoại với những người có trách nhiệm bên đài truyền hình chính phủ. Một chi tiết hết sức cảm động là cha Quercetti, lúc ấy rất tha thiết ở lại Việt Nam để tiếp tục việc phục vụ giáo dục qua truyền hình nên đã nói cùng tôi: “Chị Thành ơi, ráng xin cho tôi ở lại nhé!” Tuy nhiên điều này đã không thể xảy ra được. Khi Vatican muốn có một chương trình phát thanh bằng Việt ngữ, cha về Vatican để làm việc trong chương trình này (observatore romano).





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...