Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

NHỮNG CHUYỆN ĐẾN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Đây là những chuyện mà lâu này tôi đã không kể cho các bạn, có những chuyện đã trên 40 năm, có những chuyện ít năm sau đó. Đó là những chuyện dính dáng đến tôi cũng đến những bạn có tên trong câu chuyện về ngôi trường của chúng ta. Đó cũng là những kỷ niệm vui có buồn có của quảng đời học sinh của chúng ta. Chuyện đến bây giờ mới kể vì trong đó có những lý do tế nhị, liên quan đến một vài cá nhân, đến thời cuộc; nó cũng liên quan đến vài chuyện nông nổi của thời học sinh. Chính vì vậy mà tôi giữ kín đến bây giờ mới kể lại cho các bạn vì tôi nhận thấy chuyện đã quá cũ, đã lui vài quá khứ trên 30, 40 năm rồi. Những người dính dánh đến những chuyện này chắc giờ cũng đã không còn nhớ nữa.
Chuyện đầu tiên là chuyến đi ủy lạo nạn bão lụt miền trung:
Năm 1972, miền trung bị trận lũ lịch sử, bộ giáo dục thời đó phát động các trường học quyên góp cứu trợ, trường Lê Quý Đôn cũng hưởng ứng tích cực. Số hàng cứu trợ lên tới cả tấn. Ban giám hiệu trường cử phái đoàn đại diện trường đi ủy lạo gồm các thầy cô: thầy Mẫn, vợ thầy Mẫn, cô Diệp và một vài thầy cô mà tôi đã quên tên rồi; ban đại diện học sinh có anh Lê Trần Dũng, Hồ Tuấn Ngọc và tôi. Phái đoàn được ông Trần Văn Đôn, dân biểu đơn vị Quảng Ngải dẫn đầu. Chuyến đi bắt đầu tại phi trường Tân Sơn Nhất, bay bằng chiếc chuyên cơ quân sự C 130, chuyến về đặt vé hàng không Việt Nam. 45 phút bay chuyên cơ đưa chúng tôi xuống phi trường quân sự Quảng Ngải. Khi đáp xuống phi trường. chiếc C 130 dừng ở cuối phi đạo, tôi thấy ở đó có một chiếc C 47 nằm chuối xuống vì không cất cánh được. Phái đoàn được tỉnh trưởng Lê Bá Phẩm (?) đưa về nhà nghỉ của ban chỉ huy cảnh sát Quảng Ngải. Khi chuyển hàng ủy lạo xuống, gạo đổ vung vãi xuống đường, dân chúng hai bên đường xúm lại hốt lất hốt để. Tôi thấy thương quê hương miền trung của mình, đồng bào còn đói khổ trong chiến cuộc đang diễn ra khốc liệt.


Chiếc chuyên cơ C 130 tại phi trường tân Sơn Nhất chuẩn bị đưa phái đoàn đi Quảng Ngải.

Ở tại cuộc cảnh sát, chúng tôi làm quen với hai cô con gái của ông trưởng cuộc, trong đó có cô tên Hồng mà tôi còn nhớ đến giờ. Gia đình hai cô này là người gốc Thừ Thiên. Cô Hồng tôi gặp lại sau ngày 30 tháng tư tại phường 13 quận 3 sau nầy là phường 8 khi tôi phụ trách đội văn nghệ phường theo lời mời của anh Trọng học sinh lớp 10 Lê Quý Đôn lúc đó.



Cô Hồng người đứng trong hình trong buổi cứu trợ.

 Hôm sau có một chuyện mà tôi giờ không quên là số đồ cứu trợ trong đó có số mền, mùng và quần áo tốt đều bị chuyển cho đám con buôn. Tôi không biết chuyện này do ai chủ trương. Tôi thấy việc làm này quá bất nhẫn nhưng mình chỉ là cương vị một học sinh nên không thể nào nói ra, chỉ tội nghiệp cho anh em học sinh mình đã nhiệt tình đóng góp, tội nghiệp khi nghĩ đến những gia đình bị thiên tai đã mất phần cứu trợ của mình.
Những địa phương mà chúng tôi tới ủy lạo là Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mỹ Lai 4... Chính những nơi này tôi mới thấy nỗi cơ cực của người dân, họ đã mất hết tất cả vì trận lụt quái ác. Tại Mỹ Lai 4, tôi chứng kiến dân chúng chữi bới chính quyền về chuyện cứu trợ. Nhân tiện tôi cũng nói Mỹ Lai 4 là tên gọi của làng Mỹ Lai mới nhưng đã dời đi bốn lần rồi. Mỹ Lai 1 chính là nơi xảy ra vụ thảm sát do trung úy Mỹ William Calley gây ra.




         Một vài hình ảnh về cuộc ủy lạo tại các địa phương tỉnh Quảng Ngải.

Dân ở thị xã Quảng Ngải rất sợ cảnh sát, chiều đến xe cảnh sát đưa tụi tôi đi kiếm quán cà phê, dân hai bên đường đều dạt ra tránh xa khi xe chạy đến. Vào quán cà phê uống xong nói là khách của tỉnh trưởng là không có quán nào dám lấy tiền. Về chiêu đãi giữa lúc dân chúng ngoài thiếu ăn thì bên trong lại thừa mứa thức ăn.

      Nhà hành Mỹ Lệ Hoa nơi chúng tôi dừng bước trước khi về Sài Gòn.

Sau những ngày cứu trợ, chúng tôi được tin hàng không Việt Nam không đáp xuống phi trường Quảng Ngải vì phi đạo bị hư. Ông Tần Văn Đôn liền điện về dinh Độc Lập xin chuyên cơ chở tổng thống Thiệu để chở phái đoàn về Sài Gòn nhưng chuyên cơ không đáp xuống Quảng Ngải mà đáp tại Đà Nẳng. Tỉnh trưởng Phẩm lệnh cho đoàn xe GMC hộ tống chúng tôi ra Đà Nẳng. Đến Đà Nẳng là sắp trưa, chúng tôi dùng cơm tại nhà hàng Mỹ Lệ Hoa bên sông Hàn và sau đó ra sân bay. Chuyên cơ của tổng thống Thiệu, lái chính là đại tá, nữ tiếp viên là trung tá. Phi cơ bay qua vùng cao nguyên, từ trên cao tôi nhìn xuống thấy chi chít lỗ bom B 52. Sau một hồi bay phái đoàn về đến Sài Gòn, xe đưa chúng tôi về trường.

                                                                                                          (CÒN TIẾP)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...