Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

NHỮNG LỜI TRI ÂN

NHỮNG LỜI TRI ÂN
Tôi viết những lời tri ân này dù có muộn màn nhưng nó cũng góp phần nói lên những điều mà chúng ta- các thê hệ học trò Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn trước 30 thang tư năm 1975- vì cuộc sống trong quá khứ cũng như hiện tại còn quá nhiều lo toan đã bỏ qua hoặc có nhớ nhưng cũng không có dịp nói ra.
Chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt trong nước có ở hải ngoại có cùng gặp mặt những thầy cô, bạn bè ôn lại kỷ niệm xưa, cùng nghe lời nhắn nhủ , tâm sự nhưng các thầy cô cũng chỉ giới hạn chứ không phải là tất cả. Các thầy cô qua năm tháng giờ đã già, có người còn trong nước, người ở nước ngoài; cũng có những người đã vĩnh viễn nằm xuống. Còn những thầy cô mãi đến giờ này chúng ta cũng không có cơ hội gặp lại dù họ vẫn còn đó. Đó là riêng các thầy cô đã dạy dỗ chúng ta nhưng còn không nhỏ những thầy cô làm nhiệm vụ khác như giám thị, văn phòng, quản thủ thư viện, phòng y tế và những người lao công, gác dan thì không nghe nhắc tới. Họ là những người góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nên ngôi trường của chúng ta.
Trong hàng ngũ giám thị thì thầy Võ Văn Bê là còn được nhắc nhở như trong trang web Vân đài loại ngữ có nói việc anh Trần Tử Lành cùng các bạn về tìm lại thầy cũng như trang của tôi cũng có nhắc đến thầy vì thầy ở cách nơi tôi làm việc chỉ trên chục cây số. Cùng quê với thầy còn có thấy Tứ trước ở đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 2, thành phố Mỹ Tho về sau trong thập niên 80 thầy đã vượt biên đi không biết giờ đây thầy ở đâu. Còn rất nhiều thầy nhưng giờ đây tôi không còn nhớ tên. Lực lượng giám thị thường thay đổi nhiệm sở nên số lượng của các thầy làm nhiệm vụ cũng không ai còn nhớ rõ.
Còn các thầy cô lo việc văn phòng, giấy tờ liên quan đến trường lớp, lo cho chúng ta từng cái học bạ, từng cái phù hiệu, giờ có ai nhắc tới không? Rất tiếc hồi đó tôi cũng biết vài người nhưng giờ lâu quá cũng quên rồi. Không biết giờ họ ở đâu, làm gì, còn đó hay đã mất rồi.
Về quản thủ thư viện tôi biết có một cô làm việc này vì hồi đó tôi có mang bộ sách Tuổi Hoa và Tuổi ngọc bán cho thư viện. Còn phòng y tế trường lúc đó có cố Yến và vài cô nữa. Cô Yến có nhà trong trường, con cô cũng học trường Lê Quý Đôn. Sau này năm 2006, cô và gia đình phải dời đi vì khu cô ở được xây dựng lại mới. Tôi có đến thăm cô trong những ngày cưối cùng khi cô còn ở đó.
Một lực lượng nữa rất đông là những người lao công và gác dan. Họ góp phần làm sạch đẹp ngôi trường, phòng lớp, sân chơi của chúng ta. Tôi rất nhớ bà Năm mập, ông Tám già dể thương. Họ gắn cuộc đời của họ khi ngôi trường còn mang tên Jean Jacques Rousseau đến sau này. Giờ họ không còn nữa, không biết con cháu của họ giờ ở đâu. Những người này khi còn ở trong trường họ ở dãy sau cùng với cô Yến và một phòng cạnh nhà vệ sinh trường tức là cạnh hội trường của trường.
Đáng nhớ là anh Tâm gác cổng. Anh vào trường làm việc chắc vào khoảng năm 1972 gì đó. Hồi đó anh còn rất trẻ, từ xã Bình Nghị, Gò Công Tây, Tiền Giang. Ảnh với ông Hai già hai người có hai chiêc xe đạp, về sau anh xin vô ở trong trường. Sau ngày 30 tháng tư, anh đem vợ con từ quê lên và mở quán cơm bán cho học sinh trường. Năm 2006, anh về hưu cũng là năm anh phải dọn ra khỏi trường vì chổ anh ở phải xây dựng lại. Nghe nói anh mua nhà ở quận 12 tức là vùng Hóc Môn. Những thời gian rảnh rỗi tôi về sài Gòn thường ghé lại thăm anh. Lần cuối cùng tôi có nói: “Anh và cô yến là hai người đại diện cuối cùng của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn, sau này hai người dọn đi rồi, tôi còn biết ghé trường thăm ai nữa. Coi như đây là giây phút cuối cùng tôi nhìn lãi trường để rồi mãi mãi không còn gặp lại”. Đêm đó tôi đi vòng quanh sân trường từ phía tiểu học sang phía trung học, đứng nhìn lớp 12B thời đã qua lần cuối để rồi nó sẽ bị đập phá đi.
Tôi viết những dòng này để tri ân những thầy cô làm nhiệm vụ không giảng dạy, những người lao công, gác dan đã góp phần làm nên một Lê Quý Đôn. Viết về những người mà chúng ta ít có nói tới hay không nói tới. Tôi mong sau bài này các bạn có những thông tin về những người này xin báo cho tôi biết hoặc các thầy cô thầy cô làm nhiệm vụ không giảng dạy, những người lao công, gác dan nếu tình cờ có đọc những dòng này xin gởi phản hồi về trang blog của tôi theo email thao5755@yahoo.com.vn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...