Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019



Sài Gòn xưa: Đô la đỏ & hàng PX

Trên trang mua bán eBay, tôi thấy có nhiều loại tiền đô la đỏ thường gọi là MPC (Military Payment Certificate) mà quân nhân và các cơ quan dân sự Mỹ dùng để thanh toán trong thời chiến tranh Việt Nam. Đồng đô la đỏ được chính phủ Mỹ in ra để người Mỹ đóng quân ở hải ngoại tiêu xài, khi về nước hoặc đi nghỉ phép tại một quốc gia khác được đổi sang đồng đô la xanh (tức tiền lưu hành trong nước) tuỳ theo mức lạm phát tiền tệ của mỗi nước. Chẳng hạn ở miền Nam Việt Nam, thời gian 1968, 180 đồng đô la đỏ đổi được 100 đồng đô la xanh.



Mặt tiền cửa hàng PX Chợ Lớn trên đường Nguyễn Tri Phương năm 1968
 – Ảnh: Brian Wickham


Ai thích sưu tập tiền MPC thì cứ vào eBay, tùy theo năm in và số series có giá chênh lệch rất lớn. Tờ 10 đồng đô la đỏ, số series (641) chỉ có giá $29 trong khi số series (692) giá đến $240, thậm chí có loại lên đến cả ngàn lần. Và còn nhiều loại tiền MPC mệnh giá thấp như tiền cent giấy có giá trị khá cao. Thế mới biết, những tờ tiền giấy lộn sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, vẫn có một giá trị nhất định nào đó.
Từ sau Thế chiến II, chính phủ Hoa Kỳ đã cho in tiền MPC dùng giao dịch tạm thời cho quân nhân Mỹ và các cơ quan đóng tại nhiều nước ở châu Âu và châu Á. Sau chiến tranh, nền kinh tế các nước lâm chiến kiệt quệ, đồng tiền bản xứ mất giá nên dân chúng có khuynh hướng giữ đồng đô la (xanh). Tiền MPC tiếp tục được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1965 cho đến thời điểm Mỹ rút quân về nước năm 1973. Trong khoảng thời gian này, chính phủ Mỹ đã tiến hành đổi tiền 4 lần, số series mỗi lần đổi tiền thường khác nhau: Series 641 (1965-1968), 661 (1968-1969), 681 (1969-1970), 692 (1970-1973) và một series 691 đã thiết kế bản kẽm nhưng không bao giờ in vì cuộc chiến kết thúc.


Bên trong cửa hàng PX Sài Gòn đầy ắp hàng hóa các loại – Ảnh: Mike Vogt


Chính phủ Mỹ phải tiến hành đổi tiền đô la đỏ liên tiếp trong thời gian từ năm 1960 đến 1973 do mức lạm phát phi mã của đồng tiền Việt Nam Cộng Hoà. Sự chênh lệch giá trị của đồng đô la đỏ và đô la xanh trở thành dịch vụ mua bán tiền tệ rất hấp dẫn đối với giới áp phe, môi giới mua bán tiền từ một số nhân viên người Việt làm cho các công ty dân sự cũng như nhà thầu các dịch vụ quân sự của Mỹ. Bên cạnh đó, đội quân gái quán bar, vũ nữ cũng là những người môi giới rất hiệu quả cho nhiều quân nhân Mỹ tham gia mua bán đồng đô la để hưởng chênh lệch.
Những cuộc đổi tiền thường không báo trước được gọi là “C Day” (Conversion Day), các cơ sở quân đội Mỹ cấm trại trăm phần trăm, ai có bao nhiêu tiền trong túi cứ mang ra quy đổi giá trị ngang bằng của loại tiền MPC mang số series mới. Tiền mang số series cũ trở thành những tờ giấy lộn không còn giá trị sử dụng. Chính vì không sử dụng lại đồng tiền có số series cũ nên nhiều người đầu cơ buôn bán đô la đỏ sau một đêm trắng tay. Tuy nhiên, sau ngày đổi tiền chuyện mua bán lại cứ tiếp diễn vì món lời béo bở không chỉ ở giá trị chênh lệch của đồng đô la đỏ mà còn dùng tiền MPC để mua hàng PX bán ra chợ


Gian hàng PX Sài Gòn bán kim cương cho quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ mua làm quà – Ảnh: Mike Vogt



Nói đến hàng PX (Post Exchange) tức là hàng hoá tiêu dùng hậu cần của Mỹ dành cho quân nhân và viên chức Hoa Kỳ mua sinh hoạt ở các nước Mỹ đóng quân. Ðặc biệt ở miền Nam Việt Nam, hàng PX có mặt từ thời ông Diệm. Nghe nhiều người lớn tuổi nói vào thời gian này, hàng PX ngoài việc cung cấp cho người Mỹ, còn là hàng viện trợ phát không trong dân chúng, nhất là khoảng thời gian người miền Bắc di cư vào Nam. Từ năm 1966, hàng loạt các cửa hàng PX mọc lên khắp các tỉnh thành có quân đội Mỹ đồn trú. Thành phố Sài Gòn có hai cửa hàng lớn, một là PX Sài Gòn nằm trên đường Tự Do góc bên hông khách sạn Majectic và cái khác là PX Chợ Lớn nằm trên đường Nguyễn Tri Phương gần góc Ngã Sáu.
Trong một cuốn sách ghi nhận những cảm xúc và kỷ niệm của các cựu quân nhân Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh Việt Nam, có nhiều đoạn nói lên sự thích thú khi mua sắm hàng PX. Ông Ramon L. Alamo Hermandez, cựu chiến binh người Mỹ gốc Puerto Rico viết: “Tôi đến miền Nam Việt Nam năm 1969 phục vụ ở Sư đoàn Kỵ binh số 1 với công việc vận chuyển hàng hoá PX đến các đồn trú quân Mỹ mỗi tuần hoặc hai tuần bằng máy bay vận tải trực thăng. Cứ đến kỳ lãnh lương trong tháng là chúng tôi bay hết căn cứ này đến căn cứ nọ. Bọn lính tráng thích mua bia và các vật dụng cá nhân. Bia rẻ lắm chỉ có $2.40 một thùng 24 lon, và còn gì thích thú bằng sống ở một nơi nóng bức, được tha hồ uống bia ướp lạnh, ăn phô mát con bò cười (phô mai đầu bò). Tôi làm nhiệm vụ chở hàng PX nhiều lần đến các căn cứ nhưng lần đầu tiên tôi mua hàng PX ở Việt Nam là một chiếc máy chụp ảnh lấy liền Polaroid, những lần sau đó tôi mua cả dàn loa Sansui và đầu băng từ hiệu Akai gởi về quê nhà. Hàng PX bán ở Việt Nam có giá rẻ hơn ở Mỹ để phục vụ đời sống lính chiến đấu nên chúng tôi mua sắm thả ga. Thậm chí hàng PX có bán xe hơi, có người môi giới cho tôi mua vận chuyển về quê nhà ở Puerto Rico”.


Đô la MPC mệnh giá $10 series 641 năm 1965-1968 – Ảnh: Wiki


Hư thực chuyện hàng PX có bán xe hơi không biết có chính xác, có thể là xe gắn máy Honda Dame đỏ do Mỹ viện trợ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa sử dụng công vụ. Trong khi ở Mỹ không có loại xe rẻ tiền và bền này nên việc mua một chiếc xe gắn máy từ Việt Nam gởi về quê nhà là điều dễ dàng. Hàng PX có đủ các loại từ những mặt hàng phục vụ cá nhân, ăn uống, trái cây, thực phẩm, giải trí, hàng điện tử tivi, máy hát, tủ lạnh cho đến các loại trang sức vàng, bạc và kim cương để quân nhân Mỹ mua tặng cho thân nhân ở quê nhà.
Hàng hoá PX ở các tỉnh không đa dạng bằng hàng hóa PX ở Sài Gòn, nên nhiều quân nhân Mỹ nghỉ phép đi Sài Gòn ghé cửa hàng PX tha hồ mua sắm. Tiền lương mỗi tháng 600 đô (trong khi lính Việt Nam Cộng Hòa chỉ có 20 đô) thì sức tiêu xài của lính Mỹ quả là một thị trường mua bán hấp dẫn và làm giàu cho nhiều giới đầu cơ mua bán tiền đô. Ngoài lương, nhiều quân nhân Mỹ còn có thân nhân ở Mỹ gởi tiền đô la xanh qua hộp thư để tiêu xài thêm khi cần. Hệ thống PX ở Việt Nam có trị giá thương mại hằng năm đến 300 triệu đô la nhưng đằng sau đó hệ thống PX phục vụ cho quân đội Mỹ này cũng xảy ra nhiều vấn đề khiến cả chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lẫn Hoa Kỳ đau đầu để giải quyết, khi hàng hóa trên kệ hàng liên tục bị mất cắp và tuồn ra thị trường chợ trời.


Một lính Mỹ bị AP chụp ảnh đang mua đi bán lại hàng PX ra chợ trời


Một bài báo của ký giả Lederer William J. đăng trên tạp chí Der Spiegel số 44 ngày 28/10/1968 rằng: “Hệ thống cửa hàng PX có trên 5,000 phụ nữ người Việt được nhận vào để bán hàng. Trong tháng 5 năm 1967, chỉ riêng một cửa hàng PX ở Sài Gòn đã mất 65,000 dollar vì ăn cắp vặt. Và đó chỉ là một cửa hàng nhỏ. Có một thời gian, ban giám đốc cho khám xét những người Việt bán hàng lúc họ tan ca ra về, khiến nhân viên dọa sẽ đình công nếu như việc kiểm tra này không chấm dứt. Trong thời gian thực hiện bài điều tra ở Sài Gòn, tôi đã quan sát thấy bốn lần chiếc xe tải chở đầy thực phẩm từ cửa hàng PX vào kho hậu cần của khách sạn Continental như thế nào. Có một lần, một kiện thịt to, có in tên Tướng Westmoreland, được đưa cùng với nước ép cà chua vào cửa kho khách sạn Continental”.
Và đâu chỉ có nhân viên bán hàng, kể cả những người làm nhiệm vụ quản lý người Hàn Quốc hoặc Phi Luật Tân cũng thông báo cho thân nhân của mình những đợt hàng có giá trị mới về để mua bán kiếm lời. Thế là một lô hàng tủ lạnh mới đưa vào cửa hàng ngày hôm qua, vừa mới mở cửa bán sáng nay cho lính Mỹ thì đã bị gom sạch. Ðâu chỉ thế, kể cả một số lính Mỹ cũng tham gia mua hàng mỗi ngày rồi đem ra bán lại cho con buôn thông đồng từ trước.



Chợ trời bán đầy các loại hàng hóa thực phẩm tại Sài Gòn 
– Ảnh Mike Vogt


Tất cả mọi loại hàng hoá đều có mặt tại các chợ trời. Hàng điện, điện tử xuất hiện ở chợ Huỳnh Thúc Kháng; hàng thực phẩm bán đầy hai bên phố đoạn ngã ba Kỳ Ðồng với Nguyễn Thông kéo dài tới vách tường ga xe lửa hoặc dọc theo thương xá Tax; quần áo lính chiến hoặc các loại quân nhu cứ ra chợ Dân Sinh đều có tất cả; muốn mua rượu ngoại, thuốc lá Salem hay Pall Mall thì ra Chợ Cũ có hết. Chỉ hai cửa hàng PX ở Sài Gòn và Chợ Lớn phục vụ cho quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ đã tạo ra thêm mấy cái chợ trời phục vụ cho mọi tầng lớp dân chúng Sài Gòn có cơ hội được xài hàng Mỹ và một bộ phận giới đầu cơ mua bán tiền tệ sống khoẻ re.
Có lần tôi đến thăm người bạn vừa mới có thân nhân sang định cư theo diện làm sở Mỹ. Bà chị của người bạn này trước đây từng làm nhân viên bán hàng PX ở Chợ Lớn. Hỏi về chuyện hàng hóa tiêu dùng ở chợ trời và việc nhân viên bán hàng PX thời ấy “làm ăn” ra sao, chị đáp: “Có con chuột nào sống trong kho gạo mà không ăn gạo bao giờ”.
Trang Nguyên
Đăng lại từ Báo Trẻ Online (Baotreonline.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...