Lan man chuyện tên đường Sài Gòn
Sau
năm 1975, hầu hết bảng tên những con đường mang tên các nhân vật lịch sử có
liên quan đến chính quyền Nguyễn Ánh, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…
như Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Trương Tấn Bửu,
Trương Minh Giảng, Đỗ Thành Nhân, Petrus Ký, thậm chí cả Phan Đình Phùng đều bị
tháo gỡ xuống, thay vào đó là tên những nhân vật đương đại…
Tên đường trong lịch sử Sài Gòn xưa và nay
Từ
cái thời các anh Tây mũi lõ chưa xâm chiếm nước ta, thành phố Sài Gòn xưa đã có
một hệ thống đường sá ngang dọc trong một khu vực giới hạn bởi sông Sài Gòn và
các con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Võ Thị Sáu – Hai Bà Trưng ngày nay.
Không
rõ ông bà xưa có đặt tên đường không, để mỗi lần viết thư kể lể tình yêu thì có
cách mà nhắc nhau những kỷ niệm ban đầu. Chỉ biết rằng khi Pháp mới chiếm Sài
Gòn thì trong những năm đầu thập niên 1860, Sài Gòn có 26 con đường mang số thứ
tự từ 1 đến 26. Năm 1865, Thống đốc Pháp De La Grandière mới lấy tên người hay
tên những chiếc tàu tham gia trực tiếp vào cuộc chiến chiếm Sài Gòn để đặt tên
cho từng con đường một.
Bức
ảnh “La Route de Saigon” chụp ảnh con đường dẫn từ Chợ Lớn ra Bến Nghé, nay là
đường Nguyễn Trãi, quận 5. Vào năm 1901, đây còn là một con đường đất nằm giữa
hai hàng cây, hai bên chưa có nhà ở. (Dẫn từ sách “150 năm hình bóng Sài Gòn”
(1863-2013) – Tam Thái (NXB Trẻ, 2015)
Sang
thế kỷ 20, nhất là từ sau khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam, tên đường được
Việt hóa dần, phần lớn lấy tên các danh nhân trong lịch sử. Đường Bonard thành
đường Lê Lợi, đường Charner thành đường Nguyễn Huệ, đường Catinat thành đường Tự
Do, đường Espagne thành đường Lê Thánh Tôn… Sau ngày 30/4/1975, trong việc điều
hành thành phố, chưa bao giờ người Sài Gòn nhìn thấy một cuộc “cách mạng” triệt
để trong việc đặt tên đường như thế. Hầu hết bảng tên những con đường mang tên
các nhân vật lịch sử có liên quan đến chính quyền Nguyễn Ánh, Gia Long, Minh Mạng,
Thiệu Trị, Tự Đức… như Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu,
Trương Tấn Bửu, Trương Minh Giảng, Đỗ Thành Nhân, Petrus Ký, thậm chí cả Phan
Đình Phùng đều bị tháo gỡ xuống, thay vào đó là tên những nhân vật đương đại mà
rất nhiều dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định không biết họ là ai. Điều này phản ánh một
cái nhìn chật hẹp, đầy thiên kiến về lịch sử, về các nhân vật lịch sử, làm xáo
trộn sự hiểu biết về lịch sử của lớp trẻ và làm đảo lộn một cách không cần thiết
các sinh hoạt của người dân thành phố lúc bấy giờ. Ngày nay, sau gần 40 năm, vẫn
chưa có gì hứa hẹn một sự xem lại những việc làm vội vã vào một thời điểm có
quá nhiều việc phải làm sau 30/4/1975.
Trường
nữ Trung học Gia Long nằm trên đường Phan Thanh Giản trước 1975. Nay là trường
Nguyễn Thị Minh Khai nằm trên đường Điện Biên Phủ.
Nhiều
cuộc hội thảo phản ánh những cái nhìn rộng rãi, hợp tình, hợp lý, hợp đạo nghĩa
hơn đối với các nhân vật lịch sử như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh
Ký… đã được các tổ chức có liên quan ít nhiều đến chính quyền, chủ yếu là Hội Sử
học, tổ chức, song nhiều mặt của đời sống, trong đó có chuyện tên đường, vẫn
còn nguyên sức ỳ của chúng. Ngày 4/2/2008, tượng đồng của Tả quân Lê Văn Duyệt
cao 2,65m, nặng 3 tấn được đặt tại lăng Ông trong một buổi lễ trang trọng,
nhưng cái tên đường Lê Văn Duyệt quen thuộc chạy ngang lăng Ông vẫn còn nằm ở một
chân trời viễn tưởng nào. Tại Cần Thơ, trường Phan Thanh Giản đổi thành Châu
Văn Liêm sau 30/4, nay đã trở về tên cũ, song đường Phan Thanh Giản xa xưa tại
Sài Gòn-TP.HCM nay vẫn là Điện Biên Phủ.
Đường
Paul Blanchy, được chụp vào năm 1906. Sau năm 1955, đổi tên thành đường Hai Bà
Trưng. (Dẫn từ sách “150 năm hình bóng Sài Gòn” (1863-2013) – Tam Thái (NXB Trẻ,
2015)
Còn
có một sự tắc trách đáng phê phán nữa của Ủy ban đặt tên đường cấp thành phố vốn
dĩ gồm những nhân tài có bằng cấp cao, có tiếng tăm trong xã hội. Đó là hiện tượng
đặt tên đường bằng tên những “danh nhân” không có trong lịch sử. Chuyện này đã
có lần nói rồi, chỉ xin nhắc lại một cách sơ lược. Đó là ít nhất hai con đường
Trần Khắc Chân, một ở khu Tân Định, quận 1, và một ở quận Phú Nhuận, chạy ngang
tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Vì trong lịch sử, tự cổ chí kim, không có nhân vật nào
tên như thế cả, chỉ có Trần Khát Chân và Trần Khắc Chung thôi. Trong lịch sử,
cũng không có nhân vật nào tên Trương Quốc Dung (quận Phú Nhuận) hết, chỉ có
Trương Quốc Dụng. Đường Sương Nguyệt Anh, lúc trương bảng ban đầu, ghi là Sương
Nguyệt Ánh, ít lâu sau chỉnh lại cho đúng, song cũng khá muộn, nên ngày nay hầu
hết các cơ quan nằm trên con đường này đều in tên Sương Nguyệt Ánh trên các giấy
tờ giao dịch của họ.
Tên tộc, niên hiệu, hay miếu hiệu?
Với
những con đường mang tên các vì vua nổi bật trong lịch sử, việc đặt tên khá tế
nhị. Giới nho sĩ xưa thường có tên hiệu, nhưng vua chúa ngoài tên tộc khi nhỏ,
còn có niên hiệu đặt ra khi vừa lên ngôi, thụy hiệu do triều thần đặt ra khi vừa
nằm xuống, và miếu hiệu đặt ra để thờ trong Thế miếu.
Đại
lộ Bonnard, nay là đường Lê Lợi (Q.1). Bên phải là hành lang Eden và một hàng
cây cổ thụ. Eden nay trở thành tòa Vincom B còn hàng cây xanh bị chặt bỏ. (Dẫn
từ sách “150 năm hình bóng Sài Gòn” (1863-2013) – Tam Thái (NXB Trẻ, 2015)
Hiện
nay, tên các vị vua này được đặt cho các đường phố không theo một quy chuẩn
nào. Ở Gò Vấp có đường Quang Trung là niên hiệu của Nguyễn Huệ, song giữa trung
tâm Sài Gòn lại có đường Nguyễn Huệ, mang tên tộc của ông. Đường Lý Thái tổ ở
quận 10 đặt theo miếu hiệu, còn đường Lê Lợi ở quận 1 lại lấy theo tên tộc. Như
vậy nên đổi Lê Lợi thành Lê Thái tổ theo cách đặt cho Lý Thái tổ hay đường Lý
Thái tổ nên đặt là Lý Công Uẩn cho phù hợp với cách đặt của tên đường Lê Lợi? Đến
nay, cách đặt tên theo nhiều kiểu này vẫn chưa có ai nghĩ đến việc thống nhất
hóa chúng.
Về tên đường Trần Hưng Đạo
Nói
chuyện này cũng giống như ngồi trên chiếc thuyền độc mộc chèo ngược dòng thác bạc
đang đổ ầm ầm về phía mình. Vì có dịp đi từ Nam chí Bắc, ta không khó nhận ra
các đền thờ mang tên Trần Hưng Đạo. Ai cũng biết đó là Hưng Đạo Đại vương Trần
Quốc Tuấn, một trong những danh tướng có công lớn nhất trong cuộc chiến chống
quân Nguyên Mông trước và trong thập niên 1280. Song gọi ông là “Trần Hưng Đạo”
có hợp lý, hợp quy luật về cách đặt tên, phong tước hay không, đó là chuyện
chúng ta “tản mạn” một chút khi trà dư tửu hậu.
Đường
Boulevard Galliéni năm 1931 – con đường huyết mạch nối Sài Gòn với Chợ Lớn –
nay là đường Trần Hưng Đạo. (Ảnh dẫn từ flickr Manhhai)
Trước
hết xin lược qua cách phong tước, đặt tên trong lịch sử để các bạn trẻ (và bạn
già nữa) yêu sử có chút ý niệm về chuyện này. Dưới thời quân chủ, tại ít nhất
hai nước Trung Hoa và Việt Nam, việc phong tước dựa vào 6 tước chính là vương,
công, hầu, bá, tử, nam. Trong mỗi tước, có sự phân biệt cao thấp, chẳng hạn thời
Trần, tước Đại vương cao hơn tước vương, thời Nguyễn, tước “nhất tự vương” (một
chữ vương, ví dụ Tuy Lý vương), cao hơn tước Quận vương (Tuy Lý Quận vương), tước
công từ cao xuống thấp có Quốc công, Quận công, Hương công… Cách dùng chữ đặt
tên cho tước cũng khác nhau tùy thời. Thời Trần, Lê, triều đình giở sách tìm những
từ Hán có nghĩa hay đẹp để phong tước cho các công thần, ví dụ dùng từ “Hưng Đạo”
để đặt cho tước vương của Trần Quốc Tuấn, thành Hưng Đạo vương, dùng chữ Chiêu
Văn cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, dùng chữ Chiêu Minh cho Chiêu Minh
vương Trần Quang Khải…
Thời
Nguyễn định cách đặt tên phong tước khác hẳn. Triều Gia Long, phần đông công thần
được phong tước Công thì lấy tên mà phong, ví dụ Duyệt Quận công (Lê Văn Duyệt),
Thành Quận công (Nguyễn Văn Thành)… Đến các triều sau Gia Long, việc đặt tên
phong tước lại theo một cách khác nữa. Triều Thiệu Trị định rằng tước Quốc
công, Quận công thì lấy tên phủ mà đặt, tước Hầu lấy tên huyện, tước Bá lấy tên
tổng, tước Tử lấy tên xã, và tước Nam lấy tên thôn. Thí dụ ở trường hợp Vĩnh Lại
Quận công Nguyễn Hữu Đệ thì hai từ Vĩnh Lại là tên của một phủ.
Dù
việc đặt tên, phong tước có theo cách nào thì trong một tước hiệu, như tước
vương, từ cốt lõi là từ “vương”, chứ không thể là từ nào khác. Những từ Hưng Đạo,
Chiêu Minh, Chiêu Văn … chỉ có tác dụng làm đẹp cho tước hiệu, phân biệt tước
này với tước kia, tự chúng không thể thay thế toàn bộ tước hiệu được. Ví dụ với
Bình Định vương Lê Lợi, ta không thể tách bỏ từ vương của ông để rồi ghép vào
tên ông thành Lê Bình Định, hay với Bắc Bình vương Nguyễn Huệ, không thể gọi là
Nguyễn Bắc Bình. Vậy mà với Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, không biết tự
bao giờ, chúng ta đã ngắt bỏ chữ vương trong tước hiệu của ông rồi ghép vào tên
thành “Trần Hưng Đạo”. Ta nhìn thấy tên này, nghe tên này nhiều quá thành quen,
song nếu suy cho cùng đối với vấn đề đặt tên, phong tước, ta sẽ thấy đây là trường
hợp độc nhất vô nhị, không có trước mà cũng chẳng có sau. Không rõ các bậc thức
giả có cách giải thích nào cho việc này không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét