Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018



Đường Lanzarotte
Đường Đoàn Công Bữu


LANZAROTTE. Hướng Bắc Tây Bắc – Nam Đông Nam. Đường ngắn nối đường  Arfeuille (Nguyễn Đình Chiểu/TQT) với đường Champagne (Yên Đổ/LCT) gần với đường Eyriaud-des-Vergnes (Trường Minh Giảng/TQT).
Xưa là đường số 48, nó nhận tên này vào năm 1906. Từ năm 1955 đổi tên là đường Đoàn Công Bửu. 


Bản đồ 1942


Bản đồ 1958 là đường  Đoàn Công Bữu

Tên nhân vật được đặt cho con đường:

Don Bernardino Ruiz DE LANZAROTTE là một đại tá quân Tây Ban Nha ở Manille. Ông đến Tourane trên chiếc tàu mang tên Durance tháng 9 năm 1858. Tháng 2 năm 1859, ông đến Sài Gòn.

Đào Công Bửu còn có tên là Đoàn Công Bửu, Đào Xuân Bửu, Cả Bửu sinh năm 1825 tại Trà Vinh ngụ tại xã An Bồi, Bảo Hữu, Bến Tre. Năm 1867 ông đã tham gia cuộc khởi nghĩa ở Trà Vinh với chức vụ Tổng binh dưới sự chỉ huy của Phó đốc binh Lê Đình Đường. Ông đã tham gia trận đánh ở Long Điền ở tổng Bình Trị Thượng ngày 26/8/1867. Trận này nghĩa quân thắng lớn nhưng chủ tướng Lê Đình Đường hy sinh, nghĩa quân tan rã, ông chạy về Bến Tre, liên kết với những người yêu nước. 
Năm 1875 Đào Công Bửu, cùng Nguyễn Xuân Phụng khởi nghĩa ở Trà Vinh. Đến năm 1885, 1886 hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, Đào Công Bửu tham gia các hoạt động chống Pháp ở Bến Tre, Mỹ Tho. Năm 1893 thực dân Pháp đã ổn định được bộ máy cai trị của chúng từ cấp xứ, tỉnh, phủ, huyện, tổng tới cấp xã, ấp đặt các đồn binh, đồn cảnh sát ở khắp mọi nơi để khống chế đồng bào. Năm đó Đào Công Bửu đã 67 tuổi vẫn cùng với Lê Công Từ phát động nhân dân khởi nghĩa chống Pháp trên một địa bàn rộng lớn bao gồm các tỉnh Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, Trà Vinh, Hà Tiên, An Giang, Châu Đốc, Gia Định.

Ở Sài Gòn trước năm 1975 có 2 con đường bị “:giam cầm”: một là đường Huyền Trân Công Chúa; hai là đường Đoàn Công Bữu. Lý do mà 2 con đường này bị như thế là vì an ninh, cần phải cấm xe cộ lưu thông để bảo vệ cho hai khu quan trọng là dinh Độc Lập và khu cư trú của các nhân viên cao cấp DAO của Mỹ. Đó là bắt đầu từ năm 1968, khi qua cuộc tổng công kích xuân Mậu Thân. Con đường Huyền Trân Công Chúa thì hai đâu là các rào sắt căng dây kẽm gai trông không có thẩm mỹ chút nào thì hai đầu đường Đoàn Công Bữu lại là hai cổng rào bằng sắt sơn màu xanh lục đậm coi rất đẹp. Khác với đường Huyền Trân Công Chúa không có nhà dân nào hết thì đường Đoàn Công Bữu lại có nhà dân bên trong khu bảo vệ, cho nên cổng rào hai bên có thêm một cánh cửa để cho những người dân trong này ra vào.
Con đường này gắn liền với tuổi niên thiếu của tụi tôi, vì bên khu vực Bến Tắm Ngựa qua đây rất gần. Mỗi ngày tụi tôi qua chơi bên bãi cỏ cạnh tòa building 7 tầng, đó là cái tên mà người dân vùng Yên Đổ đặt cho building này. Thật ra tên của nó là building Sufo là nơi dành cho các nhân viên hảng Shell về sau là cho Mỹ mướn làm nơi ở cho các nhân viên dân sự. Có những hôm, tụi tôi cùng đi bắn chim ở cây vông nem to lớn phía sau cô nhi viện An Lạc hay trèo lên hàng rào mấy villa có cây mít, hái mít non về chấm muối ớt ăn.


Buiding Sufo (nhà lầu 7 tầng) và hiện này là khu nhà khách T 78

Vì con đường này bị cô lập cho nên những thông tin về các ngôi nhà nơi đây tôi không biết được; chỉ quan sát được vẻ bề ngoài của nó mỗi khi tôi đi ngang đây. Có một biệt thự to lớn mà tôi chú ý, đó là biệt thự số 12. Căn biệt thự này là nơi cư ngụ của viên tổng giám đốc USAID của Mỹ, giờ nó nằm trong khu nhà khách T. 78. Nó nằm đâu lưng với sân tennis trong khu công chức mà đường vào là giữa cư xá Yên Đổ và Nha Quản Thủ Điền Địa bên đường Yên Đổ. Ngoài ra nhà lầu 7 tầng như vừa kể và cô nhi viện An Lạc là cô nhi viện được Mỹ bảo trợ. Cuối tháng 4 năm 1975, người Mỹ đã di tản các em cô nhi nơi đây trong chương trình Baby Lift.


Biệt thự số 12 Đoàn Công Bữu



Biệt thự số 12 Đoàn Công Bữu hiện nay


          Con đường yên tĩnh, vắng lặng bỗng trở nên náo động vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, khi hàng ngàn người dân tràn vào khu này cướp bóc những gì mà người Mỹ bỏ lại trong giờ di tản ra khỏi Sài Gòn.


 Đường Đoàn Công Bữu lúc còn lưu thông. 
Bên phải hàng rào tôn là cô nhi viện An Lạc. Chổ cây vông nem lớn là một ngỏ nhỏ.


Đoạn giáp với đường Nguyễn Đình Chiểu/TQT 
vào cuối tháng 4/1975 trước cô nhi viện An Lạc


Nguồn hình ảnh: Tim Doling
Mạnh Hải flick
Phim the last day in Vietnam

1 nhận xét:

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...