Lời cảnh báo của cụ Vương Hồng Sển cách đây trên 60 năm về nạn đập phá các công trình kiến trúc nghệ thuật, ngày nay đã thành hiện thực.
Phần V
Cổ tích chung quanh Sài Gòn Chợ Lớn
Trước năm 1954, lăng miếu cổ
tích trong Nam được Trường Viễn Đông Bác Cổ giao phó cho quản thủ Pháp của Viện
Bảo Tàng Sài Gòn chăm nom. Đến năm 1954 thì Pháp giao quyền lại cho Viện Khảo
cổ Việt Nam quản thủ. Trào Pháp bơ thờ không lưu tâm nhiều tới cổ tích trong
Nam, chê không cổ như đền Đế Thiên (Cao Miên) lại không thuần tuý như các đền
chùa ngoài Bắc (Bút Tháp) hoặc ở miền Trung (chùa Thiên Mụ). Khi làm sổ liệt kê
vào sách mục lục cổ tích, họ bỏ sót rất nhiều; nay Chính phủ ta chưa chỉnh đốn
kịp, nên có nhiều người thừa dịp mua rẻ đất thổ mộ, vận động xin phép được cất
nhà rồi xin bốc mả cải táng. Nếu Chánh phủ không khéo ngăn ngừa kịp lúc thì
chẳng bao lâu nữa, chung quanh Sài Gòn tuy có vẻ phong quang hơn nhưng các cổ
tích sẽ theo lưỡi cuốc vô tình của thợ xây nền nhà mà lui vào dĩ vãng hết.
Nhiều lăng mộ có vẻ hùng vĩ, có thể nên để lại làm kiểu mẫu cho khoa kiến trúc
lấy đó biết được cách thức bắt chỉ phong tô kiểu vở thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Không khéo ủng hộ và duy trì kịp thời, thì miền Nam có tiếng là rất nghèo về mỹ
thuật và cổ tích, sẽ nghèo nàn về mỹ thuật và cổ tích hơn nữa, một phần lỗi là
chưa làm sổ tu chỉnh liệt kê và bảo tồn cổ tích được chu đáo hơn.
Đường Công Lý nối dài, mé
tay mặt khi ta đi từ Sài Gòn lên sân bay, cách nay lối hai mươi lăm năm, có một
người ngoại kiều mua một sở đất trên có một ngôi mộ lâu đời không có ai nhìn
nhận cả. Đơn xin bốc mả không ai ngăn trở. Quá hạn kỳ chủ đất thuê người phá
mộ. Gặp một mão bằng vàng, một sợi dây đai cũng bằng vàng, nút áo cũng bằng
vàng, lược giát đầu bằng đồi mồi còn nguyên vẹn, cũng bịt bằng vàng nốt, đem ra
cân thử, cân được trên một ký lô vàng ròng (lối 30 lượng). Báo đồn rùm lên,
chừng ấy mới thấy một người cháu họ ra mặt, nhờ trạng sư đem vụ ra toà phân xử.
Toà phú cho tham biện Pháp tỉnh Gia Định điều tra. Ông Dufour là người ngay
thẳng, làm phúc trình trả lời; việc lâu năm tôi không còn giữ được nguyên bản,
nhớ mại mại có câu như vầy:
"Nên lập uỷ ban cân kỹ
lưỡng các món đã tìm thấy trong mộ. Hãy định theo giá thị trường, đổi ra bạc
băng, ký quỹ vào kho cung thác sở (caisse des dépôts et consignation) chờ lịnh
toà. Nếu người khiếu nại có đủ bằng cớ chứng minh mình là con cháu chắt của kẻ
bạc phước nằm dưới nấm mộ kia, thì cho y lãnh của ấy về (đã tính ra tiền). Nếu
chứng cứ không minh bạch, khi ấy sẽ tuỳ Toà định đoạt. Dầu chi đi nữa, những
trang sức phẩm tìm được, nên ký thác cho Viện Bảo Tàng sở tại triển lãm cho bá
tánh xem… Vì tánh chất công cộng nên không tính ra bạc số tiền công làm nên món
đồ. Chúng ta, người Pháp, đã mang tiếng nhiều rằng "đến đây với danh hiệu
kẻ đi cướp nước". Không nên vì một lý do gì mà tư vị, ủng hộ bất chánh một
"tiểu bối" "ăn cướp hạng nhì" mượn danh đại Pháp, bóc lột
người bản xứ!"
Tiếc thay, Việt Bảo tàng
không có phần. Các bảo vật ấy về Viện không bao lâu, kế gặp chiến tranh, ông
quản thủ Pháp cất kín các vật trong một tủ sắt kiên cố, chở tủ ấy xuống gửi tại
toà hành chính tỉnh Long Xuyên, tưởng vậy là chắc, không dè đến năm 1945, một
nhóm người xâm đoạt luôn cả tủ cả bảo vật, Viện Bảo tàng mất hết không còn món
nào.
Đây là một vụ thứ hai về phá
mộ xưa. Hôm ấy nhằm ngày 16 tháng 11 năm 1953. nhân danh đại diện quản thủ Pháp
Viện Bảo tàng Sài Gòn, tôi đến làng Hoà Hưng, vào một ngõ trong hẻm chi nhánh
đường Lê Văn Duyệt coi cho người ta bốc một ngôi mả vôi vô thừa nhận, để đất
trống cho tân nghiệp chủ tiện xây cất nhà cửa. Mộ này đã bị phá từ mấy ngày
trước chỉ chừa cái hòm chưa cạy nắp, những chi tiết quan trọng, mộ bia, liễn
đối đều không còn nên không làm sao rõ được chức phận, phẩm tước của người quá
cố. Duy thấy chiếc quan tài bằng cây huỳnh đàng mà đoán địa vị người ấy khi xưa
ắt cũng lớn lắm, giàu có lắm. Gỗ trai, huỳnh đàng, người mình thích đóng hòm
cũng phải. Cứ bằng chứng nơi chiếc quạt tre phất giấy dầu trong tay người chết,
quạt còn xòe được như mới, chữ còn sắc sảo vì viết bằng một chất phấn kim khí
sáng sáng như chì rõ ràng đề "Gia Khánh đệ … niên" thì đoán hòm chôn
đã được tròm trèm một trăm năm mươi năm rồi, thịt rã nát thành đất đen. Xương
còn nguyên nhưng thâm xì, nhưng lạ thay, trên trán còn rõ ràng một miếng da
người thấy lỗ chân lông nhầy nhầy nhìn còn được, cạnh gò má xương màu đỏ đỏ như
nhuộm máu, buột miệng anh cò lai hôm ấy thốt ra một câu tôi nhớ mãi:
"accident d’auto". Quên nói hôm ấy có một ông bác sĩ và một phó cảnh
sát trưởng đến chứng kiến với tôi vụ cải táng này. Và trong ý anh cò lai, vì
chưa thấy chiếc quạt "Gia Khánh" nên đinh ninh thây ma nằm đó chắc
của một người mới chết gần đây vì tai nạn xe cộ, ô tô húc mà thôi! Mà lạ thật!
Những cái gì cho ta trường cửu, thì trở nên tro bụi: vàng xi, nút áo bạc, mấy
nút bằng pha lê biến thành chai (verre). Trái lại, những vật ta cho rằng mau
mục, mau tan rã còn lại ràng ràng như mới: vỏ cau ăn trầu, chiếc chiếu lót dưới
người chết còn đủ màu nhuộm ô xanh ô đỏ, thậm chí giấy tiền vàng bạc còn phân
biệt để nguyên xấp, bên vàng bên bạc rành rạnh, không hư; trong tay, như đã
nói, cầm chiếc quạt "Gia Khánh" gói trong vuông khăn nhiễu điều, cây
quạt này xòe được lúc trong hòm lấy ra, đến cái chốt nan quạt cũng chẳng hề hấn
gì (duy sau này cất để đến nay, giấy quạt khô trở nên giòn không mở ra được
nữa). Trên bụng còn một gói, giở ra là trầu, thuốc xỉa (thành tro bụi), cau ăn,
xác còn cứng chắc, một ống bạc đựng vôi đã hen rỉ, cả các món đựng trong một
đãy trầu bằng gấm có thêu kim tuyến ràng ràng, một khăn đỏ khác gói hai cây
viết lông, quản bút bằng trúc mới tinh, ngòi bút bằng lông mềm mại, khi lấy
trong hòm ra, ước chừng lấy chấm mực viết như chơi, nhưng ra gío giây lát sau
thì lông bút rớt ra khỏi quản. Ngay chỗ háng, giữa xương hai đùi, có một chùm
lông rõ rệt. Râu đen, tóc dài đều còn nhưng sau râu lại nhét vào mồm, không để
tự nhiên dài che cổ, ngực? Phong tục này xin hỏi các bậc lão thành. Răng nhuộm
đen, chứng tỏ người chết là người Việt gốc gác không miền Bắc thì miền Trung,
đầu chít khăn quấn tay, áo mặc nhiều lớp chồng lên nhau, vẫn còn nguyên xé nghe
tèn tẹt. Chiếc lược đồi mồi vẫn chưa mục, và hai món này: khăn, lược chứng tỏ
cho ta biết người quá vãng không có phẩm tước triều đình (nên không đội mão).
Dầu chi cũng là một người phong lưu khác giả nên có đem theo bút lông, cây xỉa
răng bạc, cây móc tai dát vàng và bao đựng thuốc xỉa, thuốc hút, đãy đựng trầu
ăn. Oâ hô! Giàu sang một đời, nằm xuống đất nay đã gần một trăm năm mươi năm,
thế mà chưa được yên thân! Cháu con lâu đời át đã lui về quê cũ Bắc hoặc Trung,
còn sót những đứa ở lại đây, một nắm xương tàn đối với chúng sao trọng bằng
tiền bạc nên chúng đã ký tên bán đất, phú cho phu phá mồ đào cốt, cải táng về
đâu mặc kệ. Ván hòm cứng thật. Ngoài da mốc mốc, đất ăn xầy xầy, tưởng bở. Chạm
sâu một phân tây, cứng rắn vô cùng. Thậm chí, cái máy khoan điện, thuở nay nào
biết kiêng nể thứ gì, sức bực sắt đá nó còn nhai như bánh bột thế mà máy khoan
đâm không thủng nắp hòm! Khoét được lỗ nào chỉ đút sâu lỗ đó, chung quanh vẫn y
nguyên. Khoan cả mấy giờ không xuể đâu vào đâu, phu phá mồ "xổ nho"
nghe mà phát mệt! Thét rồi, chúng chạy về lấy búa thầu và đục thép cỡ lớn ra
nói chuyện với huỳnh đàng! Nghĩ mà tội cho người nằm đó! Sắm hòm cây danh mộc
tưởng chừng đủ chịu đựng với thời gian, không dè kẻ thù ngày nay là đức cháu
bất hiếu, một tên võ phu tay cầm búa thầu đục thép. Không một tiếng não bạt ê
a, không một câu kinh an ủi. Nằm trơ đó mà chờ người ta mổ búa lớn vào nắp vào
đầu. Nhà chức trách cũng bất lực, vô phương cứu cấp, mục kiến cho đám phu phá
mồ dang thần lực nện búa thầu vào đầu đục, búa nào búa nấy nháng như búa Thiên
Lôi. Hòm mở toang ra, chúng hốt lấy hốt để, từ hòm huỳnh đàng chuyển cốt qua
một cái quách nhỏ bằng cây tạp dầu. Chiếc hòm quý huỳnh đàng mới làu làu phu
phá mồ thừa hưởng, bán manh bán mủn cho phường dị đoan đem về là ghế xây, bàn
cầu cơ. Quách dầu, vài đứa đem vùi một chỗ vô danh, chờ ngày không mục nát tự
nhiên, thì đến năm cải táng nhường chỗ cho lớp khác. Chung quy có mớ đồ vật ký
thác cho Viện Bảo tàng còn lưu lại hậu thế, kỳ dư trở về tro bụi. Nếu chánh phủ
không sớm thảo điều lệ bảo vệ các cổ tích, lăng cũ, mộ xưa, cấm mua bán đất thổ
mộ, liệt kê các ngôi mả bằng ô dước, vôi đá tại Việt Nam thì chẳng bao lâu nữa
chung quanh Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn không còn sót lại một cái nào khỏi bị
lưỡi cuốc phu phá mồ đưa về dĩ vãng.
Ngày trước đất rộng, dân
gian tín ngưỡng, sợ chùa, miễu, mộ phần. Ngày nay đất chật, sự tin tưởng thần
thánh, quỷ ma đã bớt, nhất là những đất có chôn mả thường bán rẻ tiền, miếng
nào còn sót lại trong đô thành không chầy thì kíp cũng có người mua, dời mộ xây
cất dinh thự, lâu đài, ít lâu người cố cựu cũng không làm sao nhớ nổi.
Đại lược các cổ tích còn sót
lại và ngày nay còn thấy là:
- Lăng Thượng Công Lê Văn
Duyệt tại chợ Bà Chiểu. Tả quân từ trần 1832, năm 1835 mộ bị san bằng phẳng,
núm mộ bị xiềng lòi tói sắt. Năm 1848, vua Tự Đức tha tội truyền xây lại như
cũ. Năm 1868, Tả quân được truy phục "Vọng các công thần, chưởng Tả quân
Bình Tây Tướng quân Quận Công" và được vào "Miếu Trung Hưng Công
Thần".
Lăng Thượng Công Lê Văn Duyệt
- Lăng Phò mã Hậu quân Võ
Tánh, mộ chánh tại Bình Định, đây là mộ chôn hình nhân bằng sáp, vì người tự
thiêu trên giàn hoả, không còn thây thi. Mất năm Tân Dậu, ngày hai mươi bảy
tháng năm năm 1801. lăng nằm trong vùng đất quân sự, vào cửa phải xin phép
trước. Xưa tuy không vẻ nguy nga nhưng trang nghiêm. Nay tiêu điều lạnh lẽo.
Trước năm 1942 còn sót lại bốn cây đại thọ đứng tứ trụ bốn góc lăng, là bốn cây
thông do Gia Long sắc chỉ dạy trồng. Mỗi cây lớn cả ôm, da trổ da quy nứt lục
lăng trông rất ngộ. Binh Nhật chiếm Sài Gòn, đục thông lấy tòng hương làm chết
khô bốn cây cổ thụ, nay còn sót một gốc khô đứng sừng sựng, cảnh tang thương
càng làm thêm đau lòng người hiếu cổ.
Lăng Phò mã Hậu quân Võ Tánh
- Lăng Long Vân hầu Trương
Tấn Bửu, đường Trương Tấn Bửu. Mất năm Minh Mạng thứ 8, ngày 2 tháng 8 năm
1827. vì người quản thủ không có óc thẩm mỹ, sửa chữa miếu kiểu ngoại lai, mộ
phần trét xi măng, sơn vôi lố lăng trông xốn mắt.
Lăng Long Vân hầu Trương Tấn Bửu
- Lăng Bình Giang Bá Võ Di
Nguy tại Phú Nhuận, trong hẻm một con đường mang tên của Ông nhưng con cháu đã
bán đất chung quanh lăng, còn chừa nội phần mộ, kề bên có một chuồng heo dơ bẩn
và một ngôi miếu thờ không đáng danh là miếu thờ. Đất là đất của Vua, con cháu
công thần ăn hoa lợi. Nay trở nên đất của Nhà nước, tại sao ban quản thủ không
xin thủ tiêu tờ mua bán đất bất hợp pháp (Bình Giang Quận công tử trận tại Thị
Nại năm 1801).
Lăng Bình Giang Bá Võ Di Nguy
- Lăng Bá Đa Lộc (Eùvêque
d’Adran), thường gọi "Lăng Cha Cả" ở Tân Sơn Nhất, đường lên sân bay.
Mất năm 1799, chôn vào đêm. Đám tang nửa theo phép đạo Thiên Chúa, nửa theo lễ
tục Nam, tế trọng thể, bài ai điếu viết trên lụa vàng, nay còn để dành tại họ
Sài Gòn.
Lăng Bá Đa Lộc (Eùvêque d’Adran)
- Sau Lăng Cha Cả là mộ phần
chung các vị mục sư kế tiếp mất tại đây. Trong số, có mộ cha R. P. Liot, là bí
thư của Đức linh mục d’Adran.
Nghĩa trang các giáo sĩ phía sau Lăng Cha Cả
- Lăng Lê Văn Phong, sanh
tiền tặng "ông Tả Dinh" là em của Lê Tả quân. Mất trước Tả quân nên
mộ phần kiên cố hùng vĩ bởi do Tả quân đứng trông nom xây cất. Chúng tôi mới
tìm được trước ở trong hoa viên nhà ông quản lý Đông Pháp Ngân hàng, sau vì đổi
chủ nên mất tích. Trước ở về phía hữu đường Mac Mahon nối dài, nay ở về phía
hữu đường Ngô Đình Khôi (?), khuất trong xa, phải cố tìm mới ra mối.
Lăng Lê Văn Phong
- Lăng Nguyễn Văn Học,trước
kia Pháp gọi "tombeu du Maréchal Nguyễn Văn Học". Nay truy ra không
có công thần nào triều Nguyễn có tên họ như vậy. Có chăng là ông Trần Văn
Học,tác giả bức địa đồ tỉnh Gia Định hoạ năm 1815? Ngày trước ngôi mộ Nguyễn
Văn Học ở chỗ khác, chủ đất xin dời nên tham biện sai gỡ ra từng khối nguyên
đem về ráp lại trong hoa viên gần toà hành chính như hiện nay ta thấy. Năm cải
táng, 1939, lấy được đồ trang sức phẩm bằng vàng, mão, đai của nhất phẩm đại
thần, về sau ông quản thủ Pháp dời giấu ở Long Xuyên bị cướp chung một số kiếp
với những đồ vàng đào được tại đường Công Lý đã nói ở đoạn trước.
Lăng Nguyễn Văn Học (?)
- Lăng quý tộc họ Hồ, hoàng
thái hậu, vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị tại làng Linh Chiểu Tây (Thủ
Đức).Lăng này còn tốt, tuy có vẻ đìu hiu. Trong sử ngày xưa, vua Tự Đức sai ông
Phan Thanh Giản sang Pháp nói chuyện đem tiền chuộc đất ba tỉnh Miền Đông cũng
vì những ngôi mộ này một phần nào.
- Lăng ông Nhiêu Lộc, cách
kiến trúc khác hơn những lăng đã thấy, hình vuông vắn như ngôi nhà vững chắc.
Lăng này trước kia Trường Viễn Đông Bác cổ chưa liệt kê, may thời nay lọt trong
sở nhà đất thuộc sân bay Tân Sơn Nhất, tại đường Chi Lăng (?), giữa khoảng Võ Di
Nguy (?) và Ngô Đình Khôi (?). Một ngôi mộ xưa nhỏ hơn mộ Nhiêu Lộc, vì ở gie
ra ngoài đường Chi Lăng, nên đã bị phá, không biết khi cải táng có gặp món đồ
gì có giá trị cổ tích chăng, vì lúc sau này, Ty Vệ sinh Đô thành, mỗi khi cải
táng, không như trước, mời đại diện Viện Khảo cổ tham dự.
- Đất mộ phần dòng họ Trương
Minh, tại Gò Vấp, đến đây hỏi thăm nhiều người biết. Phủ thờ cũ kỹ, kèo trính
mối leo cả dây. Đặc biệt nơi đây còn giữ được trên trăm bài vị tiền nhân trong
dòng họ. Còn sót vài món từ khí, bàn thờ, hoành phi, liễn đối nguyên xưa của
nhà ông Thế Tải Trương Minh Ký, một học giả đồng thời ông Sĩ Tải Trương Vĩnh
Ký. Mồ mả có cái xưa nhất là của ông bà Trương Minh Giảng thì xây bằng vôi trộn
ô dước theo kiểu thế kỷ XIX, có riêng một ngôi mộ núm tròn kiểu khác lạ chưa
từng thấy, đến như ngôi mộ của ông Trương Minh Ký cất đầu lối thế kỷ XIX đã
"lai Tây", có nóc bắt bông thạch cao kiểu bắt chước các mồ mả đạo
Thiên Chúa, xuống một bậc nữa, đến cháu con ông Thế Tải thì có cái ngả hẳn về
đạo Thiên Chúa, dầu núm đất cũng khắc mộ bia Việt ngữ, tên họ kèm theo tên
thánh thêm đặt ảnh chụp lồng kiếng chân dung người quá vãng. Đi xem đất phần mộ
họ Trương Minh, biết được kiểu mồ mả ba thế hệ: thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và
thế kỷ XX.
Chùa Chiền
Về cổ tích trong Nam, các
chùa chiền chiếm một địa vị khá quan trọng. Xét ra người Miên thưở giờ có tục
hoả táng nên mồ mả cổ tích Miên trên đất Sài Gòn không thấy cái nào. Những chùa
Miên xưa chỉ sót lại mấy cái nền đất dùng qua việc khác. Đường Trương Minh
Giảng nay có dựng một ngôi chùa thì vẫn mới quá, chưa đáng liệt kê vào số cổ
tích. Chỉ có người Việt, người Tàu, đồng văn hoá, đồng tín ngưỡng, cho nên khi
đi đến đâu xứ lạ đất mới thường ưa đậu tiền đậu vốn hùn nhau lập chùa miễu cùng
chung thờ phượng (không kể các chùa đặc tính của mỗi dân tộc hoặc các am, thất
nhỏ, riêng biệt của vài phái, nhóm địa phương). Nay điều tra kỹ thì chưa có cái
nào có trước năm 1698, tức đều sau cuộc Nam tiến mà thôi.
Theo chúng tôi được biết,
thì có ba chùa sau đây đáng gọi tiêu biểu cho ba tín ngưỡng:
- Một ngôi chùa thờ Phật, cổ
nhứt trong vùng là chùa Giác Lâm, do người Minh Hương, Lý Thoại Long, quyên
tiền xây năm Giáp Tý (1744), nay vẫn còn nghiêm túc vững chắc ở trên Phú Thọ.
Chùa Giác Lâm
- Một ngôi chùa khác, liên
hệ rất nhiều đến lịch sử là chùa Minh Hương Gia Thạnh, lập năm Kỷ Dậu (1789) do
di thần Minh mạt và con cháu Minh Hương, dựng trong Chợ Lớn (Sài Gòn thời đó),
để di dưỡng tinh thần yêu cố quốc, mến quê hương, chùa nầy đến nay khói hương
không dứt, được tiếng khéo tu bổ, khéo săn sóc nhứt trong vùng.
Chùa Minh Hương Gia Thạnh
- Còn một ngôi chùa thứ ba
của phái Nho Học, quan trọng không nhỏ đối với lịch sử đất Sài Gòn, tiêu biểu
cho lòng trung cang ái quốc, tạo lập từ ngày người Minh dựng nên phố Đề Ngạn.
Qua năm Canh Thìn (1820), chùa được xây cất lại mới và trải bao biến cố, còn
sừng sững làu làu như ngày nay ta thấy, đó là Thất Phủ Quan Võ Miếu. Nay xét kỹ
lại, mới rõ đây là cổ tích gần như duy nhứt để chỉ trung tâm điểm của phố Sài
Gòn của người Tàu ngày xưa.
Thất Phủ Quan Võ Miếu
Nếu có thể ví ông bà ta xưa kia vào lối
cuối thế kỷ XVIII và ngót hơn một thế kỷ tiếp đó ngày tư ngày tết, hãnh diện nhứt
là được lê gót giày mạ mị (đế kết bằng lông đuôi ngựa), dạo phố Quảng Tống Cái
(Quảng Đông Nhai hay rue de Canton), qua đời chú bác ta lại thích chiều chiều
thả xích phê đường Catinat, giày "ăn phón" (fabriqué en France) nện vỉa
đường nghe cốp cốp, qua đến đàn em ta và ta ngày nay lại ghiền thú chen lấn nhộn
nhịp nam thanh nữ tú Chợ Bến Thành, rõ ràng trải qua ba thời đại, Sài Gòn ở ba
điểm khác nhau, và phố Triệu Quanh Phục ngày nay, bắt từ chùa Quan Đế chạy dài
tận mé sông, quả là địa điểm đất cổ Sài Gòn, rất đáng được liệt kê vào sổ cổ
tích và nên ủng hộ cho đến kỳ cùng, không nên vì lý do nào, cho phép vỡ phá sửa
đổi xây cất lại mới, làm mất dấu vết "lịch sử" của nó. Trong các cổ
tích thuộc đường Triệu Quang Phục, đáng để ý nhứt là Thất Phủ Quan Võ Miếu, như
đã nói, trong chùa có lên cốt tượng thờ Đức Quan Công, thái tử Quan Bình, và kẻ
bề tôi trung tín là Châu Thương cùng ngựa Xích Thố. Vía đức Quan Đế vào ngày mười
ba tháng Giêng âm lịch. Khảo ra, chùa có trước thế kỷ thứ XIX, nhưng đến năm
1819 - 1820 mới xây cất kiên cố cho đến ngày nay, tuy bị bỏ bê, nhưng vẫn còn vững
chắc và hùng vĩ lắm. Nếu nói nay chùa lâm vào cảnh nhang tàn khói lạnh thì quá
đáng, nhưng nên trách ban quản trị hiện thời vì quá ham lợi và quá xu mị phe
duy vật, đành dùng sân bên hông chùa xây cất phố lầu cho mướn, tuy có thêm huê
lợi nhưng mất sự tinh khiết chung quanh chỗ thờ phượng, lại cho phép trước mặt
tiền chùa dựng một rạp ciné, ngày ngày diễn tuồng cụp lạc dâm ô, đàng điếm, thậm
chí trong chùa, giữa chánh điện, lại phân chia phòng nhỏ phòng lớn, lớp dạy học,
chỗ bày ghế bố làm nơi ăn ngủ của bọn bán xăm bán nhang đèn, xúc phạm đến thế
là cùng, người có Nho phong lễ giáo đến đây không khỏi động lòng trắc ẩn. Đã biết
ở đâu cũng có tiểu nhơn, quân tử, cũng không nên cố chấp làm gì, nhưng không
nói nó làm sao ấy! (Ngày mồng năm tháng sáu d. l. mới đây, chúng tôi có dịp trở
lại viếng chùa, thấy còn thương tâm hơn nữa. Người ta đương khiêng cây ván bày
bừa bãi trước chánh điện, các lớp dạy học và những phòng tụ hội của uỷ ban nầy
nọ đã lấn sát bàn thờ, đức Quan Đế chỉ còn một chỗ ngồi hết sức chật hẹp, tượng
cốt thì lột mãng bào mũ miện ra, định chừng muốn tô lại mới; nhưng nếu đã hết
tin tưởng thì thà để vậy có phần cổ kính hơn, - một bài minh đề "Đạo Quang
đệ thất niên " (1827), kể lại công đức Quan Đế khắc trên gỗ mạ vàng tuyệt
mỹ thì bị bỏ ra ngoài sân dựa vách, mặc dầu mưa gió, mặc dầu mục hư, thảm não
nhứt là mấy tấm cổ bia đá khắc danh sách các nhà từ thiện xưa đã hỷ cúng bao
nhiêu vào công cuộc xây dựng chùa, trong số bia ân nhân ấy có một thạch bia chữ
lớn nêu rõ bà Đỗ Thị, phu nhơn Tả Quân Lê Văn Duyệt, cúng hai trăm quan tiền thời
đó (năm 1819) và một bia đá khắc kể rõ bảy phủ là những phủ nào, toàn là bia cổ
tích, liên quan nhiều đến lịch sử Sài Gòn, những bia ấy cũng tránh không khỏi sự
phá hoại vô lý, tấm thì bị trét hồ, tấm lại bôi vôi hoặc mất chữ hoặc lem luốc
chữ không đọc được. Thiết tưởng dốt nát thì còn tha thứ, nhưng nếu đó là sự cố
ý xúc phạm của người hữu học, thì đến thế là cùng! Một dân tộc có tiếng là văn
minh, nếu muốn được người khác tôn trọng, thì trước phải biết trọng mình và tôn
kính những cốt tượng thần phật của mình thờ phượng xưa nay với chớ! Đây là một
câu hỏi của một người bấy lâu hằng lấy gương Quan Đế làm mực thước xử thế, xin
gởi với bao lễ kính và chí thành lên các bực đàn anh Trung Hoa, nếu có dị nào đọc
bài này, vui lòng cho biết tôn ý để học hỏi thêm. Hỏi: Vì sao cũng xưa các người
Tàu dạy khắp nơi thờ cúng Quan Võ Đế rồi ngày nay cũng người Tàu làm gương nguội
lạnh đến thế nầy? Nếu các ông không có tín ngưỡng nữa thì xin giao ngôi chùa lại
cho chúng tôi gìn giữ làm cổ tích như thế còn có nghĩa hơn.
- Cách chùa Quan Đế một tấm vách, có
chùa "Tam Hội Miếu" thờ bà Chúa Thai Sanh, coi về sinh đẻ. Nơi đây những
người đàn bà hiếm con thường đến cầu nguyện về đường tử tức. Chùa lập năm 1839
gọi tắt là "Phò Miếu" (Miếu Bà). Tương truyền trong chùa có thờ bài vị
một vị Phò mã, con trai ông Trịnh Hoài Đức.
Nghĩa An Hội Quán (miếu Quan Đế)
- Ở xúm xít góc Triệu Quang
Phục và Nguyễn Trãi có đến ba chùa, còn cái thứ ba, cũng gọi "Phò Miếu"
hoặc "Chùa Bà" nhưng đây thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Đây là một ngôi
chùa có tiếng là xưa nhứt, giàu nhứt, khéo nhứt, và cũng giỏi bảo tồn nhứt
trong vùng. Vía bà là ngày hai mươi tháng ba âm lịch, nhưng chùa vào lễ từ ngày
mười tám đến ngày hai mươi ba mới dứt, và người dân chất phác xứ Chợ Lớn vẫn
đinh ninh khi nào lễ cúng Bà xong thì khi ấy mới bắt đầu có mưa đầu mùa. Chùa
này trên nóc có gắn sành rất khéo, tả lại cuộc vui đời xưa. Hai bên chùa, từ
năm 1825 - 1830, đã có trụ sở Bang Quảng Đông, nhưng ngày nay ta thấy hai toà lầu
kiên cố, một bên là trường học, một bên là trụ sở liên lạc của người bang Quảng
Đông, lấy hiệu là "Huệ Thành Hội Quán".
Nay truy ra mới biết xóm ba Chùa nầy
đích thị là trung tâm điểm của xóm"Đề Ngạn" và nơi xưa kia trong sách
gọi"Sài Gòn" thị chính là nơi đây:
"Cách huyện Bình Dương mười hai dặm,
ở phía tả và phía hữu đường quan lộ. Nơi chợ có đường thông ra tứ phía đi liên
lạc như hình chữ "điền", nhà cửa phố xá liên tiếp thềm mái cùng nhau,
người Hán người Thổ ở chung lộn dài độ ba dặm, đủ cả hàng hoá trăm thức, ở bên
sông nam và bắc không thiếu món gì, đầu phía bắc đường lớn có đền Quan Công,
quán Tam Hội, xây cất đối nhau phía tả và phía hữu. Phía tây đường lớn có chùa
Thiên Hậu, ghé tây có Ôn Lăng Hội Quán. Đầu phía nam đường lớn về hướng tây có
Chương Châu Hội Quán (của bang Phúc Kiến). Phàm gặp giai tiết lương thần và
ngày tam nguyên, sóc vọng thì treo đèn đặt án để đấu xảo, ánh sáng rực rỡ hình
như cây lửa cầu sao vậy, lại đánh trống thổi kèn huyên náo, con trai con gái
kéo đến tấp nập, thành một thị phố đô hội náo nhiệt.
"Trong một đường lớn có
giếng xưa nước ngọt bốn mùa đầy luôn không kiệt. Đường ngang có khe nhỏ gác cầu
ván lớn, hai bên phố ngói cất dăng ở trên, treo giăng màn trướng để che mặt
trời, đi trên đường mát mẻ như đi dưới mái nhà cao lớn vậy. Phía đông đường lớn
có chợ Bình An, có đủ những thổ sản quý báu ở núi ở biển và ở thôn dã, ban đêm
cũng thắp đèn mua bán. Ngày nay đã thưa thớt không bằng như xưa".
(Đại Nam Nhất Thống Chí, Lục
Tỉnh Nam Việt, bản dịch Nguyễn Tao, tập 2, trương 74).
Căn cứ theo tài liệu trên
thì quả trung tâm điểm của thị trấn xưa kia gọi "Đề Ngạn", tức là phố
Sài Gòn của người Tàu đời xưa, đích thị là ở ngay nơi xóm Ba Chùa nầy rồi. Bằng
cớ là những chùa nầy còn giữ y chỗ cũ, mặc dầu ngày nay trung tâm chỗ buôn bán
đã dời qua địa điểm khác, nhưng chốn cũ vẫn còn nhiều hiệu buôn khách đồ sộ, có
cái lâu đời đến hơn trăm năm rồi.
Xét ra người Tầu thuở đầu
qua đây, lúc ấy chưa có thuốc trị bịnh hiệu nghiệm như ngày nay, nên họ tin
nhiều ở sự phù hộ của thần thánh, đâu đâu đều có miếu thờ đức Quan Đế và bà
Thiên Hậu. Về chùa Bà, còn một ngôi chùa rất xưa nữa ở góc đường Lê Văn Duyệt
và Hồng Thập Tự. Nay thấy nền chùa thấp lé đé dưới vỉa đường mà đoán chừng chùa
nầy tạo lập từ xưa lúc ấy đô thành còn ẩm thấp chưa cao ráo như ngày nay.
- Một chùa bà Thiên Hậu nữa
thì ở tại mé sông Chợ Cầu Ông Lãnh. Xưa người Tàu kình nhau lập chùa miếu, mỗi
bang có mỗi chùa riêng. Và nghe đâu chùa Bà Chợ Cầu Ông Lãnh là của nhóm người
Phước Kiến.
Sau đây là sự tích của bà Mi
Châu, thuộc Bồ Dương (Phước Kiến).
Ngày sanh: 23 tháng 3 năm
Giáp Thân (1044), đời vua Tống Nhân Tông. Tám tuổi biết đọc, mười một tuổi tu
Phật giáo. Mười ba tuổi, thọ lãnh thiên thơ: thần Võ Y xuống cho một bộ
"Nguyên vị bí quyết" và bà tìm được dưới giếng lạn một xấp cổ thư
khác. Bà coi theo đó mà luyện tập rồi đắc đạo.
Cha tên Lâm Tích Khánh ngồi
thuyền cùng hai trai, anh của Bà, chở muối đi bán tỉnh Giang Tây, giữa đường
thuyền lâm bão lớn… Cả ba cùng té, lặn hụp chới với… Cùng một ngày giờ đó,
trong lúc trận bão diễn ra ngoài khơi, thì bà đang ngồi dệt vải bên cạnh mẹ. Bà
ngồi khung cửi, bỗng nhắm mắt lại, nghiến hai hàm răng, hai tay đưa tới trước
dường như trì níu một vật gì nặng lắm. Mẹ ngồi gần thoạt thấy cử chỉ lạ lùng làm
vậy, phát sợ, gọi bà. Bà không ừ hữ. Mẹ càng sợ thêm, đến gần Bà nắm hai vai
vừa lắc chuyển vừa la lớn: "Sao vầy con? Trả lời đi con! Nói mau kẻo mẹ sợ
lắm". Bà mở mắt, ư một tiếng dài như vừa tỉnh giấc chiêm bao, bỗng oà lên
khóc: "Mẹ ôi! Thôi rồi, cha mắc nạn to, thuyền bị bão chìm, nay con không
cứu cha được cũng vì mẹ một hai trục con về. Âu chẳng qua cũng tại số trời!
" Rồi bà thuật tự sự. Khi ban nãy Bà làm như vậy là Bà đang một tay nắm
anh cả, một tay kéo anh thứ, vì cả hai đang chới với dưới ngọn ba đào. Giữa lúc
bối rối làm vậy bỗng Bà thấy cha đang lặn hụp dưới thuỷ triều và sắp bị nước
cuốn trôi… nên Bà vừa dùng răng cắn được chéo áo của cha, Bà sắp cứu được cả ba
thoát nạn dữ, kế nghe mẹ kêu giựt dội một hai lay gọi ép Bà trả lời, Bà vừa hở
môi thì sóng cuốn cha mất dạng. Nên Bà chỉ cứu được hai anh khỏi nạn và chờ các
người ấy về sẽ rõ âm hao. Quả đúng như lời, cách ít hôm sau, hai anh về tả lại
cảnh cha chết, quả y như lời Bà đã thuật cách mấy ngày trước.
Từ đó tin đồn truyền ra, xa
gần đều biết và mỗi khi ngoài biển thuyền bè bị đắm, gọi vái đến Bà là tai qua
nạn khỏi. Về sau, dân gian quá ngưỡng mộ danh Bà, mỗi khi có nguy hiểm tai nạn
đều van vái Bà, nhứt là những khách thương cỡi thuyền vượt biển.
Năm Canh Dần (1110) niên
hiệu Đại Quan, nhà Tống sắc phong Bà: "Thiên Hậu Thánh Mẫu". Lễ cúng
23 tháng 3 mỗi năm; và tại Chợ Lớn, có chưng cộ Bảy Bang rất lớn, có múa rồng
hát bội Tàu và ta, bong đèn kết tụi, bong hình nhơn "Kim Đồng, Ngọc
Nữ" bằng trẻ con rất khéo. Từ ngày duy tân, bớt những xa xỉ ấy, bao nhiêu
hoa lợi chùa Bà mỗi năm trên số triệu, đều dùng vào việc nghĩa: giúp dưỡng
đường, trường học, v.v… Nhưng ban trị sự Chùa Bà sáng suốt nên không theo gương
bên Quan Võ Miếu, vẫn thờ phượng tôn kính và chỗ chánh điện vẫn giữ y như cũ.
Hay là các người Trung Hoa, mặc dầu theo mới, nếu có triệt để "duy
vật" là bên chùa ông, còn bên chùa Bà vẫn kiêng nể và nhắm mắt để cho đàn
bà đi chùa lễ thần và cúng vái thế cho mình.
Trong chùa Bà Thiên Hậu Chợ
Lớn còn vài cổ vật, cổ tích: một đại đồng chung đề "Đạo Quang năm thứ
10" tức làm vào năm 1830. Một bộ lư Pháp lam (cloisonne') vĩ đại, cũng đề
một niên hiệu ấy. Một tướng lịnh của tướng d ' Ariès ký tên cấm các binh sĩ Tây
và Y Pha Nho (Tây Ban Nha) phá phách trong chùa cũng đề ngày lối năm 1859 hoặc
1860, tiếc thay người trong chùa không biết giữ gìn kỹ lưỡng, nên chữ đã phai
mờ không đọc được. Chùa ngày nay như ta thấy, toàn xây bằng vật liệu bên Tàu
đem qua, từ viên gạch, tấm ngói, đến những đồ gốm gắn trên mái nóc đều do
thuyền buồm chở sang đây, đến cách thức phong tô cũng giữ y thể thức Tàu, gạch
xây liền mí không tô hồ, đếm rỡ từng tấm một, lằn hồ thẳng đường thẳng lối khít
rịt và ngay bon như vẽ, thiệt là rất khéo và tưởng chừng thợ kim thời khó làm
sắc sảo hơn được nữa. Truy ra chùa nầy trùng tu năm 1860 (Hàm Phong năm thứ
10). Ngày nay đứng sân chùa ngắm lên các cảnh chưng trên nóc bằng đồ gốm nung
bên Tàu là biết được những phong tục Trung Hoa cổ thời, thưở vua chúa còn trị
vì: đả võ đài, thi đậu vinh quy, công chúa tuyển phò mã, v.v… những vật này
đáng được liệt kê vào sổ cổ tích vậy.
Nay tiếp tục dạo xem các
chùa khác thì gặp:
- Đường Đồng Khánh, một chùa
của người Hải Nam, hiệu đề "Quỳnh Phủ Hội Quán" còn trang nghiêm và
khéo gìn giữ, có trật tự lắm. Trong chùa còn một chung đồng lớn đề "Quang
Tự Ất Hợi" (1875).
Quỳnh Phủ Hội Quán
- Đường Nguyễn Trãi, có một
chùa của người Phước Kiến, hiệu đề: "Hà Chương Hội quán". Chùa nà đồ
sộ và khéo nhứt thời xưa, cho nên ngày nay người cố cựu Chợ Lớn còn quen dùng
danh từ "lớn bằng chùa ông Hược", vì thời trước chỉ có chùa nầy là
nguy nga nhứt. Quên nói "Hược" là tên nôm na của "Hà Chương Hội
Quán". Ngày 6 tháng 6 năm 1960, chúng tôi có đến viếng chùa, nhơn dịp hỏi
lai lịch và nguyên do chữ "Hược" thì chính ông từ giữ chùa cũng ấp
úng trả lời không suôn sẻ. Chúng tôi hỏi "Phước Kiến" có bảy phủ là
những phủ nào thì ông kể không đủ số. Đến chữ "Hược", theo ý ông là
do chữ "Hạp" (Hiệp), tức ý nói chùa lập ra do sự thống nhứt của các
phủ tỉnh Phước Kiến hạp lại". Cắt nghĩa làm vậy chúng tôi tưởng chưa thông
đâu. Kế đó chúng tôi đến hỏi một học giả ham chơi đồ cổ, gốc người Phước Kiến ở
đường Phạm Ngũ Lão thì ông không trả lời được. Riêng chúng tôi được biết, có
phải chăng "Hược" do "Học" tức "Phước" hay
"Phúc" đọc giọng Phước Kiến? Chúng tôi nay xin chép ra đây để chờ
người cao học phủ chính.
Hà Chương Hội Quán
Tiếng rằng "Chùa Ông
Hược", nhưng chánh điện thờ bà Thiên Hậu. Trong chùa có một chuông lớn đề
"Đồng Trị, Mậu Thìn niên" (1868). Tại chùa có bốn cây cột đá, nguyên
khối, rất lớn và khéo vô song. Chạm rồng vấn cột, vẩy vi, nanh móng nổi ra, tóc
râu chạm lọng tuyệt mỹ, tiếc thay, mấy năm tao loạn đã bị sứt mẻ và gãy rời mất
đôi chỗ, thật là rất uổng. Khéo nhứt là hình "bát tiên quá hải" chạm
đứng trên thuỷ ba, trên mây và trên vi rồng, nét chạm thần tình đến tưởng nét
vẽ trên giấy cũng không khéo hơn. Nghe nói xưa chùa có sáu cây cột nhưng đã bị
chánh phủ thời đó "mượn không trả" hết hai cây rồi!
Ngoài cửa chùa, đời Đồng Trị
năm Mậu Thìn (1868), Trạng Nguyên Lâm Hồng Niên người Phước Châu, có gởi cúng
hai câu liễn khắc vào đá, nay còn rành rành:
"Hàthái ánh Nam
thiên, vận triều tu hoà chi khánh.
"Chươnglưu thông trạch
địa, linh khai phú hữu chí trường".
- Đường Lão Tử, có "Ôn
Lăng Hội Quán" của người Phước Kiến, thờ Bà Thiên Hậu. Vị trụ trì chùa nầy
cho biết rằng "Ôn Lăng" là một danh địa phủ Tuyền Châu. Ngoài cửa
chùa có chạm vào đá hai câu liễn do Trạng Nguyên cập đệ Ngô Lỗ cúng năm Tân Sửu
(1901) đời Quang Tự:
"Ôn nhu trước chí nhơn,
chánh đạo dung dân nguyên Khổng Dịch;
"Lăng nhạc đồng trang
trọng, mẫu nghi hình ngã cánh vô phương ".
Trong chùa còn một chuông
lớn đề "Đạo Quang Ất Dậu niên" tức năm 1825 (năm thứ sáu của vua Minh
Mạng).
Khi từ tạ ra về, hoà thượng
đưa ra cửa, dạy thêm cho biết rằng: "Để tưởng niệm Châu Ngươn Chương, thuỷ
tổ nhà Minh, nên chùa thường dùng màu đỏ (châu, chu) sơn cột và trính, còn trên
ngạch cửa, có chạm hai mắt lồi ra, tượng trưng "Nhựt",
"Nguyệt", hai chữ ấy ráp lại tức "Minh" vậy.
- Đường Đèn Năm Ngọn, góc
Khổng Tử và Phùng Hưng, còn một ngôi chùa Phước Kiến nữa, đề "Nhị Phủ Hội
quán". Nhị phủ là Chương Châu phủ và Tuyền Châu phủ nhập lại. Chùa nầy lập
năm 1835, thờ "Ông Bổn".
Nguyên đời Vĩnh Lạc (1403
-1424), vua có sai ông thái giám Trịnh Hoà (sách Pháp âm: Cheng Ho), cỡi thuyền
buồm dạo khắp các nước miền Đông Nam Á ban bố văn hoá Trung Hoa, và luôn dịp
mua về cho hoàng đế Minh Triều những kỳ trân dị bửu Ấn Độ, Xiêm La, Miến Điện,
Cao Miên, Việt Nam, Chiêm Thành, Tân Gia Ba, Chà Và, Nam Dương Quần Đảo, v. v…
Trương Hoà tỏ ra vừa nhà thám hiểm, du lịch, khảo cứu địa dư, ngoại giao, ngôn
ngữ học, mỗi mỗi đều tài tình. Đi đến đâu, ông thi nhân bố đức, và đưa người
Tàu đến lập nghiệp đến đó, hoặc chỗ nào có người Trung Hoa ở sẵn thì ông chỉnh
đốn sắp đặt cho có thêm trật tự, v.v…, sau nầy ông mất, dân ngoại kiều cám đức
sâu, thờ làm phúc thần, vua sắc phong "Tam Bửu Công", cũng gọi
"Bổn Đầu Công" (đọc giọng Tàu là Bủn Thầu Cúng) gọi tắt là "Ông
Bổn".
- Đường Nguyễn Trãi đi một
đoạn khỏi đường Tổng Đốc Phương, gặp chùa Lệ Châu. Đây là "chùa Tổ",
thờ tổ sư của nhóm thợ và chủ lò kim hoàn; sau những người Hoa Kiều đồng nghề cũng
nhập với đồng nghiệp Việt Nam, nên mỗi năm cúng tổ long trọng và oai nghi lắm.
- Đường Đồng Khánh ngang bót
Quận Tư, nay đổi làm bót Quận Năm, là chùa "Minh Hương Gia Thạnh".
Chùa nầy cổ nhứt trong vùng, tạo lập từ năm Kỷ Dậu (1789) đời Cảnh Hưng, nhờ
ban quản trị sáng suốt nên gìn giữ được vẻ tôn nghiêm xưa… Trải bao biến đổi,
chùa còn giữ được bút tích, liễn đối do tay Trịnh Hoài Đức viết, và các đạo sắc
chỉ vua ban đời trước. Trong chùa thờ các di thần Đại Minh và con cháu, phần
nhiều là những người Minh Hương danh tiếng, đứng đầu có Trần Thắng Tài. Sau
thêm bài vị các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Vương Hữu Quang v.v…
- Trong Chợ Lớn còn ba chùa
thờ Quan Võ Đế nữa là:
1) - Phước An Hội quán, lập
năm 1900, thế cho miếu nhỏ "An Hoà cổ miếu", ở đường Hùng Vương, góc
trổ ra đường xe lửa Mỹ cũ. Chùa nầy do người Minh Hương tạo lập. Mấy chục năm
trước, hội trưởng là ông Nguyễn Chiêu Thông, nay đã mất.
2) - Bửu Sơn Hội quán, đường
Xóm Vôi (trong xóm có bán vôi). Hội trưởng có công với chùa năm xưa là ông
Dương Công Cẩn.
3) - Nghĩa Nhuận Hội quán,
đường Gò Công, lập năm 1872, do ông Đỗ Hữu Phương (1840 - 1914) gây dựng và con
là Đỗ Hữu Trí vun bồi. Hội trưởng cũ là ông Trương Văn Bền. Chùa được ban quản
trị chăm nom chu đáo lắm. Trong chùa ngăn nắp, chỗ thờ, chỗ yến tiệc, đâu đâu
đều đàng hoàng. Còn đủ năm tấm cổ bia bằng đá khắc tên các nhà hảo tâm hỷ cúng
lập vào những năm: Tân Mùi (1871), Kỷ Mão (1879), Giáp Ngọ (1894), Bính Ngọ
(1906) và Tân Hợi (1911). Năm 1952 có một bà cúng vào chùa một tượng xích thố
mã bằng gỗ sơn mài, trông y ngựa thiệt, không chùa nào có tượng khéo hơn, lạ là
thời nay còn nghệ sĩ có biệt tài như vậy cũng nên mừng. Nhưng lạ nhứt và mừng
nhứt là tôi được gặp tại đây câu liễn thờ Quan Đế, bấy lâu nghe đồn mà không
biết ở đâu, trong câu gồm hết một bộ truyện Tam Quốc:
"Sanh Bồ Châu, Sự Dự
Châu, Chiến Từ Châu, Thủ Kinh Châu,
Vạn Cổ thần châu hữu nhứt;
Huynh Huyền Đức, Đệ Dực Đức,
Xá Bàng Đức, Thích Mạnh Đức,
Thiên thu thánh đức vô song
"
Nghĩa Nhuận Hội quán
Còn một chùa Quan Đế khác
nữa gọi "Chùa Ông Nhỏ" để phân biệt với chùa đường Triệu Quang Phục
là "Chùa Ông Lớn". Chùa nầy ở trên đường Nguyễn Trãi, hiệu đề
"Nghĩa An Hội quán". Chùa nầy có tục lệ đến ngày vía thần, phát bánh
quy sang năm sau góp lại, trẻ em ăn là được phước, và cũng giúp vốn để sanh nhai,
tục gọi "tá phú". Dường như chùa nầy của người Triều Châu. Tại chùa
có trường tư thục hiệu đề "Sùng Ninh" và đây cũng là phòng liên lạc
hội Khổng Học Hoa Việt.
Kể về chùa Tàu, tại Sài Gòn,
đường Phạm Đăng Hưng (Đất Hộ), có một ngôi chùa cũng lạ lắm. Chùa tạo lập lối
năm 1905, ăn lạc thành năm 1906, trông có vẻ cổ kính vô cùng, hoa viên, và cách
sắp đặt phía trong đáng được liệt kê vào hàng kỳ quan tại Sài Gòn này lắm. Ấy
là chùa Ngọc Hoàng, chữ viết "Ngọc Hoàng Điện". Một người Tàu tên Lưu
Minh ăn chay ròng, giữ đạo "Minh Sư", lập chí quyết lật đổ nhà Mãn
Thanh, xuất tiền tạo lập vừa để thờ phượng vừa làm nơi hội kín. Chánh điện thờ
đức Ngọc Đế, tiền điện thờ đức Thích Ca, phía hữu điện vào trong xa có một cổ
miếu nhỏ thờ viên đá bản xứ tượng trưng "Ông Tà" của người Cao Miên
xưa. Đây có lẽ là nguồn gốc miếu cổ nầy, về sau người Tàu có thâm ý mang từ bên
xứ họ sang một viên đá khác để gần đó, nhang đèn thờ phượng, chữ đề "Thái
Sơn", tức lấy đá từ hòn núi Thái Sơn bên Tàu qua đây thay thế cho Néac
Tà" bản xứ. Gần đó nữa, có bụi tre ngà, dưới gốc cũng nhang đèn nghi ngút,
trên nhánh tre nào quạt, nào tóc rối, nào chỉ quấn nùi, quạt tượng trưng cho sự
mát mẻ, có lẽ hoặc của hai người bạn, vừa hết giận nay làm thân, hoặc của đôi
vợ chồng sum hiệp sau những ngày hờn dỗi, tóc rối, chỉ nùi tượng trưng những
rối rắm trường đời nay cởi bớt treo đây cho nhẹ. Trước miếu có gian phòng bày
cảnh thập điện và cảnh thiên đàng chạm trên cây rất đẹp, bên tả điện có treo bứ
tranh "Đạt Ma Tổ Sư quá hải", tranh vẽ trên giấy nét bút thần tình.
Kế bên có thang đưa lên từng lầu, nơi đây thờ Quan Đế và bài vị những người có
công tạo lập cảnh chùa. Bước ít bước tới sân lộ thiên, đứng đây dòm bao quát
thấy đủ nóc bắt bông bắt chỉ bằng đồ gốm tinh xảo vô cùng, lại thấy sự thâm ý
hạn chế ánh sáng làm cho trong chùa có vẻ âm u huyền bí theo ý nhà kiến trúc sư
tinh thông thuật tâm lý.
Chùa Ngọc Hoàng
Nay trở lại kể qua các ngôi
chùa thờ Phật thì có Giác Viên Tự, tên ngoài là Chùa Hố Đất, cũng gọi là Tổ
Đình. Chùa nầy đã có từ năm Gia Long thứ 2 (1803), nhưng nếu được u nhã kiên cố
như ngày nay là nhờ công vị cao tăng, sư Hải Tịnh nhiều. Trước khi sư Hải Tịnh
tu tại chùa Giác Lâm, sau vì thấy chùa hư nhiều cần tu bổ lại nên sư Hải Tịnh
qua trụ trì tại chùa Giác Viên ở cách đó lối một cây số ngàn. Ở Giác Viên Tự,
sư Tịnh Hải lao công trì chí sắm từng bộ cột gõ và chắt mót lần hồi cho đến đủ
tiền tu tạo chùa Giác Lâm. Sửa chùa rồi, sư Hải Tịnh giao cảnh Giác Viên Tự cho
đồ đệ là Hoà Thượng Hoằng Ngãi, tên ngoài là Trần Văn Phong. Sư Hoằng Ngãi gốc
người Bà Điểm, sanh năm 1857, tịch ngày 23-12-1919. Lễ nhập tháp là ngày
3-1-1930, tháp nay còn gần chùa Giác Viên, ngày cất đám có trên ngàn thầy sãi
các nơi đến dự.
Giác Viên Tự
Một chùa Phật hữu danh nữa
là chùa Cẩm Đệm, tên xưa là "Giác Lâm Tự", trên Phú Thọ, đường đi Bà
Quẹo, cách chùa Giác Viên một cây số ngàn. Chùa cũng có tên khác là "Cẩm
Sơn Tự", lập từ năm Giáp Tý (1744), là một ngôi chùa xưa bực nhứt trong
vùng.
Như đã nói, vị cao tăng Hải
Tịnh trước tu hành nơi đây. Khi sư Hải Tịh tu bổ chùa như sở nguyện được rồi
thì sư giao chùa Giác Lâm nầy cho một đồ đệ nữa là Yết ma Phạm Văn Tiên, người
Bình Thới (Gia Định), sanh năm 1875 (không biết người tịch năm nào, chớ vào khoảng
1929, người còn khỏe lắm).
Chùa Giác Lâm còn một dật sử
cũng nên thuật lại. Số là độ trước, Tư Mắt, tay anh chị nổi tiếng nhứt hô bá
ứng một thời tại Chợ Lớn, khi biết mình gìa thì lui về nghe kinh niệm Phật tại
đây. Nào ngờ khi thiếu niên thì búa dao không chém được, trở về lão, vì một cây
đèn ét xăng trục trặc sao đó, khiến Tư Mắt lui cui sửa chữa thế nào mà xăng
phựt cháy, cháy luôn "con hổ già Tư Mắt" không cứu kịp. Ô hô! Anh Tư!
Chùa Giác Lâm
Chùa Giác Hải tại Phú Lâm
lập năm 1887, ở gần Chùa "Giải Bịnh". Năm 1929, vị hoà thượng trụ trì
nơi đây là ông Nguyễn Văn Tường, pháp danh sư Từ Phong, chùa cất sửa lại kiểu
nhà thờ Da Tô.
Chùa Giác Hải
Chùa Giải Bịnh nay gọi
"Thiên Trúc Tự ", trước tên "Giải Bịnh", vì nơi đây lúc
trước chuyên trị tà ma giải bịnh loạn óc.
Còn từ Phú Giáo trở ra Phú
Lâm, những chùa nên kể là:
- Chùa Gò, chữ gọi
"Phụng Sơn Tự ", cất trên nền chùa Thổ xưa, nay còn thấy rõ cản ao
nước bọc chung quanh, điệu "Barray" của Cao Miên sót lại. Nơi đây,
năm 1902, vị chủ toạ, tộc danh là ông Đinh Văn Chấn, người Gia Định, làng Phước
Thạnh, sanh năm 1866, tự thiêu mình trên giàn hoả, thọ 37 tuổi. Chùa Gò có đặc
điểm là có bốn cây "bạch mai" một loại với cây mai "đồn Cây
Mai", nhưng trổ bông trái sum sê, hỏi ra thì giống mai nầy mang từ Cao
Miên về cách nay trên bốn chục năm và có lẽ cùng một chi phái với mai trên lăng
Mạc Cửu đất Hà Tiên, vì nhứt quyết mai Hà Tiên gốc ở Cao Miên đem về, còn mai
do Mạc Cửu mang từ Trung Hoa sang đã khô chết từ lâu.
Phụng Sơn Tự
- Chùa Tứ Phước
Chùa Tứ Phước
- Chùa Sùng Đức
Chùa Sùng Đức
- Chùa Tuyền Lâm (ông Yết ma
Hạp, sanh năm Canh Ngọ (1870), cũng tự thiêu năm Giáp Tý (1924) và mộ ông nay ở
nghĩa địa Giác Viên, thọ 54 tuổi.
Chùa Tuyền Lâm
- Chùa Bửu Lâm
- Chùa Từ Ân, theo Đại Nam
Nhất Thống Chí, trương 81, thì chùa nầy lập năm 1802, được sắc phong năm 1821
"Sắc Tứ Từ Ân Tự ". (Hoà Thượng Nguyễn Văn Bằng, pháp danh Thanh Ấn,
trụ trì nơi đây là một nhà sư danh tiếng nhứt trong Nam, đạo, hạnh gồm hai, năm
1931 vẫn còn mạnh khoẻ).
Chùa Từ Ân
Các chùa nên kể nữa là:
Chùa Hưng Long đường Minh
Mạng, mới xây dựng lại. Năm 1952, tôi có gặp tại đường Phan Thanh Giản, trong
một trại bán cây ván cũ, một vài cây cột gõ, còn chạm chữ "Hưng Long
Tự", không biết sao lại lạc loài nơi đây? Một chùa ghi trong Đại Nam Nhất
Thống Chí, trương 81, rằng "Hưng Long Tự" lập năm Giáp Dần (1794) do
người làng là "Lính Yển" quyên của, Hoà Thượng Phước An đứng lập, năm
Gia Long thứ 2 (1803) được ông Hà Chánh Niệm trùng tu, có phải chùa nầy chăng,
và nếu phải thì địa phận làng An Điềm xưa, thuộc huyện Bình Dương, ăn giáp đến đường
Minh Mạng ngày nay vậy. Còn "Lính Yển" nào đây có phải là người cõng
Chúa Nguyễn Ánh chạy giặc năm xưa chăng? "Lính Yển" năm 1794 quyên
tiền lập chùa, còn chuyện "cõng Chúa" thuộc năm nào, thì mơ hồ quá.
Chùa Hưng Long đường Minh Mạng
Một chùa ở đường Sư Vạn
Hạnh, hiệu "Ấn Quang" tức "Phật Học Đường Nam Việt", phái
Đại Thừa.
Chùa Ấn Quang lúc chưa xây dựng lại
Một chùa hiệu "Bồ Đề
Lang Nhã" của tư gia lập, đường Minh Mạng, thờ đức Quan Âm "thiên thủ
thiên nhãn" (gỗ xưa mạ vàng).
Chùa Kỳ Viên đường Phan Đình
Phùng, (Phật Giáo nguyên thuỷ) (Tiểu Thừa).
Chùa Kỳ Viên
Những chùa cũ nay chỉ nghe
nhắc tên là: Chùa Khải Tường, năm 1859 ông Nguyễn Tri Phương lập làm đồn chống
Pháp, qua đêm 6-12-1860 binh ta phục kích giết quan bà Barbé nơi đây, nên chùa
bị Pháp dẹp. Chùa nầy có dật sử chính hoàng tử Đảm (sau lên ngôi là Đức Minh
Mạng) sanh nơi hậu liêu vào năm Tân Hợi (1791) giữa cơn tị nạn bình Tây Sơn.
Qua năm 1804, Cao Hoàng nhớ tích cũ, để tạ ơn Phật dày công che chở mấy năm bôn
tẩu, nên gởi tặng chùa một cốt Phật Thích Ca thật lớn bằng gỗ mít, thếp vàng
tuyệt kỹ. Từ năm 1867, chùa bị dẹp, tượng Phật phải dời về nương náu nhiều nơi,
cùng một số phận với hội Cổ Học Ấn Hoa, khi đường Tự Đức, khi đại lộ Thống
Nhất, (chỗ hãng máy bay Air France bây giờ), mặc cho mối ăn mọt khoét. Ngày nay
thăng bình trở lại, tai qua nạn khỏi, đức Thích Ca vĩnh viễn ngự tại trung
đường Viện Bảo Tàng Sài Gòn như chúng ta đã thấy. Nền chùa Khải Tường truy rõ
lại, ở lọt vùng đất trường Đại Học Y Dược hiện thời, số 28 đường Trần Quý Cáp,
trên khu đất mang số bông đồ kim thời 1, 8, 9, - section B 2 è feuille, ville
de Saigon. Vị trí nền chùa định chừng ở lối dãy nhà bếp nhà xe của toà nhà cũ
Chưởng khế Mathieu. Xóm nhà nầy dạo trước, nhiều người đồn "ở không được",
và tương truyền ai ở đây, cũng bị "phá khuấy" ít nhiều, chẳng ốm đau
cũng có chuyện nọ chuyện kia xảy đến làm cho nhọc lòng rối trí luôn luôn. Thời
Pháp có lúc họ dùng ngôi chùa để nuôi lính sen đầm, nay chỗ ấy làm trụ sở
trường thuốc, hoạ chăng từ đây tà mị gặp kẻ cao tay ấn hơn rồi!
Cũng lối đó, ngang chùa Khải
Tường, day mặt ra đường Lê Quý Đôn phía sau xa xa khu trường lớn Pháp
Chasseloup-Laubat cũ, xưa có một ngôi nhà lợp ngói ta, cột gỗ danh mộc, lối năm
1867, binh Pháp đặt làm tiểu đồn (fortin), sau làm trại nuôi trẻ hoang, đến năm
1895 thì dẹp.
Chùa Khải Tường
Trong Gia Định có chùa Tập
Phước, cũng có từ lâu đời.
Báo Tri Tân số 7 ngày
18-7-1941, có kể bài của ông Nguyễn Triệu chép bài thi ngũ ngôn cổ điệu của
Trịnh Hoài Đức để tặng Viên Quan Hoà Thượng chùa Tập Phước như vầy:
Ức tích thái bình thì
Lộc đổng Phương thịnh mỹ
Thích Ca giáo hưng sùng,
Lâm ngoại tổ phú quý:
Ngã vi thiêu hương đồng,
Sư tác chi giới sĩ,
Tuy ngoại phân thanh hoàng,
Nhược mạc khế tâm chí,
Phong trần thúc lương bằng,
Thế giới nhập (?) ngạ quỷ!
Bình ngạnh nhậm phù trầm
Bào ảnh đẳng sinh tử.
Yểm tứ thập dư niên,
Hoàng thuấn tức gian sự!
Tây giao thích nhàn hành,
Sơn môn ngẫu tương trị:
Ngã, Hiệp biện trấn công,
Sư, đại hoà thượng vi.
Chấp, thủ, nghĩ mộng hồn!
Đàm tâm, tạp kinh quý!
Vãng sự hà túc luân,
Đại đạo hợp như thị…
Chùa Kim Chương trong thành
Ô Ma, trong địa đồ Trần Văn Học, thì ở ném phía tả Hiển Trung Từ. Năm 1885, cụ
Trương Vĩnh Ký đã không còn thấy, có lẽ bị phá bỏ từ trước. Nay thấy trong
sách, khi ghi Kim Chương Tự, khi viết "Kim Chung Tự" định
"Chương" là đúng hơn, ngặt nỗi không biết chữ viết ra sao?
Miễu Thánh cũng gọi Miễu Hội
Đồng, ở về phía hữu đền Hiển Trung, cũng bị thủ tiêu trong mấy năm binh cách
trước 1885.
Đền Hiển Trung, xây năm Ất
Mùi (1895), trùng tu năm Gia Long thứ 3 (1804), tu bổ năm Thiệu Trị thứ 7
(1847). Đền nầy được trường Viễn Đông Bác Cổ liệt kê vào sổ cổ tích, tưởng nhờ
vậy mà được tồn tại, không ngờ đến năm 1954 thì đã không còn!
Riêng tôi được đến viếng một
phen năm 1947 với ông Pierre Dupont, nhơn viên Trường Bác Cổ, khi ấy đền đã bị
mối ăn hư hao nhiều rồi, qua năm 1950, tôi có trở lại viếng với ông Bernard
Phillipe Groslier là quản thủ Pháp của viện Bảo Tàng Sài Gòn. Chúng tôi đề nghị
cấp tốc sửa chữa đền, nhưng cơ quan nhà binh Pháp không thuận giao trả đền cho
Trường Bác Cổ, một hai rằng đền ở trên lãnh thổ nhà binh thì thuộc quyền nhà
binh định đoạt! Tưởng việc đâu còn đó, và trong trí tôi đinh ninh nhớ đền ở mé
gần đường Võ Tánh, cứ đứng ngoài rào, ngay chỗ giáp mối đường Nguyễn Cư Trinh
(Marchand cũ) ngó vói qua tường thì thấy nóc đền. Không dè qua năm 1955, chúng
tôi trở lại đây với nhơn viên Viện Khảo Cổ, thì đã sao dời vật đổi, đền đâu
chẳng thấy, một viên gạch nhỏ cũng không còn, đừng nói chi một bộ kèo trính
rường cột chạm trổ tỉ mỉ. Trường Bác Cổ đã nhìn nhận và liệt kê vào hàng cổ
tích, thì có lẽ đã theo "bàn tay nhám" của nhà thầu nào đó mà biến
thành tờ giấy bạc trong két của họ hoặc đã làm mồi cho mối mọt, uổng thay!
Đền Hiển Trung có một dật sử
riêng, nay cũng nên nhắc ra đây cho thoả chút lòng hoài cổ. Nguyên tôi có quen
một bạn nhỏ, tánh tình dễ thương, nay làm việc tại Thư Viện Quốc Gia đường Gia
Long. Năm 1942, anh đến tuổi nhập ngũ, nên Tây bắt vô ở trong thành Ô Ma. Nơi
đây anh được nghe thuật lại một chuyện thuộc tín ngưỡng, mà bây giờ tôi xin kể
nghe chơi, không dám ép phải tin bằng lời, vả lại về phần đảm bảo đúng sự thật,
hoặc tin được cùng không, đã có bạn tôi chịu trách nhiệm. Số là vào năm 1938,
sau cuộc tuyển chọn lính tân, nhà binh Pháp bèn đem các anh lính mới điều từ
Lục Tỉnh về tập trung chung quanh và ở ngay trong đền Hiển Trung. Vài ngày sau,
xảy ra việc binh lính mới điền không đau ốm mà chết, chết một hơi cả chục đứa
trong một đêm. Các võ quan Pháp bao giờ họ chịu tin chuyện là ma phá quấy hay
quỷ thần quở phạt, v.v… nên một mặt họ phú cho sở quân y điều tra và chận đứng
bịnh lạ, một mặt nữa thì họ cấm quân lính ăn những vật bán ngoài thành. Thầy
thuốc không tìm ra căn duyên bệnh dữ, và lính cứ chết thêm mãi. Túng thế họ
đành nhắm mắt để cho các thầy đội ông ách cúng tế vái van thử xem. Ấy! Việc làm
chơi chơi mà bệnh dứt ngang mới quái lạ. Bẵng đi một dạo, câu chuyện dị đoan
vừa quên lần, kế xảy ra chuyện mấy trẻ con Tây mới đến chung quanh đền rồi
chiều lại có nhiều đứa bị nóng lạnh đến bí đường tiểu tiện! Mấy ông nhà nghề,
nói thúc thủ thì quá đáng, nhưng chưa kịp trổ tài thì đứa trẻ qua khỏi cơn
nguy, nhờ chị vú vái cho một nải chuối. Muốn
vậy thì cho vậy: năm 1939, các võ quan thành Ô Ma bày một cuộc lễ rất lớn, cho
phép lính tráng nghỉ ngơi mấy ngày và tha hồ ngã bò vật heo cúng tế. Dẫu sao
cũng mua được lòng vui kẻ dưới, vấn đề tự do tín ngưỡng sờ sờ trước mắt kia mà!
Năm ấy cuộc lễ càng tăng phần long trọng nhờ có quan từ triều đình Huế vào đây
"ngự tế". Nay đền Hiển Trung đã không còn, một phần lỗi là vì nhà
binh Pháp thuở ấy tự tiện dỡ xuống không cho Trường Bác Cổ hay kịp mà dời đi
chỗ khác xây dựng lại để bảo tồn một cổ tích xưa, thật là đáng tiếc lắm thay!
Văn Miếu thờ đức thánh
Khổng, dựng năm Minh Mạng thứ 5 (1824) tại địa phận thôn Phú Mỹ (Thị Nghè) cũng
mất dấu từ lâu.
Cũng tại thôn Phú Mỹ, có một
dàn xã tắc và ruộng công điền mỗi năm tế giao tại đây. Ruộng nầy, biết được ở
trước Dưỡng Lão Đường, nhưng biết vậy thôi, chớ nhà cửa cất chồng lên làm mất
dấu từ lâu rồi.
Một cổ tích mất dấu nữa là
"Chú tiền trường", tức "trường tiền" là chỗ đúc những tiền
"Gia Long thông bửu", nay nền nhà cũ ở đâu? Sở Công Chánh ngày nay,
tục quen gọi "Trường Tiền", có phải là vì bộ Công khi xưa chuyên việc
đúc tiền, nên nay tên gọi làm vậy, và chớ nên thấy sở Công Chánh có tục danh là
"Trường tiền" rồi đề quyết ngày xưa "Chú tiền trường" ở nơi
đây, vì mỗi tỉnh Miền Nam đâu đâu đều có sở trường tiền cả.
Trong Chợ Lớn có hai ngôi
chùa đã bị phá, nay chỉ còn tên:
1/- Phước Hải Tự trong vùng
dưỡng đường Chợ Rẫy; và 2/- Phước Hưng Tự, đường Hồng Bàng, góc Nguyễn Tri
Phương. Hiện đường Hồng Bàng còn thấy vài ngôi tháp cổ kính, đây là mộ của các
vị hoà thượng trụ trì chùa Phước Hưng vậy.
Về chùa Kiểng Phước, xin xem
trương 160 (Tìm ở chương 160 trong sách thì không có truyện về chùa này)
Chùa Kiểng Phước
Còn sót tên những chùa và
hội quán như sau đây, xin bổ túc:
Ưu Long Hội Quán, ở đường Ưu
Long (Xóm Củi) không đặng công nhận.
Phụng An Hội Quán của nhóm
Minh Hương, số 27 đường An Bình, không đặng công nhận.
Chùa Quan Âm Tự, đối diện
Bót Cầu Tre, trên hương lộ số 14.
Huệ Lâm Tự, đường Tùng Thiện
Vương (Xóm Củi) đang xiêu đổ.
Mặc dù chùa nầy vắng khách,
nhưng trước chùa ngày 5-4-1962, tôi còn thấy để dưới bụi cây bốn phiến đá cổ
chạm theo kiểu Khơ Me, không biết do từ đâu mà chùa có, và để cù bất cù bơ làm
vầy. Có người bàn với tôi nên xin "thỉnh đá" nầy đem về cho nhập vào
bộ môn đá cổ của Viện Bảo Tàng. Tôi thì nghĩ khác: Nếu xin được đá nầy đem về
Viện thì không khác nào"gánh vàng vào kho". Viện đã có đá nhiều, đem
về thêm chật, vả lại theo tôi, đá của chùa Huệ Lâm, kiểu vở còn kém đá của Viện
Bảo Tàng, nên sự đem về đó không cần thiết lắm. Chi cho bằng sẵn đây đề nghị
với ban quản trị của chùa Huệ Lâm, nếu mấy hàng nầy lọt vào mắt xanh quý vị, là
nên sửa sang"chỗ ngồi" xứng đáng cho các phiến đá cổ thạch nầy, trước
nữa đề cao những cổ vật của chùa, sau lại cho khách bốn phương đến cung chiêm
tại chỗ cũng nên lắm. (V.H.S).
Giác Lâm Tự (hẻm số…) đại lộ
Thuận Kiều (không đặng đàng hoàng).
Phước Long Tự, số 226 đại lộ
Hậu Giang.
Giác Ngộ Tự, số 36 đại lộ
Nhân Vị. Vừa cất xong, khá đẹp.
Hưng Tích Tự (tên xưa là
Giác Thành Tự), số 253, đại lộ Minh Mạng.
Tịnh độ cư sĩ, số 282 đường
Nguyễn Tri Phương.
Từ Nghiêm Tự, số 415-417
đường Bà Hạt, của nhóm ni cô.
Pháp Hội Tự, số 682 hẻm Phan
Thanh Giản.
Thiên Tôn Tự, đường Nghĩa
Thục, kế dưỡng đường An Bình.
Pháp Quang Tự, số 163 đườnng
Đào Duy Từ.
Linh Phước Tự, ngay cầu chữ
Y, bến Phạm Thế Hiển.
Tịnh Xá Mộc Sơn tự, đường
Lương Văn Can.
Tịnh độ cư sĩ, đường Lương
Văng Can.
Huê Huyện (Hing Wen Pit Sut)
thờ Lữ Tổ, Văn Xương, Ngũ Âm, của người Huê kiều, ở hẻm Lò Siêu số 9.
Ngoài ra, xin bổ túc như
sau:
Chùa Giác Hải, số 343/45
đường Lục Tỉnh (Phú Lâm).
Chùa Gò (Phụng Sơn Tự) ở đại
lộ Trần Quốc Toản (Phú Lâm).
Chùa Từ Phước, số 60 đường
Lục Tỉnh.
Chùa Sùng Đức, số 140 đường
Lục Tỉnh.
Chùa Tuyền Lâm, số 265 đường
Lục Tỉnh.
Chùa Bửu Lâm, đường Phú Thọ.
Chùa Từ Ân, ở đường Tân Hoá
(Phú Lâm).
Chùa Hưng Long, số 290 đường
Minh Mạng.
Chùa Ấn Quang, số 243 đường
Sư Vạn Hạnh.
Đường Lục Tỉnh, số 180 có
chùa Huê Lâm (ni cô) đừng lầm với chùa Huệ Lâm, đã nói ở trương 208.
Chùa Minh Hương ở đường Hùng
Vương, gần ga cũ xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, ga nầy nay đã phá bỏ.
Sự Phát Triển Của Thiên Chúa Giáo Trong Nam
(Địa Phận Sài Gòn)
Tuy đã nói nhiều về chùa
chiền theo Phật Giáo, Khổng Giáo, và Lão Giáo, để thêm đầy đủ thiên tài liệu,
xin tóm tắt đại lược về sự phát triển và hoạt động của giáo khu đạo Thiên Chúa
tại Sài Gòn.
Nhắc lại năm 1884, Hội
Truyền Giáo Nam Kỳ xin tách ra làm một giáo khu giám mục riêng biệt cai trị một
địa phận gồm một phần lớn Nam Kỳ và hai tỉnh miền Trung là Bình Thuận và Đồng
Nai Thượng.
Cứ theo thống kê trong bộ
"Đông Dương Tân Thời"(L'Indochine Moderne của hai ông Testeron và
Percheron) (trương 235) thì năm 1928 giáo khu giám mục Sài Gòn gồm có:
- Số người theo đạo Thiên
Chúa Giáo…89.250 (89 ngàn 250)
- Trụ sở của đức Linh Mục
đặt tại Sài Gòn
- Thánh đường (églises),
tiểu giáo đường
(chapelles) và cầu nguyện
đường (oratoires) 248
- Tu nữ (bà sơ) Dòng
Saint-Paul de Chartres 256
Kể và 9 trường học (écoler)
8 viện trẻ mồ côi
(orphelinats)
7 dưỡng đường (hôpitaux)
1 viện trị phung cùi
(léproserie)…
- Một số nữ tu sĩ bản xứ coi
sóc 14 viện trẻ mồ côi.
- 170 trường học địa phương
(école pároissiale)
số học trò theo học là
14.935 (14 ngàn 935)
- 4 viện mồ côi (Nam) - Số
học trò là 140
- 1 ấn quán.
- 2 tờ tuần báo
(périodiques).
Sài Gòn có một quản sự tu
viện của Hội Ngoại Quốc Truyền Giáo (Procure des Missions Etrangères) thiết lập
năm 1901, đặt ra để tiếp tế các vị tu sĩ tạm đi qua đây. Như năm 1928, viện đã
tiếp rước 122 tu sĩ trong hội và 148 tu sĩ các hội khác, tính chung là 270 tu
sĩ ghé Sài Gòn.
Vết tích còn lại của Procure des Missions Etrangères đường Alexandre de Rhode
sau lưng bộ ngoại giao VNCH nay là sở Ngoại vụ
Số người giữ đạo Thiên Chúa
tại Sài Gòn và vùng phụ cận gồm có xóm Thị Nghè, xóm Chợ Quán, và Xóm Chiếu,
tính vào ngày Sài Gòn bị binh Pháp chiếm (11 tháng 02 năm 1859) là… 27 ngàn
công giáo. Lúc ấy giáo khu Sài Gòn biệt lập như hiện nay chưa có.
Ngày 13 tháng 2 năm 1859,
ông B.Paul Lộc, tử vì đạo, bị đem ra xử tử (chém đầu) tại cửa thành, góc đường
Hồng Thập Tự và Hai Bà Trưng hiện nay. Đây là một vị tử đạo duy nhứt của họ Sài
Gòn, ngày sau được:
- Đức Thánh Léon XIII, ngày
13-02-1879, phong "Vénérable" Đại Đức.
- Đức Thánh Pie X, ngày
02-05-1909, phong "Bien-heureux" (Á Thánh).
Ngày Thành Lập Giáo Khu Sài
Gòn
(Foundation de la Chrétienté
de Saigon)
Từ năm 1848, Hội Truyền Giáo
trên Cao Miên (Mission du Cambodge) được giao cho Đức Cha Miche cai quản. Từ
năm 1852, Đức Cha Lefèbvre được phong đại lý Đức Giáo Hoàng hoặc giáo khu giám
mục (vicaire apostilique de la Cochinchine Occidentale) tại miền Tây Nam Kỳ.
Đầu Đức Cha bị triều đình Nam treo giải thưởng, từ khi khai chiến với Pháp,
nhưng Đức Cha Lefèbvre trốn thoát nạn và ngày 15-02-1859 thì lên được tàu về
Pháp.
Trừ hai khu Thị Nghè và Chợ
Quán vẫn tách riêng thì cho đến năm 1861, Sài Gòn, Xóm Chiếu, và vùng phụ cận
vẫn chung làm một họ. Tháng 2 năm 1859, theo chơn quân đội Pháp, Đức Cha
Lefèbvre trở về Sài Gòn, chiêu tụ các tử đệ và người công giáo về lập ấp quy
tựu từ đồn Nam (Tân Thuận) chạy đến kinh Tàu Hũ.
Tháng 5 năm 1863, Thuỷ Sư Đề
Đốc De Lagrandière nghĩ công ơn người công giáo, nên ban phụ cấp cho Hội Truyền
Giáo, mãi đến năm 1882, phụ cấp này mới bị bãi bỏ.
Kể ra có công nhiều nhứt là:
- Đức Bá Đa Lộc, (Père Le
Grand) tịch ngày 9-10-1799.
- Đông Cung Cảnh, từ trần
ngày 21-3-1800 (cách có mấy tháng).
- Cha P. Liot (nhờ ông nầy
nên hai ông Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc quen nhau, về sau P. Liot làm bí thư và kế
nghiệp Bá Đa Lộc) tịch ngày 28-4-1811 (mộ ông ở gần lăng Bá Đa Lộc, được liệt
kê cổ tích tháng 5 năm 1930).
Nhà Dòng Saint-Paul
Lối cuối năm 1860, do yêu
cầu của Đức Cha Lefèbvre, nên các bà sơ Nhà Dòng Saint-Paul de Chartres được
phái sang đây, với phận sự là săn sóc trẻ mồ côi vì cha mẹ chúng bị bắt đạo nên
bỏ rơi, và những trẻ vô thừa nhận của bên lương. Gốc tích nhà Dòng "Thánh
Nhi" Sài Gòn (Sainte-Enfance) do đây mà có. Nhà Dòng nầy lúc ban sơ ở Chợ
Cũ, dựa nhà đức Linh Mục; hai năm sau 1862, Đô Đốc Bonard hiến cho Bà Bề Trên
R.M. Benjamin, sở đất hiện nay ở chỗ ta còn thấy, nên Nhà Dòng dời về đây và
lần lượt bành trướng thêm, gồm có:
- Một nhà tu riêng cho các
bà sơ Việt Nam.
- Một nhà nuôi trẻ con Pháp
và trẻ con lai.
- Một ký túc xá dạy dỗ nữ
sinh con nhà khá giả bản xứ, gọi Trường Nhà Trắng.
- Một nhà nuôi trẻ mồ côi và
con bỏ rơi bản xứ.
- Một nhà nuôi gái bản xứ bị
dụ dỗ nay cải thiện.
(Tương truyền nhà lầu cao
lớn nơi đây là do ông Nguyễn Trường Tộ năm xưa đứng coi xây cất).
Nhà Dòng Saint-Paul
Dưỡng Đường Chợ Quán
(Hôpital de Cho-Quan)
Dưỡng đường này do Đức Cha
Lefèbvre sáng lập, để nuôi người bịnh tật nghèo nàn, không phương thế làm ăn,
ban sơ cất ở gần nhà Đức Linh Mục, vùng Chợ Cũ, về sau Nhà Dòng và Chánh Phủ
Pháp thoả thuận giao cho các bà sơ Dòng Saint-Paul đảm nhiệm nên đem trụ sở về
Chợ Quán.
Dưỡng Đường Chợ Quán
Chủng Viện (Séminaire)
Trước lập tại Thị Nghè, rồi
dời về Xóm Chiếu sau rốt về đường Cường Để như ta thấy ở giữa Thánh Nhi Viện
(Sainte-Enfance) và con đường Nguyễn Du.
Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn
Nhà tu Carmel
Ngày 3 tháng mười năm 1861,
có bốn bà nữ tu sĩ dòng Saint-Thérèse, đến Sài Gòn, nhiệm vụ là lập nhà tu
Carmel. Trụ sở ở đường Cường Để, ngang Chủng Viện.
Nhà tu Carmel
Các vị Sư Huynh Trường Công
Giáo
(Les Frères des Ecoles
Chrétiennes)
Nhơn lời yêu cầu khẩn thiết
của Đô Đốc De Lagrandière, nên năm 1866 có sáu vị sư huynh sang Sài Gòn do đại
sư huynh T.H. Frère Philippe Supérieur des Frères des Ecoles Chrétiennes biệt
phái. Qua đến đây thì cách ít lâu sau, Nhà Dòng giao cho các vị ấy trông nom
trường trung học Collège d 'Adran là trường do Đức Cha Puginier thiết lập từ
hai năm trước (1864). Trường nầy hoạt động cho đến tháng chạp năm 1882, thì
đóng cửa, vì hội đồng quản hạt Nam Kỳ đề nghị ngưng cấp học bổng.
Trường Taberd
Năm 1874, Cha Henri de
Kerlan, cha sở coi thánh đường Sài Gòn, tự xuất tiền riêng, sáng lập trường
Taberd (vì thế nên nay còn hình bán thân của Cha tại sân trước), đầu tiên là để
dạy dỗ các Tây Lai, sau nầy mới đổi thành chánh sách, thâu nạp tất cả các học
sanh, bất luận lương, giáo. Ban đầu các học trò nơi đây do các tu sĩ, truyền
giáo sư (missionnaire) dạy dỗ. Từ năm 1889, thì các sư huynh thay thế các vị
nầy trong đường giáo huấn, và các sư huynh trường Công Giáo (Les Frères des
Ecoles Chrétiennes) buổi đầu tiên là do Đức Cha Colombert mời qua. Những dãy
nhà cũ của trường là do Đức Cha Mossard đứng coi xây cất, lớp sau mới là của
các sư huynh tiếp tục tu tạo thêm mới được đồ sộ như ngày nay. Trường vốn là
sản nghiệp riêng của Hội Truyền Giáo (Mission). Cũng như trường Trung Học
Chasseloup-Laubat, về sau trở nên trường Trung học Jean-Jacques Rousseau,
trường Taberd rất có công trong việc đào tạo nhơn tài trong xứ trong nhiều thế
hệ liên tiếp. Thanh danh rất lớn. Được nhiều cảm tình.
Trường Taberd
Dưỡng Đường Quân Binh
(Hôpital Militaire)
Năm 1864, nhà thương nầy
thuộc các bà sơ Dòng Saint Paul coi sóc. Qua năm 1904, chế độ nầy cáo chung và
từ ấy các nữ y tá ngoại đạo trông nom. Tuy vậy chánh phủ Pháp vẫn tiếp tục trợ
cấp một siêu độ sư (aumônier) đến để thăm viếng vấn an bịnh nhân cùng làm phép
bí tích nếu cần.
Dưỡng Đường Quân Binh (Grall)
Vương Cung Thánh Đường Sài
Gòn
(Basilique de Saigon)
Báo Cách Mạng Quốc Gia, số
406 xuất bản ngày 6 và 7 tháng chạp năm 1959, có bài khảo cứu rất đầy đủ về
lịch sử nhà thờ Đức Bà do ông Phạm Đình Khiêm viết. Đây là tài liệu khác do bộ
"Đông Dương Tân Thời"(L'Indochine Moderne) của hai tác giả Pháp
Testeron và Percheron viết từ năm 1931.
"Từ ngày Pháp chiếm Sài
Gòn, Đức Cha hành lễ tại một ngôi chùa hoang phế và sửa tạm dùng làm thánh
đường.
Năm 1863, Đô Đốc Bonard
truyền lịnh dựng nơi ngày nay là trụ sở Toà Tạp Tụng đường Nguyễn Huệ, một
thánh đường bằng gỗ, nhưng thánh đường nầy, mười năm sau thì mối mọt ăn mục nát
không còn dùng được nữa.
Nhà thờ gỗ đầu tiên
Năm 1874, phải dọn về phòng
khánh tiết của dinh cũ Phó Soái Nam Kỳ, chỗ nhà trường Taberd hiện nay và tạm
hành lễ nơi đây.
Đô đốg Duperré truyền đem
việc xây cất thánh đường ra đấu thầu, và sau rốt, thì công việc tạo tác do ông
Bourard được mời từ Paris qua đôn đốc.
Ngày 7 tháng 10 năm 1877,
Đức Cha Colombert đặt viên đá đầu tiên trước mặt Phó Soái Nam Kỳ và đông đủ
nhơn vật tai mắt thời ấy.
Ngày 11 tháng 4 năm 1880, ăn
lễ lạc thành rất lớn.
Tiền xây cất, tiền sắm từ
khí nội tâm, Soái phủ Nam Kỳ đài thọ tất cả, là hai triệu năm trăm ngàn
(2.500.000) quan tiền Tây thưở đó.
Thánh đường đo được 133
thước Tây từ cửa ngăn (porche) đến mút chót phòng đọc kinh (chevet).
Hoành lang (transept) đo 35
thước bề ngang.
Cao: từ đá xây cuốn trốc
khung (clef de voute) đụng đất cái là 21 thước.
Hai tháp cao từ mặt đất là
36 thước 60. Sau thêm hai cánh chóp nhọn lầu chuông 21 thước nữa là tất cả cao
57 thước (tháp chuông làm năm 1895). Sáu đại đồng chung, nặng 25.850 kí (tiếng
gồm sáu âm) đặt dưới hai lầu chuông.
Lễ nghi xức dầu đền thánh
đặt làm "Vương Cung Thánh Đường" (Basilique) được cử hành long trọng
ngày 7 và 8 tháng chạp năm 1959. Và Sài Gòn hãnh diện có một Vương Cung Thánh
Đường từ đây, một vinh quan của Viễn Đông.
Sau đây là danh tánh các
linh mục Giáo Hoàng đại lý, giáo khu giám mục Miền Tây Nam Kỳ từ năm 1852 đến
năm 1926:
Dominique Lefèbvre… 1852 -
1865
Jean-Claude Miche… 1865 -
1873
Isidore Colombert… 1873 -
1894
Jean-Marie Dépierre… 1895 -
1898
Lucien Mossard…1898 - 1920
Victor - Charles
Quinton…1920 - 1924
Isidore Dumortier…từ năm
1926…
Và những vị cố đạo
(missionnaires apostoliques):
Oscar de Noloberne…1863 -
1871
Henri de Kerlan…1872 - 1877
Henri Le Meé…1877 - 1898
Anselme Delignon
(vicaire)…1898 - 1899
Henri Moulins…1899 - 1900
Charles Boutier…1900 - 1906
Eugène Soulard, từ năm 1906.
Và vân vân…
(theo tài liệu bộ
"L'Indochine Moderne" của Teston và Percheron, ngưng năm 1926, thiếu
tài liệu từ năm ấy đến hiện nay).
Nhà thờ Đức Bà khi mới xây dựng
Đình thờ thần
Các đình thờ thần xưa của
đất Sài Gòn nay đã mất đi rất nhiều, nay chỉ còn nhắc tên và biết được vài đình
mà thôi.
Tại Sài Gòn:
- Mỹ Hội
- Hoà Mỹ
- Tân Khai
- Long Điền
- Trường Hoà
- Long Hưng
- Phú Hoà (còn)
- Phú Thạnh (còn)
- Nam Chơn (còn)
- Tân An (còn)
- Chợ Quán (còn)
- Cầu Kho (còn)
- Cầu Quan (còn)
Trong Chợ Lớn:
- Phú Định (bỏ rồi)
- Phú Hoà (bỏ rồi)
- Phú Lâm (còn)
- Cây Gõ (dẹp, cất trường
Cây Gõ sau đổi tên là trường Minh Phụng)
- Phú Hữu (còn)
- Minh Phụng (còn)
- Bình Tiên (còn)
- Bình Tây (còn)
- Tân Hoà Đông (còn)
- An Bình
- Cầu Tre (còn)
v.v…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét