SÀI GÒN CẢNH CŨ ĐƯỜNG XƯA
ĐƯỜNG TỰ
DO NĂM XƯA
Đường Tự Do là một trong những con đường cổ xưa nhất Sài Gòn, dưới thời Gia Long đường này liên lạc từ bờ Sông Tân Bình tới Thành Bát Quái qua Cửa Càn Nguyên (Khoảng Ngã tư Tự Do - Gia Long ngày nay). Đây cũng là một trong những đường phố được Pháp sửa sang trước nhất sau khi đánh chiếm Sài Gòn, mang tên "Số 16", đến 1865 đổi thành "Catinat", lấy tên của chiến hạm tham gia bắn phá Đà Nẵng vào năm 1856. Con đường này thẳng tắp, lúc mới hoàn thành hai bên còn nhiều đất trống, từ bờ sông đi lên mãi, qua đoạn dốc thì đến bãi đất rộng của Công trường Đồng Hồ, nhìn sang bên phải thấy trong số các tòa nhà gỗ có Dinh Thống Ðốc, một kiến trúc cao hai tầng, tuy to rộng hơn cả nhưng mang vẻ tầm thường như các ngôi nhà chung quanh. Thời ấy dọc Đường Catinat chỉ có 3 ngã tư, tương ứng với đường phố hiện nay là Lê Thánh Tôn, Lê Lợi và Nguyễn Văn Thinh. Khoảng 1865, Kinh đào Gallimard (Đại lộ Lê Lợi) nối liền Kinh Chợ Vải (Đại lộ Nguyễn Huệ) với Kinh Cây Cám (Khu Trại Pháo binh), cắt ngang Đường Catinat, bởi thế thời ấy chỗ Ngã tư Nguyễn Huệ - Tự Do có chiếc cầu bắc qua cho người dân đi lại hai bên bờ kinh. Lúc mới vạch đường sá xây dựng các khu phố, Đường Catinat nối dài đến Tân Định, gần Ngã ba Duy Tân - Hiền Vương. Sau khi xây Nhà thờ Đức Bà, tên "Catinat" dùng đặt cho đoạn từ Đường Taberd (Nguyễn Du) xuống đến bờ sông. Từ năm 1955, đường được đổi tên là Tự Do.
Căn cứ theo địa thế, vào thời đó người Pháp phân biệt: "Vùng đất thấp" là đoạn đường từ bờ sông đến Đại lộ Bonard (Lê Lợi), đoạn này khá bằng phẳng, mức chênh lệch trên mặt đất không quá 1 mét. "Vùng đất cao", đoạn bắt đầu từ Đại lộ Bonard, đường lên dốc cao 6 mét tính từ Khách sạn Continental đến Công trường Nhà Thờ Đức Bà. Các công sở và các kiến trúc bề thế chiếm hết vùng đất cao, còn vùng đất thấp thường chỉ thấy những nhà buôn nhỏ và những cửa hàng nhỏ của người Pháp lẫn người Châu Á.
Cũng như nhiều đường gần Quân cảng và Thương cảng, Đường Catinat là nơi tập trung các ngành hoạt động thương mại quan trọng nhất, nhưng nó dần dần nổi bật hơn các đường khác, trở thành đường chính, nhiều kiến trúc theo kiểu Âu Tây, các ngôi nhà trệt, nhà lầu bằng gạch vững chắc mọc lên cạnh những hoa viên. Mặt đường rộng 12 mét, mỗi bên một lề rộng 4 mét, rợp bóng mát hàng cây me, cây xoài xanh thắm. Đây đó bên đường đặt máy nước và nước được dẫn vào cung cấp cho nhà ven đường, một yếu tố quan trọng làm tăng sự tiện nghi cho Đường Catinat trong khi nhiều khu phố còn thiếu nước. Là một đường phố thương mại, dọc đường tấp nập đủ loại xe cộ, những người cưỡi ngựa hay đi bộ, dập dìu từ sáng đến tối, nơi người ta đi mua sắm hoặc lang thang mỗi khi nhàn rỗi. Lính tráng, thủy thủ, du khách, công tư chức chen vai bên cạnh người lao động. Đường Catinat là đường đẹp nhất thành phố, vẻ lộng lẫy xa hoa của các cửa hàng, các quán cà phê gợi nhớ đến các thành phố lớn tại Pháp, nên có người dám so sánh nó với Đại lộ Canebière tại Marseille.
Đường Catinat cuối thế kỷ XIX đến đầu Thế kỷ
XX.
Vào khoảng 1900 Đường Catinat rất náo nhiệt, cống hiến cho khách qua đường muôn vẻ đẹp của quán cà phê thanh lịch, khách sạn tráng lệ, tiệm ăn hấp dẫn, tiệm tạp hóa, tiệm sách, và còn đủ loại cửa hàng khác, cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của các thương gia, thợ thuyền đủ ngành. Đường Catinat thực sự đẹp bởi tính hỗn hợp giữa Đông và Tây, sôi động, ồn ào nhưng sang trọng, nơi lui tới của người tứ chiếng, chốn hội tụ nhiều luồng văn minh.
Ðường Catinat
nhìn từ bờ sông (Khoảng 1900)
Từ đầu đường nơi bờ sông ta đi dần lên, thử tìm lại hình ảnh sinh hoạt của Đường Catinat vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Như ta đã biết, Đường Catinat bắt đầu từ bờ sông lên đến Đại lộ Bonard thuộc phần đất thấp, tổng số nhà buôn của người Việt, Hoa và Ấn nhiều hơn số nhà buôn của người Pháp. Trên đoạn đường này các cửa tiệm thường nhỏ, san sát, không có vẻ hào nhoáng vì ít trang trí bên ngoài. Nhiều nhất là tiệm may, tiệm giày, tiệm giặt ủi, tiệm tạp hóa bán lẻ, tiệm đổi tiền, tiệm đồng hồ và nữ trang, tiệm đan tre và mây, tiệm bán đồ trang trí lặt vặt.
Người Hoa phần nhiều chỉ hoạt động kinh doanh nhỏ trên Đường Catinat, họ chịu trả tiền thuê nhà rất đắt. Trong khi các cửa hàng của người Pháp thường đóng cửa lúc 6 giờ chiều, người Hoa kiên nhẫn làm việc đến nửa đêm nếu thấy cần và cũng chính họ mở cửa tiệm sớm nhất vào buổi sáng hôm sau. Họ tính tiền công với giá rẻ hoặc chỉ nhận tiền lời thấp nên nhiều người thích đến cửa hàng của người Hoa hơn cửa hàng của người Pháp. Đặc biệt trong ngành bán tạp hóa hay thực phẩm họ là đối thủ cạnh tranh đáng lo ngại cho các đồng nghiệp người Pháp. Mỗi chuyến tàu thủy vừa cặp bến là đã có mặt những người Hoa thợ may, thợ giày, thợ giặt ủi đến chào đón mời mọc du khách mới đặt chân lên đất Sài Gòn.
Dọc hai bên đường ta thấy khoảng mươi tiệm may và tiệm giày nối tiếp nhau trong dãy nhà cũ kỹ. Bình thường thợ may và thợ giày làm việc chung trong cùng một tiệm, các xưởng may mở thông ra sát lề đường. Ngay trước cửa vào của một tiệm may, người chủ ngồi làm việc, mặc y phục xám, đầu tóc cạo sạch phía trước, chừa lại đuôi sam phía sau. Ông ta vừa hút ống điếu dài vừa chăm chú sử dụng bàn toán. Trong gian hàng ngột ngạt sau lưng ông ta, những người thợ mình trần, ngồi trước chiếc bàn thấp, khom lưng cặm cụi may trên mớ vải vóc hay trên tấm da thuộc. Họ sử dụng cây kim, mũi dùi, có người dùng máy may. Họ chỉ ngừng việc khi trời tối hẳn. Chỉ trong vòng 24 giờ dù với tiền công thật rẻ, họ thay áo quần mới, đôi giày mới cho người vừa đặt chân đến Sài Gòn. Họ chỉ là thợ thủ công chuyên làm theo mẫu áo quần, mẫu giày mà bạn mang đến, họ không phải là thợ đưa ra sáng kiến đề nghị kiểu y phục hoặc kiểu giày đúng thời trang mà bạn mong muốn. Người Âu thích mặc y phục màu trắng tại các xứ nóng, nên nghề giặt ủi cũng thịnh hành tại Sài Gòn vào những năm 1900. Về sau các cửa tiệm này biến mất trên Đường Catinat nhưng vẫn tồn tại trên các khu phố lân cận. Khách có thể thuê bao từng tháng, người thợ giặt ủi không kể số lượng nhiều ít, họ chăm lo cho khách những bộ quần áo giặt sạch, hồ bột và ủi phẳng phiu. Cho nên có người chỉ mặc qua một lần rồi đưa cho người thợ Tàu giặt lại vì không phải trả thêm tiền. Khi ủi quần áo, người thợ ngậm trong miệng đầy nước pha tinh bột, họ chúm môi phun bụi nước lên trên áo quần đang ủi. Vải thấm ướt đến đâu thì người thợ đẩy chiếc bàn ủi đến đó. Bàn ủi thường chỉ là cái soong có cán bọc gỗ, chứa đầy than cháy đỏ. Xa hơn một chút ta đến trước các cửa hàng mỹ nghệ, nơi trưng bày những hộp sơn mài, bộ tách trà, vật bằng tre chạm trổ, bức tượng bằng sứ… là hàng hóa nhập cảng từ Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ... Kế đến là các tiệm bán thực phẩm và các tiệm tạp hóa. Nhiều tiệm thực phẩm khá sang trọng, bán buôn thịnh vượng, mặt hàng phong phú, phần đông không chỉ bán thức ăn khô, gia vị hoặc thực phẩm đóng hộp mà còn bán nhiều vật dụng khác như đèn cầy, nón, giấy bút, yên ngựa, hoặc các món hàng hợp thời trang kiểu Paris… Loại tiệm này được mệnh danh là "cửa hàng tổng hợp". Trên Đường Catinat ta còn gặp khá nhiều tiệm bán và sửa đồng hồ kiểu xưa cũ thường đứng kề bên các tiệm bán đủ loại nữ trang bản xứ. Đi thêm vài bước chúng ta gặp vài tiệm bán bàn ghế đóng bằng gỗ hoặc đan bằng tre hay mây, vừa nhẹ vừa đẹp mắt. Ngoài ra nếu nhìn về phía bên lề trái của Đường Catinat ta thấy khoảng mươi gian hàng nằm cách khoảng đều đặn, đó là dãy quán đổi tiền của người Ấn. Mỗi quán trông giống chiếc tủ to nằm lọt giữa hai vách nhà, cửa tủ mở ra đường, cao hơn mặt đường khoảng 1 mét, một tấm vải bố giăng cao, nhô ra trên lề đường để che mưa nắng. Thường thường ngay tại cửa quán người chủ ngồi xếp bằng chờ khách đến đổi tiền, hoặc đến mua vài món hàng lặt vặt như gói thuốc lá, điếu xì-gà, hộp quẹt, ống điếu, kim may, ống chỉ, dao xếp… Khách hàng thường là lính Pháp mua thuốc hút hoặc đổi đồng quan Pháp lấy đồng bạc Đông Dương, khách cũng có thể là Hoa kiều đổi tiền để mua lúa gạo ở Lục Tỉnh. Người Ấn còn làm các nghề khác như đánh xe chở khách hoặc chuyên chở hàng hóa, buôn bán lẻ, chăn bò để bán sữa, canh gác tại tư gia hay hãng xưởng, một số ít làm nhân viên cảnh sát.
Ðường Catinat từ
Ngã Ba Carabelli (Nguyễn Thiép nhìn về Công trường Nhà Hát (Khoảng 1905)
Người Pháp kinh doanh, buôn bán trên đoạn đường này thuộc nhóm thiểu số nhưng các cửa hàng của họ hầu hết chiếm các góc đường tại ngã tư hay ngã ba. Ta có thể kể một số cửa hàng do người Pháp làm chủ: Tiệm tạp hóa buôn bán lẻ. Tiệm y phục thời trang, bán mũ, bán áo phụ nữ. Tiệm cà phê, tiệm nước hạng thường (Các tiệm sang trọng nằm trên bến sông hoặc quanh Nhà hát), gần như là chỉ bán cho khách đến uống rượu khai vị. Tiệm đồng hồ và nữ trang, bán nhiều thứ sản phẩm đắt tiền. Tiệm cắt và uốn tóc trang trí thanh lịch. Tiệm sách, nơi tủ kính trưng bày những xuất bản mới nhất tại Paris, ngoài sách báo còn bán cả giấy bút và dụng cụ văn phòng, cũng có tiệm treo tấm bảng đề cho thuê sách. Tiệm thuốc Tây bên trong bày các lọ thuốc xếp hàng ngăn nắp, được dán nhãn hiệu kỹ lưỡng. Tiệm ăn và khách sạn nhỏ. Tiệm bánh mì và bánh ngọt. Vài nhà buôn lớn chuyên bán sỉ. Tiệm bán máy may, vũ khí và dụng cụ săn bắn. v.v.
Công
trường Nhà Hát.
Vừa đi qua "vùng đất thấp" nơi các thương gia và thợ thủ công người Châu Á chiếm đa số, nay ta dừng lại ít lâu trên Công trường Nhà Hát là khu vực bắt đầu qua "vùng đất cao", từ vị trí này đi lên phía Nhà thờ, đường phố mang phong cách Pháp rõ rệt hơn. Công trường này là nơi vui vẻ, tấp nập, náo nhiệt nhất trên Đường Catinat, ngoài Nhà hát đồ sộ, tráng lệ, mặt tiền nhìn ra Đại lộ Bonard, bao quanh ta thấy nhiều quán cà phê sang trọng như Café de la Terrasse, Café de la Musique,…,
các cửa hiệu bách hóa như Bazar saigonnais, La Civette, L’Omnium,
và vài ba khách sạn danh
tiếng như Continental Palace, Hotel de la
Terrasse, Hôtel de France… Đi lùi về quá khứ ta thử tìm lại cảnh đổi thay quanh khu vực này. Tương tự các giai đoạn kiến tạo của Đại lộ Canton (Hàm Nghi) hay Charner (Nguyễn Huệ), Đại lộ Bonard thành hình sau khi một kinh đào được lấp bằng vào khoảng năm 1887. Đại lộ này rộng gần 60 mét, phần trục giữa là bãi cỏ trồng cây, hai bên chừa đường cho xe lưu thông. Lúc đầu Ngã tư Bonard - Catinat chỉ là một giao lộ bình thường. Tại chỗ Nhà hát hiện nay người ta xây Đài kỷ niệm Doudard de Lagrée, sau dời về dựng lại trên Công trường Một Hình. Trên bãi cỏ phía đối diện, chỗ tượng hai chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa sau này, vào thuở ấy có Đài kỷ niệm Francis Garnier mà pho tượng đã bị kéo đổ vào năm 1945. Khi xây lên Nhà Hát vào năm 1900, đại lộ Bonard được nới rộng, lấn sang hai bên chỗ Cao ốc Caravelle và Khách sạn Continental ngày nay.
Công trường Nhà Hát
khoảng 1905
Nhà
Hát cũ
Năm 1884, tại vị trí của Cao ốc Caravelle ngày nay, Kiến trúc sư Bergé xây một nhà hát bằng khung sắt và ván gỗ. Nhà hát này là một kiến trúc hình chữ nhật dài và rộng ước chừng 40 và 20 mét, nằm song song với Đại lộ Bonard. Mặt tiền hướng về Đường Catinat, thụt sâu vào chừng 20 mét, ẩn hiện trong khu vườn rậm rạp trải thảm cỏ xanh và phủ cây cao bóng mát. Hàng cột trang trí phía mặt tiền khiến ta nghĩ đến một rạp hát Hi Lạp cổ hoặc một casino. Phần bên trong được trang hoàng giản dị nhưng không kém vẻ thanh lịch. Mặc dù xây bằng vật liệu nhẹ, rạp hát có cả dãy lô hai bên thông ra ngoài hiên, nơi khán giả đứng ngắm cảnh vườn. Ngay sau cửa vào, bên trên có ban công và khán đài hình bậc thang. Kiến trúc phù hợp với điều kiện khí hậu nên phòng trình diển rất thông thoáng, có thể chứa được một ngàn khán giả. Ngân sách thành phố đài thọ chi phí rất cao cho một đoàn nghệ sĩ sáng giá từ Marseille đến Sài Gòn trình diễn. Thời gian trình diễn kéo dài 6 tháng mỗi năm, thường được gọi là "mùa ca kịch", được chọn lựa trùng với mùa khô, tức khoảng tháng mười đến tháng tư năm sau. Ngày đoàn kịch đến Sài Gòn có thể bảo là "biến cố trong năm" đối với giới phong lưu. Trước đó rất lâu tin này đã là đề tài cho các cuộc đàm luận. Nơi tủ kính mấy hiệu sách đã trưng bày chân dung các nghệ sĩ, đương nhiên nơi trang trọng nhất được dành cho các nữ nghệ sĩ. Nhiều khán giả quá ái mộ, tỏ ra lịch thiệp hơn người, bõ công du hành đến Singapore để được ưu tiên chiêm ngưỡng những vị minh tinh từ Pháp đến. Thực là một ngày hội vui khi đoàn ca kịch đến Sài Gòn. Mới nghe tin loan báo tàu chở nghệ sĩ vừa tới vùng biển Vũng Tàu, giới mộ điệu đã xôn xao, chen chân đứng chật cầu tàu Nhà Rồng tham dự buổi đón tiếp.
Mấy hôm sau đến đêm khai mạc tại Nhà hát. Hầu như mùa ca kịch nào cũng bắt đầu bằng vở nhạc kịch Faust của Charles Gounod. Cứ thế mỗi tuần có bốn đêm trình diễn, thường vào các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy, chúa nhật, bắt đầu từ 9 giờ tối đến 12 giờ khuya. Khán giả trung thành luôn đúng hẹn dù để nghe và xem lại các vở tuồng cũ quen thuộc. Du khách dừng bước tại Sài Gòn cũng thấy hài lòng sau khi tham dự đêm trình diễn văn nghệ, vì tài năng diễn xuất của nghệ sĩ đạt giá trị nghệ thuật cao, tác phẩm trình diễn được dàn dựng kỹ lưỡng, chương trình phong phú tập họp được nhiều loại tuồng và nhiều đề tài, trang trí sân khấu tạm được, dàn nhạc khá hùng hậu nhờ sự tăng cường của nhiều nhạc công quân đội v.v.
Cuối mùa ca kịch, đoàn nghệ sĩ rời Sài Gòn quay về chính quốc vào khoảng tháng năm, lúc bắt đầu mùa mưa. Rạp hát Bergé tồn tại đến 1899, bị phá bỏ sau ngày khánh thành Nhà hát hiện nay.
Phía
đối diện, chỗ Khách
sạn Continental ngày nay, có Tòa Thị chính cũ, ngôi nhà hai tầng, hàng hiên rộng bao quanh, hơn hai thập niên đứng tại vị trí này, cũng bị phá bỏ khi Đại lộ Bonard được nới rộng để xây Nhà hát mới.
Khách sạn Continental
Những khách sạn xưa hơn cả đều nằm trên Bến Commerce (Bến Bạch Đằng), nhiều nhất ở quanh khu vực đầu Đường Catinat. Nhiều năm sau, các khách sạn tiện nghi và sang trọng hơn tập trung quanh Ngã tư Bonard - Catinat. Đến nay duy nhất Khách sạn Continental còn tồn tại.
Khoảng
1875, ông Fave cho xây một loại nhà trọ dành cho quân nhân, công chức hay dân sự công tác tại thuộc địa Nam Kỳ. Trong cùng tòa nhà có khu khách sạn dành cho du khách đến Sài Gòn, phòng ốc rộng rãi tiện nghi, trang bị đủ đồ đạc, nhà hàng nấu thức ăn ngon, có nhân viên phục vụ tươm tất.
Khách sạn
continental (Khoàng 1900)
Theo Dược sĩ Hải quân Delteil, vào năm 1882 Khách sạn Fave chiếm gần hết đoạn Đường Catinat, từ Đại lộ Bonard đến Đường Espagne (Lê Thánh Tôn). Nơi tầng trệt có phòng đánh bi-da, một nhà hàng to dành cho thực khách đến ăn một mình hoặc từng nhóm nhỏ. Hai hay ba phòng khác hẹp hơn dùng làm nơi ăn cho khách trọ. Trong bữa ăn, những chiếc quạt kéo treo trên trần phe phẩy không ngừng, tạo bầu không khí thoáng mát cho thực khách. Hàng hiên bao quanh tòa nhà cả hai mặt trước sau. Tầng lầu một và lầu hai gồm 50 đến 60 phòng. Mỗi tầng có hành lang rất thoáng, ngăn giữa hai dãy phòng, một dãy nhìn ra đường, dãy kia nhìn vào sân trong. Khách thường chuộng dãy nhìn ra đường dù cho phải trả đắt hơn. Các phòng đều xây và trang bị đồ đạc theo cùng một kiểu, tuy không xa hoa nhưng vừa đủ tiện nghi. Bên cạnh mỗi phòng có một buồng tắm, vòi sen, bồn tắm, rô-bi-nê. Nhiều sĩ quan và công chức đã thuê phòng trong Khách sạn Fave làm nơi cư trú trong suốt thời gian tòng sự tại Sài Gòn, vì thế du khách ít khi tìm được phòng còn trống. Khách sạn trải qua nhiều đời giám đốc như Laval, Grosstéphan, v.v. mới trở thành Grand Hôtel Continental, và trước năm 1900 vẫn còn ngăn cách với Đại lộ Bonard bởi Tòa Thị chính.
Quán cà
phê
Xưa kia có khá nhiều quán cà phê sang trọng nằm ven bến sông gần đầu Đường Catinat. Một số quán khác tập trung trên Đường Nationale (Hai Bà Trưng) gần bên Quân cảng, khách lui tới thường là lính Hải quân. Các quán tại đầu Đường Catinat, tiêu biểu là Café de la Rotonde, mất dần địa vị, nhường ngôi cho các quán khác trong khu vực chung quanh Nhà hát. Tại đây các quán rộng rãi hơn, phòng ốc trang hoàng lịch sự, thềm quán mở rộng trên lề đường. Trong khung cảnh thanh lịch ấy giới bặt thiệp phong lưu hẹn nhau họp mặt vào giờ uống khai vị. Người Pháp sau một ngày làm việc, rời văn phòng hay hãng sở đến đây tìm không gian mát mẻ của chiều hôm. Quán rượu không phải là nơi họ chè chén say sưa, nhưng là nơi cần thiết cho họ tìm gặp bạn bè, nơi họ cảm thấy thoải mái được sinh hoạt bên ngoài hơn sống ru rú trong nhà, dễ buồn chán vì cô đơn và buồn nhớ quê hương.
Ðường Catinat
nhìn từ Công trường Nhà Hát. Café de la Musique bên trái, Nhà buôn La Civette
và thương xá Omnium giữa, Khách sạn
Continental bên phải.
Bên cạnh khuôn viên của Nhà hát Bergé, ta thấy ngôi nhà hai tầng của Café Catinat, tọa lạc giữa một khu vườn, mặt tiền của quán này quay về phía ngã ba Đường Carabelli (Nguyễn Thiếp). Xưa hơn nữa, nơi đây từng là Nhà hàng kiêm khách sạn Bory, nổi tiếng không thua kém Café de la Rotonde. Ta
còn có thể nhắc đến vài quán cà phê nổi tiếng khác : Café de la Terrasse, xây lên sau khi phá bỏ Rạp hát Bergé. Café de la Musique, ở góc Đại lộ Bonard, chỗ quán Givral sau này.
Phòng
đấu giá.
Phòng đấu giá trông giống một nhà kho rất rộng, mặt tiền lắp kính, nằm bên Đường Catinat, đối diện với Khách sạn Fave, tức ở khoảng Nhà sách Xuân Thu và Nhà thuốc La Thành. Thường vào mỗi sáng chủ nhật khách qua đường nghe tiếng cồng chiêng hoặc tiếng gõ chuông là biết sắp đến giờ đấu giá. Bước vào xem ta thấy đủ loại hàng hóa, phần lớn là hàng sản xuất tại Châu Âu: Gương soi, bàn ghế, giường, bát đĩa, đồ dùng trong nhà, đủ loại dụng cụ... Người mới định cư tại Sài Gòn có thể đến đây tìm mua với giá rẻ các món hàng cần thiết do người trở về chính quốc bán lại. Ngoài ra có cả xe đạp, rượu, thuốc lá, tranh vải, dương cầm, máy may, súng đạn v.v. Đối với món hàng cồng kềnh như ngựa và xe cộ, việc đấu giá diễn ra ngoài đường. Thỉnh thoảng cũng có vật hiếm, vật lạ dành cho các nhà sưu tầm đến tranh mua.
Nhà Hát
mới
Từ năm 1897, phần Đại lộ Bonard nằm giữa Catinat và Nationale (Hai Bà Trưng) được sửa sang để xây Nhà hát mới và một công viên phía sau. Đại lộ Bonard được mở rộng thêm nên lấn sang hai bên, Tòa Thị chính (phía Khách sạn Continental) và Rạp hát Bergé (phía cao ốc Caravelle), đều bị phá bỏ. Nhà hát mới được khánh thành vào ngày 15 tháng 1 năm 1900, nhân dịp Hoàng tử Đan Mạch Valdemar công du Viễn Đông ghé thăm Sài Gòn. Xây từ năm 1897, đến tháng 10 năm 1899 theo họa đồ của kiến trúc sư Ferret, Nhà hát có thể chứa 800 khán giả. Chương trình trình diễn vào những năm đầu rất thành công, đáp ứng sự kỳ vọng của khán giả. Nhưng dần dần do sự cạnh tranh của các rạp xi nê, vũ trường, nhà hàng ăn... Nhà hát chỉ hoạt động thỉnh thoảng qua các buổi dạ hội hoặc hòa tấu. Một vị giám đốc Nhà hát đã đi kiện ông Thị trưởng vì vào ngày ban kịch trình diễn một số rạp chiếu bóng vẫn mở cửa tranh giành khán giả.
Buổi chiều trên Đường Catinat
Giữa ban ngày nắng như thiêu đốt, đường phố có lúc vắng vẻ như sa mạc.
Từ 1 giờ trưa đến 4 hay 5 giờ chiều là thời gian dành cho giấc ngủ trưa nên mọi sinh hoạt đều ngưng lại. Nhiều du khách đến khách sạn tìm phòng thuê đúng vào giờ nghỉ trưa nên chẳng thấy ai ra tiếp khách, vì người ta bảo là chủ nhân đã đi vắng. Trong các văn phòng mọi người còn cố ngồi viết nguệch ngoạc chống cơn buồn ngủ, trong lúc chờ đợi giờ hẹn giải khát tại quán cà phê. Đến năm giờ chiều mọi người đều thức giấc. Trong không khí mát dịu hơn, các thềm quán trên Đường Catinat tập hợp đầy khách, mùi rượu áp-xanh tỏa thơm cả Công trường Nhà Hát. Người ta bàn chuyện chính trị cùng lúc ngắm nhìn các khách tản bộ chậm rãi bước trên lề đường. Các bà đầm thừa dịp trời mát đi mua sắm vặt, ngắm các tủ kính rực rỡ, hàng hóa bày biện lớp lang. Ngoài đường xe cộ chạy xuôi ngược càng lúc càng đông. Có người sắp sửa ngồi xe đi dạo một vòng qua Bà Chiểu hóng mát và ngắm cảnh. Người khác đi qua Vườn Bồ Rô nghe ban quân nhạc trình diễn hòa tấu.
Thú dạo chơi buổi chiều
Một trong những thú tiêu khiển thịnh hành trong lúc chờ đợi buổi ăn tối là chuyến dạo chơi một vòng ra ngoại ô, vừa hít thở không khí trong lành vừa giải khuây ngoạn cảnh làng mạc ruộng vườn. Con đường đi dạo thông thường nhất gọi là "Tour de l’Inspection", đường đi ngã Cầu Bông thẳng đến Tòa bố (Dinh tham biện) Gia Định, quẹo tay trái đi về Phú Nhuận, từ đó qua Lăng Cha Cả rồi trở về theo ngã Đường Thuận Kiều (Lê văn Duyệt). Lộ trình này được sử dụng thường nhất, còn gọi là "vòng nhỏ", nhưng nếu người đi dạo thích đường dài hơn thì chọn "vòng lớn", bắt đầu từ Cầu Thị Nghè, qua Hàng Sanh để đến Tòa bố Gia Định, Phú Nhuận, Lăng Cha Cả, đường về theo ngã Phú Thọ và Chợ Lớn. Vào những năm 1890 tại Gia Định có quán ăn Pré Catelan giữa khung cảnh cây xanh, tiếp khách đến khuya, cứ mỗi giờ có xe đưa khách về Sài Gòn. Ngoài ra tùy sở thích riêng của mỗi người, có đường dạo đi lên Gò Vấp, hoặc đi xa hơn như lên tận Thủ Đức hay Biên Hòa, nhưng khách phải đi đò máy qua sông vì trước năm 1902 chưa xây Cầu Bình Lợi. Ngoài ra còn nhiều đường đi dạo khác trong nội thành, tuy đông người qua lại nhưng cũng được ưa thích, như "Đường trên" đi Chợ Lớn ngang Trại lính Ô Ma (nay là Đường Võ Tánh và Nguyễn Trãi) hoặc đường ven Rạch Bến Nghé, chạy ngang Nhà thương Chợ Quán.
Các đường đi dạo trên đây đều quá dài nên không ai có thể đi bộ. Phương tiện đơn giản và tiết kiệm nhất là xe kéo tay, loại xe được người kéo thay ngựa! Ngồi xe kéo có bánh cao su khách phải trả đắt hơn loại có bánh niềng sắt. Xe kiếng là loại xe do một ngựa kéo, có mui che và lắp kính cả bốn mặt, người Pháp gọi là "voiture malabare", thường điều khiển do người Ấn gốc ở vùng bờ biển Malabar, hoặc đến từ Pondichéry hay Singapore. Xe chạy lắc lư, tiếng cửa kính và sườn sắt va chạm vang ầm ỷ, nhưng bù lại bạn được che mưa và hưởng gió mát. Các xe
tư nhân đóng những con ngựa nhỏ bé nhưng kéo khỏe, do các xà-ích (saïs, người Mã Lai thường làm nghề chăn ngựa và đánh xe cho tư nhân) cầm cương, mặc y phục trắng, ngồi ngay ngắn, nghiêm trang. Những người giàu có đi xe nhà hoặc xe thuê, hai ngựa kéo, có người chỉ cưỡi ngựa đi dạo một mình, người khác đi xe đạp. Từ khi xe hơi xuất hiện, con đường và vòng du ngoạn trở nên nhỏ bé, chật hẹp. Xe hơi còn đưa khách dạo chơi xa hơn, như vào buổi tối sau khi xem hát xong người ta không ngại lái xe ra vùng đồng quê trong vài giờ, ngắm bầu trời đầy sao sáng rực. Dần dần xe hơi đẩy "Tour de l’Inspection" rơi vào quên lãng.
Đêm về trên Đường Catinat.
Sau chuyến đi dạo vùng ngoại ô, khách quay về các quán cà phê uống cốc rượu khai vị, trước khi dùng bữa ăn tối. Đèn ngoài đường bắt đầu thắp sáng. Lúc xưa đêm về đường Catinat lung linh muôn ánh đèn dầu lửa. Khi văn minh điện khí đến nơi, ánh sáng hai bên vỉa hè càng thêm chói lọi, trên cao người ta còn giăng thêm dây cáp sắt ngang đường, cách nhau từng khoảng 50 mét, giữa treo
lủng lẳng quả cầu đèn điện, tương tự một chuỗi hạt châu chiếu sáng giữa trục đường trông xinh đẹp huyền ảo.
Về sau dây cáp được thay thế bằng khung thép hình vòng cung bắt ngang qua đường, trên treo bóng điện thủy tinh hình bầu dục. Trong quán cà phê
đông
khách, một nhóm
người quen
thân nhau ngồi vây
quanh chiếc bàn
tròn bằng đá cẩm thạch, đang nói chuyện phiếm, vừa thưởng thức ly cherrygobbler hay whisky-soda.
Nếu ngồi thềm quán Continental, bạn có thể gọi ly
Continental cocktail , thức uống có pha kínin, được cho là công hiệu để kháng lại ảnh hưởng xấu của khí hậu. Mỗi quán cà phê có riêng một giàn nhạc hòa tấu, vì các quán đều trổi nhạc cùng một lúc, đi ngoài đường ta nghe hổn hợp những điệu chói tai. Trên lề đường người đi chơi đêm tấp nập, người Âu đi dạo cũng mặc toàn y phục trắng, vì đã quen loại y phục ấy vào lúc trời nóng ban ngày. Một nhóm trẻ nhỏ bán hoa đến tụ tập trước các khách sạn, tay ôm những bó hoa đủ màu, hoặc đội chiếc giỏ chất đầy những đóa hồng, cúc, huệ... Có đứa khệ nệ cố giữ thăng bằng trên đầu một chiếc thúng hoa to như cái lọng. Vài người Hoa bán hàng mỹ nghệ vụn vặt, tìm cách mời khách mua đồ vật bằng lụa, sành sứ hoặc bằng ngà.
Ngựa xe chạy nhộn nhịp quanh công trường, Nhà hát nổi bật như một đốm sáng giữa vùng bóng mờ. Vào giữa mùa ca kịch, sự huyên náo kéo dài từ lúc chiều hôm đến canh khuya. Mỗi khi kịch tạm ngưng trình diễn, khán giả tràn ra công trường để hít thở không khí cho bớt oi bức như lúc còn ngồi trong rạp, hoặc bước qua quán nước ngồi thưởng thức món giải khát mát lạnh, thêm một dịp cho các bà các cô phô trương y phục và nữ trang.
Một người vừa uống cạn ly, rời chiếc ghế nơi quán cà phê, tức khắc có mươi chiếc xe kéo hấp tấp đến mời mọc. Đêm khuya buổi diễn kịch kết thúc. Rạp hát đóng cửa và tắt đèn, cùng lúc khu xung quanh cũng chìm trong bóng tối. Chỉ còn vài nhóm người đi ăn đêm la cà trên thềm Nhà hàng Continental, hoặc vài vị khách nán lại đánh thêm ván bài poker hay bài bridge trong câu lạc bộ cạnh bên.
Từ Công trường Nhà Hát ta thả bộ về hướng bờ sông. Đi qua đoạn đường tập trung nhiều tiệm giày, tiệm may, vào giờ khuya ta thấy còn một số người thợ vẫn làm việc. Năm hay sáu chiếc đèn dầu đặt dưới đất hoặc trên bàn thấp. Quanh đèn có chín, mười người Hoa ở trần, ngồi vắt chéo chân, đang cặm cụi lo may áo quần hoặc đóng giày. Một ông già Tàu gánh hàng đi qua, hai đầu gánh mang hai thùng nặng đầy lọ hủ, tô, chén và thức ăn. Ông vừa gánh hàng vừa rao bán, có thể là hủ tiếu, mì hoặc cháo... Gần bên vang lên tiếng rao của em bé bán mía dạo qua nhiều đường phố, trên đầu đội cái thúng chứa những khúc mía dài chừng hai tấc tây.
Nhìn qua vỉa hè bên trái, trong tủ kính của tiệm A-Pan đèn chiếu sáng rực, mớ đồ hộp xếp từng hàng, những chai, bình thủy tinh chứa thức uống đủ màu. Xa một chút, một người Ấn mặc y phục màu xanh, đội chiếc mũ dạ hình trụ, đeo gươm bên hông, đứng gác đêm cho các cửa hàng canh phòng chống bọn ăn trộm. Đêm đã khuya, ra đến bờ sông ta thấy vài quán cà phê của người Pháp sắp đến giờ đóng cửa nhưng vẫn còn khách ngồi uống rượu trò chuyện ồn ào sôi nổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét