Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2018


SÀI GÒN CẢNH CŨ ĐƯỜNG XƯA


Mỹ Phước Nguyễn Thanh


KHÁNH HỘI


             
 Chúng ta quay trở về Cột cờ Thủ Ngữ, đến thăm Khánh Hội. Ngày nay ta quen gọi tên Khánh Hội để chỉ phần đất phía Nam của Rạch Bến Nghé giáp với Kinh Tẽ. Xưa kia dưới đời nhà Nguyễn, vùng đất này từng là địa điểm chiến lược, có Đồn Rạch Bàng và bên bờ sông đối diện có Đồn Cá Trê, cùng trấn giữ đường thủy dẫn đến Thành Gia Định. 


Bản đồ Khánh Hội
             
 Vào thời điểm Pháp đánh chiếm Sài Gòn, vùng Khánh Hội gồm 3 làng: 1) Khánh Hội, trải dài ven Sông Sài Gòn từ Vàm Bến Nghé đến Rạch Bàng. Làng này có Miếu Thành Hoàng. 2) Tân Vĩnh, lân cận với Khánh Hội và giáp Rạch Bến Nghé. Làng này có Đền thờ Nam Hải Đại Tướng Quân (thờ cá voi). 3) Bình Ý, ở phía Tây của hai làng trên, cũng nằm bên Rạch Bến Nghé nhưng trải rộng đến Rạch Ong Lớn. Tân Vĩnh và Bình Ý đều thuộc về Phường Lá Dừa.
 Đến năm 1880, ranh giới hành chính ba làng trên thay đổi hẳn: 1) Khánh Hội nằm ven Rạch Bến Nghé giữa Hãng Nhà Rồng và Rạch Cầu Dừa.  2) Tam Hội, nằm ven sông từ Vàm Bến Nghé đến Rạch Bàng và Tân Thuận. Phía Nam giáp Tân Qui Đông và Rạch Ông Đội. 3) Vĩnh Hội, nối tiếp với Khánh Hội, nằm giáp Rạch Bến Nghé, giữa Rạch Cầu Dừa và Rạch Ong Lớn. Phía Nam giáp Tân Qui Đông.  Vào năm 1895, một phần đất thuộc hai  làng Khánh Hội và Tam Hội nói trên được sát nhập vào Thành phố Sài Gòn. Đến 1907, diện tích Sài Gòn lan rộng xuống phía Nam đến Rạch Ông Đội (Vùng Chánh Hưng) và Rạch Bàu Đồn (Vùng Tân Thuận Đông).  Khánh Hội vốn là vùng đất thấp, xưa kia còn nhiều đầm lầy kinh rạch, chỉ vài nơi cao ráo ta mới thấy cây to bụi rậm. Dân chúng đến đây làm ruộng, lập vườn, bắt cá tôm, làm nghề thủ công (dệt chiếu, đan đệm, làm nóp…).




Vàm Bến Nghé từ Cầu  Mống, lúc chưa xây Cầu Quay (Khoảng 1900).

Nhà cửa chỉ là túp lều tranh, nhà gỗ, nhà sàn, lác đác vài ngôi nhà lợp ngói. Dần dần vùng đất đai ẩm thấp ven Sông Sài Gòn và Rạch Bến Nghé nhường chỗ cho thương cảng và đường sá. Tất nhiên bên cạnh đó kho hàng, xưởng máy, nhà lầu theo nhau xuất hiện. Nhà gạch mọc lên từng dãy dọc theo các đường chính. Nhưng phía sau những dãy mặt tiền ấy là các xóm lao động, nhà mái tôn vách ván, ngõ hẻm quanh quẹo, phần lớn là nơi nương náu của giới thợ thuyền làm việc trong khu bến tàu hay trong các hãng xưởng. Có người mỗi ngày hai lần bỏ ra vài xu trả tiền đò vào thành phố buôn gánh bán bưng, làm thợ phụ… Khánh Hội là một trong những khu dân cư nghèo nhất Sài Thành nằm bên cạnh một thương cảng sầm uất nhất Việt Nam.

  Cầu Quay và Cầu Mống





Cầu Quay nhìn về phía Khánh Hội (1950)

  Rạch Bến Nghé (tức Bình Dương Giang, Pháp gọi là Arroyo Chinois) từ xa xưa là đường thủy tiện lợi cho thương mại, nhưng gây cản trở không nhỏ cho sự qua lại của người dân sống hai bên bờ rạch. Hơn nữa, mỗi khi tàu biển từ hải ngoại cập Bến Nhà Rồng, vì không bắc cầu nên hành khách phải dùng đò qua bên Cột cờ Thủ Ngữ để vào thành phố. Để giảm bớt sự di chuyển lệ thuộc thuyền đò, năm 1864 chính quyền cho xây chiếc cầu nằm cách Vàm Bến Nghé khoảng 100 mét, phía đầu Đường Adran (Võ Di Nguy), nối với đường đi về Đồn Nam (nay là Đường Trình Minh Thế). Đây là loại cầu quay, lúc bình thường vắt ngang rạch cho bộ hành đi lại, khi cần phần giữa cầu quay xuôi chiều dòng nước cho ghe thuyền thông thương giữa Sông Sài Gòn và vùng thị tứ trong Chợ Lớn. 



Cầu Mống (khoảng 1930)

Chiếc cầu này xây bằng gỗ, do Hãng Vận tải Hoàng gia (Messageries Impériales) đài thọ, theo điều kiện quy định khi chính quyền Pháp nhượng cho hãng này khu đất để xây trụ sở và bến tàu. Bộ hành và ngựa xe chỉ được qua lại vào một số giờ nhất định. Cầu quay không ích lợi mấy cho các tiểu thương, vì họ vẫn quen dùng đò. Còn thuyền lớn hay ghe biển chịu phiền phức vì giờ giấc dành cho sự qua lại bị hạn chế. Sau khi cầu xây xong, người ta lo lắng cho chiếc cầu gỗ dễ bị mục nát và không đủ sức chịu đựng các đụng chạm có thể xảy ra do sự giao thông quá nhặt. Lo lắng nhưng không tránh khỏi, cầu được sử dụng chưa bao lâu, tháng 12-1864, một bè gỗ từ phía Cầu Ông Lãnh trôi tới va đập mạnh khiến cầu sập làm gián đoạn giao thông trong nhiều ngày. Nhà thầu khoáng Châtain đảm trách việc tháo bỏ cầu hư nhưng vì không nhổ hết các cọc gỗ còn sót dưới lòng rạch nên nhiều thuyền bị vướng hay bị đâm thủng. Sau đó tình trạng trở lại bình thường như trước, ghe thuyền lưu thông không còn gặp cản trở, bộ hành vẫn dùng đò qua rạch.   

Nhà Rồng

 Đường bộ qua Khánh Hội bị gián đoạn gần 20 năm. Khoảng 1882, người ta xây Cầu Messageries, vòm cầu hình vòng cung nên ta gọi là Cầu Mống. Từ đầu Đường Pellerin (Pasteur) Cầu Mống bắc qua Bến Khánh Hội (Bến Vân Đồn), gầm cầu cao nên ghe thuyền dễ chui qua lại. Vào thời ấy từ Cột cờ Thủ Ngữ có hai cách để sang Bến Nhà Rồng. Nếu đi thuyền thì ta chỉ mất vài phút. Nếu thả bộ theo ngã Cầu Mống, ta đi dọc theo Bến Arroyo Chinois (Từ năm 1914 đổi là Bến Belgique, nay là Bến Chương Dương). Cứ theo lề trái bên cạnh kho chứa hàng của Sở Quan Thuế (sau này là "Câu lạc bộ Thể thao trên nước", Club nautique), đi khoảng 300 mét ta leo dốc trên "mang cá" đi lên Cầu Mống rồi sang Khánh Hội.    
 Năm 1903, người ta xây lại chiếc cầu quay khác bằng sắt ở vị trí chiếc cầu gỗ gần 40 năm trước đã bị sụp gãy vì tai nạn. Cầu sắt này do Hãng Levallois-Perret thực hiện, phần giữa của cầu có thể xoay 90 độ quanh chân trục, chừa lối lưu thông hai bên dành cho thuyền bè. Tuy chắc chắn hơn chiếc cầu xưa, vẫn gây nhiều bất tiện và nguy hiểm cho ghe bầu chở gạo ra vào Rạch Bến Nghé. Mỗi ngày xe cộ chỉ được qua lại trong 2 đến 4 giờ, thời gian còn lại ưu tiên cho thuyền bè. Từ năm 1908, các ghe lớn chuyên chở gạo không còn bắt buộc phải qua lại nơi Vàm Bến Nghé này nữa vì đã có Kinh Tẽ đào xuyên qua vùng phía Nam Khánh Hội. Từ đó sự giao thông của xe cộ và bộ hành trên Cầu Quay trở nên bình thường. Đến thập niên 1950 Cầu Quay được sửa lại thành cầu cố định và một cầu phụ xây bên cạnh dành cho đường sắt nối liền Thương Cảng Khánh Hội qua khu Đại lộ Hàm Nghi. Sau năm 1954, cầu mang tên là Bắc Bình Vương, ít lâu sau là Trình Minh Thế.

Bến Nhà Rồng nhìn từ Mũi đất bọn tán dóc
(Khoảng 1905)

  Bến Vân Đồn

 Bờ Rạch Bến Nghé phía Khánh Hội được đặt tên là "Quai de Khánh Hội", từ năm 1916 đổi là "Quai de la Marne" (theo tên gọi trận chiến vùng Sông Marne vào năm 1914 giữa liên quân Anh-Pháp và quân đội Đức), nay là Bến Vân Đồn. Cùng lúc với sự phát triển của Thương cảng Nhà Rồng, trên Bến Vân Đồn xuất hiện các nhà máy lắp ráp, xay lúa, cưa gỗ, …

Bến Vân Ðồn và Cầu Calmette nhìn từ Cầu Ông Lãnh.

Ta có thể nhắc qua một vài kiến trúc thời trước nằm dọc theo Bến Vân Đồn: Gần đầu Cầu Quay là kho hàng của Hãng Tàu biển Messageries Maritimes. Cạnh đầu Cầu Mống là Nhà máy Cơ khí  F.A.C.I. (Forges, Ateliers & Chantiers d’Indochine), sau này là Công ty Đường mía Việt Nam. Gần đó là Nhà máy Nước giải khát có hơi S.E.G.I. (Société des Eaux Gazeuses d’Indochine).
Qua khỏi Cầu Chông, ta đi ngang Nhà máy Phân bón Ogliastro. Đến khoảng đầu Cầu Ông Lãnh, ta gặp Nhà máy Thuốc lá Bastos, gần bên Nhà thờ Vĩnh Hội. Sau đó là Đình Lý Nhơn, Bót Cảnh sát Vĩnh Hội, Đình Vĩnh Hội và Hãng Nước mắm Liên Thành. Đi một đoạn khỏi Cầu Dừa và Ngã ba Đường De Lanessan (Đường Nguyễn Khoái) ngay góc có bót Cảnh sát Nguyễn Văn Bạc, ta đến Nhà máy Diêm S.I.F.A (Société Industrielle et Forestière des Allumettes) nơi sản xuất hộp diêm quẹt nhãn hiệu "Con chim xanh" quen thuộc một thuở. Tận cùng của Bến Vân Đồn là Cầu Ong Lớn nối qua Cù lao Nguyễn Kiệu.
  

  Bến Nhà Rồng

 Thương cảng được thành lập vào năm 1860 theo nghị định của Đề đốc Page, trong lúc chiến sự đang còn tiếp diễn trong vùng Sài Gòn. Thời ấy bến cảng dọc bờ sông chưa thật sự thành hình, chỉ có vài cầu tàu xây tạm không đủ chỗ cho tất cả tàu buôn, việc bốc dỡ hàng hóa có khi nhờ vào các ghe bầu giúp đưa hàng lên xuống. Năm 1862, Công ty Hàng hải "Vận tải Hoàng gia" (Messageries Impériales) khai trương tại Sài Gòn. Trên phù hiệu của công ty này có hình đầu ngựa một sừng nên dân chúng thường gọi là "Hãng Đầu Ngựa". Năm 1863 chính quyền Pháp ký thỏa thuận cho Hãng Đầu Ngựa được độc quyền khai thác, sử dụng khu đất ven sông, rộng từ Vàm Bến Nghé đến Đường Hoàng Diệu ngày nay, để xây bến và cầu tàu cần thiết cho việc bốc dỡ hàng hóa và vận chuyển hành khách. Đổi lại công ty này đài thọ chi phí kiến tạo các công trình như : cầu quay bắc qua Rạch Bến Nghé, đường sá và đất đai công cộng trong khu vực giữa cầu quay và bến cảng. Trụ sở của công ty đặt tại tòa nhà tráng lệ nằm trên doi đất cạnh Vàm Bến Nghé. Đây là một trong những kiến trúc dân sự đầu tiên tại Đông Dương, theo phong cách nửa Âu nửa Á. Hai tầng dưới xây theo kiểu thuộc địa, không trang trí rườm rà, có vòng hành lang bao quanh bốn mặt. Phần mái nhà theo kiểu đình chùa, tô điểm bằng nhiều tượng rồng, trên nóc có hai con rồng chầu phù hiệu của công ty, vì vậy người dân gọi là Nhà Rồng, sau này cả khu Thương Cảng Khánh Hội cũng được gọi là Bến Nhà Rồng.
 Ta có thể bảo khu Khánh Hội mở mang bắt đầu từ Bến Nhà Rồng trở đi. Theo chân Hãng Đầu Ngựa nhiều kỹ nghệ gia, thương gia cũng đến lập nghiệp trên đất Khánh Hội, đấy là các nhà buôn, xuất nhập cảng, các nhà máy cưa gỗ, kéo sợi, xay lúa,…  Năm1871, sau cuộc thay đổi chính thể tại Pháp, công ty hàng hải nói trên đổi tên là "Hãng Vận tải Đường biển" (Messageries Maritimes).


Không ảnh Bến Nhà Rồng (Khoảng 1925)

Suốt nhiều thập niên, Hãng Messageries Maritimes giương lá cờ hiệu nền trắng, 4 góc đỏ, chữ MM ở trung tâm, vượt đường dài qua các đại dương tới Bến Nhà Rồng. Thương Cảng Sài Gòn trở thành đầu mối giao thông đến Trung Hoa , Nhật Bản. Vào đầu thế kỷ XX, cứ mỗi tháng, trên hải trình Marseille - Yokohama có bốn chuyến tàu ghé Sài Gòn (hai chuyến đi, hai chuyến về). Những tàu chở khách và thư tín gọi là courrier hay paquebot-poste, thường dài khoảng 150 mét, mỗi ngày đi được 350 đến 400 hải lý (khoảng 650 đến 750 km) và hoàn tất chuyến hành trình Marseille - Sài Gòn trong khoảng 27 ngày. Hãng Messageries Maritimes cũng đảm trách những hải trình phụ từ Sài Gòn đi Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Thuận An, Hải Phòng.  

  Bến Tam Hội

 Nền mậu dịch tại Sài Gòn ngày càng gia tăng nên Thương Cảng cần được mở rộng  để có thể tiếp nhận tất cả tàu bè quốc tế. Năm 1900, Bến Tam Hội bắt đầu được xây dựng dọc theo bờ sông phía Nam của Hãng Đầu Ngựa, nhưng công việc tiến triển quá chậm vì vùng này còn nhiều bùn lầy và lạch nước. Mãi đến 1912 Bến Tam Hội mới bắt đầu tiếp đón tàu bè đến trao đổi mua bán. Phần cuối của bến cảng giáp với Kinh Tẽ được hoàn thành vào khoảng 1920.  Một công ty hàng hải khác cũng quan trọng không kém Hãng Đầu Ngựa là Chargeurs Réunis. Công ty này đến Sài Gòn lần đầu vào năm 1901, chỉ chuyên chở hàng hóa, đến 1904 mới đảm nhận việc chuyên chở hỗn hợp, vừa chở hàng vừa chở khách. Phù hiệu của công ty này có hình con cá heo, nhưng dân chúng vẫn gọi là "Hãng Năm Sao" vì trên cờ hiệu và quanh ống khói vẽ hình các ngôi sao tượng trưng cho năm châu. Trước kia tàu thủy của công ty này chỉ đậu tại cầu tàu Charner hay Canton. Từ khi mở Bến Tam Hội vào năm 1912, Hãng Năm Sao được dành riêng một khu vực dùng bốc dỡ hàng hóa và đưa đón hành khách. Năm 1920 Bến Tam Hội đổi tên là Bến Yser (kỷ niệm trận đánh diễn ra trên đất Bỉ vào năm 1914, liên quân Pháp - Bỉ chận đứng quân Đức định vượt Sông Yser). Vì nhu cầu xây dựng bến cảng nên nhà cửa dân chúng dọc bờ sông đều bị giải tỏa. Nhiều đường ngắn và thẳng góc với bờ sông nối liền bến cảng với Đường Jean Eudel (Trình Minh Thế). Từ năm 1955 đến nay, Bến Yser mang tên là Thương Khẩu.

Ngày tàu thư đến Sài Gòn vào đầu thế kỷ XX

Vào những ngày tàu thư đến Sài Gòn, khu Thương Cảng bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Tàu thư vừa chở thư tín, bưu phẩm, hàng hóa, vừa chở hành khách kể cả binh sĩ. Thông thường, mỗi khi được điện tín thông báo có tàu thư đã vào hải phận, người ta phái một chiếc tàu nhỏ đến Vũng Tàu đón trước để nhận những kiện thư tín mang ngay về Sài Gòn, vì không thể đợi chiếc tàu to lớn cồng kềnh ấy di chuyển quá chậm chạp trong khu Rừng Sác. Nhờ thế các thương gia lợi được vài giờ quý báu, giải quyết sớm công việc buôn bán. Từ xa đã thấy khói tàu cuồn cuộn mỗi lúc một gần, Nha Thương Cảng báo cho mọi người bằng quả cầu đen treo cao trên cột cờ tín hiệu, kèm theo phát súng đại bác bắn đi từ một chiến hạm đậu trong quân cảng. Nhưng còn phải kiên nhẫn hằng giờ, tàu không thể chạy nhanh vì sông có quá nhiều khúc quanh. Một phát đại bác thứ hai báo tin tàu đã dừng thả neo tại Bến Nhà Rồng. Các thương gia xuất nhập cảng rất bận rộn, họ chỉ có một ngày để đóng các kiện hàng, bàn bạc, quyết định, lập các thủ tục cho kịp giờ tàu khởi hành vào ngày hôm sau. Tàu ở lại Sài Gòn trong 24 giờ. Nếu là tàu từ Pháp sang, tàu sẽ tiếp tục đi Hong Kong. Nếu theo chiều ngược lại, tàu đến từ Trung Hoa và Nhật Bản cũng chỉ ghé lại trong 24 giờ, nhận bưu phẩm, hàng hóa, đón hành khách xong lại nhổ neo đi Âu Châu. Sau khi tàu thư rời bến, Sài Gòn như trở lại những ngày yên tĩnh. Ngoài ra, mỗi năm vào thời kỳ xuất cảng gạo kéo dài hai hay ba tháng, Thương Cảng cũng náo nhiệt không kém. Lúc đó nếu du khách từ Châu Âu đến Sài Gòn lần đầu họ tưởng rằng mình đang đến một thương cảng bề bộn nhất Viễn Đông. Thường thường qua hết tháng bảy tàu buôn hiếm dần, mọi hoạt động trong Thương Cảng cũng giảm sút, có khi chỉ còn năm, sáu tàu thả neo, quá ít nếu so sánh với những hải cảng thuộc Anh Quốc như Colombo hay Singapore.

Hình ảnh Thương Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội vào đầu thế kỷ XX

 Dọc theo bến cảng, các tàu thủy Âu Tây đậu xen lẫn với ghe thuyền người Việt, người Cam Bốt. Các ghe bầu Khách Trú trang trí lòe loẹt, tô điểm hình rồng quái dị, đầy màu sắc ngoạn mục. Xưa kia có năm Nam Kỳ được mùa trong khi nơi khác mùa màng bất lợi, nhiều tàu ngoại quốc đến Sài Gòn để bốc gạo. Có lúc gần 50 tàu đủ loại, cột buồm chi chít như rừng cây, chờ các thuyền nhỏ tải gạo từ các nhà máy xay lúa trong Chợ Lớn theo ngã Rạch Tàu Hủ, Rạch Bến Nghé và cả Kinh Tẽ sau này. Cũng có năm tàu nối đuôi nhau thành nhiều hàng vì thiếu chỗ đậu trên sông, một số tàu phải thả neo ở xa đến một hãi lý rưỡi trên thượng lưu của Quân Cảng.  

Bến Nhà Rồng (Khoảng 1910)

 Sau một tháng lênh đênh qua nhiều hải cảng, chiếc tàu của Hãng Đầu Ngựa thả neo tại Bến Nhà Rồng. Trên bờ có khoảng vài mươi người Âu ăn mặc thanh lịch, đa số vận y phục trắng, đến đón thân nhân, bạn bè hoặc đến dò thăm tin tức từ chính quốc. Vài người giơ tay làm hiệu vẫy gọi người quen, vài quân nhân nghiêm chỉnh đứng chào thượng cấp. Khách vừa đặt chân lên bờ gặp ngay cảnh náo nhiệt. Các phu khuân vác tranh nhau khiêng hành lý, thợ đánh xe kêu gọi mời mọc, nhân viên khách sạn trình danh thiếp giới thiệu một căn phòng rộng rãi tiện nghi, mấy anh Khách Trú đề nghị may bộ y phục hoặc đóng đôi giày với giá rẻ mạt. Xe kéo, xe song mã chờ đưa khách vào thành phố qua ngã Cầu Mống hay Cầu Quay. Khách cũng có thể xuống thuyền nhỏ đậu tại bến cạnh trụ sở Nhà Rồng. Sang bên kia bờ, khách đổ bộ nơi đầu Đường Charner, cách này tiết kiệm thời giờ vì chỉ mất có mấy phút là tới ngay ngưỡng cửa thành phố.

Ðường Messageries Maritimes (Ðường Ðoàn Nhữ Hài) nhìn về hướng cổng
 vào Bến Nhà Rồng (Khoảng 1925).
             
Du khách nếu thích ngồi xe cho phu hay cho ngựa kéo để qua một trong hai cây cầu dẫn vào thành phố, sẽ bắt gặp hình ảnh không mấy đẹp của Khánh Hội, vì vào đầu thế kỷ XX vùng này vẫn còn là một "ngoại ô xa xôi" tuy đã thuộc nội thành Sài Gòn từ mươi năm trước rồi. Bước ra khỏi cổng chính của Hãng Đầu Ngựa, du khách thấy ngay khu phố nghèo nàn chen chúc chòi tranh vách lá. Nước bẩn ao tù đọng lại xông lên mùi hôi hám. Đường Messageries Maritimes (Đoàn Nhữ Hài và Nguyễn Trường Tộ) chưa tráng nhựa, cát bụi bốc tung lúc nắng hạn, bùn lầy ngập lún sau mỗi cơn mưa. Chỉ cách nhau dòng Rạch Bến Nghé, Bến Arroyo Chinois phía bờ bên kia là một thế giới khác, nơi ấy có dãy mặt tiền khang trang gồm những ngân hàng, các nhà xuất nhập cảng, công ty vận tải, văn phòng đại diện hãng buôn…  Không như trong nội thành người ta dựa theo các đường xưa đã vạch sẵn chung quanh Thành cổ Gia Định để xây thêm đường mới cho Hòn Ngọc Viễn Đông, tại Khánh Hội đường phố phát triển dựa theo Rạch Bến Nghé, Hãng Nhà Rồng và Bến Tam Hội. Vào đầu thế kỷ XX, không kể Đường Đồn Nam và một vài đường nhỏ thẳng góc với bờ sông, tại Khánh Hội đã có Đường Heurtaux (Nguyễn Trường Tộ), Fonck (Đoàn Nhữ Hài), Cần Giuộc (Tôn Đản)… Phần lớn các đường khác là đường làng được chấn chỉnh vào thập niên 1920 như: Vincencini (Lê Quốc Hưng), Charles de Cappe (Hoàng Diệu), Victor Olivier (Lê Văn Linh)… Nói chung đường phố được xây dựng cho tiện giao thông quanh Thương Cảng mà không chú trọng lắm đến các lợi ích của dân cư, không có công viên cho người dân đến giải trí, hầu như không đường nào được trồng cây cho bóng mát. Trong khung cảnh một thương cảng mới bành trướng trên mãnh đất nghèo, nhà cửa mọc lên mang bộ dạng tầm thường, những kiến trúc tạp nhạp kém thẩm mỹ. Nào những tiệm đóng giày, tiệm may, nhà buôn tạp hóa, quán nước,… cạnh những công ty xuất nhập cảng, vận tải, ký thác, khai quan thuế... 

  Đường Trình Minh Thế.

 Từ Cầu Quay ta đi dọc theo Đường Trình Minh Thế, thử tìm lại vài dấu vết xưa ven con đường huyết mạch nối liền Sài Gòn với Tân Thuận, Nhà Bè. 
 Bản đồ của Trần Văn Học vẽ năm 1815 cho ta thấy một con đường thẳng nối từ bờ Rạch Bến Nghé đến Đồn Rạch Bàng, càng về hướng Nam đường này càng đi kề sát bờ sông.  Có lẽ đây là đường đất thô sơ, lầy lội vì đi xuyên qua vùng đất thấp. Đến năm 1884, theo đề nghị của Hội đồng Thành phố, một đường khác được vạch lại nằm cách bờ sông trung bình 200 mét.


Ðường Jean Eudel (Trình Minh thế) nhìn về
hướng trung tâm Sài Gòn (Khoảng 1925)

Đường này đi tới Đồn Rạch Bàng ở hướng Nam nên được đặt tên là "Đường Đồn Nam" (Route du Fort du Sud). Năm 1920, đường đổi tên là Jean Eudel. Đến thời độc lập mang tên Nguyễn Cư Trinh, nhưng chỉ vài tháng lại sửa tên là Trình Minh Thế, để tri ân vị tướng đã tử trận tại Cầu Tân Thuận khi giao tranh với lực lượng Bình Xuyên vào ngày 3 tháng 5-1955.  
Đứng nơi đầu đường gần Cầu Trình Minh Thế nhìn về bên trái ta thấy tòa Nhà Rồng nằm trong khu vườn cảnh trang trí bằng bồn hoa, cây xanh, các lối đi rộng rãi. Không xa lắm về phía bên phải ta thấy Bót Thương Khẩu hay Ty Cảnh sát Không Hải cảng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Thời Pháp thuộc là Bót Cảnh sát An ninh Thương Cảng. 

Nhà thờ Xóm Chiếu

Đến Ngã ba Đoàn Nhữ Hài, ta dừng chân trước cổng chính của Hãng Đầu Ngựa lúc xưa. Từ cổng này có đường thẳng ra bến cảng đi giữa các dãy nhà rộng, bên trái là các phòng hành chánh và quan thuế, bên phải là dãy kho hàng nằm song song nhau đến Đường Hoàng Diệu. Từ cổng nhìn qua Đường Đoàn Nhữ Hài, phía bên phải là Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Quận Tư, trước kia là Cảnh sát cuộc Quận Sáu. Phía bên trái là Tòa Hành chánh Quận Tư trước kia là Tòa Thị sảnh Quận Sáu, gần bên Khách sạn Rond-Point cũ. Trước năm 1920, Đường Đoàn Nhữ Hài (Fonck) cùng với Đường Nguyễn Trường Tộ (Heurtaux) đến đầu Cầu Mống được gọi chung là Đường Messageries Maritimes, là nẻo đường du khách đi tàu thủy thường dùng để ra vào Thương Cảng lúc Cầu Quay chưa mở.    Từ Đường Đoàn Nhữ Hài chúng ta tiếp tục đi về phía Ngã tư Hoàng Diệu. Dãy phố đối diện với Thương Cảng, suốt mấy mươi năm là nơi nhộn nhịp, đầy màu sắc, tập trung các khách sạn, quán bar, tiệm nước, nhà hàng, phòng khiêu vũ, tiệm may y phục… Từ chiều hôm đến đêm khuya khách vãng lai tấp nập làm cho khu phố thêm sinh động. Phần lớn họ là những quân nhân, thủy thủ thuộc nhiều quốc tịch. Ta có thể kể tên một vài nhà hàng hay vũ trường nổi tiếng: La Joliette (Thập niên 1920), Rond-Point (Thập niên 1930), Chez Joseph, Au Vieux Cambodge (thập niên 1950), Guillaume Tell (Thập niên 1960, 1970) v.v.
Đường sắt từ Cầu Trình Minh Thế khi đến gần Ngã tư Hoàng Diệu thì lượn theo đường cong hình chữ S chạy vào Thương Cảng. Bên kia góc ngã tư ta còn thấy một tháp nước cao, xây vào đầu thập niên 1970. Vào khoảng 1925, gần đấy có kho hàng của Hãng Xe hơi Citroën, xây trên nền cũ của Nhà máy Xay lúa Kien-Fat-Seng thuộc Công ty Denis Frères, hoạt động vào những năm 1890-1905.


Cầu Trình Minh Thế nhìn từ Nhà Rồng

Đường Hoàng Diệu kéo dài đến Rạch Cầu Chông, đoạn từ Trình Minh Thế đến Lê Quốc Hưng rộng như đại lộ, đi ngang Y viện Khánh Hội còn gọi là Bệnh viện Xóm Chiếu. Tiến thêm vài mươi bước ta đến Ngã ba Lê Văn Linh. Đường Lê Văn Linh to rộng gần bằng Đường Hoàng Diệu, chạy tới Chợ Xóm Chiếu, nay gọi là Chợ Khánh Hội. Các đường phố vây quanh nhà lồng chợ và Bệnh viện Xóm Chiếu thành hình vào những năm 1928-1930. 
 Qua khỏi Ngã ba Lê Văn Linh chừng 50 mét, rẽ vào đường hẻm phía bên trái ta đến Đình Khánh Hòa, xây năm 1937. Đây là ngôi đình "mới" của Khánh Hội, ngôi đình cũ nằm bên Rạch Bến Nghé đã bị phá hủy vào lúc Pháp đánh Thành Gia Định. Đến Ngã ba Tôn Đản, Đường Trình Minh Thế bẻ ngoặc sang bên trái, đi thẳng về phía Cầu Tân Thuận. Đường Tôn Đản chạy xuyên qua các khu xóm lao động đông dân cư, nối dài đến Bến đò Long Kiểng trên Kinh Tẽ. Đường này thành hình từ đầu thế kỷ XX, xưa là Đường Cần Giuộc rồi đổi thành Matelot Manuel trước khi thành Tôn Đản từ năm 1955. Phía bên trái của Đường Trình Minh Thế, đoạn từ Ngã ba Tôn Đản và Cầu Tân Thuận, là khu vực các kho hàng, có năm con đường chính cắt ngang chạy từ Trình Minh Thế ra Bến Thương Khẩu, đó là các đường: Ngô Văn Sở, Nguyễn Tử Nha, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Hiền, Trương Đình Hội. Ngoài ra Đường Trần Văn Dư (thành lập khoảng năm 1930, đặt tên là Antoine Rolland) là đường trục trong Thương Cảng có đường sắt nối dài từ phía Hoàng Diệu đến cuối Kho 11. Vì các đường này đều nằm trong Thương Cảng nên người dân không được sử dụng.
 Rời Ngã ba Tôn Đản ta tiếp tục rảo bước, phía bên trái ta nhận ra Công ty Đường và Nhà máy lọc Đường, tiếp giáp với Đường Ngô Văn Sở (Tên cũ là Immigrations, sau đổi là Jean Cailar). Đi khoảng vài phút nữa ta đến Ngã ba Đường Xóm Chiếu, nhìn về phía bên phải thấy Trường Trung học Công lập Nguyễn Trải. Gần đấy, bên trong khu vực Thương Cảng có Đường Nguyễn Tử Nha, trước kia mang tên là Église de Xóm Chiếu, từ 1920 đổi thành Đường La Fayette. Ngày nay những kho hàng và bãi đất nằm bên phải đường này đã xóa mất dấu vết của Nhà thờ Xóm Chiếu cũ. Lịch sử ngôi nhà thờ này bắt đầu từ những ngày Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Năm 1859 Đức Giám mục Lefèbvre quy tụ giáo dân lánh nạn đến Khánh Hội thành lập "Làng Đức Cha" bên bờ sông, xây tạm một ngôi nhà thờ bằng gỗ trên một miếu thành hoàng bỏ trống, đặt tên là "Nhà thờ Thánh giá". Đến 1866, Cha xứ Thiriet, nhân danh bổn đạo xin cấp đất xây Nhà thờ Xóm Chiếu tường gạch lợp ngói tại vị trí Đường Nguyễn Tử Nha nói trên. Khoảng 1925, chính quyền trưng dụng đất đai để xây các kho và bãi chứa hàng trong Thương Cảng, xứ đạo phải dời về mảnh đất gần Bến Tôn Thất Thuyết, xây ngôi nhà thờ mới khang trang hơn, chính là Nhà thờ Xóm Chiếu hiện nay. Di tích liên quan đến Họ đạo Xóm Chiếu cũ là nghĩa địa nằm bên kia
Đường Trình Minh Thế, gần Ngã ba Đường Nguyễn Xuân Ôn. Tên cũ của đường này là Cimetière de Xóm Chiếu, sau đổi là Mousquet. Vào những năm 1950 nghĩa địa này không còn được chăm sóc tươm tất nên có vẻ hoang tàn, những thập giá lung lay, xiêu đổ, cỏ dại tràn lấn, nước và bùn ngập sâu nên ít ai đến viếng mộ. 
 Đoạn cuối Đường Trình Minh Thế, chỗ đầu Cầu Tân Thuận, về phía bên phải có giao lộ chia thành nhiều ngã: Đường Nguyễn Thần Hiến đi ngang qua Trường Tiểu học Khánh Hội. Một đường nhỏ nối dài qua khu Xóm Chiếu tới Đường Đỗ Thanh Nhơn. Một đường  khác rẽ tay mặt, song song với Cầu Tân Thuận, chạy ra Bến Tôn Thất Thuyết. 

  Kinh Tẽ

 Bến Tôn Thất Thuyết dài gần 3 cây số, chạy dọc theo bờ Kinh Tẽ. Trên bến có vài địa điểm đáng kể như các Công ty: Chế tạo Đũa hàn, Sợi đay, Kỹ nghệ Bông vải, Thủy tinh… Ngoài ra còn có Trường Tiểu học Tôn Thất Thuyết, Kho của Tổng nha Thương Cảng, Sở Cứu hỏa, Kho Muối, Bảo sanh viện Khánh Hội, Bến Xà lan,… Kinh Tẽ được đào từ 1906 đến 1908, dài hơn 4 cây số, nhằm chia sẻ lưu lượng giao thông với Rạch Bến Nghé từ Chợ Lớn đi ra Thương Cảng Khánh Hội. Kinh Tẽ bắt đầu từ một khúc uốn của Rạch Bến Nghé chảy giữa hai làng Bình Yên và Tứ Xuân (gần Cầu Chữ Y hiện nay). Chỗ Kinh Tẽ cắt ngang Rạch Ong Lớn có một doi đất bị cô lập, ngày nay ta gọi là Cù lao Nguyễn Kiệu. Gần đến Sông Sài Gòn dòng kinh chuyển hướng, chảy theo đường thẳng góc với bờ sông tại Cửa Rạch Bàng, cạnh Đồn Nam thuở xưa. Từ khi đào Kinh Tẽ tuy ghe thuyền đi đường vòng xa hơn nhưng bù lại được lèo lái dễ dàng nhờ kinh rộng và tương đối thẳng hơn Rạch Bến Nghé. Lúc chưa xây Cầu Tân Thuận, bộ hành qua lại hai bờ Kinh Tẽ bằng chiếc đò máy. Cầu Tân Thuận hay Cầu Lăng Tô xây vào khoảng

Cầu Tân Thuận nhìn từ
Bến Tôn thất Thuyết (Khoảng 1950)
.
1926, gầm cầu cao, hai đầu cầu là dốc dài thoai thoải. Bên kia đầu cầu có đường quẹo sang trái đến Chợ Tân Thuận Đông gần đấy và một đường vòng dưới gầm cầu nối với  Đường Trần Xuân Soạn đến Cầu Hàn, chiếc cầu ngắn bắc qua một nhánh cũ của Rạch Bàng, nay gọi là Rạch Bàu Đồn.
             

Đồn Nam và Đồn Bắc

 Khi chưa đào Kinh Tẽ, Đường Jean Eudel kết thúc tại Ngã ba Đường Louis Gage (Trương Đình Hội). Nơi đây có chiếc cầu sắt bắc qua Rạch Bàng, nối với đường đi Tân Thuận Đông. Vùng này trước kia gọi là Láng Thọ, ta đọc theo người Pháp là "Lăng Tô", nơi đây có bờ sông rộng, cảnh đồng quê gió mát nên nhiều người thích đến dạo chơi. Bến Lăng Tô là doi đất vuông góc khá trống trải, rải rác vài căn nhà thuộc Thương Cảng, khu này ban ngày trời nóng nên thường vắng vẻ. Chỉ từ chiều hôm người Sài Gòn tấp nập đến giải khuây, hóng gió. Có quán cà phê cho khách dừng chân thả hồn mơ mộng. Người Pháp gọi nơi đây là "Mũi đất của khách nhàn du" (Pointe des flâneurs). Cách mũi đất chừng trăm mét còn một cây đa cổ thụ đứng ấp ủ ngôi miếu nhỏ, vị trí nền cũ của Đồn Rạch Bàng.
 Đồn Rạch Bàng (tức Đồn Thảo Câu hay Hữu Bình) và Đồn Cá Trê (tức Đồn Giác Ngư hay Tả Bình) đặt tại vị trí Nam và Bắc Sông Tân Bình (Sông Sài Gòn) trấn giữ đường vào Bến Nghé. Riêng Đồn Rạch
Bàng chiếm vị trí lợi thế hơn vì nằm ở phần lõm của bờ sông, có tầm quan sát xa rộng hơn Đồn Cá Trê. Cả hai đồn này đều được nhắc tới vào năm 1783 trong thời chiến tranh giữa Quân đội Chúa Nguyễn Ánh và Tây Sơn. Sau khi Chúa Nguyễn Ánh tái chiếm
Sài Gòn, hai đồn được tu bổ lại vào năm 1789, một năm trước khi cho đắp Thành Bát Quái (Thành Quy). Vào thời kỳ khởi nghĩa của Lê Văn Khôi năm 1833, một sợi dây sắt giăng ngang dòng sông, nối giữa hai đồn, nhằm chận chiến thuyền của triều đình.   Ngày 16-2-1859 hạm đội Pháp bắn phá Đồn Rạch Bàng và Đồn Cá Trê mà Pháp gọi là Đồn Nam và Đồn Bắc. Hôm sau Thành Phụng thất thủ. Pháp không đủ quân số để giữ Thành Phụng lại sợ Quân đội triều đình tái chiếm, khoảng 20 ngày sau họ cho đặt cốt mìn phá hủy, xong một số quân kéo về đóng tại Đồn Nam đã sửa chữa lại. Cuối năm 1859, Đề đốc Page lập "Phòng tuyến các chùa" hầu đề phòng sự phản công của lực lượng triều đình. Do đó Đồn Nam không còn là công sự phòng thủ mà trở thành căn cứ yểm trợ giao thông trên Sông Sài Gòn và trong nhiều năm sau còn dùng làm trại quân lao. Theo sơ đồ năm 1891, toàn khu quân sự này gần như có dạng chữ nhật, các cạnh đo được 208 và 115 mét. Mặt phía Bắc của đồn giáp bờ sông, ba mặt còn lại được các nhánh của Rạch Bàng và đầm lầy che chở. Trong nhiều năm tiếp theo đó Đồn Nam là giang cảng của Sở Quan thuế, nơi dàn khẩu pháo bắn chào mừng mỗi lần có tàu bè quan trọng vào Sông Sài Gòn. Khoảng 1920, Thương Cảng Khánh Hội mở rộng đến Kinh Tẽ, Đồn Nam bị san bằng không để lại một dấu vết nào.
 Đồn Bắc tức Đồn Cá Trê trấn ngự trên bờ sông đối diện, xuất hiện đồng thời với Đồn Nam để làm thế yểm trợ nhau, xưa chung quanh trồng nhiều cây mù u. Đồn này cũng dựa vào rạch và đầm lầy để phòng vệ. Kích thước của đồn ghi lại vào năm 1891 là 250 và 246 mét. Khi đặt ống thoát nước mưa dưới các tường đất người ta khám phá ra nền móng của Đồn Cá Trê được cấu tạo bằng những thân gỗ to đặt nằm trên lớp sình lầy rồi lấp đất lên. Về sau người Pháp biến Đồn Bắc thành kho dầu lửa của Sở Quan thuế. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, nơi đây là Trung tâm Huấn luyện Giang phòng Bảo an, thuộc Ấp An Lợi Đông, Phường Thủ Thiêm. 


Mỹ Phước Nguyễn Thanh
(Paris)
Nguồn: cothommagazine.com/CoThompdf/CT61/CT61E.pdf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...