Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

DINH GIA LONG

                      Dinh Gia Long cũng là một công trình lâu đời của Sài Gòn, nó được người ta để ý nhiều nhất sau sự kiện đảo chính 1 tháng 11 năm 1963 nhưng rồi sau đó ít lâu nó trở thành quên lãng mặc dù được sử dụng làm trụ sở Tối cao Pháp viện thời Việt Nam Cộng Hòa nhưng mỗi khi người dân đi qua đường Công Lý hay Gia Long ít có ai ngó vô tòa nhà này. Cũng như những bài viết trước tôi giới thiệu với các bạn về dinh Gia Long, về lịch sử của bản thân nó cũng như lịch sử đi theo nó cho tới năm 1975.

                    1. Lịch sử:

                   Tòa nhà này được khởi công xây dững vào năm 1885 và hoàn tất vào năm 1890 theo bản thiết kế của kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892). Lúc đầu dự tính làm viện bảo tàng thương mại cho nên vì thế tại sao hai bức tượng trang trí ở mặt tiền là hai vị thần Hermes và Mercure bảo trợ cho thương mại và các hình mỏ neo của tàu biển. Sau đó nó có tên là Palais du lieutenant-gouverneur hay Ex- palais du gouverneur de la Cochinchine hoặc Palais Lagrandiere. Ngay sau khi xây xong, tòa nhà lại được Thống đốc Nam kỳ Henri Eloi Danel (1850 - 1898) dùng làm tư dinh. Về sau, tòa nhà được sử dụng hẳn làm dinh Thống đốc hay còn gọi là dinh Phó soái (trước năm 1911).
                        Năm 1945, dinh Thống đốc nhiều lần đổi chủ. Sau khi quân Nhật tiến hành đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3, Thống đốc người Pháp Ernest Thimothée Hoeffel bị bắt; Thống đốc người Nhật là Yoshio Minoda sử dụng tòa nhà làm dinh thự.

                     Ngày 14 tháng 8, người Nhật giao lại dinh thự cho chính quyền Trần Trọng Kimcủa Đế quốc Việt Nam để làm dinh Khâm sai Đại thần Nam Bộ Nguyễn Văn Sâm.

Đến ngày 25 tháng 8, Việt Minh cướp chính quyền, bắt giam Khâm sai Nguyễn Văn Sâm và Đổng lý văn phòng phủ khâm sai Hồ Văn Ngà tại dinh khâm sai. Sau đó, dinh trở thành trụ sở Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ, gọi tắt là Lâm ủy Nam Bộ, rồi của Ủy ban Nhân dân Nam Bộ.

                   Ngày 10 tháng 9, Trung tá B. W Roe (phái bộ quân sự Anh) chiếm dinh làm trụ sở Phái bộ Đồng minh, buộc Ủy ban Nhân dân Nam Bộ phải dời về dinh Đốc lý.

                  Đến ngày 5 tháng 10, dinh được tướng Leclerc dùng làm Phủ Cao ủy Cộng hòa Pháp tạm thời. Sau khi Cao ủy Cộng hòa Pháp tại Đông Dương là Đô đốc Georges Thierry d'Argenlieu chọn dinh Norodom làm Phủ Cao ủy, thì dinh lại trở thành nơi làm việc của tướng Leclerc, nhưng lần này với danh nghĩa chính thức là trụ sở của Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt Nam.

               Sau khi tái chiếm Đông Dương, ngày 23 tháng 5 năm 1947, chính quyền Pháp đã bàn giao dinh cho Thủ tướng Lê Văn Hoạch để làm trụ sở chính phủ Nam kỳ quốc. Ngày 2 tháng 6 năm 1948, chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam được thành lập và dinh được sau đó chuyển thành dinh Tổng trấn (sau đổi thành Thủ hiến) Nam phần dưới quyền sử dụng của Thủ hiến Trần Văn Hữu.

              Tại đây, ngày 9 tháng 1 năm 1950, đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn của hơn 6000 học sinh-sinh viên và giáo viên các trường, yêu cầu thả ngay những học sinh, sinh viên bị bắt vô cớ trước đó. Lúc 13 giờ chiều ngày hôm đó, chính quyền của thủ hiến Trần Văn Hữu đã huy động một lực lượng lớn cảnh sát để đàn áp, bắt giữ 150 người, đánh 30 người trọng thương tại chỗ, học sinh trường Petrus Ký là Trần Văn Ơn đã bị trúng đạn tử thương. Sự kiện này đã dẫn đến đám tang Trần Văn Ơn ngày 12 tháng 1 năm 1950, có đến 25.000 tham gia.

               Sau Hiệp định Genève, Ngô Đình Diệm về Sài Gòn nhận chức thủ tướng. Vì dinh Norodom còn do Cao ủy Pháp là tướng Paul Ely đang sử dụng, nên dinh trở thành dinh Thủ tướng tạm thời từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 7 tháng 9 năm1954. Dinh cũng được Quốc trưởng Bảo Đại đặt cho tên mới là dinh Gia Long. Con đường La Grandìere trước mặt cũng được đổi tên thành đường Gia Long.

              Sau cuộc trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại năm 1955, Ngô Đình Diệm dùng tòa nhà này làm dinh Quốc khách. Ngày 27 tháng 2 năm 1962, dinh Độc Lập bị ném bom, Ngô Đình Diệm dời phủ tổng thống sang đây và ở đây cho đến ngày bị đảo chính lật đổ vào tháng 11 năm 1963.

             Trong thời gian 1964 –1965, dinh được dùng làm dinh Quốc trưởng. Ngày 31 tháng 10 năm 1966, khi dinh Độc Lập xây lại xong, tòa nhà này được dùng làm trụ sở của Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng hòa cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.


               2. Kiến trúc:
                Tổng diện tích của kiến trúc bao gồm một tòa nhà rộng hơn 1.700 m² gồm hai tầng của tòa nhà chính và tòa nhà ngang thiết kế theo phong cách cổ điển - phục hưng, kết hợp Âu - Á: mặt tiền của tầng lầu mang đường nét Tây phương, nhưng phần mái lại mang dáng dấp Á Đông. Bao quang khu nhà là một khuôn viên vườn hoa có hình dạng như một hình thang bao quanh bởi 4 con đường đã kể trên.

                  Do mục đích ban đầu của tòa nhà là Bảo tàng Thương mại trưng bày những sản vật trong nước, vì thế ở hai bên cửa chính có 2 cột trụ trang trí bằng hai tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp. Ngay phần chóp trên mái tam giác ở mặt phía trước được trang trí bằng một tượng đầu người nghiêm trang. Hai bên trang trí bằng các họa tiết đắp nổi như cành dương liễu, tràng hoa lá bao xung quanh, rắn khoanh tròn, hình tượng con gà tượng trưng cho ban ngày và chim cú tượng trưng cho ban đêm ở hai góc, một vòng hào quang phía sau đầu tượng.

                Nhiều họa tiết khác đắp nổi trên mái là sự kết hợp giữa các biểu tượng thần thoại Hi Lạp và hình tượng cây cỏ và thú vật vùng nhiệt đới như họa tiết thằn lằn và chim cao cẳng chuyển động bằng cách uống cong hoặc xòe cánh.

Năm 1943, Thống đốc Nam Kỳ Ernest Thimothée Hoeffel lại cho phá bỏ hai tượng nữ thần tại cửa chính của dinh để xây dựng một mái hiên.

                Ngày 27 tháng 2 năm 1962, dinh Norodom (tức dinh Độc Lập) bị lực lượng đảo chính ném bom, Tổng thống Ngô Đình Diệm dời về dinh dinh Gia Long và cho xây dựng hầm bí mật trong dinh. Theo hồ sơ lưu trữ, hầm được xây dựng từ tháng 5 tháng 1962 đến tháng 10 năm 1963 thì xong, với tổng kinh phí 12.514.114 đồng lúc bấy giờ, và theo bản thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.


            3. Tiểu sử của Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892):
            Sinh ra ở Mauzun (Puy-de-Dome) vào ngày 23 tháng 9 năm 1840, Foulhoux học kiến ​​trúc tại École des Beaux-Arts ở Paris 1862-1870 và sau đó trở thành một Thanh tra kiến ​​trúc của công ty hỏa xa Paris ở Lyon và ở Địa Trung Hải (PLM), một trong những công ty đường sắt tư nhân quan trọng nhất ở Pháp.

               Năm 1874, ông rời Sài Gòn, nơi mà trong năm sau, ông đã gặp Paulin Vial là Giám đốc công trình dân sự. Sau đó, vào năm 1879, sau khi thành lập chế độ dân sự đầu tiên ở Nam Kỳ dưới quyền Thống đốc Charles Le Myre de Vilers, Foulhoux được bổ nhiệm làm Kiến trúc sư trưởng, cho phép ông tập trung hoàn toàn vào những gì ông đã làm tốt nhất - thiết kế tòa nhà dân sự cho các thuộc địa.

               Năm 1892 ông mất và được an táng tại nghĩa trang  Massiges ở Sài Gòn sau này là nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi.



                                             Mộ của Marie-Alfred Foulhoux






Dinh Gia Long theo thiết kế ban đầu với

hai tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp ở cửa chính





Một số hình về Palais du lieutenant gouverneur




Một số hình về dinh Gia Long thời VNCH

                        4. Đường hầm trong dinh và cuộc đảo chính 1 tháng 11 năm 1963:
                            Ngày 27/2/1962, xảy ra vụ đảo chính, ném bom Dinh Độc Lập mưu sát gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm. Mặc dù cuộc mưu sát không thành nhưng sự kiện này khiến Ngô Đình Diệm lo sợ cho số phận của mình.
                       Ông ta liền dời về Dinh Gia Long và quyết định cho xây dựng một đường hầm bí mật để trú ẩn. KTS Ngô Viết Thụ được Ngô Đình Diệm tin cẩn giao cho việc vẽ bản thiết kế xây dựng đường hầm này. Sau khi KTS Ngô Viết Thụ sang Mỹ, Kỹ sư Phan Đình Tăng- Giám đốc Nha Kiều lộ là người duy nhất được giao nhiệm vụ thi công, kiểm soát nghiên cứu lại đồ án và hoàn tất bản vẽ.
                       Hầm được nhà thầu Trương Đăng Khoa xây dựng từ tháng 5/1962, đến ngày 30/10/1963 thì hoàn tất với tổng kinh phí là 12.514.114 đồng (tiền thời đó). Hầm được đào sâu xuống mặt đất 4 m, đúc bằng xi măng cốt sắt (170kg sắt/m3 bê tông), tường dày 1 m.
                   Với thiết kế này, các lọai trọng pháo và bom 500kg nếu có oanh tạc vào dinh cũng không làm sập hầm. Hầm có 6 cửa bằng sắt, đóng mở bằng cách xoay một bánh lái như cửa tàu thủy, phía trong còn có chốt sắt thật lớn để cài khi có sự cố.
Phần mặt đất phía trên nắp hầm được ngụy trang bằng những chậu cây cảnh. Trong hầm có hệ thống thông gió, hệ thống điện thắp sáng, hệ thống nước sạch và cống dẫn nước thải, nước mưa.
                   Tổng diện tích mặt bằng hầm là 1392,3m2 (30,6x45,5). Từ trên xuống hầm theo 2 đường cầu thang A (hướng đường Công Lý) và cầu thang B (hướng đường Pasteur). Theo đường cầu thang A xuống gặp 2 phòng liền nhau: Phòng khách và phòng vệ sinh.
                 Theo đường cầu thang B xuống gặp phòng máy đèn. Từ phòng này đi xuống gặp ngay phòng của Ngô Đình Nhu và kế bên là phòng Ngô Đình Diệm với diện tích 17m2.
Phòng Ngô Đình Diệm đặt 1 chiếc bàn vuông, một cái bệ nhỏ và hệ thống thông tin liên lạc. Hầm có lối ra một lô cốt hướng đường Công Lý và 6 lỗ thông gió, 2 lỗ thoát nước bẩn.
            Do yêu cầu bí mật, các giấy tờ liên quan đến việc xây dựng hầm trước ngày 11/11/1963 (ngày Ngô Đình Diệm bị lật đổ) đều tránh nêu từ “Hầm” mà chỉ là “Công tác xây cất ở Dinh Gia Long).
             Hầm được xây trong thời gian gấp rút nên chưa trang bị các vật dụng tiện nghi. Thậm chí, đến khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, một hạng mục rất cần thiết có trong dự trù vẫn chưa hoàn thành, đó là hệ thống máy quạt để điều hoà không khí dù máy quạt đã được nhập về để ở Sở Nội dịch.






             Ngày 1/11/1963, quân đảo chính đã tấn công vào hầm. Tại đây còn một lá cờ trắng, một số tài liệu viết tay ghi lại những cuộc điện đàm tại phòng của Ngô Đình Diệm.
6 giờ 45 phút ngày 2/11/1963, Dinh Gia Long thất thủ. Đúng vào thời điểm này, Diệm và Nhu đang cầu kinh tại nhà thờ Francisco Xavier (Nhà thờ Cha Tam).
           Do có mật báo nên vài phút sau đó, quân đảo chính đã cho chiếc M.113 đến nhà thờ Cha Tam. Diệm – Nhu bị trói đưa lên xe rồi bị đánh đập và bị bắn chết.
          Chỉ huy đánh vào dinh Gia Long lúc đó là đại tá Nguyễn Văn Thiệu sư trưởng sư đoàn 5.






           Tôi còn nhớ không khí ngày hôm đó. Sáng tôi đi học về thì thấy lính bao vây ngăn tại ngả tư Tự Đức - Đinh Tiên Hoàng rất đông. Bọn con nít tụi tôi ra đứng xem chẳng biết chuyện gì cả khi những người lính này chặn bắt tất cả lính bảo vệ thành Cộng Hòa; thì vào khoảng 15 giờ tiếng súng vang lên ở phía đài phát thanh Sài Gòn rồi sau đó vang lên khắp nơi. Tất cả mọi người đang đứng xem chạy tán loạn vào núp trong nhà. Đạn súng cối và đại bác bắn từ phía xa lộ Biên Hòa liên tiếp bay vào thành Cộng Hòa. Khoảng 16 giờ có hai chiếc A1 bay vào thì bị quân đảo chính bắn lên nhưng sau đó được nhận diện là cùng một phe. Hai chiếc này quần trên cư xá Thành Tín góc Hồng Thập Tự - Nguyễn Bĩnh Khiêm rôi bỏ bom napalm xuống. Cả khu vực tôi ở điện bị cúp hoàn toàn. Đến sáng 2 tháng 11 thù cuộc đảo chính đã thực hiện xong. Khu vực bờ tưởng sân Hoa Lư đối diện qua thành Cộng Hòa bị pháo làm sập tan nát; pháo cũng làm sập một khoảng tường của thành Cộng Hòa mà sau này là đường Cường Để bên hông đài truyền hình Sài Gòn. Còn trường Lamartine nơi tôi đang học thì bị phá hủy hoàn toàn.

            (Nguồn historicvietnam.com do Tim Doling viết, Wikipedia và các trang mạng khác)
                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...