Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

KÝ ỨC CÒN LẠI

          Khi tôi viết những dòng này thì 36 năm đã trôi qua, nhìn lại tóc đã bạc nhưng bạn học cũ thì vẫn biền biệt để gởi một lời thăm hỏi. Sau cái ngày định mệnh đó, các bạn trong lớp 12B và tôi rời trường. Tôi vẫn còn nhớ cái không khí cuối cùng ấy tại nhà của cô bạn Phương Dung học sau tôi 4 lớp tại đường Pasteur. Lúc đó tôi có ý định không theo học ở trường nhạc nữa nhưng các bạn tôi khuyên: “ Mầy đã có trường chuyên môn để học rồi thì đừng bỏ chứ tụi tao chẳng biết còn được tiếp tục đi học nữa không?”. Thế rồi tôi nghe theo lời bạn tiếp tục đi học và tốt nghiệp ra trường năm 1977 và về Tiền Giang tới giờ.         
Rồi thời gian dần trôi qua, các bạn học của tôi lần lượt bỏ xứ mà đi, tôi lần lượt mất đi các bạn. Tôi nhớ có lần tôi ghé nhà Mai Hương trong đêm giao thừa, cũng là lúc Mai Hương chuẩn bị rời Việt Nam, tôi buồn lắm nhưng cũng chẳng biết nói lời gì cả; rồi lần lượt đến anh Đỗ Mạc Lô cũng ra đi. Nhiều lúc tôi về Sài Gòn, tôi đi suốt đêm ngoài đường vì hầu như không còn bạn bè nào nữa, họ đã đi hết rồi. Như vậy cuối cùng tôi còn 3 người bạn học chung lớp còn lại ờ Việt Nam là anh Hồ Tuấn Ngọc ở Cần Thơ, anh Lê Quang Minh và anh Quan ở Sài Gòn. Anh Ngọc thì mất năm 1995 vì bệnh gan, anh Quan thì biệt tích không biết giờ này anh ở đâu làm gì còn anh Minh thì bị tai biến năm 2007 vì chuyện buồn gia đình. Sở dĩ tôi phải dài dòng là vì tôi muốn giới thiệu sơ lược về lớp tôi và bản thân tôi, sau đây tôi sẽ kể cho các bạn về ngôi trường của chúng ta mà những gì ký ức của tôi còn nhớ được.

1.NHỮNG LỚP “PILOTE” VÀ SỰ RA ĐỜI TRUNG TÂM GIÁO DỤC LÊ QUÝ ĐÔN
Tôi mới đầu học ở trường Lamartine (cạnh hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước mặt sở thú) đến cuối năm 1963 khi cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, trường bị hư hại hoàn toàn do nằm cạnh thành Cộng Hòa. Tụi tôi được chuyển sang trường Saint ex, rồi Collette và Marie Curie để học tạm. Đến năm 1966, tôi được chuyển qua J.J.Rousseau vào lớp 8­e C. Năm 1967 chính quyền Pháp dưới thời De Gaulle quay sang ủng hộ Hà Nội, lên án Mỹ và rút khỏi khối Nato đã tạo ra cuộc biểu tình chống Pháp tại Việt Nam dưới cái tên là “A bat De Gaulle”. Việc biểu tình này đã khiến cho Pháp buộc phải trả lại cho chính phủ sài Gòn trường J.J.Rousseau và Hồng Bàng, thế là các học sinh trung học thì được chuyển sang trường Marie Curie còn các học sinh tiểu học thì ở lại chuyển sang chương trình Việt. Và các lớp học đó được gọi là lớp “Pilote”, hồi đó tụi tôi gọi đùa là lớp dạy phi công vì chữ pilote có nghĩa đen là phi công nhưng thực tế là lớp chuyển tiếp.
Đến năm 1967, trường chính thức mang tên Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn nhưng phải đợi đến năm 1969 mới làm lễ chính thức. Vị hiệu trưởng là ông Phan Văn Huấn nguyên là hiệu trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho đặc cách về. Ông Huấn người da ngăm đen, tướng thấp đi xe Mobylette màu vàng 2 gọng. Trường trở thành thí điểm của Bộ Giáo dục và Thanh niên thực hiện chương trình giáo dục tổng hợp nghĩa là ngoài các môn đã dạy ở bậc trung học, chúng tôi còn phải học các môn như: Doanh thương, Vẽ kỹ nghệ họa, thuyết trình trước đám đông, đánh máy, điện gia dụng, âm nhạc, hội họa, nữ thì học thêm môn nữ công gia chánh. Riêng hai môn Sử và Địa được gộp chung tên là Kiến thức tổng hợp. Thời gian học thì nghỉ 2 buổi nghỉ ngày thứ năm và chủ nhật. Chương trình thực hiện được 2 năm thì đình chỉ vì không có ngân sách để trang bị và xây dựng nên quay trở lại chương trình bình thường. Trường Lê Quý Đôn tự dưng vươn lên thành ngôi trường số một của Sài Gòn hơn hẳn trường Petrus Ký. Trường trở thành nơi các COCC học nhiều nhất, tôi bây giờ chỉ còn nhớ một số như: Nguyễn Cao Thắng, Nguyễn Cao Trí con của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Khắc Dũng, Nguyễn Thiên Hương con của tư lệnh CSQG Nguyễn Khắc Bình, Lữ Thị Anh Thư con tướng Lữ Lan, Nguyễn Bá Long cháu chủ tịch thượng viện Nguyễn Bá Cẩn, con của Phạm Sanh chủ tịch ngân hàng Nam Việt, con của thứ trưởng giáo dục, ngoài ra con các sĩ quan, viên chức khác thì vô số.
Thời gian sau thì ông Hồ Văn Thể về làm hiệu trưởng, ông này có con là Hồ văn Bạch cũng học tại trường chung lớp với tôi. Đây cũng là thời gian xảy ra vụ lùm xùm giữa cô Hồ Ngọc Tùng với ông Hồ Văn Thể được báo lá cải Trắng đen đang gần cả tháng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...